1. Vì sao Cardano (ADA) ra đời?
Khi một người bình thường bắt đầu tìm hiểu về blockchain và cryptocurrency, đều gặp phải khó khăn đầu tiên là một lượng lớn các dự án trải dài khắp mọi nơi. Nhưng dự án nào trong số chúng tạo ra sự khác biệt quan trọng cho tương lai của xã hội? Chúng mang lại điều gì và vấn đề nào mà những dự án này đang cố gắng giải quyết?. Hãy lùi lại và nhìn về lịch sử của blockchain và crypto.
Bitcoin – blockchain thế hệ thứ nhất
Ra đời năm 2009, Bitcoin được thiết kế để là một hệ thống không cần tin tưởng bất kỳ ai (trustless) cho các giao dịch toàn cầu, cung cấp một hình thức tiền tệ phi tập trung, có số lượng hữu hạn và quan trọng nhất, hệ thống được kiểm soát bởi mọi người trên một mạng lưới phi tập trung thay vì một thực thể quyền lực. Các đặc điểm chính định nghĩa mạng lưới Bitcoin là:
- Phân tán: khác với các cơ sở dữ liệu truyền thống kiểm soát dữ liệu của người dùng, bất kỳ máy tính nào trên thế giới cũng có thể truy cập blockchain của Bitcoin trực tuyến và xem lại hồ sơ của tất cả các giao dịch.
- Bảo mật nhờ mã hoá: mọi giao dịch được ghi lại trong blockchain của Bitcoin đều được mã hoá và xác thực để đảm bảo tính chính xác, toàn vẹn và hợp lệ của các giao dịch.
- Không thể thay đổi: dữ liệu được thêm vào blockchain của Bitcoin là bất biến, không thể thay đổi hoặc xóa.
Tuy nhiên, Bitcoin, dù cho phép mọi người gửi tiền mà không đi qua tổ chức trung gian, đã bộc lộ một số hạn chế theo thời gian. Khi các nhà phát triển muốn tạo ra các luồng thanh toán phức tạp hơn, họ cần phải tạo ra các giao thức của riêng mình trên Bitcoin, lý do là Bitcoin chỉ cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán tài chính thông thường, cùng đó, không gian công nghệ hạn chế (1MB/block) so với nhu cầu của xã hội.
Nếu Bitcoin được so sánh với website vào những năm 90, thì giống như bạn cần mang JavaScript vào để mở rộng khả năng của chúng. Các developers và cộng đồng cần một cái gì đó nhiều hơn trong blockchain để đạt được khả năng mở rộng, và đó là lý do tại sao các blockchain thế hệ thứ hai ra đời.
Ethereum – blockchain thế hệ thứ hai
Vào năm 2014, Vitalik Buterin và Charles Hoskinson – đồng sáng lập của Cardano sau này, cùng những nhà lập trình khác đã ra mắt blockchain thế hệ thứ hai đầu tiên, được biết đến với tên gọi Ethereum. Đổi mới đột phá của Ethereum là khả năng kết hợp hạ tầng tính toán của một máy tính lưu trữ với một blockchain phân tán, từ đó tạo ra một hệ thống máy tính đơn trạng thái, phân tán trên toàn thế giới (singleton). Nói một cách đơn giản, Ethereum nhằm mục đích phục vụ như là “máy tính của thế giới”.
Ethereum đã đưa nhiều công nghệ mới vào không gian blockchain. Công nghệ phổ biến nhất là một ngôn ngữ hợp đồng thông minh Turing-complete gọi là Solidity, cho phép một chương trình chạy bất kỳ thuật toán nào trên blockchain, mặc dù trong thực tế, có những hạn chế kỹ thuật, chẳng hạn như bộ nhớ.
Từ đó, thúc đẩy sự ra đời của tài sản kỹ thuật số do người dùng định nghĩa trên blockchain Ethereum, thường được gọi là “tokens”, nơi chúng sở hữu các thuộc tính bảo mật giống như ETH (crypto trên Ethereum). Với sức mạnh của hợp đồng thông minh, câu chuyện của Ethereum đã phát triển theo thời gian: từ máy tính thế giới, token ứng dụng, các bộ sưu tập , gọi vốn qua crypto-crowdfunding crypto (ICO và STO) đến hệ thống tài chính mở.
Mặc dù các khái niệm đổi mới được đưa ra bởi blockchain thế hệ thứ hai, một số vấn đề nổi tiếng từ thế hệ đầu tiên vẫn tồn tại, như khả năng mở rộng của giao dịch (chuyển thành vấn đề về khả năng mở rộng và bảo mật của hợp đồng thông minh) cũng như sự bền vững của chuỗi.
Điều này khiến mọi người đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với một dự án sau khi ICO hoặc vốn đầu tư cạn kiệt? Ai sẽ tài trợ cho sự phát triển tiếp theo của blockchain, và làm thế nào bạn biết rằng nó sẽ tồn tại, phát triển và mang lại giá trị cho hàng thập kỷ thay vì chỉ vài năm?
Điều đó thúc đẩy sự ra đời của các blockchain thế hệ thứ 3 mà tiêu biểu là Cardano.
2. Cardano là gì ?
Năm 2017, tất cả các dự án đều ào ạt đi theo mô hình ICO (Initial Coin Offering – hình thức mở bán crytpto lần đầu), thì ở Nhật Bản, một dự án blockchain dựa trên nền tảng nghiên cứu khoa học, với 2 năm từ 2015 đến 2017 chỉ để dành cho việc xác định “xây dựng một blockchain bền vững” theo cách nào cho chính xác được triển khai. Mặc dù, dự án cũng tổ chức ICO, nhưng đó là một đợt ICO vô cùng nghiêm ngặt với các công tác kiểm tra, KYC,…Khi đám đông đang hưng phấn với các ý tưởng mỹ miều, Cardano ra đời hết sức tĩnh lặng nhưng đầy chắc chắn, mạnh mẽ.
Nguồn gốc tên gọi Cardano
Nền tảng Cardano (ADA) được đặt theo tên nhà toán học và bác học người Italy, Gerolamo Cardano. Một điểm thú vị khác, đồng ADA là native token trên blockchain Cardano, được đặt tên theo nhà toán học người Anh, Ada Lovelace, con duy nhất của nhà thơ nổi tiếng Lord Byron.
Ada Lovelace là một nhà toán học và nhà văn xuất chúng, được xem như một trong những lập trình viên máy tính đầu tiên trong lịch sử loài người. Lovelace đã nhận ra tiềm năng toán học của máy tính từ sớm và đã xuất bản thuật toán đầu tiên vào năm 1843 mà một cỗ máy có thể thực hiện. Người ta nói rằng nếu không có công trình của Lovelace, máy tính ngày nay có lẽ đã không tồn tại.
Như là một sự tôn vinh, đơn vị nhỏ nhất của 1 ADA (0.000001 ADA) được gọi là “Lovelace,” tương tự như đơn vị chia nhỏ nhất của Bitcoin được gọi là 1 Satoshi (0.00000001 BTC) để tôn vinh người sáng lập Satoshi Nakamoto.
Các tổ chức sáng lập Cardano
Cardano được khởi xướng vào năm 2015 bởi người Charles Hoskinson, đồng sáng lập của Ethereum và BitShares, người đã rời Ethereum sau một cuộc tranh luận về định hướng phát triển. Cardano được duy trì bởi một nhóm ba tổ chức khác nhau – Cardano Foundation, Input Output Hong Kong (IOHK) và Emurgo. Vào năm 2017, ADA – cryptocurrency trên blockchain Cardano chính thức được ra mắt khi làn sóng ICO đang ở đỉnh điểm.
Ba tổ chức nổi bật kiến tạo blockchain Cardano bao gồm:
- IOHK (nay là IOG): tổ chức do Hoskinson và Jeremy Wood sáng lập, chuyên tập trung vào việc xây dựng các giải pháp cơ sở hạ tầng blockchain có độ bảo mật cao cho các cá nhân, cộng đồng và chính phủ với sản phẩm tiêu biểu nhất là Cardano.
- Cardano Foundation: là một tổ chức blockchain và tiền mã hóa có trụ sở tại Zug, Thụy Sĩ, với sứ mệnh cốt lõi là “chuẩn hóa, bảo vệ và quảng bá” công nghệ của Cardano.
- Emurgo: là một tổ chức toàn cầu nhằm hỗ trợ các nhà phát triển, startups và doanh nghiệp trong việc phát triển các giải pháp blockchain. Emurgo được xem là công ty chị em của IOHK.
Cardano là gì ? – Blockchain đến từ nghiên cứu khoa học
Cardano là một blockchain Proof of Stake (PoS) được xây dựng trên nền tảng học thuật đầu tiên, mã nguồn mở (open-source), phi tập trung, được tạo ra nhằm mục đích giải quyết những hạn chế của Bitcoin (blockchain thế hệ thứ nhất) và Ethereum (blockchain thế hệ thứ hai) về:
- Khả năng mở rộng (Scalability)
- Khả năng tương tác (Interoperability)
- Sự bền vững (Sustainability)
Cardano có kiến trúc theo lớp, sử dụng mô hình sổ cái EUTXO (extended unspent transaction output), hỗ trợ hợp đồng thông minh(smart contract), cho phép tạo ra một nền tảng toàn diện, có khả năng giải quyết vấn đề tính toán và khả năng mở rộng mà không cần phải hy sinh tính bảo mật. Bên cạnh đó, chuỗi cũng giới thiệu các công nghệ và khái niệm mới cùng một hệ thống quản trị dân chủ cho phép dự án phát triển theo thời gian và tự duy trì một cách bền vững thông qua một hệ thống ngân quỹ tiên tiến.
Triết lý của Cardano tập trung vào việc giải quyết những vấn đề trên thông qua các công nghệ kỹ thuật cao và nghiên cứu học thuật được đánh giá ngang hàng (peer-reviewed). Vì vậy, Cardano có mối quan hệ đối tác với các học giả từ các trường đại học hàng đầu, như Đại học Edinburgh, Đại học Athens, Viện Công nghệ Tokyo,…. Đội ngũ phát triển của Cardano bao gồm một tập hợp lớn các kỹ sư và nhà nghiên cứu hàng đầu trên khắp thế giới.
3. Lộ trình phát triển của Cardano
Roadmap của Cardano được chia thành năm kỷ nguyên: Byron, Shelley, Goguen, Basho và Voltaire. Mặc dù mỗi kỷ nguyên có một trọng tâm riêng nhưng chúng không diễn ra một cách tuần tự mà được phát triển song song. Ví dụ, khi kỷ nguyên Byron được triển khai thì các công việc phát triển cho kỷ nguyên Shelley cũng được thực hiện. Điều này giúp Cardano đạt được sự chuyển tiếp mượt mà giữa các kỷ nguyên, ít rủi ro và không gây gián đoạn hoạt động trên chuỗi.
Kỷ nguyên Byron (2017-2020)
Tên của kỷ nguyên đầu tiên này được đặt theo tên cha của Ada Lovelace, nhà thơ người Anh – Lord Byron. Nền tảng Cardano đánh dấu sự ra đời qua việc cho phép mọi người giao dịch crypto ADA, với trái tim của mạng lưới là cơ chế đồng thuận Ouroboros.
Đây là giao thức Proof of Stake đầu tiên được chứng minh là an toàn theo toán học, dựa trên nền tảng nghiên cứu học thuật được đánh giá ngang hàng (peer-reviewed). Mặt khác, kỷ nguyên Byron cũng chứng kiến sự ra đời của các ví Daedalus (phiên bản ví desktop chính thức từ IOHK) và Yoroi (phiên bản ví nhẹ được Emurgo phát triển).
Bên cạnh đó, mặc dù kỷ nguyên Byron chú trọng vào các phát triển công nghệ nền tảng, nó đã thu hút mọi người tham gia và xây dựng một cộng đồng Cardano rộng lớn. Cardano đã phát triển từ một nhóm nhỏ các nhà nhiệt huyết thành một cộng đồng toàn cầu, với ADA được giao dịch trên hơn 30 sàn giao dịch và giá trị vốn hóa hàng chục triệu USD, khiến nó trở thành một trong những đồng tiền mã hóa hàng đầu trên thế giới.
Kỷ nguyên Shelley (2020-2021)
Kỷ nguyên thứ hai – Shelley, được đặt theo tên của một nhà thơ nổi tiếng người Anh khác. Shelley được thiết kế song song với kỷ nguyên Byron và sự chuyển tiếp được diễn ra mượt mà vào quý đầu tiên của năm 2020 nhờ công nghệ Hark fork Combinator, chuyển đổi từ cơ chế từ cơ chế đồng thuận Ouroboros Classic sang Ouroboros Byzantine Fault Tolerance.
Kỷ nguyên này bao gồm những bước đầu tiên trong hành trình của Cardano nhằm tối ưu hóa sự phi tập trung và giống như bất kỳ áp dụng nào trước đó, Cardano luôn chọn sự vững chắc. Trong kỷ nguyên Byron, mạng lưới được thiết kế dưới dạng liên kết, nhưng đến với kỷ nguyên Shelley, các node (nút) sẽ dần chuyển sang được vận hành bởi cộng đồng. Khi đa số node được vận hành bởi các thành viên trên mạng lưới, Cardano sẽ trở nên phi tập trung hơn và từ đó, tăng cường bảo mật và độ vững chắc.
Kỷ nguyên Shelley cũng giới thiệu một mô hình uỷ thác cho các Stake Pool Operator (SPO), nơi phần thưởng từ hệ thống được phân bổ cho các nhà vận hành và tới tay người uỷ thác ADA một cách công bằng, minh bạch theo giao thức định sẵn. Mô hình này được thiết kế theo lý thuyết trò chơi (game theory) cùng các nghiên cứu học thuật tiên tiến nhất về hệ thống PoS, và dĩ nhiên, cũng được peer-reviewed như các bài viết khoa học khác. Bên cạnh đó, kỷ nguyên này cũng mang đến chức năng khoá (lock) tài sản qua hark fork Allegra, hỗ trợ native token qua hard fork Mary.
Native token: là loại token có mọi đặc tính kỹ thuật tương tự crypto của chuỗi (trên Cardano là ADA), nói một cách đơn giản, ngoài việc gửi và nhận token, người dùng có thể tương tác với các token mà không cần sử dụng hợp đồng thông minh.
Shelley kéo dài đến đầu năm 2021, tạo tiền đề cho các kỷ nguyên tiếp theo thông qua một mạng lưới hoàn toàn phân tán, các chức năng để sẵn sàng triển khai hợp đồng thông minh (smart-contract).
Kỷ nguyên Goguen (2021-2022)
Kỷ nguyên Goguen được đặt theo tên của Joseph Goguen, một nhà khoa học máy tính người Mỹ, nổi tiếng với những thành tựu về phương pháp chính quy. Công việc trên Goguen đã được tiến hành song song trong thời gian kỷ nguyên Shelley. Goguen nhằm mục đích đưa hợp đồng thông minh vào mạng lưới, cho phép người dùng tạo và thực thi các smart contract một cách bảo mật và chắc chắn, từ đó mang đến khả năng xây dựng các dApps trên chuỗi.
Kỷ nguyên Goguen mang đến Plutus, một nền tảng ngôn ngữ phát triển và thực thi hợp đồng thông minh chuyên biệt dựa trên ngôn ngữ lập trình chức năng Haskell. Plutus cho phép một cơ sở mã hỗ trợ cả các thành phần on-chain (trên chuỗi Cardano) và off-chain (ngoài chuỗi), cải thiện tính nhất quán và khả năng phát triển so với các cách triển khai hợp đồng thông minh hiện có. Plutus được giới thiệu trong kỷ nguyên Goguen là phiên bản Plutus V1.
Bên cạnh đó, Marlowe được xây dựng nhằm làm cho Cardano dễ tiếp cận hơn với nhiều đối tượng, đặc biệt là các chuyên gia tài chính và doanh nghiệp không có kiến thức lập trình có thể tạo hợp đồng thông minh. Marlowe là một ngôn ngữ cấp cao, chuyên biệt cho hợp đồng tài chính được xây dựng trên Plutus.
Marlowe đi kèm với Marlowe Playground, một nền tảng xây dựng ứng dụng dễ sử dụng mà người dùng chỉ cần kéo-thả để xây dựng hợp đồng thông minh tài chính. Từ đó, đơn giản hóa quá trình tạo smart contract cho các ứng dụng tài chính, cho phép một cách mới mẻ của hợp đồng thông minh cấp doanh nghiệp với những chức năng được xác minh, có tiềm năng triển khai quy mô lớn trong thế giới thực.
Kỷ nguyên Basho (2022-2023)
Kỷ nguyên Basho, đặt theo tên của một nhà thơ Nhật Bản nổi tiếng, tập trung vào tối ưu hiệu suất, khả năng mở rộng và tương tác. Từ đó, hỗ trợ tốt hơn sự tăng trưởng và áp dụng cho các ứng dụng với khối lượng giao dịch cao.
Kỷ nguyên này mang đến phiên bản ngôn ngữ lập trình Plutus V2 với nhiều cải tiến giúp tinh gọn các smart contract, đồng nghĩa với ít lỗi có thể xảy ra và giảm phí. Bên cạnh đó, công nghệ Diffusion Pipelining giúp cải thiện khả năng mở rộng trên chuỗi chính.
Diffusion Pipelining: thay vì chờ đợi sự xác thực hoàn toàn của một khối trước khi phát tán nó đến các nút khác trong mạng (một quá trình có thể tạo ra độ trễ đáng kể), Diffusion Pipelining cho phép khối được lan truyền một cách dần dần và song song với quá trình xác thực của nó mà không ảnh hưởng đến khả năng bảo mật và toàn vẹn của chuỗi.
Basho cũng giới thiệu mô hình sổ cái accounting (tài khoản) chạy song song với mô hình UTXO trên chuỗi Cardano. Điều này mang đến khả năng hỗ trợ và chuyển đổi giữa mô hình UTXO và mô hình Accounting khi sử dụng sidechains. Kết quả sẽ là tăng khả năng tương tác cho Cardano, cũng như khả năng hỗ trợ nhiều hình thức sử dụng mới trên mạng lưới.
Công việc với Basho vẫn đang được tiếp diễn với nhiều công nghệ đang được phát triển: Hydra, Mithril cùng với những nghiên cứu đột phá khác như Input Endorsers.
Kỷ nguyên Voltaire (2023-nay)
Kỷ nguyên cuối cùng trên Cardano được đặt theo tên của nhà triết học Pháp nổi tiếng thời đại Khai sáng, Voltaire. Kỷ nguyên này sẽ cung cấp những phần cuối cùng cần thiết để mạng Cardano trở thành một hệ thống tự duy trì (self-sustaining system). Với việc giới thiệu một hệ thống bỏ phiếu và quỹ dự trữ, các thành viên trên mạng lưới có thể sử dụng cổ phần và quyền bỏ phiếu để tác động đến sự phát triển trong tương lai của mạng.
Để mạng Cardano trở nên thực sự phi tập trung, chuỗi sẽ cần không chỉ cơ sở hạ tầng phân tán được xây dựng từ các kỷ nguyên trước đó mà còn cần khả năng được duy trì và cải thiện theo thời gian một cách phi tập trung. Để thực hiện điều này, kỷ nguyên Voltaire sẽ thêm các khả năng cho các thành viên trình bày các đề xuất phát triển Cardano và được bỏ phiếu bởi các bên liên quan, tận dụng quy trình staking và ủy quyền đã tồn tại.
CIP-1694 được xây dựng để bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào công tác quản trị trên Cardano, bên cạnh đó, các tính năng của governance on-chain được thử nghiệm trên mạng SanchoNet. Về hạ tầng kỹ thuật, phiên bản ngôn ngữ lập trình Plutus V3 hỗ trợ mã hoá trực tiếp các loại dữ liệu khác nhau và cập nhật các tập lệnh về ngữ cảnh cho các chức năng quản trị thuộc CIP-1694. Tuy nhiên, quá trình triển khai governance on-chain là một hành trình khó khăn và dài hạn, trước mắt, Cardano sẽ triển khai phiên bản đầu tiên của Hiến pháp khả thi tối thiểu.
Khi cả hệ thống quản trị đi vào quỹ đạo, Cardano sẽ thực sự phi tập trung và không còn dưới sự quản lý của IOHK nữa. Thay vào đó, tương lai của Cardano sẽ hoàn toàn nằm trong tay cộng đồng, trở thành một “quốc gia kỹ thuật số” đầu tiên trên thế giới.
Tạm kết
Trên đây là những thông tin tổng quan về lý do, cơ sở mà blockchain Cardano được khai sinh. Đội ngũ Cardano đã chứng minh tầm quan trọng của việc có một nền tảng học thuật cao, đi từng bước chắc chắn để xây dựng một blockchain đủ sức vận hành cho hàng tỷ người.
Hệ sinh thái này ra đời từ những nghiên cứu khoa học khắt khe ở thời điểm cả ngành blockchain đang đắm chìm vào các dự án ICO. Cardano hoạt động ổn định xuyên suốt 6 năm không ngừng nghỉ, duy trì vị trí vững chắc trong top 10 vốn hoá ngành bất chấp các đợt suy giảm.
Qua phần 1, 5Money đã giúp bạn đọc có cái nhìn sơ bộ về blockchain Cardano là gì ? Ở các phần tiếp theo, 5Money sẽ đi sâu vào các khía cạnh kỹ thuật để bạn đọc nhận ra được tầm nhìn dài hạn mà đội ngũ Cardano đã xác định ngay từ những ngày đầu.
Tham gia Cộng đồng 5 phút Cardano để cập nhật các thông tin về hệ sinh thái Cardano.
Đọc thêm:
- Thực hiện staking ADA (Cardano) như thế nào cho đúng?
- Catalyst là gì? Cơ hội kiếm tiền với dự án Cardano Catalyst
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!