1. Bitcoin Halving là gì?
Bitcoin Halving là một sự kiện quan trọng trên mạng lưới Bitcoin, tác động mạnh mẽ đến mô hình kinh tế của chuỗi. Khi giao thức kích hoạt, phần thưởng cho mỗi khối (block) sẽ giảm đi một nửa, từ đó giảm lượng Bitcoin mới được tạo ra và phát hành vào mạng lưới. Quá trình chuyển đổi này diễn ra sau mỗi 210,000 block được khai thác, trung bình khoảng bốn năm một lần. Đây là một thành phần của giao thức Bitcoin được thiết kế bởi Satoshi Nakamoto nhằm kiểm soát lạm phát khi tổng số Bitcoin có thể được khai thác giới hạn trong con số 21 triệu (BTC).
Bitcoin là một hệ thống blockchain Proof of Work. Các miner (thợ đào) sẽ chạy đua để giải một bài toán nhằm tìm ra một con số ngẫu nhiên thoả mãn yêu cầu hệ thống, miner tìm được đáp án nhanh nhất sẽ được quyền đóng block và nhận được phần thưởng (ở đây là BTC).
Trong 3 lần “chia nửa miếng bánh” trước đó, đã xảy ra vào các năm 2012, 2016 và 2020. Nơi phần thưởng cho các miner lần lượt giảm từ 50 (ban đầu) xuống 25 BTC/block – năm 2012, giảm còn 12,5 BTC/block – năm 2016 và từ ngày 11/05/2020, phần thưởng là 6,25 BTC cho mỗi block đến thời điểm hiện tại. Bitcoin đang tiến sát đến lần Halving thứ 4, phần thưởng của thợ đào sẽ giảm còn 3,125 Bitcoin, dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối tháng 04/2024 (dự kiến vào ngày 20/04/2024). Chu kỳ này sẽ tiếp diễn cho đến khi tổng cộng 21 triệu Bitcoin trên toàn mạng được khai thác hết, dự kiến vào năm 2140.
Bây giờ, hãy nhìn lại lịch sử một chút để xem các đợt halving trước đây, thị trường đã đón nhận ra sao.
2. Lịch sử biến động thị trường sau Bitcoin Halving
Theo quan điểm thông thường, khi một sản phẩm có nguồn cung suy giảm và nhu cầu của thị trường tăng lên thì sẽ dẫn đến giá của sản phẩm đó có xu hướng tăng. Tuy nhiên, ở thị trường crypto, điều này không phải lúc nào cũng đúng, với Bitcoin là một điển hình.
Cụ thể, giá Bitcoin trước đợt halving 2012 ở mức khoảng 12 USD, sau đó tăng lên mức xấp xỉ 1,000 USD một năm sau đó. Ở sự kiện halving thứ hai vào 09/07/2016, Bitcoin ở quanh 650$ rồi giảm về dưới 500$ trong chưa đầy 1 tháng sau đó, rồi mới tăng lên mức xấp xỉ 2,500 USD vào tháng 07/2017, cuối cùng đạt mức gần 20,000 USD cuối năm đó ở đợt bùng nổ đầu tiên của thị trường tiền mã hoá.
Ở lần Halving gần nhất vào tháng 05/2020, Bitcoin chứng kiến sự sụt giảm nhẹ trước khi leo lên mức đỉnh 69,000 USD ở đợt bùng nổ thứ 2 của thị trường crypto vào tháng 09/2021.
Một cách tổng quan, các đợt Halving không phải là một dữ liệu tin cậy để làm chỉ báo tăng giá do BTC vẫn ghi nhận sự biến động cao vốn có sau mỗi lần sự kiện diễn ra. Hơn nữa, lịch sử của BTC mới chỉ có 3 lần Halving cũng không phải là mẫu lớn để khẳng định bất cứ điều gì. Tuy nhiên, so sánh trên dữ liệu về dài hạn, giá BTC luôn có lập đỉnh sau Halving khoảng 1 năm, cộng đồng tin tưởng rằng mỗi đợt Halving sẽ là khởi đầu của một giai đoạn uptrend, cộng hưởng với nhu cầu từ các quỹ ETF, sẽ là động lực thúc đẩy BTC lên những đỉnh cao mới. Nhưng thực tế có lạc quan như thế? Hãy cùng nhìn vào những tảng băng chìm trong nội tại của mạng lưới Bitcoin đang chờ nổi dậy sau sự kiện này.
3. Bitcoin Halving lần 4 có phải chỉ báo tích cực?
3.1 Lịch sử đã không lặp lại
Ở ba lần Halving trước đây, Bitcoin đều lập ATH (All-Time High) sau đó khoảng 1 năm. Tuy nhiên, ở đợt Halving đang cận kề này, BTC đã lập đỉnh mới với mức giá hơn 73,000 USD sau khi các đề xuất Bitcoin ETF được SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ) phê duyệt. Cùng đó, thị trường cũng ấm dần lên sau thông tin về pháp lý: vụ kiện sàn FTX, sàn giao dịch Binance tại Mỹ, tranh chấp giữa SEC với Coinbase, Ripple dần được xử lý ổn thoả.
Giờ đây, thị trường khó có thể dựa trên thông tin quá khứ để tin tưởng rằng Halving lần thứ tư sẽ mang đến một đợt tăng giá khi BTC đã phá vỡ ATH trước khi Halving diễn ra. Hơn nữa, khối lượng giao dịch biến động từ các Bitcoin ETF cũng khiến việc dự đoán xu hướng nhọc nhằn hơn rất nhiều.
3.2 Tác động đến mạng lưới vận hành
Mỗi sự kiện Halving sẽ làm chậm lại tốc độ lạm phát trên mạng lưới nhưng cũng đồng nghĩa với phần thưởng từ việc đóng block của các miner giảm đi. Ở đây, cộng đồng có thể nhận ra rõ sự mâu thuẫn lợi ích giữa:
- Một bên là những người nắm giữ/giao dịch BTC: giảm lạm phát làm giảm lượng BTC mới được sinh ra, nhiều khả năng khiến giá BTC có thể tăng lên.
- Một bên là những người vận hành: lượng BTC nhận được ít hơn (từ 6,25 BTC còn 3,125 BTC) đồng nghĩa lợi nhuận từ việc khai thác giảm đi một nửa. Từ đó khiến cán cân chi phí/doanh thu thâm hụt. Một điểm lưu ý khác, nguồn thu BTC từ việc giành được quyền đóng block là doanh thu chính (chiếm 75-95%) của các xưởng đào do phí giao dịch thu được từ mạng lưới rất hạn chế.
Mà một mạng lưới blockchain luôn cần có hệ thống vận hành để duy trì việc xác thực giao dịch, kể cả khi không thể đào được BTC mới. Khi doanh thu từ việc đóng block giảm đi một nửa mà lượng phí thu được từ giao dịch không tăng đủ để bù đắp (mức 0,25 – 1,2 BTC/block), các block cũng có giới hạn (1 MB/block), các hệ thống máy đào sẽ cân nhắc dừng hoạt động. Lúc này, cuộc đua về phần cứng giải toán sẽ càng khốc liệt hơn, các xưởng đào không đủ tiềm lực sẽ bị bỏ lại, dẫn tới mạng lưới dần tập trung hoá và ảnh hưởng đến tính bảo mật của Bitcoin.
Theo dữ liệu phân tích từ Galaxy, khoảng 15-20% lượng máy đào ASIC (thiết bị chuyên dùng cho các hệ thống đào BTC) sẽ ngoại tuyến sau Halving 2024 do năng lực tính toán không còn đủ sức cạnh tranh. Các thiết bị này bao gồm: S9 của hãng Bitmain, A1066 của hãng Canaan và M32 của hãng MicroBT.
3.3 Tác động từ các quỹ ETF
Các sản phẩm Bitcoin ETF đã được thông qua được SEC thông kể từ ngày 11/01/2024, đánh dấu một bước ngoặt cực lớn giữa thế giới tài chính truyền thống và thị trường cryptocurrency. Từ đó, nhà đầu tư có thể tiếp cận loại tiền mã hoá có vốn hoá lớn nhất thế giới mà không cần trực tiếp nắm giữ. Thông thường, các bước như thiết lập ví, tạo tài khoản trên sàn, giao dịch, lưu trữ cùng các rủi ro bảo mật là rào cản lớn để người dùng mới tiếp cận crypto.
Dòng tiền từ các quỹ ETF được xem là một trong những nguyên nhân chính giúp giá BTC tăng lên đỉnh mới. Tuy nhiên, việc các tổ chức cung cấp các sản phẩm ETF nói riêng và thế giới tài chính truyền thống nói chung tham gia nền kinh tế của Bitcoin bên cạnh các lợi ích cũng mang đến nhiều rủi ro.
Ban đầu, Bitcoin ra đời nhằm giải quyết vấn đề niềm tin của xã hội khi các sản phẩm tài chính được phát hành từ các tổ chức tập trung sụp đổ, mạng lưới Bitcoin được phát triển để chứng minh người dùng có thể giao dịch tài sản mà không cần đi qua bất kỳ tổ chức trung gian nào. Giờ đây, cộng đồng có vẻ rất hồ hởi trước viễn cảnh tăng giá mà quên đi việc khi các quỹ ETF nắm giữ càng nhiều BTC, lượng BTC được giao dịch trên mạng lưới blockchain Bitcoin sẽ giảm dần đi. Dần dần, cuộc chơi chỉ còn là việc đầu cơ tăng giá thay vì sử dụng BTC cho mục đích giao dịch. Hơn nữa, tính phi tập trung của mạng lưới cũng sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng khi BTC sẽ không được lưu trữ phân tán ở người dùng mà tập trung ở các tổ chức cung cấp ETF.
Một điểm rủi ro khác từ các tổ chức Bitcoin ETF ít được truyền thông hay mọi người chú ý chính là các quỹ này có toàn quyền quyết định với các tài sản trong quỹ khi có hard fork xảy ra với blockchain Bitcoin. Mà đây không phải là một điều bất khả thi vì cứ mỗi khi cộng đồng Bitcoin có sự mâu thuẫn, chuỗi sẽ rẽ nhánh và hình thành chuỗi mới. Cộng đồng có thể điểm mặt chỉ tên với các trường hợp của Bitcoin Cash, Bitcoin Diamond, Litecoin,…Giờ đây, nếu tham gia giao dịch Bitcoin qua các ETF, người dùng cũng không có quyền lựa chọn đi theo chuỗi nào mà quyền quyết định sẽ nằm ở các tổ chức quỹ. Bitcoin ra đời kể từ năm 2009, mang đến cơ hội để con người thật sự nắm giữ tài sản của chính mình, tuy nhiên, có vẻ mọi người đã quên đi nỗi đau năm nào và sẵn sàng trao quyền cho các tổ chức tập trung một lần nữa.
4. Tổng kết
Bitcoin Halving là một sự kiện giúp làm chậm tốc độ lạm phát trên mạng lưới Bitcoin, tuy nhiên đây là một tác động mang tính cơ học, nhằm tạo ra sự khan hiếm cho BTC và hầu như chỉ có tác động đến giá của BTC trên thị trường.
Các vấn đề về mâu thuẫn lợi ích giữa một bên là những người nắm giữ/giao dịch và hệ thống các máy đào vận hành vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh đó, là tác động từ những tổ chức tài chính tập trung truyền thống qua các quỹ ETF. Rõ ràng, cộng đồng Bitcoin cần ngồi lại và cùng nhau tìm ra giải pháp tối ưu cho những vấn đề trên, cũng như bài toán về khả năng mở rộng của chuỗi.
Qua bài viết này, 5Money hy vọng mang đến cho bạn đọc những góc nhìn đa chiều, cùng những rủi ro có thể phát sinh trên mạng lưới Bitcoin sau sự kiện Halving. Blockchain được ra đời để giải quyết vấn đề niềm tin của con người, chúng ta chỉ cần tin vào giao thức, vào mật mã học mà không phải tin bất kỳ tổ chức trung gian nào. Hãy để công nghệ thật sự là công cụ giúp xã hội hành xử có đạo đức hơn thay vì chạy theo những sự kiện nhằm tạo ra FOMO, tác động về giá trong ngắn hạn.
Đọc thêm: BRC-20 là gì? Tổng quan về token BRC-20
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!