1. LayerZero là gì?
LayerZero là giao thức tương tác đa chuỗi (omnichain interoperability protocol), có khả năng kết nối các chuỗi khối EVM và nonEVM. Cho phép nhà phát triển xây dựng ứng dụng, phát hành mã thông báo với trải nghiệm Omnichain liền mạch.
Omnichain có nghĩa là “tất cả các chuỗi”, khái niệm là sự kết hợp của Cross-chain và Multichain. Cross-chain là tương tác chuỗi chéo, điển hình là các giao dịch xuyên chuỗi trên Bridge. Multichain là đa chuỗi, thường dùng để chỉ một dApp có mặt trên nhiều chuỗi. Omnichain là kết hợp 2 khái niệm trên, một dApp Omnichain sẽ hỗ trợ nhiều chuỗi và các chuỗi này có thể tương tác với nhau trong giao diện của dApp, hay còn gọi là OApp.
LayerZero không phải là Blockchain mà chỉ cung cấp khả năng tương tác giữa các chuỗi nhanh chóng và hiệu quả. Đã kết nối với 70 chuỗi Blockchain và xử lý hơn 130 triệu giao dịch. Có gần 100 dự án đang phát triển trên hệ sinh thái, điển hình như: Aave, Pancakeswap, Ethena, Stargate,…
Điểm nổi bật của Layer Zero:
- Cho phép sử dụng nhiều DVN để tham gia xác thực giao dịch nhằm tăng cường bảo mật như: LayerZero Labs, Google Cloud, Polyhedra, CCIP (Chainlink), Axelar,…
- Thay vì giao dịch được xác minh và thực thi trên một lớp thì LayerZero tách thành 2 lớp với 2 nhiệm vụ chuyên biệt. Việc này giúp hệ thống xử lý giao dịch nhanh hơn và giảm tình trạng tắc nghẽn khi quá tải.
- LayerZero Labs, đơn vị phát triển dự án còn huy động được hơn 260 triệu USD từ các quỹ đầu tư hàng đầu như A16z, Coinbase, Sequoia, Circle, Binance Labs,…
2. Sản phẩm của LayerZero là gì?
2.1 Sản phẩm
LayerZero là giao thức giúp kết nối các chuỗi Blockchain với nhau. Một chuỗi mới khi muốn liên kết với LayerZero chỉ cần gắn Endpoint là có thể giao tiếp với các chuỗi khác. (5Money sẽ giải thích rõ hơn về khái niệm Endpoint ở phần Cấu trúc)
Bên cạnh đó, LayerZero còn cung cấp cơ sở hạ tầng để phát triển 3 sản phẩm cốt lõi dưới đây:
- Bridge: Xây dựng cầu nối để vận chuyển các loại tài sản như Token, NFT,… xuyên chuỗi theo nhiều cơ chế như mint-burn, lock-unlock,…
- OApp: Xây dựng các dApp đa chuỗi và người dùng có thể tương tác chuỗi chéo trên cùng một giao diện (Ví dụ: thế chấp tài sản trên một chuỗi và vay tài sản trên chuỗi khác).
- OFT: Chuẩn Token Omnichain, cho phép các dự án phát hành Token trên nhiều chuỗi giúp việc di chuyển qua lại giữa các chuỗi diễn ra nhanh chóng, ít tốn kém cũng như loại bỏ trượt giá so với việc sử dụng cầu nối của bên thứ 3. (Ví dụ: USDe là Stablecoin của Ethena được phát hành theo chuẩn OFT, do đó nó có mặt trên nhiều chuỗi và người dùng có thể di chuyển tài sản qua lại giữa các chuỗi dễ dàng bằng cách burn ở chuỗi nguồn và mint mới ở chuỗi đích).
2.2 Hệ sinh thái LayerZero
Hệ sinh thái của LayerZero rất đa dạng và phức tạp, để đơn giản mình sẽ chia nó thành 4 nhóm sau:
- Blockchain: Là các chuỗi được kết nối với LayerZero, hiện có hơn 70 chuỗi bao gồm cả mainnet và testnet như Ethereum, Avalanche, Fantom, Celo, Polygon, Arbitrum, Optimism, Base, Blast, Aptos, Merlin,…
- Bridge: Là cầu nối giúp chuyển tài sản như Token, NFT xuyên chuỗi dựa trên giao thức LayerZero như Aptos Bridge, Bitcoin Bridge, Testnet Bridge, Telos Bridge,…
- OApp: Các dApp sử dụng LayerZero để xây dựng sản phẩm trên tất cả các chuỗi (Omnichain) như Stargate, TapiocaDAO, Aave v4, Clusters, Star Name Service, Altitude,…
- OFT & ONFT: Các dự án phát hành Token hoặc NFT theo chuẩn Omnichain như: Ethena, Omnicat, Maverick, Lil Pudgys,Canto, Pancakeswap,…
2.3 Cấu trúc
LayerZero đang hoạt động với phiên bản v2, mới ra mắt gần đây gồm có 4 thành phần:
- Endpoint: Là node siêu nhẹ được gắn trên các chuỗi có liên kết với LayerZero, nơi nhận và gửi giao dịch.
- MessageLibs: Là node siêu nhẹ được gắn trên các chuỗi có nhiệm vụ gói giao dịch thành tệp dữ liệu chung (gồm: số thứ tự, mã định danh, giá trị và thông tin chuỗi) ở chuỗi nguồn . Và trên chuỗi đích nó nhận các thông tin xác minh từ DVN để đưa ra kết quả cuối cùng cho giao dịch trước khi được chấp nhận trên chuỗi đích.
- Decentralized Verifier Networks (DVNs): Là mạng xác thực phi tập trung, kiểm tra tính chính xác của giao dịch. Mỗi DVN riêng lẻ sẽ kiểm tra các giao dịch bằng lược đồ xác minh của riêng mình để có sự khách quan nhất. Một OApp phải chọn ít nhất 2 DVN mặc định như LayerZero Labs, Google Cloud, Polyhedra và ít nhất 1 DVN tự chọn như Nethermind, Delegate, Animoca-Blockdaemon, Gitcoin, P2P, Nodes.Guru, Lagrange, 01node, Gelato, Axelar, CCIP,…
- Executors: Là người thực thi sẽ gửi giao dịch đầy đủ đến chuỗi đích sau khi các DVN có kết quả xác minh dữ liệu mà chuỗi nguồn muốn gửi đến chuỗi đích. Executors giúp đơn giản hóa việc thanh toán gas cho người dùng khi chỉ trả phí trên chuỗi nguồn cho 2 lệnh gọi ở 2 chuỗi đối với giao dịch xuyên chuỗi.
So với phiên bản v1 thì v2 của LayerZero đã tách biệt lớp thực thi và xác thực giao dịch thành 2 phần khác nhau. Do đó, các giao dịch được xử lý nhanh hơn với độ bảo mật cao. Bên cạnh đó, việc cho phép nhiều chuỗi hay nhóm Validator tham gia xác minh giao dịch giúp tăng cường bảo mật hơn so với phiên bản V1 và các đối thủ khác như Wormhole, Axelar, deBridge…
2.4 Cơ chế hoạt động
Quá trình LayerZero thực hiện một giao dịch được đơn giản hóa qua các bước sau:
- Bước 1: Endpoint nhận giao dịch từ người dùng và gửi nó đến MessageLibs (chuỗi nguồn). MessageLibs (chuỗi nguồn) gói giao dịch thành dạng dữ liệu chung của hệ thống, sau đó lần lượt gửi nó đến DVN và Executors.
- Bước 2: DVN xác thực dữ liệu nhận được từ MessageLibs, mỗi DVN có thể có các cách xác thực khác nhau. Khi xác thực xong, các DVN sẽ gửi kết quả đến MessageLibs ở chuỗi đích.
- Bước 3: MessageLibs (chuỗi đích) sẽ so sánh kết quả từ các DVN gửi đến, nếu chúng đều cho kết quả đúng thì giao dịch được tiếp tục, còn nếu có kết quả sai thì lệnh sẽ bị hủy.
- Bước 4: Sau khi MessageLibs (chuỗi đích) xác nhận giao dịch đã được xác minh thì Executors sẽ gửi gói dữ liệu đến Endpoint trên chuỗi đích để thực hiện giao dịch đó.
3. Tiềm năng và rủi ro của LayerZero là gì?
3.1 Tiềm năng
Ban đầu các Blockchain ra đời chỉ phục vụ cho hệ sinh thái của riêng họ và không thể di chuyển tài sản qua lại giữa các chuỗi. Điều này đã gây ra nhiều bất tiện cho người dùng. Nhưng từ khi các giao thức tương tác đa chuỗi như LayerZero được phát triển đã giúp các Blockchain có thể giao tiếp với nhau, người dùng có thể tương tác nhiều chuỗi cùng lúc.
Bạn có thể xem các Blockchain như các quốc gia và LayerZero là cầu nối giúp các quốc gia này giao thương với nhau. Như thế thì bạn đã hiểu được tầm quan trọng của dự án này là như nào rồi.
Cụ thể hơn thì trong 1 tháng qua đã có khoảng 10 tỷ USD được di chuyển qua lại giữa nhiều chuỗi. Chiếm thị phần nhiều nhất với hơn 60% là Ethereum, còn lại thì tập trung ở các Layer 2. Và con số này sẽ không ngừng gia tăng khi thị trường Crypto mở rộng hơn vì thế tiềm năng cho các dự án có vai trò kết nối như LayerZero là rất lớn.
3.2 Rủi ro
Tuy nhu cầu sử dụng rất lớn nhưng nó vẫn có rủi ro và điển hình nhất là bị hack. Mảng Bridge là nơi bị tấn công và thiệt hại nhiều nhất với các vụ nổi tiếng như Ronin Network thiệt hại 625 triệu USD, Wormhole thiệt hại 325 triệu USD, Poly Network mất 600 triệu, Nomad bị đánh cắp 190 triệu USD,… Riêng LayerZero lúc mới ra mắt Stargate cũng bị tấn công nhưng may mắn là vẫn CHƯA có thiệt hại nào đáng kể.
Nhiều nhà phát triển lâu năm trong ngành cũng cho rằng công nghệ bảo mật của các giao thức tương tác đa chuỗi chính là nút thắt lớn trong Blockchain và Crypto.
Đọc thêm: Top 3 dự án Cross-chain hàng đầu thị trường Crypto
4. Đội ngũ dự án
- Bryan Pellegrino (Co-Founder & CEO): Trình độ Cử nhân Khoa học máy tính và từng tham gia sáng lập Coder Den, OpenToken.
- Ryan Zarick (Co-Founder & CTO): Từng tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học máy tính tại University of New Hampshire. Có kinh nghiệm làm CTO tại Buzzdraft và tham gia sáng lập 80Trill, Coder Den, Minimal AI.
- Caleb Banister (Co-Founder): Từng làm kỹ sự cho UNH InterOperability Lab và tham gia sáng lập 80Trill, Coder Den, Minimal AI cùng với Ryan Zarick.
Cả 3 cái tên chủ chốt kể trên đều xuất thân từ kỹ sư và từng cung nhau sáng lập trang web mua bán tên miền cho các nhà lập trình viên hay công ty công nghệ. Riêng Ryan và Caleb còn cùng nhau thành lập 80Trill, một công ty viết, kiểm toán, thử nghiệm và tư vấn hợp đồng thông minh có trụ sở tại Canada. Cho thấy đội này đã gắn bó mật thiết và làm việc cùng nhau trong thời gian dài.
5. Nhà đầu tư
Dự án huy động được tổng cộng hơn 263 triệu USD qua 5 vòng như sau:
- 01/04/2021: Vòng Seed huy động được 2 triệu USD.
- 16/09/2021: Vòng Series A huy động được 6.3 triệu USD với sự dẫn đầu của Multicoin Capital, Binance Labs và sự tham gia của các quỹ như The Spartan Group, Hypersphere Ventures, Genblock Capital, DeFiance Capital, Robot Ventures,…
- 30/03/2022: Vòng Series A mở rộng huy động 135 triệu USD với định giá 1 tỷ USD được dẫn đầu bởi A16z, Sequoia Capital và sự tham gia của các quỹ như Coinbase Ventures, Multicoin Capital, Animoca Brands, CoinFund, Hypersphere Ventures,…
- 18/07/2022: Nhận được sự đầu tư của Christie’s trong một vòng riêng nhưng không công bố thông tin chi tiết.
- 04/04/2023: Vòng Series B huy động 120 triệu USD với định giá 3 tỷ USD từ các quỹ như A16z, Sequoia Capital, Circle, OKX Ventures, Lightspeed Venture Partners, SamsungNext,….
LayerZero huy động được hơn 263 triệu USD, con số khá ấn tượng đối với một dự án cơ sở hạ tầng. Trong đó, đáng chú ý là quỹ đầu tư hàng đầu thị trường A16z và Sequoia Capital tham gia vào 2 vòng huy động được nhiều tiền nhất (hơn 100 triệu). Cho thấy được tiềm năng của dự án là vô cùng lớn trong tương lai.
6. Tokenomics
5.1 Thông tin Token
Tên Token | ZRO |
Blockchain | Ethereum |
Contract | 0x6985884c4392d348587b19cb9eaaf157f13271cd |
Chuẩn Token | ERC 20 |
Mảng | Cross-chain |
Tổng cung | 1 tỷ |
5.2 Token Allocation và Token Vesting
- Community – 38.3%: Phân bổ dành cho cồng đồng với 8.5% tổng cung Airdrop cho người dùng trước khi Launch Token, 15.3% nguồn cung dành cho chương trình Airdrop tiếp theo, 14.5% tổng cung dành cho Foundation để sử dụng cho việc phát triển hệ sinh thái, các chương trình tài trợ và cung cấp thanh khoản.
- Strategic Partners – 32.2%: Phân bổ dành cho các nhà đầu tư và cố vấn với lịch trình khóa 1 năm, trả dần hàng tháng trong 2 năm tiếp theo.
- Core Contributors – 25.5%: Phân bổ dành cho nhưng người đóng góp hiện tại và tương lai, bao gồm cả nhân viên LayerZero Labs với lịch trình khóa 1 năm, trả dần hàng tháng trong 2 năm tiếp theo.
- Tokens Repurchased – 4%: Phần này được LayerZero Labs mua lại và sẽ được làm phần thưởng cho nhóm cộng đồng.
Trong phân bổ này thì quỹ và team của dự án đã chiếm hơn 60% tổng cung, con số rất lớn. Nguyên nhân cũng đến từ việc dự án gọi rất nhiều vốn, với hơn 263 triệu USD qua 5 vòng nên phân bổ cho quỹ đầu tư đã chiếm hơn 30% tổng cung.
Nguồn cung ban đầu của dự án phần lớn đến từ phân bổ 38.3% của Community. Trong đó, các phần được mở khóa gồm 8.5% Airdrop ban đầu, 5% thuộc quỹ phát triển hệ sinh thái (Foundation), 11.5% thuộc chương trình Airdrop trong tương lai. Các phần còn lại sẽ được mở khóa dần hàng tháng sau 1 năm khóa.
5.3 Token Use Case
Người nắm giữ Token ZRO có quyền tham gia quản trị các vấn đề liên quan đến dự án như phí, chiến lược phát triển,… Bên cạnh đó, Token ZRO còn được sử dụng để trả phí giao dịch trên LayerZero.
5.4 Sàn giao dịch
Token ZRO được giao dịch trên các sàn như:
- CEX: Binance, OKX, Gate, Bybit, MEXC, Bitget, BingX, HTX, Coinbase, Kucoin,…
- DEX: Uniswap, Pancake, Camelot, Sushi, Ramses,…
7. Roadmap
Update…
8. Kênh thông tin của LayerZero
9. Tổng Kết
LayerZero là dự án có tiềm phát triển rất lớn với nhu cầu giao thương giữa các Blockchain và phát triển nhiều dApp dựa trên nó. Được đánh giá cao bởi các quỹ hàng đầu thị trường như A16z, Sequoia, Binance Labs.
Nếu làm tốt vấn đề về bảo mật thì dự án hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa với sứ mệnh kết nối các Blockchain trong thị trường Crypto.
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!