1. Sàn DEX là gì? 

Sàn DEX (Decentralized Exchange) là nền tảng giao dịch tiền điện tử phi tập trung, hoạt động trên công nghệ blockchain. Sàn DEX không có bên trung gian nào giữ quyền kiểm soát tài khoản hoặc giao dịch của người dùng. Thay vào đó, các giao dịch trên sàn DEX được thực hiện trực tiếp từ ví cá nhân của người dùng thông qua các hợp đồng thông minh (smart contracts).

Sàn DEX thường được đánh giá với độ tin cậy và an toàn cao vì không yêu cầu người dùng gửi tiền vào các tài khoản của sàn. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro mất tiền do hack hoặc sự cố bảo mật. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sàn giao dịch phi tập trung, phổ biến nhất như: Pancakeswap, Uniswap, Phoenix, Zeta Markets, Kyberswap.

Đọc thêm: TOP 5 sàn DEX phổ biến nhất thị trường Crypto

2. Phân loại các sàn DEX 

Thị trường có hàng nghìn sàn DEX đang hoạt động, nên để đơn giản hơn có thể phân loại chúng bằng cách dựa vào sản phẩm giao dịch hoặc cơ chế hoạt động của từng dự án.   

2.1 Phân loại theo sản phẩm giao dịch 

Dựa vào sản phẩm giao dịch mà các sàn DEX cung cấp mà có thể phân loại các dự án như sau: 

Phân loại DEX theo sản phẩm giao dịch
Phân loại DEX theo sản phẩm giao dịch
  • Spot: Là những DEX cung cấp sản phẩm giao ngay, tức là chuyển đổi trực tiếp từ tài sản này sang tài sản khác. Ví dụ: Giao dịch dùng 3 nghìn USDT để đổi 1 ETH (giả sử giá 1 ETH tính theo USDT là 3 000). Một số dự án nổi bật như Uniswap, 1inch, Pancakeswap, Raydium,… 
  • Margin/Leverage: Là những DEX hỗ trợ giao dịch đòn bẩy, tức là người dùng có thể mua lượng tài sản lớn hơn số tiền vốn mà mình đang có bằng cách vay mượn thêm tài sản từ nền tảng. Và một điểm chú ý khác là trader có sở hữu tài sản mà họ giao dịch. Một số dự án điển hình như Contango, Panoptic,… 
  • Derivatives: Là những sàn DEX hỗ trợ giao dịch sản phẩm phái sinh gồm Perpetual (hợp đồng tương lai không kỳ hạn) và Option (quyền chọn hoặc hợp đồng tương lai có kỳ hạn). Với sản phẩm này thì trader thực hiện mua/bán chỉ số dựa trên đòn bẩy vốn chứ không sở hữu tài sản. Một số dự án nổi bật như dYdX, GMX, Hyperliquid, Aevo,…      

2.2 Phân loại theo cơ chế hoạt động 

Dựa vào cơ chế hoạt động mà chúng ta có thể phân loại các sàn DEX theo 3 nhóm gồm: AMM, Orderbook và Aggregator. 

Phân loại DEX theo cơ chế hoạt động 
Phân loại DEX theo cơ chế hoạt động 
  • AMM: Là giao thức sử dụng cơ chế giao dịch tự động, được thực hiện bằng Smart Contract. Trong đó, các giao thức tạo Pool thanh khoản để người dùng cung cấp tài sản, mặc khác nhà giao dịch sẽ chuyển tài sản cần bán vào Pool để nhận lại tài sản cần mua với tỷ lệ được tính toán dựa tên một công thức nào đó (ví dụ: x*y=k, x+y=k,…). Một số dự án nổi bật như Uniswap, Trader Joe, Raydium,…  
Cơ chế hoạt động AMM của Uniswap
Cơ chế hoạt động AMM của Uniswap
  • Orderbook: Các lệnh mua bán của người dùng được quản lý thông qua sổ lệnh (Orderbook). Sổ lệnh này được vận hành bởi một vài node (Offchain) hoặc một chuỗi Blockchain(Onchain). Và quá trình chuyển tiền giữa các tài khoản sau khi khớp lệnh sẽ được ghi lại trên Blockchain. Một số sàn DEX Orderbook lớn như dYdX, Hyperliquid, Orderly, Aevo,… 
Quá trình giao dịch với DEX Orderbook (nguồn Xangle) 
Quá trình giao dịch với DEX Orderbook (nguồn Xangle) 
  • Aggregator: Là nền tảng liên kết với các sàn khác để tìm ra nơi giao dịch tốt nhất cho người dùng. Nó giống như việc người bản địa dắt bạn đi mua hàng vậy, họ không có cung cấp hàng hóa nhưng có thể chỉ ra đâu là nơi bán giá tốt nhất cho mặt hàng mà bạn cần. Một số dự án nổi bật như 1inch, Cowswap, Jumper Exchange,…        
Ví dụ về Swap DAI sang ETH trên DEX Aggregator (nguồn Xangle)
Ví dụ về Swap DAI sang ETH trên DEX Aggregator (nguồn Xangle)

3. Những rủi ro khi giao dịch trên sàn DEX là gì?

Rủi ro về bảo mật hợp đồng thông minh: Sàn DEX thường sử dụng các hợp đồng thông minh để thực hiện các giao dịch mà không chịu sự kiểm soát của bên trung gian. Thông thường, các hợp đồng thông minh không thể sửa đổi sau khi được triển khai, điều này có nghĩa là nếu có lỗi trong mã nguồn hoặc nếu có người tấn công chiếm quyền kiểm soát hợp đồng, thì người dùng có thể mất tiền mà không thể khôi phục được.

Rủi ro về thanh khoản: Mặc dù nhiều sàn DEX có lượng thanh khoản tốt, tuy nhiên nếu đặt lên bàn cân với sàn CEX thì “không ăn thua”. Vì vậy các nhà đầu tư có thể chịu mức trượt giá cao khi muốn mua/bán một lượng lớn tiền điện tử. Đặc biệt là trong những chu kỳ biến động mạnh của thị trường. 

Rủi ro về front-running: một vấn đề phổ biến trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Đây là tình trạng khi một bên thứ ba biết trước về các giao dịch sắp diễn ra và tận dụng thông tin đó để thực hiện giao dịch trước, làm giảm lợi ích của nhà đầu tư. Trên các sàn DEX, do thông tin về giao dịch được công khai và giao dịch được thực hiện tự động thông qua các hợp đồng thông minh, rủi ro về front-running tăng lên. Điều này có thể gây ra các vấn đề liên quan đến giá và thậm chí làm giảm lòng tin của người dùng vào sàn giao dịch. 

Cụ thể: Khi bạn đang muốn đặt lệnh mua một số lượng lớn cho token A. Yêu cầu của bạn sẽ được đưa vào Mempool để đợi các node xử lý. Node có quyền xử lý thứ tự giao dịch và thường ưu tiên cho những giao dịch mua vào với phí gas cao. 

Lúc này bên thứ 3 sẽ sử dụng một con BOT, sau khi BOT tìm được các lệnh mua lớn đang có trên thị trường thì sẽ ngay lập tức chèn 1 lệnh mua khác với phí gas cao hơn. Lệnh của Bot sẽ được ưu tiên thực hiện trước, tức là sẽ mua được coin/token trước nhà đầu tư. Sau đó khi khối lượng mua lớn của nhà đầu tư được thực hiện thì giá token A sẽ được đẩy lên cao hơn và BOT sẽ ngay lập tức bán số coin / token mua được để chốt lời.

Quy trình mua sẽ như sau: Yêu cầu mua của nhà đầu tư ⇒ Lệnh mua của BOT ⇒ Lệnh mua của NĐT ⇒ Lệnh bán của BOT

4. So sánh sàn DEX và sàn CEX

Với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường thì việc cần phân biệt rõ những khác biệt của sàn DEX và sàn CEX là việc làm cần thiết, trước khi “chi tiền” cho thị trường. Dưới đây là những điểm khác biệt lớn nhất giữa hai sàn này:

4.1 Tính bảo mật riêng tư:

  • Sàn DEX: Đặc điểm chính của sàn DEX là tính bảo mật riêng tư cao. Người dùng không cần phải tiết lộ thông tin cá nhân và không cần xác thực danh tính để tham gia giao dịch. Mọi giao dịch được thực hiện trên blockchain và được bảo mật bởi các khóa riêng (Private key)  của người dùng.
  • Sàn CEX: Tính bảo mật trên sàn CEX thường thấp hơn vì người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân và xác thực danh tính trước khi sử dụng dịch vụ. Dữ liệu cá nhân có thể bị rò rỉ hoặc bị sử dụng một cách không an toàn nếu sàn gặp sự cố bảo mật.

4.2 Quyền kiểm soát:

  • Sàn DEX: Người dùng giữ hoàn toàn quyền kiểm soát tài sản và giao dịch của mình trên sàn DEX. Không phụ thuộc vào bất kỳ bên thứ ba nào và có thể thực hiện giao dịch mà không cần phải cung cấp thông tin cá nhân.
  • Sàn CEX: Người dùng phải chọn sàn giao dịch uy tín và tin tưởng vào sàn và hệ thống quản lý tài sản của sàn. Không có quyền kiểm soát hoàn toàn.

4.3 Phí giao dịch:

  • Sàn DEX: Phí giao dịch trên sàn DEX thường thấp hơn so với sàn CEX do không có phí xác thực danh tính và các chi phí quản lý tài khoản.
  • Sàn CEX: Phí giao dịch trên sàn CEX có thể cao hơn do bao gồm các chi phí xác thực danh tính, quản lý tài khoản và dịch vụ giao dịch.

4.4 Tính thanh khoản:

  • Sàn DEX: Thanh khoản trên sàn DEX thường thấp hơn so với sàn CEX do nguồn cung và cầu phụ thuộc vào người dùng và các cặp giao dịch cụ thể.
  • Sàn CEX: Thanh khoản trên sàn CEX cao hơn do có sự hỗ trợ từ các tổ chức và người dùng lớn, giúp giao dịch được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn.

4.5 Khôi phục ví/tài khoản

  • Sàn DEX: Đa số sàn DEX cho phép người dùng truy cập và quản lý tài sản của họ thông qua các ví tiền điện tử dựa trên blockchain. Điều này có nghĩa là người dùng phải lưu trữ mã khóa riêng của họ và chịu trách nhiệm về việc bảo vệ khóa cá nhân của mình. Trong trường hợp mất khóa cá nhân hoặc truy cập vào tài khoản, người dùng có thể mất quyền truy cập vào tài sản của họ mà không có cách nào phục hồi.
  • Sàn CEX: Sàn CEX thường cung cấp dịch vụ ví điện tử tích hợp, cho phép người dùng lưu trữ và quản lý tài sản của họ trực tiếp trên nền tảng của sàn. Điều này giúp đơn giản hóa quá trình giao dịch và bảo vệ tài sản của người dùng. Trong trường hợp quên mật khẩu hoặc mất truy cập vào tài khoản, người dùng có thể sử dụng các phương thức phục hồi được cung cấp bởi sàn, bao gồm việc xác minh danh tính hoặc sử dụng email phục hồi.

4.6 Số coin/token hỗ trợ

  • Sàn CEX:  thường áp đặt một giới hạn về số lượng token có thể niêm yết trên sàn. Điều này đòi hỏi các token phải tuân thủ các quy định và tiêu chí do sàn đặt ra.
  • Trái lại, sàn DEX không bị giới hạn về số lượng token có thể được giao dịch trên nền tảng của họ. Bất kỳ ai cũng có thể tạo thanh khoản và tạo ra các cặp giao dịch trên các sàn phi tập trung này.

5. Tổng kết

Trên đây là những kiến thức cơ bản giúp các bạn hình dung được sàn DEX là gì? cũng như sự khác biệt cơ bản giữa sàn CEX và sàn DEX. Mỗi sàn đều có những ưu và nhược điểm khác nhau, phù hợp với từng nhu cầu và đối tượng người dùng. Chính vì vậy, luôn nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng trước khi đầu tư. Đảm bảo bạn hiểu rõ về tính chất và rủi ro của từng loại sàn để có quyết định đúng đắn và phù hợp với mục tiêu đầu tư của bạn.