1. Tại sao Staking quan trọng trong thế giới Blockchain
Ở thời điểm hiện tại, ngành blockchain đang chứng kiến sự chiếm ưu thế của các chuỗi Proof of Stake (PoS) so với các chuỗi Proof of Work (PoW), ngoài Bitcoin – blockchain đầu tiên của loài người – chiếm vị thế quá lớn về mức độ phổ biến mà có lẽ rất lâu nữa mới bị thay thế bởi một chuỗi nào đó. Cụ thể hơn, các blockchain ra đời gần đây luôn ưu tiên lựa chọn cơ chế PoS để vận hành, đơn cử có thể kể tên như: Sui, Sei, Base, Ton,… Bên cạnh đó, trong bảng xếp hạng top 10 vốn hoá thị trường, các chuỗi PoW ngoài Bitcoin cũng đã sạch bóng hoàn toàn để nhường chỗ cho các blockchain PoS.
Nổi bật trong các blockchain PoS đã định hình được vị thế, cộng đồng có thể điểm mặt chỉ tên:
- Ethereum: ra đời năm 2014, đại diện blockchain thế hệ thứ 2, mang đến smart contract, đã chuyển đổi từ cơ chế PoW sang cơ chế PoS sau The Merge.
- Solana: ra đời năm 2020, thuộc blockchain thế hệ thứ 3, chiếm ưu thế với tốc độ xử lý giao dịch nhanh và chi phí cực rẻ, đã phục hồi mạnh mẽ sau biến cố của sàn giao dịch FTX.
- Cardano: ra đời năm 2017, thuộc blockchain thế hệ thứ 3, xây dựng dựa trên nền tảng khoa học khắt khe, đề cao tính phi tập trung và bảo mật, đã vận hành ổn định xuyên suốt 6 năm chưa 1 giây ngừng nghỉ.
Và với các blockchain PoS, cơ chế staking là điều gần như bắt buộc để duy trì sự bền vững của chuỗi.
2. Staking là gì ?
Staking là một cơ chế thiết yếu trên các blockchain PoS, cá nhân hoặc tổ chức sẽ tự vận hành hoặc uỷ quyền lượng token mà họ sở hữu để tham gia vào cơ chế đồng thuận và nhận phần thưởng từ giao thức. Cơ chế này nhằm kết hợp hài hoà giữa lợi ích kinh tế riêng của người nắm giữ và sự cần thiết về tính phi tập trung của giao thức.
Staking nên được hiểu đúng để không bị nhầm lẫn hoặc đánh tráo với các khái niệm khác như: Farming, Lending, Earn,…các hình thức này không trực tiếp tham gia vào cơ chế đồng thuận của giao thức. Xem xét ở các vị thế của người nắm giữ token tham gia staking sẽ có 2 lựa chọn:
- Tự vận hành: người nắm giữ token sẽ tự vận hành hệ thống máy tính để tham gia vào quá trình đồng thuận dựa trên lượng token mà họ sở hữu.
- Uỷ quyền: người nắm giữ token sẽ uỷ quyền cho các Validator/Pool mà không cần có hệ thống máy tính để tham gia xác thực.
Farming: hình thức sử dụng token để cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi.
Lending: hình thức sử dụng token cho những người/tổ chức có nhu cầu vay mượn và hưởng lãi suất.
Earn: hình thức sử dụng token để hưởng lãi suất trên các sàn giao dịch tập trung.
Ở vị thế của người sở hữu token và uỷ quyền, người nắm giữ nên nhận thức rõ rằng staking chỉ là một hoạt động uỷ quyền cho các Validator/Pool nhận được “sức mạnh” của lượng stake đưa vào giao thức, không nhầm lẫn với việc trao quyền sở hữu token cho các Validator/Pool này. Từ đó, hết sức cẩn trọng với các giao thức staking mà người dùng phải gửi token vào smart contract, ví của Validator/Pool hay token bị lock (đồng nghĩa mất quyền sử dụng).
Để bạn hiểu thêm Staking là gì, 5Money sẽ phân tích, so sánh mô hình staking của 3 blockchain PoS nổi bật kể trên.
3. So sánh cơ chế staking giữa ETH, SOL và ADA
3.1 Các bên tham gia staking
Key highlights
- Ethereum: người sở hữu ETH, các bên cung cấp dịch vụ staking.
- Solana: người sở hữu SOL, các Validator.
- Cardano: người sở hữu ADA, các Stake Pool Operator (SPO).
Với Ethereum, một validator cần có tối thiểu 32 ETH, đây là một rào cản lớn vì chi phí bỏ ra để sở hữu lượng ETH trên không phải con số nhỏ, khoảng 96 nghìn USD (tương đương mức giá 3000 USD/ETH ở thời điểm viết bài). Người sở hữu ETH có thể tham gia staking qua các hình thức:
- Tự chạy trình xác thực.
- Sử dụng dịch vụ chạy trình xác thực của một bên thứ 3.
- Thông qua dịch vụ staking của các bên thứ 3 ( thường là giao thức Liquid Staking ví dụ: Lido, Rocket,…).
- Staking ở các sàn tập tập trung (CEX).
Với Solana, người sở hữu SOL uỷ thác cho các Validators để nhận phần thưởng. Tuy nhiên, giao thức trên Solana không có tham số để ngăn chặn một Validator có quá nhiều lượng uỷ thác, đồng nghĩa có rủi ro về tập trung hoá mạng lưới.
Với Cardano, cơ chế staking sẽ bao gồm các những người sở hữu ADA (native token trên Cardano) cùng các SPO đóng vai trò là những người vận hành mạng lưới. Người sở hữu ADA sẽ lựa chọn và uỷ quyền token cho các SPO để nhận rewards. Mặt khác, các SPO sẽ thiết lập hệ thống máy tính theo quy định của giao thức và cố gắng thu hút người sở hữu ADA uỷ thác cho pool, lượng ADA của pool được uỷ thác càng lớn thì xác suất pool được đóng block (nhận thưởng từ block đó) càng cao. Tuy nhiên, giao thức Cardano có một tham số k (hiện đang ở mức k=500), đặt ra một ngưỡng trần về lượng ADA tối đa mà một pool có thể được uỷ thác (khoảng 70 triệu ADA với k=500), khi đạt tới ngưỡng, lượng ADA uỷ thác thêm vào không giúp pool tăng xác suất đóng block. Vì vậy, tham số này sẽ đảm bảo tính phi tập trung của cơ chế staking trên Cardano.
3.2 Tham gia staking
Key highlights
- Ethereum: tự thiết lập node (yêu cầu hiểu biết kỹ thuật) hoặc sử dụng dịch vụ bên thứ 3.
- Solana: chọn pool, không cần quá am hiểu kỹ thuật.
- Cardano: chọn pool, không cần quá am hiểu kỹ thuật.
Với Ethereum, người nắm giữ ETH (giả định đủ 32 ETH) phải có hiểu biết nhất định về lập trình máy tính để có thể tự chạy trình xác thực, chưa kể là mức 32 ETH là con số tối thiểu để được xem là một validator, lượng stake quá ít cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp khả năng được đóng block. Mặt khác, khi lựa chọn tham gia staking qua các bên thứ 3, người nắm giữ sẽ gửi ETH vào các smart contract của các bên thứ 3 này, đồng nghĩa với việc phải tin tưởng vào một bên trung gian, đi ngược với nguyên tắc Trustless của blockchain.
Với Solana, người nắm giữ SOL lựa chọn pool và sẽ gửi SOL vào các smart contract (được gọi là Solana Program) dành cho staking. Các chủ pool cũng chỉ nhận được uỷ quyền SOL chứ không có sự chuyển giao tài sản từ người dùng sang các staking pool.
Với Cardano, người nắm giữ ADA chỉ cần thao tác trên giao diện ví để lựa chọn pool và tham gia staking qua các bước xác nhận đơn giản, quan trọng hơn hết là chỉ uỷ quyền cho các pool được quyền tận dụng “sức mạnh” của ADA tham gia staking, token vẫn ở trong ví của người sở hữu. Việc thiết lập các pool về mặt kỹ thuật sẽ do các chủ pool chịu trách nhiệm và phải tuân theo quy định của giao thức định sẵn.
3.2 Quyền sở hữu stake
Key highlights
- Ethereum: địa chỉ stake hoặc bên thứ 3 (cung cấp dịch vụ).
- Solana: thuộc về người dùng.
- Cardano: thuộc về người dùng.
Với Ethereum, quyền sở hữu ETH không còn hoàn toàn thuộc về người dùng, quyền sở hữu lúc này được chuyển sang địa chỉ staking (tự vận hành) hoặc bên thứ 3 (sử dụng dịch vụ staking).
Với Solana, quyền sở hữu SOL vẫn thuộc về người dùng, lượng SOL tham gia staking sẽ được gửi vào smart contract.
Với Cardano, quyền sở hữu ADA vẫn thuộc về người dùng, ADA uỷ thác vẫn nằm ở ví của chủ sở hữu stake.
3.3 Rewards
Key highlights
- Ethereum: 3-10%/năm, tuỳ thuộc từng bên cung cấp dịch vụ staking.
- Solana: 6-7%/năm, tuỳ vào từng Validators.
- Cardano: 3-4%/năm ở hiện tại
Với Ethereum, lượng rewards nhận được sẽ đến từ lượng ETH được phát hành mới, toàn bộ phí giao dịch bị đốt (burn) để giảm tổng cung. Lượng ETH được thưởng và gửi thêm vào địa chỉ ví không được tự động luỹ kế vào số stake. Người dùng phải thao tác lại nếu muốn sử dụng lượng ETH mới này tham gia staking.
Với Solana, lượng rewards nhận được sẽ đến từ lượng SOL được phát hành mới, toàn bộ phí giao dịch bị đốt (burn) để giảm tổng cung. Người dùng cũng cần thao tác staking lại với lượng SOL được gửi thêm vào ví hoặc lượng SOL nhận thưởng từ staking.
Với Cardano, lượng rewards nhận được sẽ đến từ nguồn ADA dự trữ cộng với phí giao dịch thu được từ giao thức. Mặt khác, lượng ADA được gửi thêm vào ví và phần thưởng từ staking sẽ được tự động luỹ kế vào tổng số stake để nhận thưởng mà không cần người dùng thao tác lại.
3.3 Slashing
Key highlights
- Ethereum: Có, mức slashing nặng.
- Solana: Có, slashing vào phần thưởng.
- Cardano: Không
Với Ethereum, sẽ có hình thức slashing với các với các validators có hành vi độc hại với mạng lưới (xác thực 2 block khác nhau trong cùng một slot, offline,…). Hình thức slashing ngay lập tức với các validators này trừ thẳng 1 ETH, tương ứng 1/32 số dư, hình phạt bổ sung sau đó 36 ngày là khoảng 0,07 ETH. Ngoài ra, khi có càng nhiều validators vi phạm cùng lúc thì mức slashing dành cho tất cả các trình xác thực này sẽ càng tăng, lên đến 60% khi có trên 33% validators offline cùng một thời điểm.
Với Solana, hình thức slashing hiện tại là dừng mạng và tạm thời loại bỏ các validators ra khỏi danh sách hoạt động hoặc giảm phần thưởng của họ, chứ không phạt vào lượng stake một cách trực tiếp. Cần lưu ý phương pháp tạm dừng mạng và kiểm tra các validators sẽ do đội ngũ Solana thực hiện, mang tính tập trung hoá. Mặt khác, về dài hạn, Solana hướng đến mức slashing 100% với các validators cố tình vi phạm.
Với Cardano, không có hình thức slashing với các pool và tài sản của người dùng. Cơ chế đồng thuận Ouroboros vận hành theo tiêu chí người hành xử trung thực sẽ được thưởng, không trung thực sẽ bị loại bỏ ra khỏi giao thức. Tài sản của người dùng được bảo vệ nguyên vẹn.
3.4 Khoá stake
Key highlights
- Ethereum: Có
- Solana: Có
- Cardano: Không
Với Ethereum, ETH sẽ bị khoá trong smart contract
- Tự chạy trình xác thực: không thể giao dịch với lượng ETH đã bị khoá.
- Sử dụng dịch vụ bên thứ 3: người dùng sẽ nhận lại một token ERC-20 tượng trưng cho số ETH đã tham gia stake, có thể giao dịch. Tuy nhiên, rủi ro sẽ đến từ việc biến động của các token ERC-20 này và ảnh hưởng trực tiếp đến lượng ETH gốc của người tham gia staking.
Với Solana, lượng SOL tham gia stake sẽ bị khoá trong smart contract, đồng nghĩa, người dùng không thể giao dịch với số stake đó.
Với Cardano, lượng stake của người dùng không bị khoá, chủ sở hữu có toàn quyền sử dụng, kể cả giao dịch với tài sản đã tham gia staking.
3.5 Rút stake
Key highlights
- Ethereum: Hàng chờ, có thể lên đến 17 ngày.
- Solana: 2 epoch tương đương 4-6 ngày.
- Cardano: Bất kỳ lúc nào.
Với Ethereum, người sở hữu muốn rút stake phải vào hàng chờ (queue) để được cho phép rút ETH đã stake, hiện Ethereum chỉ cho phép tối đa 16 lệnh rút trong 1 block. Ngoài ra, thời gian chờ có thể lên đến 17 ngày phụ thuộc vào tốc độ xử lý của các bên cung cấp dịch vụ staking.
Với Solana, quá trình unstaking SOL yêu cầu một khoảng thời gian chờ xác định, gọi là “cooling-off period” hoặc “unbonding period”, kéo dài 2 epoch, khoảng 4-6 ngày để người dùng có thể toàn quyền sử dụng. Một lưu ý là thời gian của mỗi epoch trên Solana có thể kéo dài hơn phụ thuộc vào điều kiện mạng lưới.
Với Cardano, người dùng có thể chuyển pool, rút stake bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, người uỷ thác vẫn sẽ nhận thưởng từ pool cũ trong 2 epoch (5 ngày/epoch) tiếp theo từ thời điểm dừng stake.
Bảng tổng hợp so sánh staking giữa ETH – SOL – ADA
4. Tổng kết
Qua bài viết Staking là gì và so sánh từng chức năng trong cơ chế staking của các blockchain Ethereum, Solana và Cardano, 5Money mong muốn mang đến bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về cách thức staking của các dự án này. Từ đó, bạn đọc có thêm nguồn thông tin khách quan để đưa ra các quyết định đầu tư của bản thân, thay vì so sánh đơn thuần dựa trên lợi nhuận và đưa ra các quyết định hết sức bản năng, bỏ qua những yếu tố rủi ro tiềm ẩn.
Mặt khác cũng cần làm rõ rằng, cả 3 blockchain đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng và từng tiêu chí so sánh cũng phản ảnh điều đó. Việc so sánh không nhằm mục đích phân định rạch ròi blockchain nào là số 1 vì mỗi chuỗi đều có thể đóng vai trò nhất định dựa trên lợi thế của mình. Nói cách khác, mỗi blockchain đều có vị thế riêng của mình, ở khía cạnh người dùng, cần dựa trên các thông tin một cách bao quát nhất để đưa ra các quyết định phù hợp với bản thân.
Đọc thêm: Restaking là gì ? Xu hướng mới trên hệ sinh thái Ethereum
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!