1. Tổng quan về hệ sinh thái EigenLayer
EigenLayer là dự án khởi nguồn cho xu hướng Restaking nổi lên gần đây. Ra đời với mục đích tận dụng tài sản ERC20 như ETH và mạng lưới Validator của Ethereum để tạo ra các cụm Validator có độ bảo mật cao vận hành những dự án mới.
Các Validator trên mạng lưới Ethereum có thể đăng ký trở thành Validator của EigenLayer. Từ đó, một công đội việc, họ vừa có thể vận hành nền tảng Ethereum và vừa tham gia vận hành các AVS* trên EigenLayer để kiếm thêm thu nhập.
*AVS (Actively Validated Services) ra đời để vận hành và cung cấp tính bảo mật cho các chuỗi Layer 1, Layer 2, Bridge, Oracle hay bất kỳ dApps nào có nhu cầu.
Các dự án, nhà phát triển sẽ thuê AVS để vận hành và bù lại họ phải trả phí dịch vụ cho AVS. Khoản phí này sẽ được chia cho Stakers (người ủy thác) và Operators (người vận hành).
EigenLayer huy động được hơn 164 triệu USD, con số không thua kém gì các dự án nền tảng Layer 1, Layer 2. Trong đó, A16z là quỹ đầu tư hàng đầu thị trường đã rót 100 triệu USD vào EigenLayer. Bên cạnh đó một số quỹ cũng đầu tư vào dự án này như Blockchain Capital, Polychain Capital, Coinbase Ventures, Electric Capital,…
2. Hệ sinh thái EigenLayer có những gì?
EigenLayer không phải là Blockchain nền tảng mà nó chỉ là một bên cung cấp dịch vụ xác thực. Và khách hàng có thể phát triển bất kỳ dự án thuộc mảng nào trên đó. Vậy nên, hệ sinh thái của EigenLayer vô cùng đa dạng. Ngoài các dự án sử dụng dịch vụ AVS thì một số khác sử dụng EigenDA và hỗ trợ thanh khoản, chúng đều thuộc hệ sinh thái EigenLayer.
2.1 Các dự án thanh khoản trên hệ sinh thái EigenLayer
Xuất phát từ việc EigenLayer cho phép Restake (ủy thác) các tài sản ETH, LST,… (ERC20) vào AVS, thanh khoản này sẽ bị khóa và mất khoảng vài ngày chờ để rút tài sản về ví. Do đó, một số giao thức Liquid Restaking ra đời để hỗ trợ thanh khoản trên EigenLayer.
Liquid Restaking là các giao thức giúp stake tài sản vào AVS trên EigenLayer nhưng người dùng sẽ nhận lại LRT (Liquid Restaking Token) đại diện cho thanh khoản mà họ sở hữu. LRT cũng giống như LST (stETH, rETH,…) được giao dịch trên thị trường. Nhờ đó mà người dùng có thể sử dụng LRT để làm tài sản thế chấp cho vị thế vay, vị thế Long/Short,… hay có thể bán chúng và nhận lại ETH ngay lập tức, bất cứ lúc nào mà không cần chờ thời gian mở khóa.
Đến đây thì chắc hẳn bạn đang thắc mắc tại sao EigenLayer không mint ra LRT cho người dùng mà cần đến các giao thức Liquid Restaking? Vì trên EigenLayer các Validator có hành vi sai trái sẽ bị phạt (Slashing), đồng nghĩa với việc họ sẽ mất đi một phần tài sản ủy thác. EigenLayer cũng chịu rủi ro khá cao khi cấp nhận LST và nhiều Token ERC20 khác làm cổ phần. Do đó, nó muốn giảm rủi ro bằng cách không hỗ trợ LRT, vì LRT sẽ mất Peg nếu có hiện tượng Slashing diễn ra.
Liquid Restaking ra đời để mở khóa tính thanh khoản cho EigenLayer. Nó đã được chấp thuận và sử dụng rộng rãi, bằng chứng là mảng này đang có hơn 8 tỷ USD TVL. Đứng đầu mảng này là EtherFi với TVL hơn 3.3 tỷ USD, xếp sau đó là: Renzo, Puffer, KelpDAO, Eigenpie,…
TVL mảng Liquid Restaking
2.2 Dự án sử dụng EigenDA trên hệ sinh thái EigenLayer
Với sự phát triển mạnh mẽ của Layer 2 Rollup, đã tạo ra nhu cầu lớn về DA. Vì các Layer 2 lưu trữ dữ liệu trên Ethereum rất tốn kém nên họ đã chọn dịch vụ Data Availability (DA) bên ngoài để giảm chi phí và tăng tốc độ giao dịch.
Nhận biết được điều này, EigenLayer phát triển một lớp DA với sản phẩm có tên gọi là EigenDA. Bản chất nó cũng được vận hành bởi AVS dựa trên nhiều Validator. Tuy nhiên các Validator này được thiết kế để phù hợp với khả năng cung cấp DA hơn.
Nhờ có sự bảo mật tốt của AVS và cổ phần từ những người ủy thác. EigenDA cung cấp lớp DA có độ bảo mật rất cao cho các Layer 2. Một số dự án sử dụng DA như AltLayer, Mantle, Versatus, Movement, CyberConnect,…
2.3 Dự án sử dụng AVS trên hệ sinh thái EigenLayer
Như bạn đã biết, EigenLayer là bên cung cấp dịch vụ AVS nên các dự án sử dụng nó chính là đối tác thuộc hệ sinh thái EigenLayer.
Các dự án hoạt động trên AVS có thể phát hành Token cho riêng mình và token đó sẽ được dùng để Restake vào AVS vận hành chính dự án đó. Ngoài ra, dự án cũng cần phải trả tiền dịch vụ xác thực cho AVS dưới dạng ETH, EIGEN, Token quản trị dự án,… việc này còn tùy thuộc vào yêu cầu của AVS.
Các dự án đối tác sử dụng trực tiếp AVS để vận hành dự án đó như Swell, Espresso, Ethos, Hyperlane, Drosera Network, Lagrange, Omni, Silence Laboratories,…
Các dự án sử sụng AVS của EigenLayer
3. Cơ hội đầu tư với hệ sinh thái EigenLayer
EigenLayer là trung tâm của chính hệ sinh thái nên đây là dự án mà bạn cần quan tâm nhất. Tiếp đến sẽ Liquid Restaking, nơi sẽ đón dòng tiền trước khi đổ vào EigenLayer. Sau đó là các dự án hưởng lợi từ AVS và cuối cùng là sử dụng EigenDA.
Nếu đánh cược vào xu hướng Restaking thì bạn chỉ nên rót tiền vào EigenLayer và một số dự án Liquid Restaking. Vì đây đều là những dự án trực tiếp nhận dòng tiền từ người dùng.
Có 3 cơ hội đầu tư đối với EigenLayer và dự án thuộc mảng Liquid Restaking như sau:
- Đầu tư Token: Hiện tại, EigenLayer đã ra Token và Airdrop cho người dùng nhưng chưa list sàn. Các dự án Liquid Restaking đã ra Token như EtherFi, Renzo,…
- Đầu tư Airdrop: Thời điểm hiện tại Airdrop không còn tiềm năng nữa vì các dự án lớn như EigenLayer, EtherFi, Renzo đã tiến hành Airdrop. Cơ hội chỉ còn ở Puffer Finance và Swell Network nhưng cả 2 cũng sắp ra Token.
- Đầu tư vào Farming: Eigen cung cấp sản phẩm ủy thác tài sản vào AVS nên bạn có thể ủy thác ETH, LST trực tiếp trên EigenLayer hoặc thông qua giao thức Liquid Restaking để kiếm APR từ 10% đến 30% mỗi năm.
4. Tiềm năng của hệ sinh thái EigenLayer
Restaking đang là một mảng rất mới nhưng đã nhanh chóng có được sự chú ý từ cộng đồng. Dự án đi đầu mảng là EigenLayer đã có hơn 12 tỷ USD TVL. Cho thấy tiềm năng của dự án và giao thức Liquid Restaking còn rất lớn.
Lợi nhuận mà EigenLayer mang lại cho người Stake ETH, LST có thể lên đến 10% hay thậm chí là 30%. Đây là mức APR khá hấp dẫn đối với người nắm giữ ETH, LST. Chưa kể, nếu Stake qua giao thức Liquid Restaking thì người dùng còn nhận lại tài sản LRT để tham gia vào thị trường DeFi.
Ngoài ra, chỉ có 26% nguồn cung ETH đang được Stake, còn khoảng 90 triệu ETH chưa được Stake. So với TVL 56 tỷ USD của Liquid Staking thì Restaking chỉ có hơn 12 tỷ USD, mà Restaking là nơi đón nhận thanh khoản từ Liquid Staking. Vậy nên mảng này có triển vọng tăng trưởng đột phá.
5. Rủi ro khi tham gia vào hệ sinh thái EigenLayer
Khi tham gia vào hệ sinh thái EigenLayer thì một số rủi ro mà bạn nên cân nhắc như sau:
- Ảnh hưởng do LST, LRT mất Peg: Mất Peg đối với các loại tài sản LST và LRT là điều rất hay gặp do thanh khoản của thị trường DeFi còn khá kém. Một số tin tức tiêu cực thúc đẩy hành đồng rút thanh khoản hoặc bán tháo có thể dẫn đến việc mất Peg. Hệ lụy là tài sản LST, LRT của người dùng đang thế chấp trên thị trường bị thanh lý hàng loạt.
- Chia rẽ cộng đồng Ethereum: Do EigenLayer sử dụng lại các Validator của mạng lưới Ethereum nên một sự kiện bất đồng xảy ra có thể dẫn đến chia rẽ cộng đồng. Đây cũng là điều mà Vitalik Buterin cảm thấy lo lắng.
- Mất tài sản khi ủy thác do cơ chế Slashing: Các Validator có hành vi sai trái sẽ bị phạt cổ phần tham gia Stake. Nó gây mất tài sản của người ủy thác và mất Peg giữa LRT với ETH.
- Các giao thức thanh khoản bị tấn công: Các giao thức Liquid Restaking giúp người dùng ủy thác tài sản vào EigenLayer. Nếu bị tấn công thì người dùng sẽ mất tài sản và ảnh hưởng gián tiếp đến EigenLayer.
6. Tổng kết
EigenLayer cung cấp dịch vụ cho thuê AVS để vận hành các dự án. Việc cho phép tái ủy thác LST và sử dụng Validator của mạng lưới Ethereum giúp AVS của EigenLayer có độ bảo mật cực kỳ cao.
Qua đó, dự án sử dụng AVS xung quanh Eigen rất đa dạng, góp phần làm cho hệ sinh thái này trở nên sôi động hơn bất cứ lúc nào. Đây chỉ là sự khởi đầu, việc ra mắt Token nổ Airdrop sẽ tạo ra sự fomo lớn. Nó cũng thúc đẩy cho việc phát triển hệ sinh thái EigenLayer, đồng nghĩa với việc nhiều dự án tìm đến sử dụng AVS của nền tảng.
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.