Đánh giá cộng đồng
Cộng đồng là nguồn sống của bất kỳ nền tảng blockchain nào, nơi người dùng đặt lòng tin của họ. Một cộng đồng blockchain sẽ bao gồm nhiều thành phần như:
- Đội ngũ developers: chất lượng, mức độ hoạt động trong việc phát triển dự án. Vì đa số các nền tảng blockchain đều là mã nguồn mở nên cộng đồng hoàn toàn có thể kiểm tra mức độ hoạt động của developers qua Github.
Ví dụ: người dùng có thể sử dụng nền tảng Santiment để theo dõi hoạt động Github của các nền tảng. Các blockchain như Cardano, Kusama/Polkadot thường xuyên đứng top đầu về mức độ hoạt động Github.
Theo dõi hoạt động Github của các dự án trên Santiment
- Các đại sứ, người quảng bá dự án: mức độ uy tín, sự thành thật khi nói về dự án cũng như độ minh bạch về các lợi ích nhận được từ vị trí của họ.
- Các hội nhóm ở các châu lục, quốc gia: số lượng thành viên của các nhóm, chất lượng các cuộc trao đổi, chủ đề mà các nhóm thường xuyên trao đổi (theo dõi dự án, công nghệ hay giá cả của token).
Ví dụ: cách các admin/moderator phản hồi các thắc mắc của người dùng có chi tiết và tận tình không? Các chủ đề được thảo luận là các công nghệ được ứng dụng vào blockchain hay là các sự kiện Giveaway, Airdrop để thu hút sự chú ý ngắn hạn?
- Cộng đồng người dùng, nhà đầu tư, người tham gia phát triển: mức độ thân thiện và độ hiểu biết của người dùng trong cộng đồng, tính cam kết của những nhà đầu tư.
Ví dụ: ngôn từ mà các thành viên giao tiếp với nhau có thân thiện, tôn trọng đối phương không, có tình trạng xúc phạm, phân biệt không? người tham gia dự án thường đặt câu hỏi về chất lượng dự án hay về giá cả của token?
Tựu chung, một cộng đồng blockchain tốt để đầu tư dài hạn là nơi có đội ngũ developers hoạt động chăm chỉ, năng động, các hội nhóm, người dùng lựa chọn các góc cạnh nền tảng của dự án để thảo luận thay vì giá cả lên xuống ngắn hạn.
Đánh giá cách truyền thông
Hiện tại, bất kỳ dự án blockchain nào cũng có khả năng sử dụng đa kênh để thông tin dự án đến cộng đồng, từ X (Twitter), Facebook, Discord đến Telegram, Medium, Website riêng,…
CoinMarketCap hiển thị đầy đủ các trang truyền thông của 1 dự án Crypto
Dựa trên nhu cầu tìm kiếm các dự án để đầu tư dài hạn, nhà đầu tư không cần đặt nặng về con số và mức độ rầm rộ của các chiến dịch truyền thông vì khi quá ưu tiên truyền thông ngay từ đầu (gọi vốn hàng triệu USD, được quỹ VCs lớn đầu tư, được các KOLs khen ngợi,…) thì số người biết đến đã quá lớn, cơ hội đạt lợi nhuận cao đã giảm đi đáng kể.
Các dự án lừa đảo (ở mức độ cao cấp) thường tận dụng chiêu bài marketing để thu hút sự chú ý khi sản phẩm chưa mang lại giá trị thực sự cho xã hội. Nhà đầu tư dài hạn cần đặt sự ưu tiên vào chất lượng của các kênh truyền thông mà dự án đó sở hữu.
Các đặc điểm cần lưu ý khi xem xét các kênh truyền thông:
- Số lượng người tham gia các kênh truyền thông: số lượng lượt thích, theo dõi không cần quá cao (từ 1-2 nghìn follow trở lên) nhưng cần lưu ý đến tính “thật” của các kênh này. Các dự án có ý đồ xấu hoàn toàn có khả năng xây dựng các nhóm ảo với các bot hoạt động, người dùng cần theo dõi cẩn thận độ tương tác của các kênh truyền thông, lượt tương tác là bot hay là người thật, các vấn đề nêu ra thật sự chạm tới các khía cạnh của dự án hay là các câu văn hô hào, kêu gọi nhằm kích thích người dùng.
- Chất lượng các kênh truyền thông: nội dung được trau chuốt, hình ảnh rõ ràng, văn phong đơn giản, không khoa trương hào nhoáng, tập trung vào việc cập nhật tiến độ dự án, giải trình với cộng đồng một cách đều đặn, liên tục với các dẫn chứng mang tính định lượng (có số liệu trích dẫn) từ các nguồn uy tín mà mọi người đều có quyền kiểm tra, xác thực. Các dự án thiếu hụt hàm lượng chất xám sẽ thường xuyên nói về giá cả tăng giảm mạnh, hứa hẹn những dự định phát triển hoành tráng, sử dụng ngôn từ bóng bẩy, kích động sự hưng phấn ngắn hạn.
Tóm lại, khi xem xét yếu tố truyền thông của một dự án blockchain, nhà đầu tư dài hạn cần đặt ưu tiên về tính chân thật của khía cạnh này, đảm bảo dự án có sự truyền thông nhất định (duy trì sự tồn tại, hiện diện của dự án) nhưng không quá khoa trương (đảm bảo cơ hội đầu tư, loại bỏ một phần các dự án có ý đồ xấu).
Đánh giá thị trường
Yếu tố cuối cùng cần xem xét là thị trường. Nhà đầu tư đến cuối cùng vẫn sẽ mong muốn lợi nhuận và thị trường là nơi để hiện thực hoá điều đó.
Các thành phần cần cân nhắc khi nhà đầu tư đánh giá thị trường:
- Giá: giá của token/crypto hiện tại so với lịch sử của dự án và dự phóng về tiềm năng theo đánh giá của nhà đầu tư để quyết định dự án có còn thật sự là một cơ hội đầu tư dài hạn hay không.
Ví dụ: ở thời điểm viết bài, giá của Bitcoin (BTC) khoảng 56 nghìn USD, so với mức ATH là 69 nghìn USD, tương quan với kỳ vọng về lợi nhuận của nhà đầu tư, mức tăng giá nhân 2-3 lần là khả thi. Tuy nhiên, kỳ vọng về một mức tăng giá nhân 100 lần thì khó khăn hơn rất nhiều so với các dự án khác.
- Thanh khoản: nói đến việc có khả năng mua bán các token/crypto, sản phẩm mà không gây ảnh hưởng đến giá trị của tài sản đó. Thanh khoản chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cộng đồng, dự án thật sự tồn tại cần có khối lượng giao dịch nhất định (tối thiểu khối lượng giao dịch hàng ngày phải trên 1 triệu USD) để nhà đầu tư có thể đặt niềm tin.
- Biến động: lĩnh vực blockchain, crypto là lĩnh vực đầu tư mạo hiểu ở mức cao, biến động giá xảy ra ở tần suất và cường độ lớn. Nhà đầu tư cần trang bị tâm lý đầu tư vững vàng ngay từ đầu để sẵn sàng chịu các biến động này. Bên cạnh đó, nắm vững tokenomics (yếu tố 3) để loại trừ các dự án rug-pull (rút thảm), nâng cao độ tự tin với khoản đầu tư khi đã ra quyết định.
- Sàn giao dịch niêm yết: các DEX (sàn giao dịch phi tập trung) hiện vẫn còn sơ khai, chưa hoàn thiện đầy đủ chức năng nên phần lớn nhà đầu tư, người dùng vẫn phải sử dụng các sàn CEX (sàn giao dịch tập trung). Nhà đầu tư dài hạn cần xác định tư duy sử dụng các sàn CEX để tối ưu hoá sự linh hoạt ở hiện tại, tương lai vẫn sẽ hướng về các sàn DEX với đúng tính chất decentralized của blockchain. Một crypto/token được niêm yết trên một sàn CEX phổ biến (Binance, Coinbase,…) là một dấu hiệu tốt cho thanh khoản cũng như cơ hội tăng giá. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tránh những sản phẩm đầu tư mang tính tập trung trên các sàn giao dịch này mà nên tự bảo quản tài sản ở ví cá nhân.
Tổng quan, các yếu tố thị trường không kém phần quan trọng vì là nơi nhà đầu tư hiện thực hoá lợi nhuận của các khoản đầu tư, cần cân nhắc thận trọng tương quan giữa giá cả hiện tại – tiềm năng lợi nhuận, rủi ro biến động – tokenomics, thanh khoản – sàn giao dịch (cùng tư duy đúng về các sàn CEX) trước khi đưa ra quyết định đầu tư.
Tạm kết
Tổng kết cho cẩm nang đầu tư dài hạn trong lĩnh vực blockchain/crypto, 5Money xin một lần nữa nhắc lại, công nghệ blockchain ra đời nhằm giải quyết vấn đề niềm tin của xã hội. Là nhà đầu tư, chúng ta có thể tìm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư mang hàm lượng chất xám cao này khi có sự nghiên cứu, đánh giá cẩn thận và đi trước đám đông nhưng không phải lợi dụng bình phong công nghệ cho các hành động sai trái, “ăn thịt” người đến sau. Chúng ta kiếm được lợi nhuận vì cung cấp giải pháp cho vấn đề của xã hội.
Nhà đầu tư dài hạn cần trang bị đầy đủ kiến thức ở từng yếu tố được liệt kê, xem xét cẩn trọng tương quan, ảnh hưởng lẫn nhau giữa chúng. Bên cạnh đó, luôn luôn lấy căn bản của blockchain là phi tập trung (decentralized), trustless (không phải tin ai), permissionless (không phải xin phép) để đánh giá từng vấn đề. Chúc các bạn thành công!
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Mời bạn đọc tiếp tại:
- Bài 5 : Đầu cơ và đầu tư khác nhau thế nào? Bạn thuộc trường phái đầu cơ hay đầu tư?
- Bài 1 : Hiểu đúng về Blockchain và Crypto
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!