1. Whitepaper là gì?
Whitepaper là một báo cáo hoặc tài liệu chuyên sâu cung cấp các thông tin chi tiết về dự án. Đây được xem là nguồn thông tin chuẩn xác nhất khi các bạn cần tìm hiểu về bất kỳ dự án nào trong thị trường crypto.
Việc đọc whitepaper sẽ giúp bạn nắm bắt được các thông tin chuyên sâu bao gồm:
- Hiểu rõ dự án: White paper cung cấp cái nhìn tổng quan về dự án, từ mục tiêu, giải pháp đến cách thức hoạt động. Điều này giúp bạn nắm bắt ý tưởng chính và mục tiêu dài hạn của dự án.
- Đánh giá tiềm năng: Thông qua whitepaper, bạn có thể đánh giá tiềm năng thành công của dự án dựa trên các yếu tố như công nghệ sử dụng, mô hình kinh doanh, đội ngũ phát triển, và thị trường mục tiêu.
- Hiểu về tokenomics: Whitepaper sẽ giải thích cách hoạt động, quy trình phát hành của token và mục tiêu tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư nắm rõ giá trị tiềm năng của token.
Nhờ các thông tin, kế hoạch chi tiết trong whitepaper mà bạn sẽ hiểu sâu hơn về dự án, đánh giá được độ tin cậy của dự án, và hỗ trợ trong việc đưa ra quyết định đầu tư.
2. Cấu trúc của whitepaper
Tuỳ vào từng dự án mà whitepaper sẽ tập trung trình bày những vấn đề khác nhau. Nhưng một whitepaper đầy đủ thường sẽ có cấu trúc bao gồm các phần sau:
- Tóm tắt dự án
Whitepaper thường bắt đầu bằng một phần tóm tắt dự án, giới thiệu tổng quan về vấn đề cần giải quyết và các giải pháp dự án phát triển, đồng thời cũng phân tích cơ hội trong thị trường để người đọc thấy được tiềm năng của dự án.
- Mô tả về công nghệ lõi
Đây là trọng tâm chính của một whitepaper, mục này sẽ cung cấp chi tiết về cách dự án hoạt động. Thường sẽ có các thông tin liên quan đến công nghệ dự án sử dụng, tính năng và vai trò trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra ở trên.
- Thông tin Tokenomics
Mục này sẽ trình bày chi tiết về thông tin token của dự án như: việc phát hành, phân phối và sử dụng. Tokenomics cũng đề cập đến cách thức token sẽ được sử dụng trong hệ sinh thái của dự án, cơ chế khuyến khích và lợi ích mà người nắm giữ token có thể nhận được.
- Lộ trình phát triển
Mục này sẽ bao gồm các mốc thời gian quan trọng và mục tiêu cụ thể mà dự án đặt ra trong tương lai, đó có thể có các sự kiện như ra mắt sản phẩm, tính năng, thời điểm phát hành token hoặc mục tiêu mà dự án tập trung trong từng giai đoạn…
- Thông tin về đội ngũ phát triển và nhà đầu tư
Mục này sẽ giới thiệu về các thành viên chủ chốt trong đội ngũ phát triển, các nhà cố vấn và nhà đầu tư của dự án. Thông tin này thường bao gồm kinh nghiệm, nền tảng và các dự án mà họ đã tham gia trước đây. Đây cũng là nội dung quan trọng vì nó cung cấp thông tin cho biết, liệu đội ngũ phát triển có chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực hay thị trường mà dự án đang hoạt động hay không.
3. Cách đọc whitepaper hiệu quả
3.1 Tìm đọc whitepaper ở đâu?
Để tìm đọc whitepaper của các dự án crypto, bạn có thể sử dụng các nguồn sau đây:
- Trang web chính thức của dự án: Thường thì mỗi dự án crypto sẽ có một trang web chính thức, và whitepaper sẽ được đăng tải trực tiếp trên trang web này. Bạn có thể tìm thấy whitepaper trong mục “Documents”, “Resources”, hoặc “About”.
- CoinMarketCap và CoinGecko: Đây là 2 trang web lớn cung cấp thông tin chi tiết về các dự án trên thị trường. Bạn có thể tìm kiếm tên dự án trên các trang này, và nếu dự án đã được liệt kê, thường sẽ có liên kết tới whitepaper trong phần thông tin chi tiết.
- Github hoặc Gitlab: Một số dự án mã nguồn mở sẽ đăng tải whitepaper của họ trên các nền tảng quản lý mã nguồn như Github hoặc Gitlab. Bạn có thể tìm kiếm dự án trên các nền tảng này để xem các whitepaper công khai.
- Crypto forums và cộng đồng: Các diễn đàn và cộng đồng như Bitcointalk, Reddit (các subreddit như r/cryptocurrency), hoặc Telegram của dự án thường có liên kết đến whitepaper.
- Sàn giao dịch Crypto: Một số sàn giao dịch cũng cung cấp các thông tin của dự án, bao gồm cả liên kết đến whitepaper của các dự án mà sàn niêm yết, bạn có thể tìm thấy trong trang thông tin của đồng tiền trên sàn giao dịch.
Lưu ý: Khi đọc whitepaper, bạn hãy chắc chắn rằng đang truy cập từ các nguồn tin cậy, hoặc có thể check nhiều đường link để tránh bị lừa đảo hoặc nhận thông tin không chính xác về dự án mà mình đang quan tâm.
3.2. Cách nắm bắt thông tin trong whitepaper
Để hiểu rõ hơn về các thông tin mà bạn cần quan tâm trong một bản whitepaper, mình sẽ phân tích Whitepaper của một trong những dự án blockchain thành công nhất hiện nay đó là Ethereum. Xem tầm nhìn chiến lược, cấu trúc công nghệ, và tiềm năng ứng dụng của Ethereum có gì khác biệt, mà giúp Ethereum trở thành dự án đứng thứ 2 thị trường:.
- Tóm tắt dự án: Ngay trong phần đầu whitepaper đã giới thiệu Ethereum là smart contract và nền tảng phi tập trung thế hệ tiếp theo, cho phép các nhà phát triển, triển khai các smart contract với thời gian nhanh hơn và tăng cường tính bảo mật cho các ứng dụng phi tập trung (DApps), nơi mà các ứng dụng có thể hoạt động mà không cần đến các bên thứ ba trung gian.
- Mô tả công nghệ: Ban đầu, Ethereum hoạt động dựa trên cơ chế đồng thuận Proof of Work (PoW) nhưng hiện nay đã chuyển sang cơ chế Proof of Stake (PoS) với Ethereum 2.0 để cải thiện khả năng mở rộng và bảo mật. Thay vì là một giao thức đóng như Bitcoin, Ethereum được thiết kế mở và phù hợp để trở thành nền tảng cho một số lượng lớn các giao thức tài chính và phi tài chính.
- Thông tin Tokenomics: Ether (ETH) là đồng tiền điện tử của mạng lưới Ethereum. Được sử dụng để thanh toán phí giao dịch và làm phần thưởng cho những người tham gia stake và bảo mật cho mạng lưới. Lượng ETH cung cấp là không giới hạn, nhưng số lượng phát hành hàng năm có giới hạn để tránh lạm phát quá mức.
Ban đầu, lượng ETH mới phát hành mỗi năm là khoảng 4,5% tổng nguồn cung, nhưng con số này đã giảm sau khi Ethereum chuyển sang cơ chế đồng thuận Proof of Stake (PoS). Việc phát hành ETH mới hiện được điều chỉnh dựa trên hoạt động của mạng lưới và tỷ lệ staking, có xu hướng giảm dần theo thời gian.
- Lộ trình phát triển: Ethereum đã có nhiều cập nhật lớn kể từ khi ra mắt, bao gồm chuyển đổi từ PoW sang PoS, giới thiệu các giải pháp mở rộng như sharding, và triển khai Ethereum 2.0. Lộ trình phát triển tiếp tục tập trung vào việc cải thiện hiệu suất, bảo mật và khả năng mở rộng của mạng lưới.
- Đội ngũ phát triển và cố vấn: Ethereum được sáng lập bởi Vitalik Buterin vào năm 2015, cùng một nhóm các nhà phát triển blockchain hàng đầu. Đội ngũ phát triển của ETH đến hiện nay liên tục mở rộng với sự tham gia của nhiều chuyên gia và nhà cố vấn trong lĩnh vực blockchain, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và đột phá của nền tảng.
Các bạn có thể thấy, để có một dự án thành công như Ethereum, không chỉ cần một tầm nhìn chiến lược và công nghệ tiên tiến khác biệt, mà còn phải có một lộ trình phát triển rõ ràng, một đội ngũ phát triển tài năng nhiều kinh nghiệm. Dựa vào các yếu tố này trong whitepaper sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tiềm năng của dự án và cung cấp những thông tin cần thiết để bạn tham gia và đầu tư một cách thông minh.
4. Kết luận
Mặc dù là nguồn thông tin chính xác nhất về dự án nhưng whitepapser lại khá học thuật và phức tạp, không phù hợp với hầu hết các nhà đầu tư phổ thông. Thay vì phải tìm hiểu chi tiết từng thuật ngữ hay mô hình trong đó, bạn có thể theo dõi các nguồn tin uy tín và phân tích đáng tin cậy như 5Money sẽ là giải pháp hiệu quả và phù hợp hơn. Thông qua bài viết này, 5Money hy vọng các bạn đã có thêm thông tin, cách tìm kiếm và tra cứu các thông tin quan trọng về whitepaper của dự án.