1. Validator là gì?
Validator là những người hoặc máy tính có nhiệm vụ xác minh và kiểm tra các giao dịch mới trên blockchain. Họ đảm bảo rằng các giao dịch là hợp lệ và sau đó thêm chúng vào chuỗi khối. Đổi lại, validators nhận được phần thưởng, thường là đồng tiền của mạng lưới đó, như một hình thức khuyến khích.
Thông thường, bạn sẽ phải stake một lượng token theo quy định của mạng lưới mới có thể tham gia thành Validator hoặc có thể đóng góp token của mình vào các pool để nhận thưởng.
Chức năng chính của Validator trong mạng lưới blockchain:
- Xác thực giao dịch: Trong một mạng blockchain, khi một giao dịch được khởi tạo sẽ cần được xác minh trước khi thêm vào sổ cái chung. Validator sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của giao dịch, đảm bảo rằng các giao dịch là chính xác và tuân thủ các quy tắc của mạng lưới.
- Tạo và thêm block mới vào blockchain: Sau khi giao dịch được xác thực, các validator sẽ tham gia vào việc tạo ra các khối mới và ký xác nhận tính hợp lệ của khối đó, cuối cùng là thêm chúng vào mạng lưới. Vì mỗi block chỉ chứa được số lượng giao dịch nhất định, nên các validator phải cạnh tranh để trở thành người đầu tiên tạo ra block mới. Người chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng dưới dạng token của mạng lưới.
- Đảm bảo tính ổn định của blockchain: Validators giống như những “người gác cổng” của blockchain. Họ kiểm tra kỹ các giao dịch để đảm bảo không có ai gian lận. Ví dụ, một hành vi gian lận phổ biến có thể là chi tiêu hai lần, nghĩa là ai đó cố gắng sử dụng cùng một lượng tiền điện tử cho hai giao dịch khác nhau. Validators sẽ phát hiện và ngăn chặn việc này.
2. Yêu cầu để trở thành Validator là gì?
Trở thành validator cho phép bạn kiếm tiền bất kể thị trường lên hay xuống, vì blockchain luôn cần người xác thực để vận hành. Mỗi mạng lưới có yêu cầu riêng cho việc tham gia, nhưng nhìn chung, bạn cần đáp ứng một số tiêu chí cơ bản như sau:
- Phần Cứng: Để tham gia bạn nên chuẩn bị một hệ thống máy tính mạnh mẽ với CPU hiệu năng cao, RAM và ổ cứng SSD có dung lượng lớn. Ngoài ra, hệ thống máy tính của bạn cũng cần có khả năng chạy liên tục 24/7 với băng thông internet ổn định không bị gián đoạn và sẵn sàng xử lý sự cố bất kỳ lúc nào.
- Phần Mềm: Sau khi đã có phần cứng các bạn cài đặt phần mềm node tương ứng với blockchain mà bạn muốn tham gia. Phần mềm này sẽ kết nối bạn với mạng lưới, cho phép bạn thực hiện nghĩa vụ của một validator và nhận phần thưởng.
- Tài Chính: Không chỉ phải đầu tư về mặt thiết bị, để tham gia là một validator bạn cũng phải đầu tư và stake một số lượng token nhất định của mạng lưới. Ví dụ, để trở thành validator trên mạng lưới Ethereum 2.0, bạn cần stake ít nhất là 32 ETH.
Ngoài ra, bạn cũng cần dự trù chi phí vận hành như: tiền điện, chi phí bảo trì hệ thống, và các khoản chi phí phát sinh khác trong quá trình tham gia.
3. Lợi ích và rủi ro khi trở thành validator
3.1 Lợi ích
Trở thành validator mang lại cho bạn nhiều lợi ích như:
- Lợi ích tài chính: Validator nhận được phần thưởng dưới dạng token của mạng lưới khi tham gia vào quá trình xác thực giao dịch và tạo block mới. Đây cũng là mục đích chính của các nhà đầu tư khi tham gia vào bất kỳ mạng lưới nào.
- Đóng góp cho hệ sinh thái: Là một validator, bạn sẽ có cơ hội được tham gia biểu quyết, thay đổi, định hướng phát triển của mạng lưới. Và một vài mạng lưới sẽ phân phối phần thưởng nếu như các đề xuất của bạn được thông qua hoặc khi bạn tham đóng góp.
3.2 Rủi ro
Mặc dù, trở thành validator có thể giúp bạn kiếm tiền thông qua phần thưởng khối. Thế nhưng không phải lúc nào cũng stake bạn cũng có lợi nhuận. Dưới đây là một vài rủi ro bạn có thể gặp phải khi tham gia:
- Rủi ro kỹ thuật: Hệ thống sau một thời gian dài hoạt động sẽ có thể gặp sự cố do vấn đề về phần cứng, phần mềm hoặc bảo mật. Nếu không khắc phục kịp thời, bạn có thể bị mất phần thưởng hoặc bị phạt trong một số mạng lưới blockchain.
- Rủi ro tài chính: Khi tham gia làm validator bạn có thể sẽ phải hold tài sản của mình trong một thời gian dài. Với sự biến động mạnh của thị trường, thì giá trị của token mà bạn stake có thể giảm gây ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Hoặc số lượng phần thưởng bạn nhận được có thể không bù đắp được chi phí bạn bỏ ra và nếu chẳng may mạng lưới bị tấn công hoặc xảy ra sự cố lớn, bạn có thể mất một phần hoặc toàn bộ số token đã stake. Vậy nên, khi tham gia bạn cần tìm hiểu rõ và lựa chọn mạng lưới uy tín để làm validator.
4. Kết luận
Validator giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sự hoạt động ổn định, an toàn và bảo vệ mạng lưới blockchain khỏi các cuộc tấn công. Hiện nay, việc trở thành một validator không phải là quá khó, nhưng để tối ưu hóa được lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro các bạn nên tìm hiểu kỹ về các yêu cầu và mạng lưới blockchain mình định tham gia.
Thông qua bài viết này, 5Money hy vọng các bạn đã có thêm thông tin về validator là gì, các lợi ích và rủi ro khi tham gia xác thực giao dịch trên mạng lưới nào đó.