1. Uniswap là gì?
Uniswap là sàn giao dịch phi tập trung (DEX) lớn nhất thị trường tính theo TVL và khối lượng giao dịch tại thời điểm viết bài. Sàn được xây dựng lần đầu trên Ethereum vào năm 2018 và hiện tại đã mở rộng ra rất nhiều chain khác.
Uniswap luôn tiên phong trong việc đổi mới hệ sinh thái DeFi. Tuy nhiên, do tính chất mã nguồn mở của các dự án blockchain, nhiều dự án khác đã tận dụng và sao chép Uniswap để tạo ra những phiên bản tương tự, điển hình như: PancakeSwap, Aerodrome, SushiSwap,…
Từ phiên bản V3, Uniswap đã áp dụng giấy phép giới hạn, ngăn chặn việc sao chép mã nguồn cho đến khi giấy phép hết hạn. Đồng thời, Uniswap không ngừng phát triển các phiên bản mới, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu của mình.
2. Tổng quan các phiên bản của Uniswap
2.1 Uniswap V1
V1 là phiên bản đầu tiên của Uniswap, ra mắt vào 2018 tại sự kiện Devcon 4. Tại phiên bản này, dự án được thiết kế rất đơn giản với trọng tâm là cung cấp nền tảng cho việc trao đổi các token ERC-20.
Ở thời điểm này, tất cả các pool đều bắt cặp với ETH (ERC-20/ ETH). Nghĩa rằng nếu muốn đổi từ token A sang token B thì phải có một bước là đổi qua ETH trước. Lấy ví dụ dễ hiểu:
- Lấy token A đổi qua ETH.
- Mang ETH qua pool của B/ETH đổi lấy B.
Đối với cách hoạt động như vậy thì người dùng sẽ tốn thêm một bước, chính vì vậy dự án đã phát hành phiên bản V2.
2.2 Uniswap V2
Uniswap V2 được ra mắt vào tháng 5/2020. Phiên bản mới này giới thiệu một số nâng cấp và cải tiến hơn so với phiên bản trước đó, đặc biệt là giải quyết vấn đề mà phiên bản V1 gặp phải là cho phép tạo cặp giao dịch ERC-20/ERC-20.
Với thay đổi này, các nhà cung cấp thanh khoản không còn phải dùng ETH để tham gia nền tảng, đưa dự án tiếp cận được nhiều người dùng hơn.
Mô hình hoạt động của Uniswap V2
Trong các trường hợp, token A và token B không có pool với nhau thì nền tảng sẽ tự định tuyến qua các pool có liên quan. Theo như mô hình trên hình thì nền tảng sẽ chọn cách đổi qua ETH hoặc người dùng cũng có thể tự điều chỉnh trình tự hoán đổi.
Uniswap V2 hoạt động khá hiệu quả về cơ chế hoạt động và cung cấp đầy đủ các nhu cầu cho người dùng vào thời điểm đó nhưng càng về sau thì đội ngũ nhận thấy cần cải tiến sản phẩm để tăng trải nghiệm của người dùng. Lúc này các ý tưởng về V3 được phát triển.
2.3 Uniswap V3
Điểm nổi bật nhất của Uniswap V3 là tính năng “thanh khoản tập trung”, cho phép người dùng cung cấp thanh khoản ở bất kỳ mức giá nào từ 0 đến vô cực. Theo thông tin từ dự án, tính năng này giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn lên đến 4000 lần so với phiên bản V2.
Trong khi phiên bản V2 yêu cầu người dùng cung cấp thanh khoản vào toàn bộ pool và chia đều phí giao dịch, thì V3 cho phép người dùng chọn các mức giá cụ thể để cung cấp thanh khoản, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận. Sự khác biệt này mang lại hiệu quả cao hơn và giúp người dùng nhận được nhiều phí giao dịch hơn nếu biết khai thác tính năng này đúng cách.
Ví dụ:
Alice và Bob đều muốn cung cấp thanh khoản cho cặp ETH/DAI trên Uniswap V3, mỗi người có 1 triệu USD. Hiện tại, giá 1 ETH là 1.500 DAI.
- Alice chọn cung cấp thanh khoản trên toàn bộ phạm vi giá (giống như Uniswap V2). Cô ấy gửi 500.000 DAI và 333,33 ETH, tổng cộng là 1 triệu USD.
- Bob thì chỉ tập trung vào một phạm vi giá cụ thể từ 1.000 đến 2.250. Anh ấy chỉ cần gửi 91.751 DAI và 61,17 ETH, tổng giá trị khoảng 183.500 USD. Số tiền còn lại (816.500 USD) anh giữ lại.
Mặc dù Alice bỏ ra vốn nhiều hơn Bob gấp 5,44 lần, nhưng cả hai vẫn kiếm được số tiền phí giao dịch tương đương, miễn là giá ETH/DAI nằm trong phạm vi mà Bob đã chọn (1.000 đến 2.250).
Mô hình hoạt động của Uniswap V3
Uniswap V3 đã ghi dấu ấn mạnh mẽ, trở thành cột mốc quan trọng cho cả thị trường AMM và DeFi. Tuy nhiên, trước sự thay đổi không ngừng về nhu cầu và trải nghiệm người dùng, đội ngũ đã quyết định nâng tầm Uniswap với phiên bản V4.
3. Uniswap V4 là gì? Các tính năng đáng chú ý
Phiên bản Uniswap V4 được đội ngũ phát triển giới thiệu với nhiều tính năng mới, tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng thông qua tính linh hoạt và khả năng tùy chỉnh cao.
Tầm nhìn của Uniswap V4 là cho phép bất kỳ cá nhân nào cũng có tiếng nói, đưa ra các quyết định thay đổi liên quan đến pool thanh khoản.
3.1 Tính năng chính
Khả năng tùy chỉnh pool thông qua Hooks
Hooks được coi là trọng tâm của bản nâng cấp, là bộ công cụ giúp các nhà phát triển có thể tùy chỉnh được các tính năng có trong pool.
Ví dụ:
- Có thể sử dụng Hooks để tạo ra pool có phí giao dịch linh động, thay đổi dựa trên điều kiện thị trường thay vì một mức phí cố định như phiên bản trước.
- Cho phép người dùng có thể đặt các lệnh mua bán phức tạp vào các thời điểm xác định. A cài lệnh mua 10 ETH trong vòng 5 ngày, lúc này cứ vào đúng thời điểm của mỗi ngày thì lệnh sẽ thực hiện mua ETH.
- Sử dụng thanh khoản nhàn rỗi để cung cấp cho các nền tảng cho vay và kiếm lợi nhuận.
Tính năng Hooks
Đây chỉ là các trường hợp điển hình mà Hooks có thể tùy chỉnh được. Ngoài ra, các tính năng phụ đang được xem xét đưa vào:
- Thực hiện các giao dịch lớn theo thời gian (TWAMM)
- Phí giao dịch bị thay đổi dựa theo các yếu tố đầu vào khác
- Limit Order
- Gửi các khoản tiền nhàn rỗi trong pool vào các giao thức cho vay
- Tuỳ chỉnh oracle
- Gộp phí giao dịch thành LP trong pool
- Phân phối lợi nhuận thu lại được từ MEV cho pool
Hooks sẽ trao lại quyền cho các nhà phát triển, từ đó tạo ra sự linh hoạt cho trong việc vận hành pool thanh khoản, những người tham gia cũng có thể dựa vào đây để tạo ra các chiến lược kiếm lợi nhuận.
Tiết kiệm phí gas nhờ Singleton và Flash Accounting
Trong phiên bản V3, khi tạo một pool mới sẽ tốn phí tạo (contract address) và các giao dịch giữa các pool sẽ liên quan đến việc chuyển giao và cập nhật trạng thái lên hệ thống tạm thời, điều này sẽ đẩy phí giao dịch tăng cao.
Trong V4, tất cả các pool được đóng gói trên một hợp đồng duy nhất, được gọi là ‘singleton’, điều này sẽ giúp tiết kiệm phí gas đáng kể vì các lệnh chuyển đổi token sẽ không cần phải di chuyển giữa các pool. Theo ước tính từ đội ngũ thì sẽ giảm được 99% chi phí tạo pool, từ đó giảm phí giao dịch.
Sự khác nhau giữa swap trong V3 và V4
Ngoài Singeton ra, Uniswap cũng giới thiệu ‘Flash Accounting’, giúp tối ưu chi phí cho việc thực thi các giao dịch phức tạp lên nhiều pool khác nhau. Tính năng này cho phép giao dịch giữa các pool không cần phải chuyển token ngay lập tức mà thay vào đó là ‘cập nhật số dư’.
Cụ thể hơn là, một chuỗi giao dịch trong đó token A phải di chuyển nhiều lần qua lại giữa các pool thì Flash Accounting sẽ tính toán xem số lượng cuối cùng phải chuyển và thực hiện lệnh chuyển đó thay vì phải thực hiện nhiều nhằm tiết kiệm phí gas.
Chung quy lại, sự kết hợp giữa Singleton và Flash Accounting sẽ giúp giảm chi phí cho việc tạo pool và giao dịch, mang lại cho người dùng một trải nghiệm mới và tiết kiệm hơn.
4. Giấy phép và Quản lý
Giống với phiên bản V3 thì đội ngũ Uniswap cũng đăng ký giấy phép phần mềm để giới hạn quyền sử dụng mã nguồn trong vòng bốn năm, gấp đôi với phiên bản tiền nhiệm. Sau khi hết hạn sẽ công khai mã nguồn, cộng đồng có thể tự do sử dụng.
Tại sao Uniswap lại áp dụng giấy phép vào sản phẩm của mình trong khi hầu hết các dự án blockchain đều là mã nguồn mở? Trước đây, phiên bản V1 và V2 công khai mã nguồn và chính vì như vậy các dự án khác đã lợi dụng điều này để ‘hút máu’ đến 55% TVL của Uniswap. Do đó các việc áp dụng giấy phép càng lâu sẽ đảm bảo được quyền lợi.
5. Những tác động của Uniswap V4
Uniswap có thể được xem là một trong những dự án có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với thị trường, với mỗi lần nâng cấp hoặc ra mắt tính năng mới đều nhanh chóng bị sao chép. Như đã đề cập, các phiên bản V1 và V2 không có giấy phép, dẫn đến việc xuất hiện những dự án gần như tương tự.
Tổng TVL của các dự án fork – DefiLlama
- Người dùng cuối: Tạo được trải nghiệm mới bằng cách có thể tùy chỉnh các tính năng trong pool thanh khoản thông qua Hooks.
- Tác động đến toàn bộ thị trường DeFi: Dự kiến sẽ trở thành trung tâm của DeFi trong năm 2024, Uniswap V4 hứa hẹn sẽ có tác động lớn đến các dự án DEX khác. Nếu hiệu suất vượt qua mong đợi của người dùng, điều này có thể kéo thanh khoản từ các dự án khác đổ về Uniswap.
6. Tổng kết
Tóm lại, Uniswap V4 tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng và khuyến khích sự sáng tạo từ các nhà phát triển. Phiên bản mới này dự kiến sẽ trao quyền nhiều hơn cho cộng đồng xây dựng, khác biệt so với các dự án trước như Bancor, Balancer V2 và Ambient.
Tuy nhiên, khi đưa giao thức cho cộng đồng tuỳ chỉnh pool cũng sẽ gặp phải một vài vấn đề:
- Tối ưu lợi nhuận: Hiệu quả sử dụng vốn có thể không được tối ưu so với phiên bản V3
- Tập trung: Việc trao quyền cho người cung cấp thanh khoản có thể sẽ khiến cho pool bị điều khiển bởi những cá voi, điều này dẫn đến các lợi ích của những người tham gia không được công bằng.
Tuy nhiên, phiên bản V4 vẫn chưa chính thức ra mắt và hiện đang tiếp nhận ý kiến từ cộng đồng để hoàn thiện, dự kiến sẽ được công bố vào quý 3 năm nay. Dù chưa rõ liệu bản nâng cấp này có ảnh hưởng đến thị trường hay không, nhưng Uniswap V4 chắc chắn sẽ là điểm nhấn của DeFi trong năm nay.