1. TPS là gì?
TPS, viết tắt của Transactions Per Second (giao dịch mỗi giây), là chỉ số dùng để đo lường số lượng giao dịch mà mạng blockchain có thể xử lý trong một giây. Nói cách khác, TPS phản ánh khả năng xử lý giao dịch của hệ thống blockchain.
Công thức tính TPS của một mạng blockchain dựa trên nguyên tắc cơ bản là đo lường số lượng giao dịch mà mạng có thể xử lý trong một giây. Cụ thể như sau:
TPS = Số giao dịch trong một khối (Block size) / Thời gian tạo ra một khối (Block time)
Trong đó:
- Tổng số giao dịch trong một khối (block size): Là số lượng giao dịch được xác nhận và ghi lại trong một khối của blockchain.
- Thời gian tạo ra một khối (block time): Là khoảng thời gian cần thiết để mạng blockchain tạo ra một khối mới.
Ví dụ: Ethereum có thời gian tạo khối trung bình là 13 giây và một khối chứa khoảng 130 giao dịch.
=> TPS = 130/13 = 10 giao dịch mỗi giây.
Trên thực tế, con số này có thể thay đổi tùy vào điều kiện mạng và kích thước giao dịch. Số giao dịch mỗi khối của Ethereum giao động khoảng 100 đến 150 giao dịch. Vì thế mà mỗi mạng blockchain có số lượng TPS tối đa và trung bình.
2. Ý nghĩa của chỉ số TPS là gì?
2.1. TPS tác động đến khả năng mở rộng blockchain
TPS tác động trực tiếp đến khả năng mở rộng của blockchain. Khi càng nhiều người sử dụng Crypto và blockchain, mạng lưới cần xử lý nhiều giao dịch hơn. Điều này đòi hỏi việc tăng số lượng giao dịch mỗi giây (TPS) để đáp ứng nhu cầu, giúp mạng lưới không bị chậm lại trong bối cảnh lưu lượng cao.
Hiện nay, các giải pháp Layer 2 như Rollup, State Channel, và Sidechain giúp tăng TPS bằng cách giảm tải cho Layer 1 thông qua xử lý giao dịch ngoài chuỗi. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có thách thức và rủi ro riêng, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng để đạt được sự cân bằng giữa hiệu suất, bảo mật và tính phân quyền.
2.2. Tăng cường trải nghiệm người dùng và tính cạnh tranh giữa các blockchain
TPS ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm người dùng qua thời gian xác nhận giao dịch. Mạng với TPS cao mang lại trải nghiệm mượt mà hơn, ngay cả khi có nhiều giao dịch trong khối.
Ngoài ra, TPS còn là yếu tố cạnh tranh quan trọng giữa các blockchain, quyết định khả năng thu hút người dùng, nhà phát triển, và ứng dụng mới. Mạng có TPS cao thường hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư và người dùng, nhờ khả năng duy trì phí giao dịch thấp ngay cả khi lưu lượng tăng cao. Ngược lại, TPS thấp có thể gây tắc nghẽn, buộc người dùng phải trả phí cao để giao dịch được xử lý nhanh.
3. Tại sao blockchain có chỉ số TPS khác nhau?
Blockchain có chỉ số TPS khác nhau do nhiều yếu tố liên quan đến thiết kế, cấu trúc, và mục đích của từng mạng blockchain. Dưới đây là những lý do chính:
- Kích thước khối (Block Size hay Transaction size): Quyết định số lượng giao dịch có thể được chứa trong một khối. Nếu một blockchain cho phép kích thước khối lớn, nó có thể xử lý nhiều giao dịch hơn mỗi khối, từ đó tăng TPS. Tuy nhiên, kích thước khối lớn cũng đòi hỏi nhiều băng thông và tài nguyên xử lý hơn, có thể ảnh hưởng đến tính phân quyền và bảo mật.
- Thời gian tạo khối (Block Time): Thời gian cần để tạo ra một khối mới cũng ảnh hưởng đến tốc độ giao dịch. Thời gian tạo khối ngắn hơn có thể tăng số lượng giao dịch mỗi giây (TPS), nhưng cũng có thể gây ra các vấn đề về bảo mật.
- Cơ chế đồng thuận (Consensus Mechanism): là quy trình mà mạng blockchain sử dụng để xác nhận các giao dịch và thêm chúng vào sổ cái (ledger). Các cơ chế như Proof of Work (PoW) trong Bitcoin có thời gian tạo khối lâu hơn, dẫn đến TPS thấp. Ngược lại, cơ chế như Proof of Stake (PoS) hay Delegated Proof of Stake (DPoS) có thể tạo khối nhanh hơn và cải thiện TPS.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng TPS được đo lường trên các mạng thử nghiệm có thể khác với TPS thực tế trên mạng chính.
Ví dụ, Ethereum hiện tại có TPS trung bình khoảng 12-30 giao dịch mỗi giây. TPS tối đa theo lý thuyết là 119, còn tối đa xử lý trong thực tế là 62.34 TPS.
4. Chỉ số TPS cao có tốt không?
4.1. Ưu và nhược điểm của blockchain có TPS cao
Ưu điểm của TPS cao:
- Tăng khả năng xử lý và mở rộng: TPS cao giúp blockchain xử lý nhiều giao dịch mỗi giây, giảm tắc nghẽn và phù hợp với các ứng dụng có lưu lượng giao dịch lớn như thanh toán, DeFi, và trò chơi.
- Cải thiện trải nghiệm người dùng: Giao dịch được xác nhận nhanh hơn, nâng cao trải nghiệm người dùng, đặc biệt quan trọng với các ứng dụng yêu cầu thời gian phản hồi nhanh.
- Giảm phí giao dịch: TPS cao giúp giảm cạnh tranh giữa các giao dịch, dẫn đến phí giao dịch thấp hơn và tiết kiệm chi phí cho người dùng.
Tuy nhiên, TPS cao đi kèm với những thách thức mà nó phải đánh đổi, giống như trong lý thuyết “Blockchain Trilemma”, khi tăng khả năng mở rộng (scaling), thì một hoặc hai yếu tố khác là tính phân tán và bảo mật sẽ bị ảnh hưởng:
- Tính bảo mật: Để đạt được TPS cao, một số blockchain có thể phải đánh đổi một phần bảo mật. Ví dụ, việc giảm thời gian tạo khối có thể làm giảm thời gian để các nút trong mạng xác thực giao dịch và đạt được đồng thuận, làm tăng nguy cơ các cuộc tấn công.
- Giảm tính phân quyền: TPS cao đôi khi đạt được bằng cách tập trung hóa một phần hoặc toàn bộ mạng lưới, chẳng hạn như giảm số lượng nút hoặc sử dụng các cơ chế đồng thuận nhanh hơn nhưng ít phân quyền hơn. Điều này có thể làm giảm tính phi tập trung, một yếu tố quan trọng trong việc duy trì tính toàn vẹn và chống kiểm duyệt của blockchain.
- Tăng chi phí tài nguyên máy tính: Xử lý nhiều giao dịch đòi hỏi nhiều tài nguyên máy tính hơn, từ đó làm tăng chi phí vận hành và tiêu thụ năng lượng, đồng thời cũng làm giảm sự tham gia của các node nhỏ hơn hoặc các bên không có hạ tầng mạnh.
- Spam và tấn công DDoS: Khi phí giao dịch thấp và khả năng xử lý cao, mạng lưới dễ bị tấn công bằng các giao dịch rác (spam) hoặc các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Kẻ tấn công có thể gửi hàng loạt giao dịch nhỏ để làm tắc nghẽn mạng và giảm hiệu suất.
Các blockchain phổ biến như Bitcoin và Ethereum trong lịch sử chỉ xử lý được khoảng 5 và 10 TPS tương ứng, do tính phi tập trung cao làm chậm thời gian xử lý nhưng lại tăng cường bảo mật và minh bạch. Điều này cho thấy, dù có một công thức chung về TPS, nhưng mỗi blockchain lại có chiến lược riêng phù hợp với mục tiêu của mình.
4.2. Solana, một trường hợp về blockchain có chỉ số TPS cao.
Solana nổi tiếng với khả năng xử lý hàng nghìn giao dịch mỗi giây (TPS). Trong điều kiện thử nghiệm lý tưởng, Solana có thể đạt được tới 65.000 TPS, một con số ấn tượng khi so sánh với các blockchain khác như Ethereum (~30 TPS) hay Bitcoin (~7 TPS). Con số TPS thực tế trên mạng chính của Solana thường dao động trong khoảng 2.000 đến 3.000 TPS, tùy thuộc vào lưu lượng và điều kiện mạng.
Solana với TPS cao có thể hỗ trợ một loạt các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi) và các nền tảng NFT yêu cầu xử lý giao dịch nhanh và khối lượng lớn. Các ứng dụng yêu cầu hiệu suất cao cũng hưởng lợi từ TPS cao của Solana, đảm bảo trải nghiệm người dùng mượt mà và không bị gián đoạn.
Phí giao dịch trên Solana rất thấp so với các blockchain khác, ngay cả khi xử lý khối lượng giao dịch lớn. TPS cao cho phép Solana xử lý nhiều giao dịch hơn mà không gặp phải tắc nghẽn hoặc tăng phí.
Đánh đổi lại với những lợi ích trên, Solana liên tục nghẽn mạng trong quá khứ, khi mạng không thể xử lý khối lượng giao dịch lớn bất thường hoặc gặp phải các vấn đề kỹ thuật. Điều này đặt ra câu hỏi về độ ổn định và khả năng phục hồi của mạng khi đối mặt với áp lực.
5. Tổng Kết
TPS gắn liền với khả năng mở rộng của blockchain, vì thế mà ngành công nghiệp crypto vẫn đang theo đuổi mục tiêu tăng chỉ số TPS. Nhưng liệu TPS cao có thật sự tốt hay không? Qua bài viết này, hy vọng 5Money đã giúp bạn trả lời được câu hỏi TPS là gì và ý nghĩa của nó đến sự phát triển của mạng lưới blockchain.
Đọc thêm: Parallel EVM là gì ? Tiềm năng lớn nhưng cực kỳ thử thách
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!