1. Tiềm năng của làn sóng Restaking
Hãy tưởng tượng bạn đã khóa tài sản trên một blockchain để nhận phần thưởng từ việc bảo vệ mạng lưới. Với restaking, bạn có thể dùng những tài sản đã khóa đó để tham gia bảo vệ và hỗ trợ các dịch vụ trên những dự án khác mà không cần thêm vốn mới. Điều này giúp bạn kiếm thêm phần thưởng từ nhiều nguồn, tối ưu hóa lợi nhuận từ cùng một tài sản đã khóa.
Ví dụ: Sau khi bạn stake ETH vào Lido và nhận lại Liquid Staking token (LST) là stETH, thay vì tham gia các hoạt động khác trong DeFi, bạn có thể stake 1 lần nữa (restake) vào các giao thức restaking bằng stETH để gia tăng lợi nhuận.
Xu hướng này thực sự bùng nổ khi EigenLayer ra mắt cùng tín hiệu airdrop hấp dẫn, thu hút lượng lớn LST từ thị trường, đẩy TVL tăng mạnh và đạt đỉnh hơn 21 tỷ USD vào tháng 6/2024. Hiện tại, TVL của Restaking đã giảm xuống 16 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng TVL của toàn thị trường DeFi.
Không những vậy, ngách này còn được các ông lớn quan tâm, điển hình như:
- Dù chỉ mới thành hình hài vào giữa năm 2023 nhưng Restaking đã chễm chệ lọt vào TOP 5 mảng DeFi với TVL lớn nhất thị trường, với hơn 21 tỷ USD vào thời điểm sôi động nhất (Tháng 6/2024).
- A16z đầu tư 100 triệu USD vào EigenLayer
- Paradigm rót vốn vào Symbiotic – Trở thành đối trọng trực tiếp với EigenLayer.
- Solayer được chống lưng bởi Polychain, HackVC và Binance Labs.
Nhận thấy tiềm năng hấp dẫn, nhiều dự án mới đã bắt đầu khai thác và ra mắt trong lĩnh vực Restaking. Đến nay, đã có tổng cộng 12 dự án tham gia “xâu xé miếng bánh” này.
Động lực nào để Narrative này tiếp tục ‘“khuấy động” thị trường trong thời gian tới?
- Làn sóng Airdrop: Các giao thức vẫn đang cạnh tranh nhau trong việc hút thanh khoản thông qua việc hint airdrop.
- Nguồn vốn nhàn rỗi từ LST: Với tổng giá trị LST trên thị trường đạt 35 tỷ USD, nhu cầu về vốn để Restake trở nên vô cùng lớn, từ đó mở rộng đáng kể quy mô thị trường cho ngách này.
- Nhu cầu Validators: Nhu cầu về Validators để tăng cường bảo mật cho các giao thức đang tăng cao. Nắm bắt cơ hội này, các dự án Restaking cung cấp hệ thống Validators sẵn có, giúp các nền tảng không phải mất công xây dựng từ đầu.
Vậy đâu là TOP 4 dự án Restaking nổi bật nhất hiện tại? Hãy cùng 5Money khám phá chi tiết nhé!
2. Top 4 dự án Restaking nổi bật
2.1 EigenLayer – Người tiên phong trong lĩnh vực Restaking
EigenLayer là dự án đặt nền móng đầu tiên cho Restaking khi triển khai mô hình này trên hệ sinh thái Ethereum, cho phép người dùng stake LST vào EigenLayer để tăng tính bảo mật cho các giao thức khác, đồng thời tạo lợi nhuận cho các Staker
EigenLayer cũng đóng vai trò như một bên trung gian, cung cấp dịch vụ cho thuê các Validator cho các giao thức cần bảo mật cao mà không phải tốn kém chi phí xây dựng một hệ thống Validator riêng.
Những điểm “ăn tiền” của EigenLayer:
- Được các ông lớn như A16z, Polychain Capital, Blockchain Capital, Coinbase Ventures rót 164 triệu USD. Trong đó A16z đi hẳn một vòng riêng với số tiền 100 triệu USD.
- TVL đứng thứ 3 thị trường DeFi, chỉ sau Lido và AAVE.
- Sản phẩm của EigenLayer là dịch vụ AVS (Trình xác thực để vận hành các Bridge, dApp,…) được sử dụng rộng rãi bởi hơn 50 đối tác. Các dự án nổi bật có thể kể đến như Swell, Espresso, Ethos, Hyperlane, Drosera Network,….
- Các bên sử dụng AVS của EigenLayer có thể tự phát hành Token riêng và tiếp tục sử dụng nó để restake vào AVS đó => Tận dụng nguồn thanh khoản và tăng usecase cho Token riêng của AVS.
- EigenDA – Giải pháp Data Availability (DA) thuộc hệ sinh thái EigenLayer được nhiều dự án lớn tin tưởng và sử dụng, tiêu biểu như AltLayer, Mantle, Versatus, Movement, CyberConnect,…
- Từ khi ra mắt, các pool restake được nới rộng liên tục nhưng vẫn được lấp đầy rất nhanh. Nhiều người đã phải đợi hơn 4 ngày nhưng vẫn không kịp tham gia. Qua đó mới thấy được độ “hot” của giao thức này lớn như nào.
- EigenLayer cũng đã hoàn tất việc mua lại Rio Network – một dự án Liquid Restaking. Từ đó cho thấy sự mở rộng mạnh mẽ và quyết tâm không ngừng của ông vua này trong việc chiếm lĩnh thị trường.
Với những dữ kiện trên, tiềm năng của EigenLayer rõ ràng là vô cùng lớn. Dù là người tiên phong, giao thức này không chỉ giữ vững vị thế mà còn liên tục khẳng định mình là “người dẫn đầu” trong cuộc đua Restaking.
Điển hình là EigenLayer đã thực hiện một đợt airdrop khá hấp dẫn cho người dùng và chính thức TGE vào ngày 1/10 trên các sàn lớn như Binance, OKX, Bybit, Gate.io,… Trong khi đó, nhiều dự án Restaking khác vẫn còn đang trì hoãn và chưa rõ thời điểm airdrop cho người dùng.
2.2 Symbiotic – Đối trọng chính của EigenLayer
Symbiotic được hậu thuẫn mạnh mẽ từ Lido và Paradigm, được xem như một đối thủ nặng ký của EigenLayer trong cuộc đua giành thị phần Restaking.
Mặc dù cạnh tranh, mô hình hoạt động của dự án này tương tự EigenLayer, cũng hoạt động như một bên trung gian cung cấp Validators cho các giao thức và gia tăng lợi nhuận cho người staking.
Dự án chỉ vừa ra mắt từ tháng 6 nhưng đã tạo ra tiếng vang lớn khi TVL đạt đến 250 triệu USD chỉ trong một ngày ra mắt và 1 tỷ USD trong 1 tháng đầu tiên. Hiện tại, TVL đã tăng gần 1,8 tỷ USD, đưa dự án lên vị trí TOP 3 trong lĩnh vực Restaking.
Không kém cạnh gì đối thủ của họ, các Pool Stake ETH và Liquid Staking ETH nhanh chóng được lấp đầy sau khi được triển khai.
Vậy Symbiotic có gì khác biệt so với EigenLayer?
- Validator: EigenLayer chỉ sử dụng validator từ Ethereum, trong khi Symbiotic cho phép sử dụng validator từ bất kỳ mạng lưới nào, mang lại tính linh hoạt cao hơn.
- Độ tùy chỉnh: Symbiotic cung cấp nhiều tùy chọn hơn cho người dùng, cho phép họ chọn tài sản thế chấp, operator, và cơ chế phạt (slashing) linh hoạt hơn so với EigenLayer => Người dùng có thể điều chỉnh các thông số này theo nhu cầu và chiến lược của mình một cách dễ dàng hơn.
- Modular xác minh: Trong khi EigenLayer phụ thuộc vào các quy tắc vận hành của Ethereum và hạn chế khả năng tùy chỉnh. Thì Symbiotic có Modular “Resolvers”, cho phép xác minh các khoản phạt hoặc tranh chấp một cách linh hoạt cho từng mạng lưới tham gia.
Symbiotic tiếp tục thu hút sự chú ý trên thị trường bằng việc cho phép người dùng tham gia “Farm Point” để nhận airdrop.
Đáng chú ý, đây là cuộc cạnh tranh giữa hai quỹ đầu tư lớn: a16z hỗ trợ EigenLayer, trong khi Paradigm và Lido Finance đứng sau Symbiotic. Cả hai bên đều đầu tư vào các mô hình restaking tương tự, tạo nên một cuộc đua hấp dẫn trong lĩnh vực này
2.3 Solayer – Nền tảng Restaking đầu tiên trên Solana
Nếu EigenLayer là người tiên phong đưa mô hình Restaking lên Ethereum, thì Solayer đóng vai trò tương tự trong hệ sinh thái Solana. Thay vì sử dụng ETH, Solayer cho phép người dùng restake số SOL đã stake trên các dApp và các Liquid Staking Token (LST) như mSOL, JitoSOL, bSOL vào giao thức.
Tuy nhiên, nếu restake trên EigenLayer hoặc Symbiotic thì tài sản sẽ bị khóa và để muốn mở khóa thanh khoản thì người dùng phải nhờ đến các giao thức Liquid Restaking bên ngoài như EtherFi, Renzo, Puffer Finance, KelpDAO,… dẫn đến việc phân mảnh thanh khoản.
Solayer giải quyết vấn đề này bằng cách cung cấp Liquid Restaking trực tiếp. Khi người dùng stake trên Solayer, họ nhận lại LRT SOL tương ứng mà không cần thông qua bên thứ ba, giúp tối ưu hóa thanh khoản và trải nghiệm người dùng.
Điểm nổi bật của Solayer nằm ở khả năng cung cấp dịch vụ bảo mật (AVS) không chỉ cho các dự án bên trong mà còn cả ngoài hệ sinh thái Solana. Điều này có nghĩa, Solayer không chỉ bảo vệ các dự án cầu nối (Bridge) liên kết với Solana mà còn trực tiếp tăng cường an ninh cho các dApps hoạt động trên nền tảng.
Kể từ khi ra mắt, Solayer đã khẳng định tiềm năng của mình khi thu hút lượng lớn tài sản đổ vào giao thức. TVL của dự án nhanh chóng tăng vọt lên 55 triệu USD trong ngày đầu tiên và hiện đã gần chạm mốc 280 triệu USD.
Điểm nổi bật của Solayer:
- Là dự án tiên phong trên Solana về mảng Restaking.
- 12 triệu USD là số tiền mà dự án đã huy động được từ các ông lớn như Polychain Capital, Binance Labs, HackVC và các tên tuổi khác.
- Solayer đã thu hút được hơn 280 triệu USD vào giao thức.
- Solayer vừa ra mắt sUSD – Stablecoin sinh lời đầu tiên trên Solana, được bảo chứng bằng trái phiếu Kho bạc Mỹ. Sự kiện này đã thu hút 10 triệu USDC gửi vào Solayer chỉ trong vòng một giờ.
- Airdrop sẽ là quân bài chiến lược giúp Solayer tạo sức hút mạnh mẽ với người dùng.
- Hệ sinh thái Solana đã thành công không chỉ trong việc thu hút dòng tiền mà còn là giữ chân người chơi qua nhiều trend như: DeFi, Meme, NFT, DePin và lần này Restaking cũng rất được kỳ vọng.
2.4 Karak – Đối thủ tiềm năng trong cuộc chiến Restaking
Karak đang nổi lên như một dự án tiềm năng trong cuộc chiến Restaking, giao thức này cho phép người dùng Restaking nhiều loại tài sản khác nhau như BTC, ETH, LST, Stablecoin,… trên nhiều blockchain thay vì chỉ tập trung vào ETH.
Với định giá 1 tỷ USD, Karak đã thu hút được 48 triệu USD từ các quỹ TOP đầu như Coinbase Ventures, Pantera Capital và Lightspeed Venture Partners. Bên cạnh đó, dự án còn nhận được sự ủng hộ từ các nhà đầu tư thiên thần, bao gồm Joey Krug, Michael Anderson và Vance Spencer.
Vậy tại sao Karak lại được xem là ứng cử viên sáng giá trong lĩnh vực Restaking?
- Có TVL hơn 600 triệu USD, vượt mặt cả Solayer – Nền tảng Restaking hàng đầu trên Solana.
- Việc nhận vốn từ các quỹ uy tín như Coinbase và Pantera Capital đã giúp Karak khẳng định tiềm năng và củng cố vị thế vững chắc trong cuộc đua Restaking.
- Karak không chỉ dừng lại ở restaking mà còn mở rộng hệ sinh thái của mình thông qua cầu nối K2, cho phép người dùng có thể stake gián tiếp vào Karak từ các mạng lưới khác như Ethereum, Arbitrum và Optimism. => Mang đến cho người dùng trải nghiệm mượt mà và tiện lợi, đồng thời tận dụng tối đa nguồn thanh khoản bên ngoài.
- Karak cung cấp giải pháp phát triển trọn gói (turnkey development), giúp các giao thức mới triển khai cơ chế bảo mật nhanh chóng mà không cần xây dựng từ đầu một hệ thống validator phức tạp.
Dù không nổi danh như hai “ông lớn” EigenLayer và Symbiotic, Karak vẫn thu hút sự chú ý trong lĩnh vực Restaking nhờ các chương trình airdrop hấp dẫn. Chiến lược này đã nhanh chóng thu hút lượng lớn người dùng quan tâm, tạo sức hút riêng trên thị trường.
Thêm vào đó, với sự linh hoạt trong hỗ trợ đa dạng tài sản và nền tảng blockchain cùng sự đầu tư từ các quỹ lớn, Karak đã có được vị thế vững chắc trong cuộc đua Restaking.
3. Tổng kết
Dù còn khá mới mẻ, Restaking đã nhanh chóng trở thành “miền đất hứa” cho cả dự án lẫn nhà đầu tư nhờ tiềm năng sinh lợi và gia tăng bảo mật. Bên cạnh những dự án đề cập phía trên, vẫn còn có nhiều lựa chọn khác như Satlayer, Swell Network….., giúp người dùng đa dạng hóa danh mục và tối ưu hóa giá trị tài sản của mình.
Hy vọng bài viết đã mang lại những kiến thức dễ hiểu về TOP 4 dự án Restaking tiềm năng trên các hệ sinh thái!