1. Tổng quan về Cross-chain 

Hiện nay, thị trường Blockchain xuất hiện nhiều Layer 1, Layer 2 và thậm chí cả Layer 3, đặt ra thách thức cho việc chuyển tài sản nhanh chóng và an toàn giữa các mạng lưới khác nhau. Các Bridge đã ra đời nhằm giải quyết nhu cầu này, nhưng lại bộc lộ nhiều yếu điểm như vấn đề bảo mật và làm phân mảnh thanh khoản trên các chuỗi.

Chính vì nhu cầu đó mà các giao thức Cross-chain xuất hiện, đưa ra giải pháp hoàn thiện hơn để giúp kết nối Blockchain, cho phép người dùng chuyển tài sản qua lại một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn. Điều này giúp khắc phục nhược điểm của các Bridge cũ và mang lại sự an tâm hơn về mặt bảo mật cũng như thanh khoản.

Ngoài ra, trong tương lai Cross-chain có thể được vận dụng rõ nét hơn để:

  • Phát triển các dApp Cross-chain: Kết nối thanh khoản giữa các chuỗi và người dùng có thể tương tác đa chuỗi chỉ trong một giao diện duy nhất. 
  • Nền tảng cho Token Omnichain: Việc phát hành Token trên nhiều chuỗi sẽ có thể di chuyển chúng qua các Blockchain dễ dàng với chi phí rẻ, nhanh chóng và không gây phân mảnh thanh khoản.

Để dễ phân biệt thì 5Money sẽ chia các dự án Cross-chain thành 3 mảng chính gồm: Cross-chain Communication, Bridge và dApps. Trong đó Cross-chain Communication là cơ sở hạ tầng quan trọng nhất dùng để tạo ra các Bridge, dApps và Token Omnichain (Token được phát hành trên nhiều chuỗi). Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích và so sánh 3 dự án Cross-chain Communication lớn nhất là LayerZero, Wormhole và Axelar.

2. Top 3 dự án Cross-chain 

2.1 LayerZero 

LayerZero là dự án Cross-chain có khả năng kết nối với 83 blockchain, đặc biệt nổi trội với cộng đồng người dùng đồ sộ, hơn 700 nghìn người theo dõi trên X (Twitter), xử lý hơn 135 triệu giao dịch, lúc đỉnh điểm có 760 nghìn giao dịch mỗi ngày nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 30 nghìn giao dịch do phần lớn người dùng đã rời đi sau khi dự án công bố airdrop.

Thống kê số lượng giao dịch của LayerZero 
Thống kê số lượng giao dịch của LayerZero 

LayerZero có hệ sinh thái gần 100 dự án đang phát triển với những cái tên nổi bật thuộc 3 nhóm sau:  

  • DApps Cross-chain: Stargate Finance, TapiocaDAO, Aave, OmniX, Astar, Reunit Wallet,…  
  • Bridge: Aptos Bridge, Testnet Bridge, Bitcoin Bridge,… 
  • Token và NFT Omnichain: Canto, Ethena, Lybra, Maverick Protocol, Pudgy Penguins, EtherFi, Pancakeswap,…
LayerZero Ecosystem (nguồn: LayerZero Corner)  
LayerZero Ecosystem (nguồn: LayerZero Corner)  

LayerZero cũng sở hữu đội ngũ phát triển rất mạnh, chủ yếu là những Cử nhân và Thạc sĩ tốt nghiệp Khoa học máy tính, có chuyên môn phát triển công nghệ. 

Dự án đã huy động được hơn 263 triệu USD qua năm vòng gọi vốn. Trong đó, A16z dẫn đầu vòng 135 triệu USD và tham gia vòng 100 triệu USD cùng với Sequoia Capital. Ngoài ra, một số quỹ lớn khác cũng đầu tư vào LayerZero như Multicoin, Spartan, Binance Labs, Coinbase Ventures, Animoca Brands, và Lightspeed.

Điểm nhấn lớn nhất của LayerZero chính là khả năng tùy chỉnh cấu trúc mô-đun. Với cấu trúc linh hoạt, nhà phát triển dApps có thể lựa chọn ít nhất 3 mạng xác thực (DVN) là một nhóm Validator hoặc chuỗi Blockchain như LayerZero Labs, Google Cloud, Polyhedra, Axelar, CCIP, Lagrange,… Cũng nhờ đó mà các dApps có thể tùy chỉnh độ bảo mật và nhiều tính năng khác.

Với thiết kế trên thì LayerZero có thể cung cấp độ bảo mật rất cao do sử dụng nhiều mạng xác thực. Ví dụ một dự án có thể sử dụng cả mạng Axelar, CCIP của Chainlink và nhóm Validator của LayerZero Labs thì đã có gấp 3 lần bảo mật so với chuỗi Axelar hay giao thức CCIP đơn lẻ. Nhưng một câu hỏi lớn được đặt ra là một số nhóm Validator trong ngăn xếp của LayerZero còn bị kiểm soát bởi các địa chỉ ví cá nhân, rủi ro thao túng rất cao nên dự án sử dụng chúng sẽ có độ bảo mật thấp. 

2.2 Wormhole 

Wormhole ban đầu được Market Maker “khét tiếng” Jump Trading xây dựng để kết nối Ethereum và Solana. Tuy nhiên, do nhu cầu kết nối tăng cao, dự án đã mở rộng hỗ trợ đa dạng các Blockchain khác. Một số thành viên của Jump Trading đã tách ra để tập trung phát triển Wormhole. Đáng chú ý, Jump Trading cũng đứng ra bồi thường thiệt hại từ vụ hack mất 320 triệu USD của Wormhole vào tháng 02/2022, chứng tỏ mối quan hệ rất khăng khít của dự án với Market Maker này.

Vì xuất thân từ Jump nên đội ngũ Wormhole có lợi thế về kinh doanh và nhiều kinh nghiệm trên thị trường truyền thống. Dự án còn có sự góp mặt của các kỹ sư từ Web3 Foundation, Circle, Polygon Labs, Maple Finance, Polkadot, Acala,… Đáng chú ý, Wormhole đã huy động được 225 triệu USD từ các quỹ như Coinbase Ventures, Jump Trading, Multicoin, ParaFi,… chỉ qua một vòng gọi vốn duy nhất.

Đội ngũ Wormhole 
Đội ngũ Wormhole 

Cho đến thời điểm này, Wormhole đã xử lý hơn 1 tỷ giao dịch với tổng trị giá 44 tỷ USD và kết nối hơn 30 Blockchain. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 nghìn giao dịch chuỗi chéo diễn ra trên Wormhole, chủ yếu từ 3 chuỗi: Ethereum, Solana và Sui Network.

Số lượng giao dịch mỗi ngày của Wormhole

Hệ sinh thái Wormhole rất sôi động với 110 dự án đang xây dựng và phát triển thuộc các mảng như DeFi, Game NFT, Wallet, Oracle, Social, Infras,… Trong đó dự án thuộc mảng DeFi là nhiều nhất với khoảng 75 dApps. Một số dự án nổi bật thuộc các nhóm như: 

  • DApps Cross-chain: Hashflow, Curvance, Biconomy, PsyOption, Pyth, Automata,… 
  • Bridge: Circle Bridge, Portal Bridge, Allbridge,…  
  • xAsset: DeGods, Bonk Inu,…
Wormhole Ecosystem (nguồn: Yash Agarwal)
Wormhole Ecosystem (nguồn: Yash Agarwal)

Các giao dịch xuyên chuỗi trên Wormhole được xác thực bởi 19 Validator (được gọi là “Guardians”), dựa theo cơ chế đồng thuận PoA (Proof of Authority). Cơ chế đồng thuận này sử dụng uy tín và danh tiếng của các Validator để xác minh giao dịch và duy trì bảo mật cho mạng lưới, khi phải có đến 13 trong số 19 Validators xác nhận thì giao dịch mới được thông qua.

Với cơ chế trên thì Wormhole đạt được hiệu suất cao và xử lý nhanh chóng các giao dịch chuỗi chéo. Tuy nhiên, bảo mật của mạng lưới phụ thuộc vào uy tín và trách nhiệm của các Guardians. Vậy nên nó tập trung hơn so với các cơ chế đồng thuận khác như Proof of Stake (PoS) hay Proof of Work (PoW). Điều này có thể ảnh hưởng đến tính phi tập trung và bảo mật của mạng lưới.

2.3 Axelar 

Axelar Network là nền tảng Blockchain giao tiếp chuỗi chéo (cross-chain), được xây dựng bằng bộ công cụ Cosmos SDK và hoạt động trên cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake (PoS).

Đội ngũ phát triển Axelar là những người tài năng tốt nghiệp Cử nhân, Thạc sĩ, và Tiến sĩ trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế, và luật. Họ đã từng làm việc cho các công ty danh tiếng như Stripe, Google, Chainlink Labs, Ripple, Bloomberg LP, và Algorand. 

Đội ngũ Axelar
Đội ngũ Axelar

Ngoài ra, dự án cũng huy động được gần 59 triệu USD từ các quỹ nổi nổi tiếng như Coinbase, Polychain, Morningstar Ventures, Binance Labs, Lemniscap, DragonFly,… và một vòng bán IDO trên Coinlist thu về tới 50 triệu USD. 

Axelar hoạt động với khoảng 130 Validators tham gia vào mạng lưới, trong đó có 75 Validator có cổ phần AXL cao nhất được chọn để xác thực giao dịch, phần còn lại chỉ được tham gia đồng thuận và sao lưu dữ liệu chuỗi giúp tăng cường bảo mật. 

Nhờ việc Axelar sử dụng Blockchain để xác thực các giao dịch xuyên chuỗi mang lại bảo mật cao và hoàn toàn phi tập trung. Chưa kể, sắp tới mạng lưới Axelar còn được tăng cường bảo mật bởi Babylon, dự án sử dụng tài sản BTC làm cổ phần bảo mật cho các chuỗi PoS. Cũng vì thế mà Axelar được chọn để hợp tác với nhiều dự án và doanh nghiệp đáng chú ý như:

  • Ondo Finance, dự án hàng đầu trong mảng RWA, phát hành stablecoin USDY được bảo chứng bởi trái phiếu Hoa Kỳ đã hợp tác với Axelar để xây dựng Bridge đưa USDY đi xuyên chuỗi. 
  • Các ví tiền điện tử hàng đầu như Metamask và Trust Wallet tích hợp ứng dụng Squid (sử dụng công nghệ Axelar) cho chức năng swap xuyên chuỗi. 
  • Lido Finance đã mở rộng ETH staking (stETH) của mình sang Cosmos và BNB Chain thông qua Axelar. 
  • Các doanh nghiệp lớn như JP Morgan, Microsoft, Deutsche Bank và Mastercard hợp tác với Axelar để xây dựng cơ sở hạ tầng chuỗi chéo cho các sáng kiến ​​Web3 của họ, sẽ ra mắt trong tương lai. 
Một số dự án nổi bật nhất trong hệ sinh thái Axelar
Một số dự án nổi bật nhất trong hệ sinh thái Axelar

Hiện tại, Axelar đã kết nối 65 chuỗi Blockchain, đa số là các chuỗi thuộc hệ sinh thái Cosmos. Tuy ra mắt từ sớm vào năm 2022 nhưng Axelar chỉ ghi nhận hơn 2 triệu giao dịch được thực hiện với trung bình mỗi ngày có khoảng 5 nghìn giao dịch phần lớn đến từ các chuỗi BNB Chain, Sei, Ethereum, Osmosis, Polygon, Arbitrum.

Số liệu này cho thấy dự án chưa tiếp cận được lượng người dùng lớn, có thể vì động lực săn airdrop hệ sinh thái Cosmos rất thấp và bản thân Axelar chưa có các dApp thực sự nổi bật.

Thống kê số lượng giao dịch của Axelar
Thống kê số lượng giao dịch của Axelar

Tuy không phổ biến nhưng hệ sinh thái Axelar đang có hơn 150 dApps thuộc các mảng như DeFi, Infras, Wallet, NFT, Integration, Game,… Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đã tin tưởng và hợp tác với Axelar như: ONXY của JPMorgan, Azure Marketplace của Microsoft, Mastercard,… Một số dự án nổi bật sử dụng công nghệ của Axelar như:

  • DApps Cross-chain: LogX, Oji Network,… 
  • Bridge: Satellite, Squid Router,… 
  • Interchain Token: RabbitX, Metavault, Pstake, Hokkaido Inu,… 
Axelar Ecosystem
Axelar Ecosystem

3. Kết luận chung  

Qua những phân tích trên chúng ta kết luận như sau: 

  • Công nghệ: Theo lý thuyết thì LayerZero là dự án có độ bảo mật tốt nhất khi cho phép sử dụng nhiều bên để xác thực giao dịch, đồng nghĩa với phí giao dịch cao. Nhưng thực tế thì Axelar được đánh giá cao nhất do lo ngại về vấn đề tập trung của DVN LayerZero. Bên cạnh đó, đội ngũ của Uniswap (AMM DEX số hàng đầu thị trường) đã thực hiện kiểm tra về mật mã cũng như công nghệ của hàng loạt giao thức và đưa ra kết luận rằng Wormhole, Axelar là 2 dự án đạt tiêu chuẩn bảo mật của thị trường. 
  • Sản phẩm: TOP 3 dự án Cross-chain kể trên đều cung cấp dịch vụ để kết nối các blockchain. Riêng LayerZero và Wormhole có khả năng tích hợp các chuỗi không hỗ trợ smart contract như Bitcoin, Dogecoin. Còn Axelar là Layer 1 thuộc hệ sinh thái Cosmos nên liên kết rất tốt với các chuỗi thuộc hệ này như Osmosis, Injective, Evmos, Celestia, Dymension,… 
  • Hệ sinh thái: Các dự án đều sở hữu hệ sinh thái mạnh mẽ với hàng trăm dApps đang được phát triển. Axelar nổi bật với các đối tác lớn như Microsoft, JP Morgan, Mastercard, và Circle. Tuy nhiên, LayerZero và Wormhole lại chiếm ưu thế về độ phổ biến và thị phần nhờ vào các dự án nổi bật như Stargate, Hashflow, CCTP, Portal và nhiều dự án khác. 
  • Đội ngũ phát triển: Đội của LayerZero và Axelar có năng lực để phát triển công nghệ với nhiều kỹ sư giỏi. Còn Wormhole thì không có lực lượng kỹ sư hùng hậu để phát triển công nghệ nhưng họ lại sở hữu nhiều nhân sự có năng lực phát triển kinh doanh đến từ Jump Trading. 
  • Nhà đầu tư: Trong các dự án thì Wormhole được đánh giá cao nhất vì chỉ huy động 225 triệu USD trong một lần duy nhất từ số ít nhà đầu tư chất lượng như Coinbase, Jump Trading, Multicoin, ParaFi,… Còn LayerZero huy động được nhiều tiền hơn ~ 263 triệu USD nhưng có sự tham gia của rất nhiều quỹ trải dài qua 5 vòng gọi vốn nên không được đánh giá cao bằng Wormhole.
  • Định giá: LayerZero hiện có định giá cao nhất với 4 tỷ USD, theo sau là Wormhole với 3 tỷ USD. Hai dự án này được xem là có tiềm lực lớn nhất trong lĩnh vực và cạnh tranh gay gắt với nhau, do đó mức định giá của chúng không chênh lệch nhiều. Ngược lại, Axelar có định giá khiêm tốn hơn, chỉ 800 triệu USD, khoảng cách khá xa so với LayerZero và Wormhole.   

Qua những đánh giá trên thì chúng ta có thể thấy rõ mỗi dự án đều có thế mạnh riêng: Axelar nổi bật về công nghệ, LayerZero có cộng đồng lớn còn Wormhole được hậu thuẫn bởi Jump Trading và huy động vốn rất chất lượng cũng như các VC đang lỗ. 

Để rót tiền đầu tư, LayerZero và Wormhole là những lựa chọn ít rủi ro hơn. Tùy thuộc vào sở thích cá nhân, bạn có thể chọn một trong hai hoặc cả hai. Xét về phương diện lợi nhuận thì đánh giá cao Wormhole hơn vì dự án này có khả năng gọi vốn chất lượng và xây dựng được một cộng đồng mạnh mẽ.

Trong khi đó, Axelar có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ định giá thấp nhất trong số các dự án hiện nay. Nếu Axelar mở rộng được thị phần trong tương lai và ra mắt thành công sản phẩm hợp tác với các tổ chức lớn như JPMorgan, Microsoft, và Mastercard, thì tiềm năng tăng trưởng sẽ rất cao. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của dự án là chưa tạo dựng được cộng đồng đủ mạnh, một yếu tố buộc phải có để dự án phát triển hơn nữa.

4. Tổng kết

Hy vọng qua bài viết này của 5Money, bạn sẽ hiểu rõ hơn về mảng Cross-chain và có cái nhìn tổng quan về TOP 3 dự án Cross-chain hàng đầu, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt và phù hợp với cá nhân mình nhất.

Đọc thêm:

Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.