1. Token là gì? Các loại token phổ biến trên thị trường
1.1 Token là gì?
Token là khái niệm chỉ những loại tài sản “ký sinh” trên blockchain, kế thừa mọi đặc tính của blockchain gốc mà không cần sở hữu blockchain riêng. Điển hình nhất là token của các Dapps được xây dựng trên các blockchain như:
- Pancakeswap phát hành đồng CAKE trên BNB Chain
- Uniswap phát hành đồng UNI trên Ethereum
- StepN phát hành đồng GMT trên Solana
1.2 Các loại token phổ biến
Token trên thị trường tiền mã hoá có nhiều loại và phục vụ các mục đích khác nhau, dưới đây là 1 số loại mà các bạn sẽ thường gặp:
- Token tiện ích (Utility token): Loại token này thường được sử dụng để truy cập dịch vụ hoặc những tính năng cụ thể có trong hệ sinh thái, Ví dụ như đồng FIL (Filecoin) dùng để trả phí khi người dùng muốn lưu trữ dữ liệu trên nền tảng.
- Token quản trị (Governance Token): Dùng để bỏ phiếu các quyết định quan trọng ảnh hưởng tới dự án trong cộng đồng DAO.
- Token chứng khoán (Security token): Token này đại diện số cổ phần mà bạn sở hữu đối với dự án, có thể coi là như cổ phiếu trong thị trường crypto.
- NFT – Token không thể thay thế (Non Fungible Token): Thể hiện quyền sở hữu đối với một tài sản hoặc 1 vật phẩm trên Internet, ví dụ như: Âm nhạc, Video, Bản quyền sáng chế,…
2. Sự khác nhau giữa token và coin
Coin và token có nhiều điểm khác nhau (như bảng trên), tuy nhiên, dưới đây là một số điểm khác biệt chính:
- Token hoạt động dựa trên các Blockchain khác
Khác với coin chạy trên blockchain gốc thì token sẽ được tạo ra trên các blockchain của các dự án có sẵn để tiết kiệm chi phí cũng như hưởng lợi khi có dòng tiền đổ vào hệ sinh thái của blockchain đó. Ví dụ các token trên hệ sinh thái Ethereum như: UNI của Uniswap, LINK của Chainlink hay MKR của MakerDAO,…
- Token có nhiều tiêu chuẩn khác nhau
Đối với coin vì chạy trên blockchain riêng nên không cần tiêu chuẩn vì chúng là duy nhất trên blockchain đó, còn token có nhiều tiêu chuẩn khác nhau để phục vụ cho nhiều mục đích của dự án, 1 số chuẩn token phổ biến như:
– ERC-20: tiêu chuẩn token phổ biến nhất trên Ethereum và được sử dụng cho các token thay thế được (fungible tokens), ví dụ như: ETH, LINK, UNI,…
– ERC-721: là tiêu chuẩn token đầu tiên dành cho việc phát hành non-fungible token (NFT) trên mạng lưới Ethereum, ví dụ: bộ sưu tập NFT CryptoKitties, Decentraland,…
– ERC-1155 : tiêu chuẩn token được thiết kế để quản lý nhiều loại token khác nhau (cả ERC-20 và ERC-721) trong một hợp đồng duy nhất, ví dụ: bộ sưu tập The Sandbox’s CATALYSTs, NFT Runes & Charms của Axie Infinity hay Gods Unchained Cards
- Token chỉ sử dụng trong hệ sinh thái của blockchain gốc
Token chỉ được sử dụng như phương tiện thanh toán hoặc thêm tiện ích cho các dự án nếu so với coin thì chức năng của coin sẽ đa dạng hơn như: trả phí gas, staking để trở thành node/validator và cả làm phương tiện thanh toán.
Riêng với NFT thì có chức năng như 1 loại hàng hoá dùng để trao đổi hoặc tránh gian lận trong mua bán vì NFT có tính độc nhất nên thường được dùng để nhận biết được quyền sở hữu của tài sản đó
- Trả phí bằng coin của blockchain gốc khi giao dịch token
Nếu các bạn giao dịch trên mạng lưới Solana thì trả phí bằng SOL, giao dịch trên mạng lưới Bitcoin thì trả phí bằng BTC nhưng bạn không thể trả phí giao dịch token bằng chính token đó, tất cả các token chạy trên Ethereum như: UNI, LINK đều phải trả phí bằng ETH.
- Token không có địa chỉ ví riêng
Tất cả các token trong một Blockchain đều chia sẻ chung địa chỉ ví với Blockchain gốc, nghĩa là bạn có thể dùng một địa chỉ ví Ethereum để lưu trữ nhiều token khác như UNI, 1INCH, ETHFI, USDT,… Còn coin lại có blockchain và địa chỉ ví riêng biệt. Khi bạn sử dụng coin như Bitcoin (BTC) hoặc Ethereum (ETH), bạn sẽ có một địa chỉ ví cụ thể cho từng loại coin này. Mỗi blockchain riêng lẻ có các địa chỉ ví duy nhất, và các coin không thể chia sẻ địa chỉ với các coin khác trên blockchain khác.
3. Ưu và nhược điểm của token
3.1 Ưu điểm của token
- Phát hành nhanh chóng và đơn giản
Để tạo ra một token các bạn chỉ cần viết một hợp đồng thông minh (smart contact), tiếp theo chọn blockchain để tạo token trên đó, thường thì chỉ mất 5 phút là bạn có thể hoàn thành cơ bản các bước tạo token theo 1 khuôn mẫu có sẵn, điều này vẫn dễ hơn nhiều so với việc tạo ra một dự án blockchain mới.
Đối với các dự án phát hành token, các nhà đầu tư có thể đánh giá việc phân bổ, sử dụng và quản lý token thông qua tokenomic của dự án đó.
Đọc thêm: Tokenomics là gì ? Đánh giá tokenomics
- Hưởng lợi từ hệ sinh thái blockchain sẵn có
Khi bạn tạo ra một token mới thì đồng nghĩa với việc token này đã gia nhập hệ sinh thái của Blockchain nền tảng đó, và token của bạn sẽ tiếp cận được một lượng lớn người dùng và hưởng lợi tất cả các đặc tính của blockchain đó như: bảo mật, giao dịch nhanh và ổn định…
- Tăng khả năng tương tác
Một token có thể được phát hành trên nhiều blockchain khác nhau, vì vậy chúng có thể dễ dàng tương tác với các ứng dụng và dịch vụ khác trên nhiều blockchain, như ví điện tử, sàn giao dịch phi tập trung (DEX), và các hợp đồng thông minh.
3.2 Nhược điểm của token
- Thiếu thanh khoản và rủi ro biến động cao
Một số token có thể không được giao dịch rộng rãi trên nhiều sàn giao dịch, dẫn đến tình trạng thiếu thanh khoản. Điều này có thể khiến việc mua và bán token trở nên khó khăn. Thị trường token rất cạnh tranh, với hàng trăm dự án mới xuất hiện mỗi năm. Nhiều token không thể tồn tại lâu dài được vì không cạnh tranh được với các token của dự án khác.
- Rủi ro về hỗ trợ ví
Không phải tất cả các địa chỉ ví trên các sàn giao dịch hoặc các dịch vụ ví điện tử đều hỗ trợ mọi loại token. Người dùng có thể mất token nếu gửi chúng vào địa chỉ ví không tương thích.
- Token phải hoạt động phụ thuộc vào blockchain khác
Token không thể hoạt động độc lập mà phải dựa vào blockchain sẵn có. Điều này có nghĩa là nếu blockchain gặp phải vấn đề về bảo mật hoặc bị tấn công, các token cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Đọc thêm: 5 nguyên tắc bảo mật crypto để không bị mất tài sản
4. Nên đầu tư token hay coin ?
Quyết định đầu tư vào coin hay token phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro, mục tiêu đầu tư và thời gian nắm giữ của mỗi nhà đầu tư:
- Token: Token thường thích hợp cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao và mong muốn lợi nhuận nhanh. Đầu cơ lướt sóng hoặc săn hidden gem là những chiến lược phổ biến khi đầu tư vào token.
- Coin: Rủi ro và biến động thấp hơn, thích hợp cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định và đầu tư dài hạn.
Mỗi loại đều có ưu nhược điểm riêng, bạn có thể phân chia danh mục đầu tư vào coin và token tùy vào chiến lược và tình hình tài chính của mình nhé. Ví dụ, bạn có thể dành 60% danh mục Crypto dài hạn để nắm giữ coin của các blockchain bạn cho là tiềm năng và 40% còn lại có thể phân bổ vào các token của các dự án trên hệ sinh thái mà bạn đánh giá cao.
Đọc thêm: Phân biệt đầu tư và đầu cơ trong thị trường crypto
5. Tổng kết
Hy vọng bài viết trên đã giúp cho bạn hiểu được nhiều hơn về Token là gì và sự khác nhau giữa coin và token trong hệ sinh thái blockchain. Hãy đón chờ những bài viết tiếp theo của 5Money để trang bị đầy đủ kiến thức trước khi dấn thân vào thị trường này nhé!
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!