1. Toàn cảnh Modular Blockchain
1.1 Modular Blockchain là gì?
Đầu tiên để hiểu khái niệm Modular Blockchain, bạn cần phải nắm được cấu tạo của một blockchain, trong đó sẽ có 4 phần chính:
- Execution (Lớp thực thi): Đây là nơi giao dịch được thực hiện và tính toán kết quả. Sau đó, kết quả này sẽ được gửi đi để xử lý tiếp, và khi mọi thứ xong xuôi, kết quả sẽ được lưu lại và không thể thay đổi nữa.
- Settlement (Lớp giải quyết): Lớp này kiểm tra xem giao dịch có hợp lệ không và giải quyết các tranh chấp nếu có.
- Consensus (Lớp đồng thuận): Đảm bảo sự thống nhất về trạng thái cuối cùng của mạng lưới, sử dụng các cơ chế như Proof of Work, Proof of Stake. Sau khi đạt được đồng thuận, trạng thái mới của mạng sẽ được cập nhật.
- Data Availability (Lớp lưu trữ): Lớp này giúp giữ và cung cấp dữ liệu, đảm bảo bạn có thể truy cập thông tin để kiểm tra giao dịch có chính xác hay không.
Sau khi đã hiểu rõ về cấu trúc của blockchain, bước tiếp theo bạn cần tìm hiểu là hai loại blockchain phổ biến nhất hiện nay:
- Monolithic Blockchain – 1 blockchain xử lý tất cả công việc.
- Modular Blockchain – Chia nhỏ từng tác vụ ra, mỗi Layer (blockchain) sẽ làm 1 công việc chuyên biệt.
Ví dụ:
- Solana là Monolithic blockchain, sẽ một mình làm hết tất cả các tác vụ như thực thi, đồng thuận, lưu trữ.
- Arbitrum, Optimism là Modular blockchain nên chỉ làm nhiệm vụ thực thi (Execution) sau đó gửi dữ liệu về cho Ethereum (DA & Consensus) để xác thực và lưu trữ
Nhìn chung Modular là giải pháp chia nhỏ các tác vụ của một blockchain ra thành nhiều lớp (Layer), từ đó mỗi Layer sẽ làm 1 nhiệm vụ chuyên biệt để giúp mạng lưới có hiệu suất tốt hơn.
1.2 Tại sao Modular Blockchain lại được FOMO?
Modular thực ra không mới. Về bản chất, nó đã được giới thiệu thông qua các Layer 2 trên Ethereum như zkSync, Arbitrum, Starknet, Optimism.
Tuy nhiên khái niệm này chỉ thực sự bùng nổ khi Celestia ra mắt, giúp người dùng dễ dàng hiểu về Modular Blockchain.
Ngoài việc trở thành đơn vị đầu tiên làm rõ Modular là gì theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất thì Celestia cũng khiến cho “dân tình” FOMO vào xu hướng này theo các chiến lược sau:
- Giá TIA tăng từ 2 USD và đạt đỉnh tại mốc 20.1 USD.
- Những ai stake TIA đều nhận được các khoản airdrop khổng lồ từ Dymension, AltLayer, Saga…
Rõ ràng xu hướng modular blockchain bùng nổ nhờ 2 yếu tố:
- Marketing đường giá của Celestia – Dự án dẫn đầu xu hướng này.
- Stake to Airdrop nổi lên trong bối cảnh phong trào airdrop được thổi bùng nhờ Layer Zero, Starknet, zkSync càng khiến cho niềm tin về modular là tương lai được củng cố
=> Airdrop + giá TIA liên tục tăng trưởng đã mang narratives modular gần hơn với số đông nhà đầu tư.
Mọi người gần như bỏ qua câu chuyện doanh thu, số lượng dự án sử dụng sản phẩm của Celestia hay các yếu tố công nghệ sâu bên trong.
Câu chuyện này bắt đầu hạ nhiệt khi giá TIA giảm, các khoản airdrop không còn diễn ra => Mọi người gần như lập tức quên đi “modular đã từng là tương lai như thế nào”.
2. Liệu Modular Blockchain có quay trở lại?
Đầu tiên chúng ta phải làm rõ với nhau trước một điều đó là các dự án modular hiện tại đang là những bên làm DỊCH VỤ.
Và thường thì những dự án vừa theo hướng cơ sở hạ tầng vừa là bên cung cấp dịch vụ sẽ rất khó có được mô hình thực sự ponzi trong cách kinh doanh để thổi bùng câu chuyện.
Ở đây sẽ có 3 mảnh ghép chính mà bạn cần quan tâm:
- Data Availability: Dự án trong mảng này sẽ cung cấp nơi lưu trữ dữ liệu một cách an toàn, bảo mật và chi phí phải rẻ.
- Rollup as a Service: Hiểu một cách đơn giản thì các dự án này cho phép bạn có thể dễ dàng tạo ra một Layer 2 hay các appchain một cách đơn giản và nhanh chóng.
- Shared sequencer: Có thể hiểu là việc nhiều nền tảng Rollup cùng sử dụng một Sequencer chung để thực hiện các nhiệm vụ như sắp xếp, xử lý, đóng gói giao dịch và gửi lên Ethereum giúp tăng sự phi tập trung cũng như giảm chi phí.
Ở mỗi mảnh ghép, chúng ta sẽ có ưu và nhược khác nhau nhưng có một điều bạn cần lưu ý đó là các dự án không định hình mình là modular hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với các dự án thuần modular.
2.1 Data Availability
Mảng DA có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là trong tương lai khi có nhiều các Layer 2, appchain mọc lên, từ đó nhu cầu lưu trữ dữ liệu sẽ xuất hiện rất rõ. Hiện tại đang có khá nhiều đơn vị cung cấp sản phẩm này:
- Eigen Layer với Eigen DA.
- Near với Near DA.
- Avail
- Celestia
- Ethereum
Mỗi dự án sẽ cố một lợi thế cạnh tranh khác nhau về mặt công nghệ, chăm sóc khách hàng, khả năng tương thích phù hợp với nhiều phân khúc, tầm nhìn của các nền tảng sử dụng.
- Ethereum là sự phi tập trung, bảo mật đã được chứng minh qua nhiều chu kỳ nhưng chi phí lưu trữ sẽ mắc hơn.
- Near DA, Celestia là sự dễ tiếp cận, chi phí rẻ.
Có lẽ Celestia là dự án nổi bật nhất trong mảng DA khi họ là một trong những bên phổ cập kiến thức cho người dùng về modular blockchain theo cách cực kì đơn giản và dễ hiểu thông qua Docs của mình.
Bên cạnh là dự án đại diện cho xu hướng, Celestia còn tiềm năng bởi vì:
- Dự án đã kêu gọi được 56.5 triệu USD, trong đó có sự góp mặt của những quỹ lớn như Jump, Delphi Capital, Polychain Capital, Blockchain Capital…
- Celestia có thể coi là dự án dẫn đầu trend modular khi đã tạo ra sự chú ý cho xu hướng này trong giai đoạn đầu năm bằng những chiến lược mà mình đã phân tích ở phần 1.2.
- Celestia cung cấp lớp DA với giá cả phải chăng, phù hợp với nhiều máy ảo (VM) trong tương lai nếu có nhiều Rollups được triển khai, Celestia sẽ là một trong những nền tảng được các nhà phát triển ưu tiên lựa chọn hàng đầu.
- Kì vọng các cơn sóng airdrop từ việc stake TIA sẽ là động lực tăng giá bên cạnh việc các ứng dụng như trả phí dịch vụ, quản trị, staking…
Đường màu xanh lục là đường biểu thị cho lượng phí từ các dự án đang sử dụng dịch vụ của Celestia. Trung bình chỉ rơi vào dưới 100 USD/Ngày. Mặc dù khách hàng của Celestia có những cái tên rất nổi bật như:
- Manta Network
- Aevo
- Orderly
- Ancient 8
=> Điều này chỉ ra rằng việc lưu trữ dữ liệu trên Celestia cực kì rẻ.
Kể từ thời điểm đi vào hoạt động, tổng phí mà Celestia thu được chỉ rơi vào 1,6 triệu USD.
2.2 Rollup as a Service
Hay Rollup as a Service – RaaS cũng là mảnh ghép cực kì tiềm năng, khi nó giúp các nhà phát triển rút gọn các khâu về công nghệ để nhanh chóng tạo ra các Layer 2.
- AltLayer
- Saga
- Dymension
- Gelato
- Caldera
Câu chuyện cũng sẽ tương tự với DA khi mỗi dự án sẽ có một lợi thế khác nhau, phù hợp với từng phân khúc khách hàng:
- AltLayer với đội ngũ phát triển mạnh, có những sản phẩm “cực kì ngách” về mặt kỹ thuật giúp cho nhiều dự án có thể chọn lựa.
- Dymension thì có cây cầu để giúp các rollup dapps có thể tương tác với nhau. Dễ hiểu hơn thì Arbitrum muốn giao tiếp với Optimism một cách bảo mật thì họ lại phải xây 1 cây cầu riêng. Các dự án trên Dymension đã được hỗ trợ điều đó.
- Caldera là dự án đã khẳng được vị thế khi có tới 30 nền tảng đang sử dụng sản phẩm, nổi bật với các tay to như Manta, Treasure DAO, Apecoin,…
Nổi bật nhất trong ngách này phải kể đến “dự án quốc dân” AltLayer. Vậy vì sao AltLayer nổi bật:
- Dự án đã gọi được 21,6 triệu sau 3 vòng gọi vốn, nổi bật với những cái tên như Polychain Capital, HACK VC, Jump…
- AltLayer là một trong 12 dự án nằm trong danh sách MVB VI do Binance tổ chức.
- Dự án không chỉ hỗ trợ các Rollup EVM mà trong tương lai còn là Rollups non-EVM. Đây sẽ là bước đi chiến lược trong việc dành thị phần với các nền tảng RaaS khác.
- Stake ALT giúp bạn nhận về lãi suất. Dùng ALT đã stake (Staked ALT) đi restake sẽ giúp bạn có thêm cơ hội nhận được airdrop của các dự án đối tác với AltLayer.
Giải pháp của AltLayer cực kì đa dạng, phù hợp cho cả những đối tượng không biết code, tùy biến với nhiều mục đích khác nhau.
Họ còn cả những sản phẩm mang tính độc nhất như Ephemeral Rollups – Tạo ra một Blockchain trên AltLayer chạy song song với chuỗi chính để gánh bớt công việc => Tăng khả năng xử lý, giảm tắc nghẽn.
Ví dụ: Ở những đợt Airdrop hay mint NFT sẽ dẫn tới khối lượng giao dịch tăng ĐỘT BIẾN. Ethereum sẽ diễn ra tắc nghẽn, họ sẽ sử dụng sản phẩm Ephemeral Rollups của AltLayer để giải quyết vấn đề này.
AltLayer sẽ tạo ra một chuỗi khác gọi là Flash Layer từ đó đưa các thông tin giao dịch lên Flash Layer để xử lý. Khi xử lý xong thì sẽ gửi kết quả về cho Ethereum. Flash Layer sau đó sẽ được xóa đi.
=> Đây là một giải pháp mang tính ngắn hạn nhưng cực kì hiệu quả cho những sự kiện có sự gia tăng đột biến trên mạng lưới.
2.3 Shared Sequencer
Đối với các dự án trong mảng Shared Sequencer vẫn đang gặp khá nhiều thách thức. Mặc dù nó giúp cho việc tạo ra 1 Layer 2 nhanh hơn, L2 trở nên phi tập trung hơn, người dùng ít tốn phí giao dịch hơn nhưng lại khiến doanh thu giao thức giảm đi:
- Sequencer là nơi mà các giao dịch sẽ được lựa chọn để thực thi gửi xuống Layer 1. Nếu ai đó muốn giao dịch được thực thi trước họ bắt buộc phải tăng lượng phí lên, điều này sẽ được Sequencer thấy và kiếm lợi từ đó.
- Đây là một nguồn doanh thu rất lớn đặc biệt là ở những Layer 2 sôi động như Base, Arbitrum nơi mà chỉ có 1 Sequencer duy nhất được chính Foundation vận hành.
Việc sử dụng một bên thứ 3 với dịch vụ Sequencer sẽ khiến Layer 2 đó trở nên phi tập trung hơn nhưng nguồn thu cũng sẽ giảm đi.
=> Đây là điều không phải dự án nào cũng muốn.
Nhìn chung về modular sẽ là xu hướng của tương lai khi các dự án giải quyết nhu cầu thật đang tồn tại trong toàn bộ thị trường Crypto. Việc đòi hỏi dự án theo kiểu cơ sở hạ tầng bùng nổ thực sự rất khó.
Hướng đi chậm, chắc với dịch vụ được chỉnh chu, ổn định với thị trường trong thời gian dài sẽ là thứ mà chúng ta nên kì vọng ở các dự án theo xu hướng modular.
Tuy nhiên để modular bùng nổ theo hướng “money game” không phải là không có cách:
- Stake to Airdrop quay trở bằng các làn sóng airdrop nghìn đô tạo ra nhu cầu mua để stake cho các token modular.
- Việc stake sẽ làm giảm bớt lượng cung lưu thông ngoài thị trường.
- Cung giảm, nhu cầu mua stake tăng => Giá token tăng.
Vòng tròn này chỉ sụp đổ khi mà làn sóng airdrop không còn được như kì vọng, nhu cầu mua token giảm => Xu hướng thoái trào.
3. Tổng kết
Hi vọng qua bài viết 5Money đã cung cấp cho bạn những thông tin toàn cảnh Modular Blockchain – Xu hướng đã từng khuấy đảo thị trường giai đoạn cuối 2023.
Có thể xu hướng này sẽ bùng nổ trở lại khi làn sóng airdrop cho các staker được diễn ra hoặc một câu chuyện thật hay được các dự án “kể”, tuy nhiên cốt lõi vẫn là mô hình kinh doanh cũng như sản phẩm của các dự án trong mảng này.