1. Tại sao chúng ta cần Bitcoin và Blockchain?
1.1 Vấn đề của “sự tập trung”
Ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều công ty có cơ sở hạ tầng lớn, sở hữu nhiều thông tin cá nhân của người dùng. Đây đều là những miếng mồi ngon cho các Hacker khi kho dữ liệu được tập trung và bảo vệ bởi một bên duy nhất.
Trong quá khứ, có rất nhiều các cuộc tấn công vào các cơ sở dữ liệu này nhằm đánh cắp thông tin người dùng. Tiêu biểu có thể kể đến:
- 4/2011: Sony PlayStation Network (PSN) bị tấn công mạng dẫn đến rò rỉ thông tin cá nhân của 77 triệu người dùng toàn cầu. Hacker còn xâm phạm thông tin ngân hàng của các tài khoản này.
- 10/2013: Adobe – Đơn vị chủ quản của các sản phẩm Adobe Pr, Photoshop.. bị tấn công bởi hacker, khiến 2,9 triệu thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp, gồm tên đăng nhập, mật khẩu, tên thật, số thẻ tín dụng…
- 1/2014: Hàn Quốc bị tấn công mạng, khiến dữ liệu của 100 triệu thẻ tín dụng và 20 triệu tài khoản ngân hàng bị hacker đánh cắp.
- 2016: Tinder bị tấn công dẫn đến để lộ thông tin nhạy cảm của 400 triệu tài khoản và 20 năm dữ liệu từ một ứng dụng hẹn hò lớn đã bị công khai trên mạng.
- 2017: Công ty tín dụng Equifax – Cuộc tấn công xâm phạm dữ liệu lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ khiến cho 147 triệu người bị rò rỉ thông tin cá nhân như mã số an sinh xã hội, ngày sinh, thông tin bằng lái…
Ngoài ra còn rất rất nhiều vụ rò rỉ thông tin từ các công ty lớn khác như Yahoo! – 2014, Meta – 2022….
Hãy thử tưởng tượng, một ngày bạn thức dậy và các hình ảnh riêng tư, thông tin cá nhân của mình xuất hiện tràn lan trên Internet, đây là thực sự là một cơn ác mộng.
Một ví dụ đơn giản hơn để bạn hình dung thêm về sự TẬP TRUNG nó “đáng sợ” như nào nhé:
Bạn để tiền tại ngân hàng A, chẳng may 1 ngày ngân hàng bị sập đổ vì khủng hoảng, máy chủ ngân hàng bị tấn công và mất hết dữ liệu. Vậy lúc này làm sao để biết ai có bao nhiêu tiền trong ngân hàng để mà đền bù?
Chỉ cần tìm kiếm trên Internet, bạn sẽ thấy sự kiện của các ngân hàng gặp tình trạng bank run (dân ồ ạt rút tiền vì mất niềm tin) dẫn đến phá sản xảy ra ở bất kì giai đoạn trong lịch sử loại người:
- Thế kỷ 17: Có
- Thế kỷ 18: Có
- Thế kỷ 19: Có
- Thế kỷ 20: Có
- Thế kỷ 21: Có và diễn ra rất nhiều.
Chúng ta bắt buộc phải tin vào các công ty trung gian, quyền lực TẬP TRUNG của các tập đoàn lớn là mối nguy với thông tin cá nhân.
=> SỰ PHI TẬP TRUNG là điều cần phải được xem xét kĩ hơn.
1.2 Blockchain và Bitcoin
1.2.1 Blockchain giúp ích gì cho chúng ta?
Công nghệ cốt lõi của Bitcoin là Blockchain – được giới thiệu vào những năm 1991 với mục đích ban đầu của “sự đổi mới” này là:
- Lưu trữ dữ liệu một cách minh bạch và bảo mật thông qua nhiều máy chủ chứ không TẬP TRUNG vào một cơ sở duy nhất.
- Việc lưu trữ trên nhiều máy chủ giúp cho mạng lưới trở nên phi tập trung và không chịu kiểm soát của bất kì tổ chức trung gian nào.
Sự phi tập trung là một trong những điểm mạnh nhất của công nghệ Blockchain, nó cho phép người dùng:
- Hoạt động dựa trên sự đồng thuận của cả mạng lưới, nơi mọi người đề cao sự tự giác, luôn làm theo lẽ đúng để đạt được lợi ích chung.
- Không chịu ảnh hưởng và bị phụ thuộc bởi một bên thứ 3, tất cả thông tin đều đi ghi lại trên chuỗi khối một cách minh bạch và an toàn.
=> Blockchain giúp mọi dữ liệu có thể được ghi lại trên nhiều máy chủ một cách bảo mật, chính xác, an toàn và không lo về sự thao túng của một cá thể nhất định.
Mặc dù cơ sở hạ tầng của Blockchain hiện tại vẫn chưa hoàn thiện để áp dụng vào tất cả lĩnh vực trong cuộc sống. Tuy nhiên về bản chất và tính đột phá thì Blockchain thực sự là “Kẻ thay đổi cuộc chơi”.
1.2.2 Bitcoin tận dụng Blockchain như thế nào?
Ngày nay chúng ta có Internet là mạng lưới công khai. Tuy nhiên về khía cạnh tiền tệ – mạng lưới công cộng và tự do duy nhất chúng ta có đó là tiền mặt.
Và nó chỉ xảy ra được khi người dùng đứng mặt đối mặt để trao đổi (2 bên). Nếu ở xa hơn thì sao? Bạn phải thông qua 1 bên trung gian để gửi và nhận tiền với người khác (3 bên).
Ví dụ:
- Gửi tiền từ nơi này sang nơi khác, bạn phải thông qua MOMO hay Ngân hàng – Tin tưởng vào bên thứ 3.
- Nếu khác hệ thống ngân hàng hay gửi tiền ra nước ngoài thì lại càng phức tạp hơn về mặt thời gian, thủ tục xác minh…
Bitcoin là mạng lưới ĐẦU TIÊN cho phép bạn có thể gửi và nhận tiền với bất cứ ai trên thế giới mà không cần sự cho phép của bên thứ 3 (Không có trung gian).
Vậy nếu chỉ dừng lại ở việc gửi tiền đơn thuần thì liệu 1 BTC có xứng đáng với mức giá 60000 USD – 1,5 tỷ VNĐ hay không? Cùng mình đi làm rõ hơn về giá trị thực sự của Bitcoin nhé!
2. Tại sao Bitcoin có giá trị? Giá trị thực của Bitcoin là gì?
2.1 Tài sản mà bạn thực sự sở hữu
Roman Abramovic – Tỷ phú người Nga đã gặp rất nhiều rắc rồi với tài sản khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine diễn ra.
3,2 tỷ Bảng Anh lượng tài sản của ông đã bị chính phủ Anh “đóng băng” cho dù ÔNG LÀ CHỦ của khối tài sản đó, thậm chí họ còn không cho phép ông bán câu lạc bộ bóng đá Chelsea và các ngôi nhà ở London.
Ở ví dụ khác, nếu bạn là một gia đình có đầy đủ nhà cửa, xe cộ, vàng trong két, bất động sản ở một quốc gia bất kì. Nội chiến nổ ra hoặc đất nước bị nước khác xâm lược, bạn sẽ làm gì?
- Để lại tài sản và di chuyển đến nơi an toàn?
- Mang theo khối lượng tiền mặt khổng lồ bên người và di chuyển theo dòng người di tản?
- Đổi tiền pháp định (VNĐ) ra các đồng tiền chung của thế giới như USD, EURO?
Tất cả những ví dụ trên chỉ để nói ra một ý chính đó là “bạn có THỰC SỰ sở hữu những tài sản như mình nghĩ hay không?”.
Ngay cả những nhà tài phiệt dư thừa của cải và quyền lực như Abramovic còn bị “tước” đi khối tài sản đứng tên mình thì không có gì là chắc chắn với những thứ vật chất xung quanh bạn.
=> Với Bitcoin lại là câu chuyện khác:
- Bạn thực sự sở hữu BTC khi chỉ cần nhớ 12-24 kí tự của ví lưu trữ.
- Bạn có thể “cầm” 24 kí tự đi bất cứ đâu trên thế giới.
- Không một ai có thể tịch thu hoặc đóng băng lượng BTC của bạn.
- Bạn chỉ có thể bị lấy đi BTC khi các chính phủ biết bạn có BTC. Nếu bạn không nói gần như số tài sản đó sẽ đi với bạn suốt đời.
2.2 Sức mạnh của siêu cộng đồng
Bitcoin là mạng lưới mã nguồn mở và bất kì ai cũng có thể sửa đổi được. Sẽ có những giả thuyết như có ai đó hack mạng lưới hay sửa đổi tổng cung lên vài chục triệu BTC, điều đó được không? Hoàn toàn được!
Trong 15 năm phát triển Bitcoin đã có rất nhiều đợt Hard Fork dẫn đến chia chuỗi (Thay đổi các quy tắc trong mạng lưới) diễn ra nhưng chỉ có 1 chuỗi Bitcoin duy nhất ở thời điểm hiện tại được mọi người công nhận:
- 08/2017 Bitcoin Cash ra đời sau khi xung độtvới tầm nhìn của chuỗi gốc.
- 10/2017 Bitcoin Gold cũng xuất hiện với nhiều lí do khác.
Hình dung như thế này:
Mã nguồn của Bitcoin sẽ là luật chơi đá bóng đã có từ lúc đầu. Bạn có thể không thích và không cùng tầm nhìn với luật đó và đưa ra luật riêng để chơi 1 mình. Vấn đề là sẽ không ai chơi với bạn khi mọi người đã đồng thuận về cái luật có từ thuở sơ khai.
=> Sau từng ấy thời gian vẫn chỉ có chuỗi Bitcoin gốc do Satoshi tạo ra được cộng đồng chấp nhận.
Quá khứ là vậy thế còn tương lai thì sao? Liệu có sự kiện nào diễn ra khiến cho mạng lưới Bitcoin lại tách chuỗi như trước không?
=> Dù có bao nhiêu lần tách chuỗi diễn ra đi chăng nữa, vẫn chỉ có 1 phiên bản Bitcoin do Satoshi tạo ra được chính phủ Mỹ, các tập đoàn phố Wall, người yêu tiền điện tử, các quốc gia chấp nhận.
2.3 Tài sản chống lạm phát
Lạm phát xuất hiện ở bất cứ đâu, từ các quốc gia chưa, đang và đã phát triển, ở các nước ổn định về chính trị hay còn đang bất ổn.
Nó có thể bắt nguyền từ 3 nguyên nhân chính sau:
- Giá trị đầu vào nguyên vật liệu tăng (Xăng dầu, lương thực, điện …)
- Lạm phát nhu cầu (Nhu cầu mua sắm tăng)
- Bơm tiền từ phía chính phủ – Tiền trong nền kinh tế nhiều hơn (Đồng tiền mất giá)
Về cơ bản phải có lạm phát thì nền kinh tế mới phát triển, nhưng cái khó của tất cả các quốc gia là làm sao để duy trì nó ở một tỉ lệ vừa đủ khi có rất nhiều biến số xoay quanh sự phát triển của một quốc gia.
Hệ quả của việc in tiền, lạm phát không chỉ khiến tiền tệ mất giá(Cùng 1 dĩa cơm nhưng vài năm sau mắc hơn) mà nó còn gây ra sự phân hóa rõ rệt trong xã hội:
- Người giàu: Thường sở hữu nhiều tài sản -> Tiền luôn được in thêm để phục vụ nhiều nhu cầu của chính phủ -> tiền nhiều trong khi tài sản có hạn -> tài sản sẽ có xu hướng tăng giá (BĐS, cổ phiếu, vàng, crypto…) -> Người giàu lại càng giàu hơn.
- Người nghèo: Không sỡ hữu tài sản và chật vật với cơm áo gạo tiền -> Sức mua của tiền bị ăn mòn bởi lạm phát (tiền lưu thông trong nền kinh tế nhiều) -> Càng khó khăn hơn với cuộc sống mưu sinh.
Mâu thuẫn giai cấp sẽ nổ ra khi người nghèo nói về việc đánh thuế nhiều hơn với người giàu, phía ngược lại “tầng lớp trên” cho rằng “tầng lớp dưới” lười lao động và hưởng quá nhiều phúc lợi từ xã hội…
Khi so hiệu suất của Bitcoin với các tài sản khác trong những năm qua, rõ ràng BTC vẫn là một trong những tài sản có sự tăng trưởng cực tốt về mặt DÀI HẠN.
Một loại tài sản mà bạn có thể:
- Thực sự sở hữu và mang tới bất cứ đâu.
- Tài sản có thể bảo vệ tiền của bạn trước lạm phát.
- Kênh đầu tư cho hiệu suất tăng trưởng tốt về mặt dài hạn.
- Không bị kiểm soát bởi bất kì ai, thể hiện cho sự tự do và quyền riêng tư.
- Tài sản có lượng cung bị giới hạn, bạn không thể in thêm BTC. Điều này trái ngược hoàn toàn với vàng khi chúng ta không thể biết có bao nhiêu trữ lượng vàng trên Trái Đất.
=>Trên thế giới chưa từng có bất kì một loại tài sản nào như vậy!
2.4 Bitcoin quá dao động?
Sẽ có nhiều bạn nhìn vào biểu đồ giá của Bitcoin và nói rằng BTC quá dao động. Điều này đúng với ngắn hạn, BTC có thể là mảng đầu tư “lên xuống thất thường” tuy nhiên khi nhìn rộng ra bạn sẽ thấy bức tranh nó cực kì khác, đó là vì sao mình nhấn mạnh chữ DÀI HẠN.
Vẫn chưa thuyết phục? Hãy để mình đưa thêm ví dụ. Dưới đây là biểu đồ của giá của cổ phiếu công ty Amazon – Ông trùm Thương Mại Điện Tử hiện tại.
- 1999-2000: Amazon từng giảm hơn 95% giá trị cố phiếu.
- 2004-2007: Sau khi hồi phục giá lại giảm hơn 57%.
Các năm sau đó chúng ta cũng thấy những đợt điều chỉnh nhưng % của các đợt sau lại giảm dần và biểu đồ chỉ cho thấy xu hướng đi lên.
=> Amazon mất gần 1 thập kỉ để trở về giá đỉnh năm 2000 và hơn 20 năm để có thể ổn định và đi vào guồng tăng trưởng bền vững.
Thị trường nào mới cũng có sự dao động như vậy, đặc biệt là thị trường nhỏ như Crypto.
Lúc bấy giờ, mọi người chỉ trích Internet rất nhiều về việc mắc, chậm và nhiều lừa đảo. Tất nhiên đã có nhiều người nghĩ Internet sẽ là tương lai nhưng rất mông lung và cực kì khó để nghĩ về những thứ chúng ta đang dùng ở thời điểm hiện tại:
- Momo, E Bank
- Facebook, Instagram, X, Youtube…
- Video Call
- Định vị
- Đặt khách sạn online từ hằng ngàn cây số, ở 1 đất nước khác??
=> Mọi người sẽ không nhìn được những thứ mà trong tiềm thức họ không có.
Blockchain và Bitcoin ở giai đoạn hiên tại cũng như vậy, mọi thứ còn rất mới mẻ, sự DAO ĐỘNG khi thị trường có vốn hóa thấp là điều không thể tránh khỏi.
3. Vậy Bitcoin có điểm yếu hay không?
3.1 Bitcoin đang có xu hướng “tập trung hóa”
Đây là biểu đồ mới nhất nói về tốc độ đào BTC đang được đóng góp bởi những hội đào nào. Nhìn vào biểu đồ, bạn dễ dàng thấy được:
- Foundry USA đóng góp lên tới 30.7% sức mạnh tính toán của mạng lưới.
- Antpool ở vị trí thứ 2 với 25.3% sức mạnh.
Theo lí thuyết, chỉ cần 2 pool này hợp sức với nhau thì mạng lưới Bitcoin hoàn toàn có thể bị tấn công 51%.
Tấn công 51% là khi một cá nhân hoặc nhóm kiểm soát hơn 50% sức mạnh tính toán của một mạng blockchain, cho phép họ chỉnh sửa giao dịch và thực hiện chi tiêu gấp đôi.
Đây rõ ràng là một vấn đề mà bạn có thể nhìn thấy ngay trên mạng lưới Bitcoin, điều này sẽ gây ra sự tập trung quyền lực vào tay một nhóm nhỏ thợ đào -> BTC hoàn toàn có thể mất đi thứ giá trị nhất của mình là sự phi tập trung.
=> Và điều này đi ngược lại với tầm nhìn của blockchan.
Các vấn đề về việc giúp cho mạng lưới BTC thoát khỏi tình trạng tập trung hóa đang được đưa ra bàn luận. Chưa kể, các chính phủ đang bắt đầu xem BTC như là một tài sản quốc gia và muốn kiểm soát chúng.
3.2 Lợi ích của thợ đào đang bị giảm dần?
Mạng lưới Bitcoin vững chắc như hiện nay đó là nhờ vào sự có mặt của các thợ đào tham gia vào hệ thống và xác thực giao dịch. Vậy thợ đào đang kiếm tiền bằng cách nào?
- Nhận phần thưởng khối đó là BTC mỗi khi xác thực giao dịch và khối được hoàn thành.
- Hưởng phí giao dịch khi trên mạng lưới Bitcoin phát sinh các giao dịch.
=> Rõ ràng, thợ đào đến với mạng lưới Bitcoin là vì hai chữ LỢI ÍCH.
- Đường màu vàng thể hiện cho tỉ lệ lạm phát của BTC.
- Đường màu xanh là số lượng BTC được ra đời.
Dễ dàng thấy được khoảng 15 năm đầu đã có khoảng 20 triệu BTC được đào ra, và tổng cung của BTC là 21 triệu.
Theo tính toán phải tới năm 2140 số lượng BTC mới được đào ra hết. Điều này có nghĩa là từ năm 2025 đến năm 2140 chỉ còn khoảng gần 1 triệu BTC còn lại để đào.
Câu hỏi được chúng ta đặt ra là: Liệu 1 triệu BTC đó có phải là phần thưởng khối hấp dẫn cho các thợ đào để tiếp tục ở lại mạng lưới hay không?
Halving năm 2024 – 1 Block Bitcoin chỉ có khoảng 3.125 BTC làm phần thưởng và tới Halving 2028 con số này chỉ còn 1.5625 và 0.78125 vào năm 2032.
Số BTC kia có hấp dẫn với các thợ đào hay không? Xét thêm 1 số yếu tố nhé.
Chu kì Halving | Giá BTC trung bình | Phần thưởng khối | Quy ra tiền mặt |
2013-2017 | 500 USD | 25 BTC | 12.500 USD |
2017-2020 | 5000 USD | 12.5 BTC | 62.500 USD |
2020-2024 | 20000 USD | 6.25 BTC | 125.000 USD |
Con số trên chỉ mang tính chất tương đối, thực tế có thể cao hơn hoặc thấp hơn ở từng giai đoạn khác nhau. Nhưng nó chỉ ra một điều đó là:
Mặc dù số lượng BTC giảm xuống nhưng giá BTC có xu hướng tăng dần theo thời gian => Phần thưởng vẫn tăng => Điều kiện để giữ thợ đào ở lại bảo vệ mạng lưới.
Miễn là nhu cầu về BTC còn, lượng cung ngày càng bị giảm đi => Giá BTC sẽ được duy trì ở mức cao. Vậy nếu như BTC được đào hết (Năm 2140) thì thợ đào sẽ lấy gì để duy trì mạng lưới?
=> Chỉ còn một nguồn duy nhất là Phí giao dịch.
Tuy nhiên nhu cầu di chuyển tài sản trên mạng Bitcoin thực sự không quá lớn, nên đây là một nguồn doanh thu còn nhiều câu hỏi. Nhưng “cuộc chơi lớn hơn” đang dần được hình thành.
=> Đây đều là những xu hướng đẩy mạng nhu cầu giao dịch trên mạng lưới Bitcoin, đại diện cho lợi ích của thợ đào và hơn hết chúng đang “lớn” dần.
Lớn như nào? Trong bài viết mới nhất của Lombard – Giao thức Liquid Staking trên Bitcoin đã nói rằng họ tốn gần 800 ngàn USD cho việc stake 250 BTC vào Babylon.
Trong quá khứ, BRC-20, Ordinals và Runes đã đẩy doanh thu phí giao dịch lên rất cao và người hưởng lợi đó là thợ đào.
Rõ ràng, việc đẩy mạnh giao dịch trên Bitcoin thì hội thợ đào là bên hưởng lợi nhất và những gì đang diễn ra trên Bitcoin là một bước chuẩn bị cho việc phần thưởng khối bị giảm trong dài hạn.
Miễn là có cơ hội kiếm tiền, ở đó sẽ có giao dịch, và nó đúng với bất kì một hệ sinh thái nào cho dù có mắc, chậm.
4. Cảm nghĩ cá nhân
Giá trị của Bitcoin thực sự là gì? Đó là còn tùy thuộc vào do góc nhìn của mỗi người, nó có thể là:
- Mạng lưới phi tập trung, không bị kiểm soát, thể hiện sự minh bạch.
- Tài sản lưu trữ giá trị, vàng điện tử, vàng 2.0.
- Công cụ tài chính để “kiếm cơm”, mua ra bán vào hằng ngày, đầu tư, đầu cơ.
- Một loại tiền tệ tự do, không bị ai kiểm soát.
Phí có thể cao, tốc độ có thể chậm (10-30 USD/tx) nhưng đổi lấy sự an toàn, bảo mật, tiện lợi và nhanh hơn bất kì tổ chức trung gian nào khi chuyển tiền xuyên quốc gia, điều này lại càng đúng hơn với số tiền lớn (Vài tỷ USD chẳng hạn).
Tất nhiên vấn đề “tập trung hóa” và “lợi ích của thợ đào Bitcoin vẫn đang là đề tài mà chúng ta cần phải quan tâm khi nói về việc đầu tư dài hạn.
Không chỉ Bitcoin mà tất cả đồng coin trên thị trường đều có điểm yếu, việc quản lí rủi ro, liên tục quan sát sẽ là thứ bạn cần để bảo vệ túi tiền của mình.
- Top 10 đồng coin có vốn hóa cao trên thị trường Crypto liên tục bị thay đổi trong nhiều năm.
- Bitcoin đối mặt với vấn đề bị tập trung sức mạnh vào 1 số hội đào.
- Công nghệ luôn không ngừng phát triển, không gì là chắc chắn cho sự bảo mật của Bitcoin cho 10-20 năm tới.
=> Hãy xem xét vị thế, khẩu vị rủi ro, thái độ với thị trường để có những hướng đi đúng đắn.
Tương lai là một điều khó nói, tuy nhiên sự bất ổn về tình hình tài chính, địa chính trị toàn cầu sẽ là sự thúc đẩy cho thị trường Crypto, công nghệ blockchain nói chung và Bitcoin nói riêng phát triển.
Bên cạnh những điểm mạnh thì Bitcoin cũng có những điểm yếu có thể dẫn đến sự sập đổ của toàn bộ mạng lưới. Hãy luôn thật tỉnh táo để có cho mình những quyết định đúng đắn nhất nhé!
5. Tổng kết
Hi vọng qua bài viết 5Money đã giúp bạn hiểu hơn về giá trị thực sự của Bitcoin nằm ở đâu theo một cách đơn giản và dễ hiểu nhất!
Mỗi người sẽ có mỗi quan điểm khác nhau về vấn đề này, đúng sai không quan trọng, quan trọng là chúng ta học hỏi được gì từ góc nhìn đó và quan điểm, niềm tin thì luôn có thể thay đổi.
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!