1. Giới thiệu tổng quan về RWA
1.1 RWA là gì?
RWA, hay “Real World Asset” là các loại tài sản có giá trị từ thế giới thực được mã hóa thành token hoặc NFT và đưa lên các nền tảng blockchain để mua bán, trao đổi nhằm kết nối thị trường TradFi với DeFi.
Những tài sản này có thể bao gồm tác phẩm nghệ thuật, hàng hóa, cổ phiếu, trái phiếu, và các loại tài sản tài chính khác.
Các loại tài sản RWA đã được token hóa:
- Token: USDT, USDC, XAUT…
- NFT: Tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật, đồ sưu tầm….
1.2 Tiềm năng của RWA trên thị trường DeFi
Tính đến tháng 9/2024, giá trị tài sản RWA (Real-World Assets) trong lĩnh vực DeFi đã đạt 6,2 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng giá trị khóa (TVL) của toàn thị trường DeFi. Con số này tăng đáng kể so với mức 1 tỷ USD vào đầu năm 2023, cho thấy dòng tiền đang đổ vào các nền tảng RWA ngày càng mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong tương lai.
Đồng thời, sự xuất hiện của , Ondo – Nền tảng RWA thế hệ mới hay sự tham gia của các ông lớn tài chính phố Wall như BlackRock hay Franklin Templeton càng củng cố tiềm năng phát triển của lĩnh vực này, biến mảng này trở thành một trong những xu hướng đầu tư hấp dẫn.
Nếu so sánh tổng giá trị tài sản toàn cầu là khoảng 900 nghìn tỷ USD, thì thị trường DeFi hiện nay chỉ như một vũng nước nhỏ giữa đại dương bao la. Việc kết nối giữa RWA và DeFi sẽ mở ra rất nhiều cơ hội tăng trưởng cho thị trường Crypto, tạo ra nhiều cơ hội xung quanh xu hướng này.
1.3 Lợi ích của RWA
Việc sử dụng RWA trong lĩnh vực tài chính và blockchain mang lại nhiều lợi ích, bao gồm:
- Xóa bỏ rào cản: RWA đóng vai trò là cầu nối quan trọng giữa thế giới tài chính truyền thống và DeFi. Khi các tài sản vật lý như, vàng, cổ phiếu được token hóa và đưa lên blockchain.
- Mở rộng market size: Tổng giá trị của các tài sản bên ngoài thị trường Blockchain ước tính khoảng 900 nghìn tỷ USD, tuy nhiên TVL của DeFi cũng chỉ hơn 80 tỷ USD, bé hơn rất nhiều so với thị trường truyền thống.
- Minh bạch và an toàn: Việc quản lý và giao dịch RWA trên blockchain giúp giảm thiểu gian lận và tăng tính minh bạch, vì tất cả các giao dịch đều được ghi lại trên sổ cái công khai và không thể bị thay đổi.
- Giảm chi phí và thời gian: Công nghệ blockchain có thể giúp giảm chi phí và thời gian liên quan đến việc giao dịch và quản lý tài sản, nhờ vào việc loại bỏ các trung gian và tự động hóa các quy trình pháp lý.
1.4 Cách mã hóa các tài sản thực lên blockchain
Để các tài sản RWA có thể giao dịch trong thị trường DeFi. Chúng cần có các bước để mã hóa các loại tài sản thành token hoặc NFT, dưới đây là quy trình cơ bản mà các dự án thường áp dụng:
Bước 1: Đánh giá và định giá tài sản
Các tổ chức sẽ bắt đầu bằng việc lựa chọn những tài sản có giá trị và tiềm năng thanh khoản cao để tiến hành token hóa.
Sau khi chọn lựa, tài sản sẽ được đánh giá dựa trên các yếu tố như thời gian sử dụng, chức năng, độ ổn định và mức độ phổ biến để xác định giá trị thực tế của nó. Quy trình này bao gồm cả việc xem xét các yếu tố pháp lý và tài chính liên quan.
Bước 2: Token hóa tài sản
Sau khi định giá, các loại tài sản này sẽ được token hóa lên blockchain. Ở đây mình sẽ lấy ví dụ là bức tranh.
Tất cả thông tin như từ tác giả, hình ảnh, xuất xứ, ngày tháng năm,… sẽ được mã hóa thành một token duy nhất trên blockchain. Bất kỳ ai cũng có thể kiểm tra thông tin một cách minh bạch.
Tuy nhiên, với các tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, thì cần tuân thủ những quy định chặt chẽ hơn. Việc phát hành token sẽ phải thông qua các tổ chức được cấp phép, và người mua phải xác minh danh tính rõ ràng. Điều này giúp đảm bảo tính an toàn và minh bạch cho thị trường.
Bước 3: Đưa RWA lên các nền tảng mua bán
Để các token đại diện cho tài sản thực (RWA) có thể giao dịch được, cần phải chuyển lên các nền tảng mua bán. Các nền tảng này đóng vai trò như những sàn giao dịch, nơi người dùng có thể mua bán tài sản RWA.
Các token RWA sẽ được giao dịch trên các nền tảng DeFi. Bạn có thể sở hữu một hoặc một phần của tài sản tương ứng với số lượng token bạn nắm giữ. Không chỉ dừng lại ở mua/bán, bạn cũng có thể đem các loại tài sản này dùng trong các hoạt động khác trong DeFi như thế chấp, vay và cho vay….
2. Các mảng nổi bật trong RWA
Lĩnh vực RWA hay các loại RWA Coin được chia thành 3 mảng chính. Trong đó, Tokenization đang là mảng nổi bật và phát triển nhất, những mảng còn lại vẫn đang gặp nhiều rào cản về pháp lý và chỉ mới ở trên giấy tờ.
2.1 Tokenization
Tokenization là thuật ngữ miêu tả việc token hóa các tài sản như vàng, trái phiếu, cổ phiếu lên trên không gian Blockchain.
Hiện tại trái phiếu chính phủ Mỹ đang là tài sản được các bên đưa lên blockchain nhiều nhất. Với tình hình lãi suất đang ở mức cao với rủi ro bằng 0, các giao thức đang tập trung token hóa cho loại tài sản này. Tiêu biểu với:
Ondo Finance
Ondo Finance là cầu nối giữa các nhà đầu tư Blockchain với thị trường tài chính truyền thống.
Dự án cung cấp các sản phẩm OUSG và USDY được token hóa từ trái phiếu chính phủ Mỹ và tiền gửi không kỳ hạn. Người dùng gửi tiền vào sẽ nhận lại Stablecoin và nhận lãi từ trái phiếu chính phủ Mỹ.
Giải pháp này giúp cho những người muốn đầu tư thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ nhưng bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý và quy định pháp lý, từ đó giúp người dùng có thể đầu tư xuyên quốc gia, xóa bỏ rào cản biên giới.
Với hơn 600 triệu USD, Ondo là dự án RWA có lượng tài sản trái phiếu Top 1 trong thị trường.
Vậy tại sao Ondo lại là ông vua trong mảng này?
- Sản phẩm của Ondo đang có TVL lớn nhất trong mảng token hoá trái phiếu, xếp trên cả các ông lớn từ thị trường truyền thống như BlackRock và Franklin
- Được ông lớn BlackRock hẫu thuận thông qua sản phẩm BUIDL của quỹ này, cho phép Ondo dùng BUIDL làm tài sản bảo chứng cho OUSG và USDY.
- Huy động được 24 triệu USD từ các quỹ đầu tư tên tuổi như Pantera Capital (Đều góp mặt và dẫn đầu trong 2 vòng gọi vốn), Founders Fund, Coinbase Ventures,….
Matrixdock
Matrixdock là một giao thức cho phép cá nhân và tổ chức dễ dàng tiếp cận thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ thông qua nền tảng của mình. Giao thức này hoạt động trên mạng lưới Ethereum.
STBT là sản phẩm chính của Matrixdock, nhà đầu sẽ tư thế chấp Stablecoin của họ như USDC, USDT vào giao thức để mint ra token STBT (Được bảo chứng bởi trái phiếu chính phủ Mỹ ngắn hạn).
Dự án sẽ chia lại một phần lợi nhuận từ trái phiếu chính phủ cho những người đã mint ra STBT.
Tính tới thời điểm hiện tại, Matrixdock đã token hóa được 36 triệu USD tài sản trái phiếu chính phủ Mỹ, đứng TOP 10 trong mảng này.
2.2 Private Credit
Private Credit nhằm miêu tả nhóm ngành cung cấp vốn cho các bên có nhu cầu vay. Trong thị trường Crypto, các giao thức sẽ mang tiền của người dùng cho các doanh nghiệp hoặc Market maker vay sau đó đem lãi suất chia lại cho người dùng.
Centrifuge
Centrifuge là một dự án DeFi cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể token hóa tài sản thực của họ để thế chấp và vay vốn trong thị trường DeFi. Qua đó đã mở rộng tín dụng tư nhân đến các thị trường mới nổi và giải quyết bài toán thiếu vốn tại những khu vực này.
Qua 7 vòng gọi vốn, Centrifuge đã huy động được 52.5 triệu USD từ các quỹ nổi tiếng như Green Yield, Coinbase Ventures, Spartan Group, ParaFi Capital,….
Tính đến nay, tổng giá trị các khoản vay trên Centrifuge đã đạt 548 triệu USD, với hơn một nửa đang được sử dụng. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn hơn 34 triệu USD nợ xấu chưa thu hồi.
Với con số nợ xấu cao như vậy nhưng không có một tài sản nào thế chấp thì đây sẽ là điểm chết của của Centrifuge nếu số nợ này tiếp tục tăng.
Goldfinch
Goldfinch là nền tảng cung cấp tín dụng phi tập trung, cho phép các bên vay crypto mà không cần thế chấp tài sản. Khác với các giao thức cho vay như Maker DAO và AAVE, các khoản vay được dựa trên mức độ uy tín về tín dụng của bên đi vay.
Nói một cách đơn giản, mô hinh hoạt động của Goldfinch giống như mô hình cho vay tín chấp ở bên ngoài thị trường tài chính truyền thống.
VD: Bạn muốn mua điện thoại nhưng chưa đủ tiền, vì vậy bạn đến ngân hàng để vay tín chấp. Ngân hàng xét thu nhập và khả năng trả nợ, nếu đủ điều kiện sẽ giải ngân. Sau đó, mỗi tháng bạn trả góp cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.
36 triệu USD là con số mà Goldfinch đã huy động được sau 3 vòng gọi vốn. Với sự góp mặt của các quỹ “khét tiếng” như A16z (Dẫn đầu trong 2 lần gọi vốn), Coinbase Venture, Kingsway Capital, Variant,….
Tệp khách hàng mà Goldfinch nhắm đến không phải là các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà là các công ty, doanh nghiệp hoặc startup mới nổi, giúp họ tiếp cận thêm một nguồn vốn trong DeFi.
Hiện Goldfinch đã cung cấp khoản vay lên đến gần 165 triệu USD cho các khách hàng.
2.3 Stablecoin
USDT hay USDC chính là những ví dụ điển hình của stablecoin – token này được sinh ra nhằm thay thế cho đồng USD để sử dụng trên blockchain.
Hai công ty phát hành Stablecoin lớn nhất hiện nay là Tether và Circle
Vậy stablecoin hoạt động như thế nào?
Stablecoin là cầu nối giữa thế giới tiền tệ truyền thống và thế giới crypto. Khi bạn muốn sở hữu stablecoin, bạn sẽ gửi một lượng tiền mặt (EUR, USD,..) cho công ty phát hành (Tether – Circle). Đổi lại, công ty này sẽ tạo ra một lượng stablecoin tương ứng.
Tại sao stablecoin lại quan trọng?
- Ổn định: Khác với các loại tài sản biến động mạnh, stablecoin cung cấp giá trị ổn định, từ đó người dùng có thể trao đổi, buôn bán với các đồng coin khác.
- Cầu nối giữa hai thế giới: Stablecoin giúp cho việc chuyển đổi giữa tiền mặt và crypto trở nên dễ dàng hơn.
Tuy nhiên sản phẩm bảo chứng cho các đồng Stablecoin lại chính là USD. Vì vậy buộc các công ty như Tether hay Circle phải luôn đảm bảo một lượng tài sản tiền mặt khổng lồ trong kho dự trữ của họ.
Tổng vốn hóa của Stablecoin hiện nay đã lên tới con số 170 tỷ USD. Trong đó USDT của Tether đã chiếm hơn 50% thị phần.
Việc đi sớm đã giúp cho Tether chiếm được phần lớn miếng bánh này, sự uy tín cũng như việc luôn đảm bảo được số USDT có trên thị trường được bảo chứng bởi lượng tiền thật đã giúp cho USDT trở thành đồng stablecoin có vốn hóa lớn nhất hiện tại.
Bên cạnh Tether và Circle, các stablecoin như DAI (Maker DAO) và USDe (Ethena) có điểm khác biệt lớn khi được thế chấp bằng tài sản phi tập trung hoặc công cụ tài chính (trái phiếu chính phủ, hợp đồng phái sinh,….)
Trong khi USDT chủ yếu dựa vào tiền mặt và các tài sản truyền thống ngắn hạn, DAI và USDe nhắm đến việc tạo ra sự ổn định từ các tài sản phi tập trung, mang lại tính minh bạch và không phụ thuộc vào các tổ chức tập trung.
3. Thách thức của RWA
- Lãi suất không hấp dẫn với người dùng nhỏ lẻ vì chỉ rơi vào tầm 5-8%. Khi Uptrend đến sẽ có nhiều mô hình lãi cao hơn so với việc gửi tiền các giao thức Tokenization để hưởng lãi trái phiếu.
- Rủi ro dính vào nợ xấu khiến người dùng không dám gửi tiền vào các giao thức Private Credit. Điều này cản trở khả năng cho vay của các dự án trên.
- Mỗi quốc gia, khu vực đều có luật riêng về các tài sản. Việc token hóa xe cộ, bất động sản có lẽ là một câu chuyện không thể xảy ra. Việc lưu ký, định giá cũng rất phức tạp vì khoảng cách địa lý và sự tin tưởng vào bên thứ 3.
- RWA, DePIN và AI là những xu hướng tiềm năng nhất trong thị trường Crypto, nhưng RWA thường chỉ phù hợp với tổ chức, doanh nghiệp lớn do rào cản pháp lý, quy trình phức tạp và yêu cầu vốn cao. Trong khi đó, DePIN và AI có tính linh hoạt và khả năng tiếp cận rộng rãi hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân.
4. Tổng kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về lợi ích, cách hoạt động cũng như các dự án nổi bật trong ngách RWA. 5Money hy vọng, bài viết này sẽ mang đến một góc nhìn, insight hữu ích đến các bạn.