1. Bối cảnh của xu hướng Real World Assets
Khi nhắc tới RWA, chúng ta thường được nghe những lời hoa mỹ như:
- RWA sẽ là cánh cổng đưa dòng tiền tỷ đô từ truyền thống chảy vào Crypto.
- RWA sẽ là cây cầu đưa thế giới blockchain ra ánh sáng.
- Mở khóa thanh khoản của các tài sản như bất động sản, xe cộ, tranh ảnh…
Nhưng trên thực tế câu chuyện lại rất khác. Đối với RWA sẽ có 3 mảng chính mà bạn cần phải nắm rõ để tránh bị hiểu nhầm từ những thông tin sai lệch ngoài kia.
1.1 Stablecoin
Stablecoin có lẽ là sản phẩm RWA gần nhất mà bạn có thể nhận thấy. USDT – Tether, USDC – Circle đều là những đồng tiền ảo được neo với giá đồng USD.
Mô hình hoạt động của các công ty phát hành Stablecoin như sau:
- Bước 1: Các tổ chức đưa “tiền đô thật” cho Tether.
- Bước 2: Tether mint ra USDT đúng số tiền ứng với lượng tiền mà khách hàng đưa.
- Bước 3: Nếu có nhu cầu nhận lại tiền thật, Tether sẽ đốt số USDT trên thị trường và đưa lại số tiền như ban đầu. Khách hàng sẽ chịu một khoản phí nhỏ ở chỗ này.
Vậy rủi ro ở đây là gì?
- Đối với Stablecoin thì sự việc sợ nhất là sự không ổn định (Mất peg).
- Ví dụ trên thị trường có 10 triệu USDT nhưng trong ngân khố của Tether chỉ có 5 triệu USD thật => Sự gian dối từ các công ty khi họ trục lợi từ việc mint khống.
Để giải quyết vấn đề trên thì các công ty Stablecoin phải tạo được niềm tin. Niềm tin về việc số lượng Stablecoin có trên thị trường được đảm bảo bằng số tiền thật.
Và hiện tại Circle với USDC và Tether với USDT là hai công ty đang đảm bảo được câu chuyện niềm tin đó.
- USDT có vốn hóa là 118 tỉ USD.
- USDC có vốn hóa là 34 tỉ USD.
Vốn hóa thị trường Stablecoin rơi vào 170 tỷ USD, trong đó USDT và USDC đã chiếm tới 152 tỷ USD.
Tuy nhiên Tether với Circle lại không phát hành Token để chúng ta có thể đầu tư. Lợi nhuận của họ đến từ việc dùng “tiền USD thật” đi mua nhưng tài sản an toàn với thanh khoản cao như:
- Trái phiếu chính phủ Mỹ
- Tiền gửi ngân hàng
- Bitcoin
- Vàng
Lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2024 của Tether là 5.2 tỷ USD – Con số cực kì kinh khủng.
1.2 Private Credit
Các giao thức, dự án làm ở trong mảng này sẽ có mô hình hoạt động chung như sau:
- Bước 1: Cho phép người dùng thêm tài sản như ETH, USDC, DAI, USDT vào những pool cho vay.
- Bước 2: Dự án sẽ kết nối với các doanh nghiệp truyền thống bên ngoài có nhu cầu vay và ăn chia lợi nhuận lại với người dùng.
Điểm ăn tiền của mô hình này là lãi suất cao hơn hình thức vay có thế chấp nhưng cũng vì thế mà rủi ro được đẩy lên theo.
Các dự án sẽ thường hoạt động theo mô hình cho vay tín chấp, nghĩa là các công ty ở thị trường truyền thống vay không cần tài sản thế chấp mà chỉ dựa trên sự uy tín của doanh nghiệp.
Đây là điểm yếu chí mạng khi không phải doanh nghiệp nào cũng đảm bảo được khả năng trả nợ, và việc thu hồi vốn từ các giao thức trong mảng này sẽ rất khó khăn, nhất là khi các dự án được triển khai trên không gian Blockchain.
Trong nửa đầu năm 2024, tình hình hoạt động của các giao thức hàng đầu không mấy khả quan:
- Centrifuge vẫn đang có khoản nợ xấu lên tới 33,2 triệu USD.
- Mapple có khoản nợ xấu khoảng 81,4 triệu USD.
- Goldfinch cũng chẳng khá khẩm với 4,2 triệu USD tiền nợ xấu.
Một điều nữa khiến cho mình thấy đây là một mảng không mấy tiềm năng bởi những lí do sau đây:
- Mặc dù lãi suất từ các pool cho vay khá cao (8-12%) tuy nhiên khi Uptrend tới thông thường cộng đồng sẽ dùng tiền để đi mua token chứ không ai muốn hưởng lợi nhuận ít như vậy cả.
- Rủi ro không thu hồi được nợ luôn tồn tại, nếu so với việc mua ETH để staking, restaking thì tỉ lệ đánh đổi tốt hơn hẳn so với khả năng mất trắng chỉ để đổi lại 10-15% lãi suất.
- Các yếu tố để giúp dự án thực sự bùng nổ như Ponzi, lợi nhuận cao, dễ tiếp cận đều cực kì thiếu với các nền tảng trong mảng này.
Mặt khác nếu như mô hình vay tín chấp ở thị trường truyền thống như F88, Home Credit sẽ có một bộ phận “đòi nợ” để giảm rủi ro nợ xấu, thì các dự án trên không gian Blockchain đều thiếu đi quân bài này.
Chưa bàn về việc MM có thể gom, bơm thổi token của các giao thức trên, nhưng xét về mô hình kinh doanh, nội tại của dự án thì sẽ có cực kì nhiều vấn đề mà bạn cần phải đánh giá kĩ.
1.3 Tokenized
Tokenized hay token hóa đang là xu hướng được các tổ chức thúc đẩy rất nhiều trong những năm qua. Sản phẩm dễ dàng nhìn thấy nhất đó là trái phiếu chính phủ Mỹ được các giao thức đưa lên không gian Blockchain.
- BUIDL của BlackRock với vốn hóa 502 triệu USD.
- FOBXX của Fraklin Templeton với vốn hóa 427 triệu USD.
- USDY và OUSG của Ondo với tổng vốn hóa rơi vào 605 triệu USD.
Tất cả những token trên đều được bảo chứng bởi trái phiếu chính phủ Mỹ với mức lãi suất trung bình rơi vào khoảng 5%.
Mô hình hoạt động rất đơn giản:
- Bước 1: Bạn gửi stablecoin như USDT, USDC, DAI vào các giao thức hỗ trợ số stablecoin trên.
- Bước 2: Dự án cầm tiền của bạn đi mua trái phiếu chính phủ và phát hành ra 1 stablecoin khác với giá trị 1 USD.
- Bước 3: Lãi suất từ trái phiếu sẽ được chia theo tỉ lệ của từng dự án. Lúc này, bạn vừa có Stablcoin để dùng, vừa có lãi tự động từ trái phiếu.
Vậy tại sao trái phiếu chính phủ Mỹ lại được token hóa nhiều như vậy?
- An toàn tuyệt đối.
- Tận dụng lãi suất cao tại Mỹ.
- Dùng để chống lại lạm phát mà không cần lo tới việc biến động giá giống các tài sản khác như vàng hay Bitcoin…
Tuy nhiên với những ai không phải công dân Mỹ thì việc tiếp cận trái phiếu chính phủ sẽ là cực kì khó khăn. Việc đưa chúng lên blockchain đã giải quyết được rất nhiều vấn đề:
- Nhu cầu ngoài Hoa Kì rất lớn, bằng chứng là USDY (Stablecoin dành cho công dân ngoài Mỹ) có vốn hóa vượt trội hơn so với OUSG mặc dù lãi thấp hơn (384 vs 221 triệu USD).
- Các công ty, tổ chức sẽ là khách hàng tiềm năng cho mảng này khi mà họ sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và luôn mong muốn tìm được kênh đầu tư an toàn trước các biến động.
- Minh bạch, bảo mật, giao dịch 24/7 [OUSG của Ondo có thể redeem (hoán đổi) ra tiền mặt 24/7].
Mặc dù vậy chỉ với Black Rock, Ondo và Franklin Templeton đã chiếm tới hơn 75% giá trị vốn hóa của mảng này. Điều này cũng là dễ hiểu vì:
- Token hóa thực ra không khó, từ mô hình kinh doanh, đến công nghệ thì bất kì dự án nào cũng có thể làm được.
- Tuy nhiên, độ uy tín, tính pháp lý, đội ngũ giàu kinh nghiệm ở thị trường truyền thống thì không phải dự án nào cũng có. Đây sẽ là những thứ được các tổ chức ưu tiên để “chọn mặt gửi vàng”. Ở đây chúng ta có Black Rock, Franklin và Ondo đã đủ dư thừa các yếu tố này.
Việc làm trung gian và thu phí quản lý sẽ là miếng bánh mà các ông lớn ở thị trường truyền thống không thể bỏ qua. Có thể thị trường Stablecoin đã được Tether và Circle thâu tóm nhưng với tokenized, chúng ta đang thấy được các bước đi rất sớm từ những tổ chức phố Wall.
Ở thời điểm hiện tại lãi suất của trái phiếu vẫn đang rất hấp dẫn, vậy nếu sau này FED hạ lãi suất thì lúc đó mảng “token hóa” sẽ thay đổi như thế nào?
- Token hóa cổ phiếu ở Mỹ giúp các nhà đầu tư toàn cầu có thể tiếp cận dễ dàng.
- Token hóa các quỹ ETF.
- Token hóa trái phiếu ở các khu vực khác như Châu Âu, Nhật Bản hoặc ở những nước “rủi ro” hơn chẳng hạn.
Tokenized là một mảng cực kì rộng và rất có thể đó sẽ là tương lai của thị trường tài chính. Các ông lớn đã bắt đầu hành động, liên tục theo dõi, cập nhật sẽ cách tốt nhất để chúng ta có được vị thế đẹp trong cuộc cách mạng này.
2. Đánh giá cá nhân về các RWA coin
Bối cảnh của RWA theo bài phân tích trên có lẽ sẽ rất khác với những gì bạn đã từng nghe và biết. Chung quy lại sẽ có 3 ý chính mà bạn cần nắm:
- Stablecoin: Không có cơ hội đầu tư.
- Private Credit: Chưa bàn về việc MM bơm thổi, nội tại các dự án và mô hình kinh doanh còn quá nhiều vấn đề (Nợ xấu, người dùng không mặn mà với việc cho vay).
- Tokenized: Ondo là đơn vị duy nhất trong thị trường Crypto chứng minh được năng lực của họ. Giá ONDO cũng đã có đợt tăng trường từ 0.19 USD ở tháng 1 lên lên đến 1.24 USD vào tháng 6.
Tại sao mình chỉ đề cập tới 3 ngách này mặc dù thị trường Crypto có muôn màu bánh vẽ như:
- Blockchain dành cho RWA? – RWA là mô hình, blockchain chỉ là “mảnh đất” để xây mô hình đó, trên thị trường có quá nhiều Layer 1 rồi, chúng ta không cần thêm.
- AI kết hợp RWA? – Mục đích là thêm chữ AI để “đu trend”.
- RWA cho bất động sản, nông nghiệp, xe cộ? – Quá xa vời khi nói tới pháp lý ở từng quốc gia, kiểm duyệt, thẩm định, lưu ký…
Tokenized hay stablecoin mang lợi nhuận từ trái phiếu đang là mảng “làm thật, ăn thật” với sự dẫn dắt của các ông lớn như BlackRock, Franklin hay Ondo Finance.
Trong đó Ondo Finance là dự án duy nhất có xuất thân từ thị trường Crypto và cũng là cơ hội duy nhất để chúng ta tin tưởng đầu tư.
Chưa kể đội ngũ phát triển đều là những thành viên nhiều kinh nghiệm trong các tập đoàn tài chính truyền thống lớn.
Ở đây mình không “shill” Ondo nhưng những phân tích ở trên đều là dựa vào các yếu tố cơ bản. Đường giá về việc MM bơm thổi chúng ta chưa bàn tới và những dự án “lởm” vẫn có thể có hiệu suất tăng trưởng tốt hơn rất nhiều so với dự án “tốt”.
Ngoài Ondo chúng ta cũng có những dự án nhỏ hơn mà bạn có thể nghiên cứu vì biết đâu đó sẽ là “Ondo Killer” thì sao?
- Matixdock – Nền tảng token hóa với sản phẩm chính là stablecoin bảo chứng bởi trái phiếu.
- OpenEden – Mô hình hoạt động tương tự như Matrixdock.
3. Tổng kết
Hi vọng qua bài viết, 5Money đã cung cấp cho bạn tổng quan về bức tranh RWA theo một cách đơn giản và dễ hiểu nhất từ đó giúp bạn có thể có cho mình những quyết định đúng đắn nhất nhé!
Đọc thêm:
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!