1. Phân tích 9 chỉ số crypto nhận biết xu hướng thị trường
Gần đây, giá Bitcoin có sự bứt phá ấn tượng, liên tục vượt qua các đỉnh cũ để thiết lập những kỷ lục mới, nhờ hàng loạt tin tức tích cực, đặc biệt là sự kiện Donald Trump trở lại vị trí tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên, thị trường altcoin lại mang một gam màu hoàn toàn khác: nhiều đồng vẫn chạm đáy và mất giá sâu, chưa có dấu hiệu hồi phục, khiến nhà đầu tư không khỏi thất vọng và lo lắng.
Điều này đã làm dấy lên sự hoang mang trong cộng đồng, khi mọi người không rõ liệu thị trường đang ở giai đoạn nào trong chu kỳ phát triển.
Hãy cùng 5Money phân tích 9 chỉ số Crypto dưới đây để xem thị trường tháng 11/2024 đang ở giai đoạn nào?
1.1 Khối lượng giao dịch
Hiện tại, dù giá Bitcoin đã tăng mạnh, chạm mốc $90K và vượt xa đỉnh của chu kỳ 2021, nhưng khối lượng giao dịch trên các sàn CEX vẫn thấp hơn đáng kể so với giai đoạn đó. Điều này phản ánh rằng, mặc cho đà tăng ấn tượng của BTC, sự sôi động của thị trường vẫn chưa quay trở lại thời hoàng kim.
Tuy nhiên, nhìn vào dữ liệu 3 tháng gần đây, kể từ tháng 9/2024, khối lượng giao dịch Spot trên 10 sàn giao dịch hàng đầu đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Đây có thể được xem như một tín hiệu tích cực, cho thấy thị trường đang bắt đầu có dấu hiệu sôi động trở lại, dù chưa thể khẳng định chắc chắn xu hướng dài hạn.
1.2 Chỉ số Stablecoin
Chỉ số Stablecoin phản ánh dòng tiền chảy vào thị trường. Nói cách khác, khi lượng stablecoin được phát hành và lưu thông càng lớn cho thấy nhu cầu giao dịch tăng cao từ nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù chỉ số về Stablecoin đã cho thấy sự tăng dần đều trong 3 tháng gần nhất từ mức trung bình 50 tỷ USD lên ~75 tỷ USD. Tuy nhiên vẫn còn khá khiêm tốn so với giai đoạn Bitcoin ETF đầu năm khoảng 80 tỷ USD – 120 tỷ USD, thời điểm mà giá Bitcoin chỉ khoảng $55K – $65K và nếu so với chu kỳ 2021 – 2022 thì còn thấp hơn rất nhiều, vào khoảng 100 tỷ USD – 500 tỷ USD.
1.3 Lượt tải các ứng dụng
Ứng dụng sàn Coinbase
Việc ứng dụng Coinbase đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống trên App Store thường được xem là một chỉ báo tâm lý thị trường, liên quan đến sự quan tâm tăng vọt của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Điều này xảy ra khi giá Bitcoin tăng mạnh và thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là những người mới bắt đầu tham gia thị trường Crypto.
Trong quá khứ, đã có ba lần Coinbase đạt vị trí số một trên App Store, và mỗi lần đều trùng khớp với giai đoạn thị trường Bitcoin đạt đỉnh:
- 08/12/2017: Giá Bitcoin đạt đỉnh $17K.
- 11/05/2021: Giá Bitcoin đạt đỉnh $65K.
- 28/10/2021: Giá Bitcoin giao dịch quanh mốc $61K.
Vào đầu tháng 11/2024, Coinbase đứng vị trí 354 nhưng đã có thời điểm nhảy vọt lên vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng vào ngày 14/11 nhưng đến ngày 18/11 đã nhanh chóng tụt xuống hạng 74.
Sự tăng vọt của ứng dụng Coinbase chủ yếu do giá Bitcoin liên tục lập đỉnh mới và vượt mốc 93.000 USD, thu hút sự chú ý lớn từ nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là những người mới tham gia thị trường. Hiệu ứng FOMO khiến nhiều người đổ xô tải ứng dụng để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, khi giá Bitcoin hạ nhiệt và bắt đầu điều chỉnh, sự quan tâm giảm sút nhanh chóng, dẫn đến thứ hạng của ứng dụng tụt xuống hạng 74. Điều này cho thấy tâm lý thị trường “vẫn chưa ổn định” và phụ thuộc nhiều vào biến động giá ngắn hạn của Bitcoin.
- Ứng dụng ví Phantom
Trong chu kỳ này, sự bùng nổ của Memecoin, đặc biệt trên hệ sinh thái Solana, đã tạo ra nhiều cơ hội cho các ứng dụng cơ sở hạ tầng blockchain. Một trong những cái tên nổi bật là ví Web3 Phantom, ứng dụng đang chứng minh sức hút mạnh mẽ đối với cộng đồng người dùng và nhà đầu tư.
Ngày 20/11/2024, Phantom đạt vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí iPhone, vượt WhatsApp và Instagram, và đứng thứ 2 trong danh mục ứng dụng tiện ích miễn phí, chỉ sau Google Search. Đáng chú ý, chỉ hơn một tuần trước đó, Phantom còn xếp hạng 377.
1.4 Chỉ số lượt xem Youtube
Đây là thống kê từ số lượng view từ các kênh Youtube nổi tiếng về Crypto như: Coin Bureau, Crypto Banter, Ben Armstrong, Benjamin Cowen,…
Trong chu kỳ 2021 – 2022, lượt xem trung bình dao động trong khoảng 6 – 10 triệu lượt xem mỗi tuần, giá Bitcoin thời điểm đó biến động quanh vùng đỉnh $65K.
Thời điểm hiện tại, tuy giá đã chạm mốc $93K nhưng lượt xem lại giảm từ 2 – 5 lần so với chu kỳ trước.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hiện nay đã xuất hiện nhiều kênh truyền thông Crypto mới, đặc biệt là sự phổ biến của X (Twitter), trở thành nền tảng chính cho cộng đồng Crypto. Điều này có thể tác động phần nào đến số lượt xem trên YouTube. Mặc dù chỉ số này giảm, mức giảm không quá lớn, chỉ khoảng 1/3 so với chu kỳ trước.
1.5 Chỉ số tìm kiếm trên Google
Dữ liệu từ Google Trend cho thấy mức độ quan tâm của mọi người đối với Bitcoin hiện tại vẫn chưa trở lại như thời kỳ đỉnh cao năm 2021.
Cụ thể, lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan đến Bitcoin chỉ bằng khoảng một nửa so với chu kỳ trước. Điều này có nghĩa là, dù Bitcoin gần đây đã nhận được sự chú ý nhờ các tin tức lớn như sự hỗ trợ từ ETF hay những lần được Tổng thống Donald Trump đề cập, nhưng sự quan tâm của cộng đồng chỉ tăng nhẹ, chưa đủ để đạt đến mức bùng nổ như trước đây.
1.6 Xu hướng của FED
Kể từ đầu năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thực hiện chính sách thắt chặt định lượng (Quantitative Tightening – QT) nhằm giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Cụ thể, từ mức đỉnh gần 9 nghìn tỷ USD vào đầu năm 2022, bảng cân đối kế toán của FED đã giảm xuống khoảng 6,9 nghìn tỷ USD vào tháng 11 năm 2024.
Việc FED thu hẹp bảng cân đối kế toán đồng nghĩa với việc hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống tài chính. Thanh khoản giảm có thể làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cao, bao gồm Crypto.
Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2024, FED đã bắt đầu chu trình cắt lãi suất và giảm tốc độ thắt chặt định lượng (QT), phản ánh xu hướng nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và thị trường lao động suy yếu.
Trong thời gian tới, chính sách tiền tệ của FED dự kiến vẫn sẽ tiếp tục nới lỏng, với khả năng giảm thêm lãi suất và giảm tốc độ thắt chặt định lượng (QT) để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường tài chính nói chung, bao gồm cả Crypto.
1.7 Chỉ số thanh khoản ròng toàn cầu
Đây là chỉ số theo dõi lượng tài sản do các ngân hàng trung ương, bao gồm cả FED, nắm giữ. Vào năm 2023, lượng thanh khoản trên thị trường đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm với chỉ 5% dự trữ, khiến dòng tiền trong hệ thống tài chính bị thắt chặt. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, thanh khoản đã tăng mạnh trở lại, có thời điểm vượt qua 40%, do chính sách của các ngân hàng trung ương nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế.
Sự gia tăng thanh khoản này có thể tạo ra một dòng tiền tích cực cho các loại tài sản rủi ro, bao gồm cả Crypto. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu xu hướng thanh khoản tăng tiếp tục, thị trường Crypto có khả năng sẽ nhận được sự hỗ trợ và có cơ hội phục hồi hoặc tăng trưởng trong thời gian tới.
1.8 Dòng vốn từ các quỹ đầu tư
Thị trường gọi vốn năm 2024 đang có những tín hiệu tích cực với mức trung bình mỗi quý là 2,3 tỷ USD, lượng vốn đầu tư tăng nhẹ vào khoảng 3 – 5% so với cuối thời điểm cuối 2023. Tuy nhiên, nếu so sánh với chu kỳ 2021 – 2022, con số này đã giảm từ 5-6 lần, cho thấy mức độ quan tâm và dòng vốn mới chảy vào thị trường vẫn ở mức thấp hơn nhiều.
Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường chưa hoàn toàn phục hồi hoặc chưa có động lực lớn để thúc đẩy sự bùng nổ như các chu kỳ trước.
1.9 Tổng vốn hóa Altcoins (loại trừ BTC)
Đây là chỉ số quan trọng để theo dõi xu hướng tăng trưởng của các Altcoins so với Bitcoin. Hiện tại, tổng vốn hóa thị trường Altcoin đã ghi nhận mức tăng đáng kể từ đầu tháng 11/2024, cho thấy sự phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, nếu so sánh với chu kỳ năm 2021, vốn hóa Altcoin vẫn còn cách biệt khá lớn vì một số lý do:
- Chính vì sự xuất hiện của Bitcoin ETF khiến cho phần lớn dòng tiền chỉ chảy vào duy nhất BTC thông qua các công ty quản lý mà không “xoay” sang Altcoins như chu kì trước.
- Tổng thanh khoản trên thị trường crypto hiện tại có thể chưa đủ mạnh (Chỉ số Stablecoin) so với chu kỳ trước để đẩy vốn hóa Altcoins lên mức đỉnh mới.
- Một phần dòng tiền có thể đang bị phân tán vào các thị trường khác, chẳng hạn như thị trường truyền thống (chứng khoán, vàng). Vì dù sao Crypto vẫn là kênh đầu tư rất mới và mọi người chỉ chỉ “mới kịp hiểu” BTC là gì, Altcoins với rất nhiều khái niệm công nghệ vẫn là rào cản cực kì lớn.
- Ethereum là đầu tàu của Altcoins trong chu kì trước vẫn đang phải “núp trong hang” với hiệu suất tăng trưởng gây ra nhiều sự thất vọng. Dễ hình dung nhất, bạn hãy nhìn vào dòng tiền chảy vào các quỹ ETH ETF. Các quỹ hay nhà đầu tư truyền thống họ vẫn dường như chưa hiểu Ethereum là gì? Có chăng chỉ là việc đa dạng hóa một phần rất nhỏ vào ETH vì nó là đồng coin có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường.
- Trong chu kỳ trước, sự bùng nổ của DeFi, NFTs, GameFi và các giải pháp Layer 1 đã kích thích dòng tiền đổ vào Altcoins. Ở mùa này, chúng ta chỉ mới thấy Memecoin bùng nổ mạnh mẽ, các mảnh ghép khác gần như mất hút. Đây cũng có thể được coi là hệ quả của rất nhiều dự án kém chất lượng, mô hình thiếu tính sáng tạo và chỉ tập trung vào việc bơm thổi khiến nhà đầu tư e dè xuống tiền với Altcoins.
Việc vốn hóa Altcoins chưa phá đỉnh là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp, từ dòng tiền, tâm lý thị trường, cho đến áp lực pháp lý và thiếu chất xúc tác mới. Tuy nhiên, nếu chu kỳ tăng trưởng của Bitcoin tiếp tục và xuất hiện những xu hướng lớn mới, Altcoins vẫn có khả năng bùng nổ trong giai đoạn tiếp theo.
2. Kết luận
Dựa trên các chỉ số phân tích, thị trường Crypto hiện tại đang ở giai đoạn đầu của một chu kỳ phục hồi, với Bitcoin dẫn đầu và lập các đỉnh giá mới, trong khi Altcoins vẫn chưa cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Tâm lý thị trường dù đã cải thiện nhờ các tín hiệu vĩ mô tích cực và chính sách nới lỏng tiền tệ của FED, nhưng vẫn tồn tại sự thận trọng đáng kể từ cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.
Trong tương lai, nếu các yếu tố tích cực tiếp tục duy trì, như dòng thanh khoản toàn cầu gia tăng, sự quan tâm từ nhà đầu tư nhỏ lẻ qua các nền tảng như Coinbase, và xu hướng chính sách tiền tệ của FED hỗ trợ thị trường tài chính, thị trường Crypto có thể bước vào một giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.
Tuy nhiên, Altcoins vẫn sẽ cần thời gian để bắt kịp đà tăng của Bitcoin, đặc biệt nếu dòng tiền mới không được phân bổ đồng đều. Nhà đầu tư cần theo dõi sát sao các chỉ báo về dòng vốn, thanh khoản, và tâm lý thị trường để nắm bắt cơ hội trong các giai đoạn tiếp theo.
Hy vọng bài viết đã mang lại cái nhìn rõ ràng và sâu sắc về xu hướng hiện tại, giúp bạn tự tin hơn trong việc xây dựng chiến lược đầu tư. Đừng quên theo dõi 5Money để không bỏ lỡ bất kỳ cập nhật quan trọng nào về thị trường Crypto nhé!