1. Nonfarm Là Gì?
Nonfarm (Nonfarm Payrolls), hay còn gọi là Bảng lương phi nông nghiệp, là chỉ số đo lường số lượng việc làm mới được tạo ra hàng tháng tại Mỹ trong các lĩnh vực kinh tế (trừ nông nghiệp).
Nonfarm cho thấy tình hình kinh tế Mỹ đang tốt hay xấu thông qua dữ liệu về số lượng công việc mới xuất hiện mỗi tháng. Nếu số liệu Nonfarm tăng, nghĩa là nền kinh tế đang phát triển, và ngược lại.
Chỉ số này có thể tác động đến thị trường tài chính toàn cầu, như giá vàng, USD, và thậm chí là cả thị trường crypto, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định lãi suất của FED và chính sách kinh tế tại Mỹ.
Báo cáo Nonfarm được Bộ Lao động Mỹ (Bureau of Labor Statistics – BLS) công bố lần đầu tiên vào năm 1939. Mục tiêu ban đầu của báo cáo là cung cấp một bức tranh tổng quan về tình trạng việc làm và sức khỏe nền kinh tế sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930. Sau đó, Nonfarm nhanh chóng trở thành một trong những chỉ số kinh tế quan trọng và được sử dụng rộng rãi để đánh giá tình hình kinh tế Mỹ.
2. Tầm Quan Trọng Của Báo Cáo Nonfarm
Dưới đây là 4 tác động lớn và quan trọng nhất của báo cáo Nonfarm mà các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm:
- Dự báo sức khỏe nền kinh tế và lạm phát:
Nonfarm cho thấy xu hướng việc làm và thu nhập của người dân Mỹ, giúp dự đoán khả năng chi tiêu và xu hướng lạm phát trong tương lai. Dữ liệu này giúp nhà đầu tư điều chỉnh chiến lược và phân bổ vốn hợp lý hơn dựa trên triển vọng kinh tế.
- Tác động đến quyết định lãi suất của Fed:
Báo cáo Nonfarm là cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh giá sức khỏe nền kinh tế và điều chỉnh lãi suất. Số liệu việc làm tăng mạnh có thể khiến FED cân nhắc nâng lãi suất nếu lạm phát có dấu hiệu gia tăng, trong khi số liệu yếu có thể khiến FED hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
- Ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của USD:
Số liệu Nonfarm tốt hơn kỳ vọng thường đẩy giá USD tăng cao do kỳ vọng về việc tăng lãi suất. Ngược lại, số liệu kém hơn dự đoán có thể làm USD mất giá, tạo cơ hội giao dịch cho các nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối.
- Biến động thị trường tài chính toàn cầu:
Báo cáo Nonfarm có thể gây ra sự biến động lớn trên các thị trường tài sản như chứng khoán, vàng, và thậm chí là crypto. Kết quả báo cáo vượt xa hoặc thấp hơn kỳ vọng đều có thể tạo ra những cú sốc lớn, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư toàn cầu.
3. Nonfarm ảnh hưởng như thế nào đến thị trường Crypto?
Báo cáo Nonfarm thể hiện sức khỏe nền kinh tế Mỹ, dựa vào báo này Cục Dự trữ Liên bang Mỹ – Fed sẽ đưa ra các điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với tình hình của thị trường. Vì thế, bản tin Nonfarm sẽ ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản của thị trường tài chính toàn cầu.
Nếu số liệu Nonfarm cho thấy việc làm tăng quá mạnh, có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao, Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất, khiến lượng tiền lưu thông và thanh khoản trên thị trường giảm xuống. Điều này có thể làm giảm sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro như cổ phiếu hay crypto, do nhà đầu tư sẽ chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn.
Ngược lại, nếu Nonfarm yếu hoặc thấp hơn kỳ vọng, cho thấy kinh tế suy giảm, Fed có thể nới lỏng chính sách bằng cách hạ lãi suất, tăng cung tiền và thanh khoản. Lúc này, các nhà đầu tư và tổ chức lớn có thể thay đổi chiến lược, chuyển vốn từ thị trường truyền thống sang thị trường crypto.
Trong hình dưới các bạn có thể thấy mối quan hệ giữa giá Bitcoin và lãi suất FED:
- Năm 2018, FED sau một loạt các đợt tăng lãi suất nhằm hạn chế lạm phát. Giai đoạn này trùng hợp với sự sụt giảm mạnh về giá của Bitcoin. Từ mức đỉnh gần 20.000 USD vào tháng 12/2017, Bitcoin đã giảm mạnh xuống còn khoảng 3.200 USD vào tháng 12/2018, mất hơn 80% giá trị.
- Năm 2021, nhờ lãi suất cực thấp của Fed trong thời kỳ đại dịch, Bitcoin đã tăng vọt lên mức kỷ lục hơn 68.000 USD vào tháng 11. Khi đó, nhiều chuyên gia lạc quan dự đoán giá sẽ chạm mốc 100.000 USD, tạo ra làn sóng hưng phấn trên thị trường.
- Tuy nhiên, khi lo ngại về lạm phát gia tăng, Fed thay đổi lập trường và thắt chặt chính sách, khiến nhà đầu tư e ngại và rút vốn khỏi thị trường crypto. Kết quả, Bitcoin đã giảm hơn 70%, rơi xuống dưới 20.000 USD vào tháng 6/2022.
4. Những chỉ số quan trọng khi đọc báo cáo Nonfarm
Để đọc hiểu bảng tin Nonfarm, bạn cần nắm rõ 3 số liệu sau:
- Actual (Số liệu kỳ này): Do Bộ Lao động Hoa Kỳ cung cấp.
- Forecast (Số liệu dự báo): Dự đoán của các chuyên gia kinh tế trước ngày công bố.
- Previous (Số liệu kỳ trước): Số liệu của kỳ trước đó.
Ba số liệu này phản ánh thông tin theo 3 mốc thời gian: quá khứ, dự đoán và thực tế. Dựa trên sự chênh lệch giữa chúng, nhà đầu tư có thể đánh giá tình hình kinh tế Mỹ và đưa ra những nhận định về xu hướng thị trường sắp tới.
Trong một bản tin Nonfarm sẽ có 3 chỉ số chính bạn cần quan tâm đó là:
- Nonfarm Payrolls:
Đây là chỉ số chính của báo cáo, cho biết số lượng việc làm mới được tạo ra trong các lĩnh vực phi nông nghiệp trong tháng trước. Nếu chỉ số này cao hơn dự kiến, đồng USD sẽ có xu hướng tăng giá. Ngược lại, nếu chỉ số thấp hơn dự kiến, USD có thể giảm giá.
- Average Hourly Earnings (Thu nhập trung bình hàng giờ)
Thu nhập trung bình hàng giờ là chỉ số đo lường sự thay đổi tiền lương mà các doanh nghiệp trả cho lao động, không bao gồm lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ số cao hơn dự kiến nên được coi là tích cực/tăng giá đối với USD, trong khi số liệu thấp hơn dự kiến nên được coi là tiêu cực/giảm giá đối với USD.
- Unemployment Rate (Tỷ lệ thất nghiệp)
Tỷ lệ thất nghiệp là tỷ lệ phần trăm của tổng lực lượng lao động đang thất nghiệp nhưng vẫn tích cực tìm kiếm việc làm trong tháng trước. Chỉ số cao hơn dự kiến nên được coi là tiêu cực/giảm giá đối với USD, trong khi số liệu thấp hơn dự kiến nên được coi là tích cực/tăng giá đối với USD.
5. Các nguồn để đọc báo cáo Nonfarm ở đâu?
Bản tin Nonfarm thường được Bộ Lao động Mỹ công bố vào thứ Sáu đầu tiên của mỗi tháng lúc 8:30 sáng giờ miền Đông Hoa Kỳ (ET), tương đương với 19:30 tối cùng ngày theo giờ Việt Nam (GMT+7). Bạn có thể theo dõi bản tin ở các kênh sau:
- Website chính thức của Bộ Lao động Mỹ
- Các kênh tài chính và tin tức: Nhiều kênh tài chính lớn như Bloomberg, CNBC và các trang web chuyên cung cấp dữ liệu kinh tế như Investing.com hay Trading Economics cũng cung cấp thông tin báo cáo Nonfarm.
- Cộng đồng 5Money: Ngoài các kênh trên, các bạn có thể cập nhật các thông tin nhanh nhất về báo cáo Nonfarm và các thông tin quan trọng của thị trường thông qua Channel Telegram của 5 Phút Crypto.
6. Kết Luận
Nonfarm Payrolls là chỉ số quan trọng giúp đánh giá sức khỏe nền kinh tế Mỹ cũng như tác động đến cả thị trường tài chính truyền thống và crypto. Hy vọng qua bài viết này, 5Money đã giúp bạn hiểu rõ hơn về Nonfarm, những thông tin cơ bản trong báo cáo, cách đọc các chỉ số và ảnh hưởng của chúng đến thị trường. Đừng quên đăng ký email để không bỏ lỡ bất kỳ tin tức hay bài viết hữu ích nào từ 5Money nhé!