1. NFT là gì?
NFT là viết tắt của Non-Fungible Token, nghĩa là Mã thông báo không thể thay thế. Hiểu đơn giản, đây là một loại tài sản số độc nhất, được xác nhận quyền sở hữu và tính xác thực bằng công nghệ blockchain. Mỗi NFT là duy nhất và không thể thay thế bằng một NFT khác. Khác với các loại tiền mã hóa như BTC hay ETH (được gọi là Fungible Token) có thể thay thế lẫn nhau và có giá trị tương đương.
NFT thường là những sản phẩm nghệ thuật kỹ thuật số, nó có thể là âm nhạc, tranh vẽ, video, vật phẩm trong trò chơi, v.v.. và tất cả đều được mã hoá và lưu trữ trên blockchain. Chúng được mua, bán trên các nền tảng giao dịch NFT trực tuyến và thanh toán bằng tiền kỹ thuật số.
NFT có những tính chất chính sau đây:
- Tính không thể thay thế (Non-Fungibility): Mỗi NFT là độc nhất và không thể bị thay thế hoặc trao đổi với một NFT khác. Điều này giống như tác phẩm nghệ thuật vật lý, mỗi bức tranh là duy nhất và không thể thay thế bằng một bức tranh khác.
- Tính độc quyền (Ownership): Khi bạn sở hữu một NFT, bạn có quyền sở hữu độc quyền đối với tài sản số đó. Quyền sở hữu này được ghi lại và xác nhận trên blockchain, đảm bảo tính minh bạch và an toàn.
- Tính xác thực (Authenticity): NFT có thể xác minh nguồn gốc và tính xác thực của tài sản số. Điều này rất quan trọng đối với các tác phẩm nghệ thuật số, giúp ngăn chặn việc làm giả.
- Tính khan hiếm (Scarcity): Người tạo ra NFT có thể quyết định số lượng NFT được phát hành. Nhiều NFT được phát hành với số lượng giới hạn, tăng tính khan hiếm và giá trị của chúng.
- Tính lập trình (Programmability): NFT có thể được lập trình với các tính năng đặc biệt, như phân chia lợi nhuận từ việc bán lại tác phẩm, quyền truy cập vào nội dung giới hạn, hoặc các tính năng trong game,…
2. NFT khác gì với Token?
Token và NFT (Non-Fungible Token) đều là các đơn vị kỹ thuật số trên blockchain, nhưng chúng vẫn có điểm rất khác biệt. Token thường là các đơn vị có thể thay thế cho nhau, như BTC hay ETH, tức là mỗi token có giá trị tương đương với bất kỳ token nào khác cùng loại.
Ngược lại, NFT là các token không thể thay thế, mỗi NFT là duy nhất và không thể hoán đổi với NFT khác. Điều này làm cho NFT đại diện cho các tài sản số độc nhất.
3. Ứng dụng của NFT là gì?
Tác phẩm nghệ thuật số (Digital Art): NFT đảm bảo tính độc nhất và quyền sở hữu cho các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Nghệ sĩ Beeple, đã bán một tác phẩm dưới dạng NFT với giá 69 triệu USD, minh chứng cho giá trị của công nghệ này trong lĩnh vực nghệ thuật.
Âm nhạc: Các nghệ sĩ có thể bán nhạc, album, và quyền truy cập đặc biệt vào các buổi hòa nhạc dưới dạng NFT. Ví dụ, Kings of Leon đã phát hành album “When You See Yourself” dưới dạng NFT, cung cấp các phiên bản đặc biệt và quyền lợi độc quyền cho người hâm mộ.
Thể thao và sưu tầm (Sports and Collectibles): NFT được sử dụng để bán thẻ cầu thủ kỹ thuật số, video highlights và các vật phẩm sưu tầm khác. NBA Top Shot, một nền tảng nổi tiếng, cung cấp video highlights của các trận đấu NBA dưới dạng NFT.
Gaming: NFT giúp mang lại giá trị thực cho các vật phẩm và nhân vật trong game. Ví dụ, Axie Infinity và Decentraland cho phép người chơi mua, bán và trao đổi các vật phẩm trong trò chơi, thực sự sở hữu những gì họ mua.
Đọc thêm: Game NFT là gì? Top 5 game NFT nổi bật nhất năm 2024
Metaverse: NFT xác nhận quyền sở hữu bất động sản kỹ thuật số và tài sản ảo trong các thế giới ảo (Metaverse) như Decentraland và The Sandbox. NFT cho phép người dùng mua đất và xây dựng thế giới riêng trong không gian ảo.
Giáo dục và chứng nhận: NFT có thể được sử dụng để cấp chứng nhận hoàn thành khóa học và bằng cấp. Một số trường đại học đã bắt đầu phát hành bằng cấp dưới dạng NFT để đảm bảo tính xác thực và minh bạch.
Bản quyền và sở hữu trí tuệ : NFT giúp bảo vệ bản quyền và theo dõi việc sử dụng các tác phẩm sáng tạo như văn học, âm nhạc và phim ảnh. Các tác phẩm này được lưu trữ trên blockchain, giúp quản lý và bảo vệ quyền lợi của các tác giả dễ dàng hơn.
Tài sản vật lý: NFT cũng đại diện cho quyền sở hữu tài sản vật lý như bất động sản và xe cộ. Token hóa tài sản vật lý giúp quá trình mua bán và chuyển nhượng trở nên minh bạch và hiệu quả hơn.
4. Quy mô và tiềm năng thị trường NFT
Theo DappRadar, lúc đỉnh điểm vào cuối năm 2021, thị trường NFT non trẻ đã tạo ra khối lượng giao dịch lên đến 23 tỷ USD – tăng vọt so với mức dưới 100 triệu USD được ghi nhận vào năm trước đó, cùng sự gia tăng đột biến về số lượng giao dịch và giá trị của các NFT được mua bán.
Điển hình là những NFT “độc nhất vô nhị” được bán với giá cao ngất ngưởng như Beeple’s The First 500 Days được bán với giá 69.3 triệu USD, Human One được bán với giá 29.0 triệu USD hay BAYC với giá lên tới 26.3 triệu USD
Hiện tại, theo thống kê của Coingecko thì tổng vốn hoá của thị trường NFT được ghi nhận đến tháng 5/2024 là 75,9 tỷ USD. Với Volume giao dịch 24h trên tất cả các chain đang ở con số 20,3 tỷ USD (tại thời điểm viết bài).
Theo Zion Market Research, Quy mô thị trường của NFT được định giá là 36,12 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 217,07 tỷ USD vào cuối năm 2032, cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Thị trường NFT đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều công ty và dự án nổi bật.
Có thể kể đến Animoca Brands là một trong những công ty tiên phong với các thương vụ đầu tư vào nhiều dự án Game, Metaverse và NFT, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp này. Tên tuổi được gắn với những dự án NFT lớn như CryptoKitties, Mocaverse.
5. NFT Marketplace là gì? Top 4 NFT Marketplace phổ biến nhất hiện nay
NFT được giao dịch trên các sàn NFT mở hay gọi một cách dân dã hơn là các Chợ NFT (NFT Marketplace). Các nền tảng NFT này giúp kết nối người mua với người bán và trưng bày cũng như lưu trữ vật phẩm NFT của người dùng. NFT marketplace sở hữu những chức năng chính sau đây:
- Tạo và niêm yết NFT: Người dùng có thể tạo ra NFT từ các tài sản kỹ thuật số của mình, sau đó niêm yết chúng để bán hoặc đấu giá trên marketplace.
- Mua và bán: Người dùng có thể duyệt qua danh mục các NFT có sẵn, mua các NFT yêu thích hoặc bán các NFT mà họ sở hữu. Giao dịch được thực hiện minh bạch và an toàn qua blockchain.
- Đấu giá: Nhiều NFT marketplace cung cấp chức năng đấu giá, cho phép người bán đưa NFT lên đấu giá và người mua đặt giá thầu, đảm bảo giá bán tốt nhất cho người bán.
- Quản lý bộ sưu tập: Người dùng có thể quản lý bộ sưu tập NFT của mình, theo dõi giá trị và trạng thái của từng NFT, và hiển thị chúng trên hồ sơ cá nhân.
- Tương tác cộng đồng: Nhiều NFT marketplace cung cấp các tính năng tương tác cộng đồng như bình luận, đánh giá và theo dõi người bán hoặc nghệ sĩ yêu thích, tạo ra một môi trường giao tiếp và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng NFT.
Dưới đây là Top 4 NFT Marketplace phổ biến và được tin tưởng nhất trên thị trường hiện nay:
#1 OpenSea
Ra đời vào năm 2017, OpenSea cho phép người dùng tìm kiếm và khám phá đa dạng các bộ sưu tập NFT. Đồng thời người dùng có thể tạo, mua bán các tác phẩm NFT. OpenSea còn cung cấp chức năng cho phép người dùng lưu trữ và quản lý danh mục NFT của họ.
Theo xếp hạng từ DappRadar, OpenSea đang ở vị trí TOP2 nền tảng giao dịch NFT có khối lượng giao dịch 24h lớn nhất với 9.91 triệu USD, chỉ sau Blur (tại thời điểm viết bài). Tuy nhiên, về thâm niên và độ phủ sóng data trên các chain phổ biến thì OpenSea vẫn là nền tảng trao đổi NFT hỗ trợ nhiều chain nhất thế giới.
- Ưu điểm:
- Chấp nhận lên tới 150 loại token và 10 chain phổ biến (Ethereum, BNB Chain, Polygon, Solana, Optimism, Arbitrum,…)
- Hiện tại, OpenSea đang quản lý hơn 10 triệu bộ sưu tập NFT với đa dạng các nội dung như tranh nghệ thuật kỹ thuật số, âm nhạc, NFT trong game, NFT thẻ thành viên, NFT làm ảnh đại diện cá nhân (Profile Picture NFT – PFPs),…
- Với lượng lớn người dùng và giao dịch hàng ngày, OpenSea thường có tính thanh khoản cao hơn so với nhiều nền tảng NFT khác.
- Giao diện người dùng thân thiện, dễ dàng cho cả người mới và những người có kinh nghiệm.
- Nhược điểm:
- Chỉ chấp nhận thanh toán bằng crypto, không chấp nhận thanh toán bằng tiền pháp định
- Chi phí giao dịch cao, 2.5% trên mỗi giao dịch. Tuy nhiên, bạn có thể dùng OpenSea Pro với mức phí thấp hơn.
#2 Blur
Ra mắt vào ngày 19 tháng 10 năm 2022, Blur là sàn NFT được phát triển trên Ethereum cho phép người dùng giao dịch, quản lý danh mục NFT bằng các phân tích nâng cao. Không giống như các sàn giao dịch NFT khác, đối tượng khách hàng mà Blur nhắm tới là các pro trader.
Blur đã nhanh chóng vươn mình thành nền tảng giao dịch NFT số một thị trường, vượt mặt gã khổng lồ Opensea. Hiện tại, volume giao dịch 24h của Blur đứng TOP 1 các NFT Marketplace với con số 13.27 triệu USD, cao gấp 1.3 lần so với OpenSea. Con số này chủ yếu đến từ các chiến dịch Airdrop được tổ chức trên nền tảng này.
Đặc điểm nổi bật nhất của Blur chính là cung cấp các công cụ tổng hợp hiển thị giá NFT trên nhiều sàn giao dịch khác nhau và công cụ phân tích danh mục đầu tư. Đặc biệt, phí giao dịch trên đây hoàn toàn MIỄN PHÍ
Thêm vào đó, Blur có tính năng Blend hoạt động như một nền tảng cho vay NFT. Nó nhằm mục đích nâng cao tính thanh khoản và phạm vi tiếp cận của NFT, cho phép người các nhà sưu tầm mua được NFT cao cấp với khoản đầu tư trả trước thấp
- Ưu điểm:
- Tốc độ sweep (mua hàng loạt NFT) và snipe (Giao dịch tức thì) nhanh gấp 10 lần so với các nền tảng NFT khác
- Blur cung cấp nhiều tính năng hỗ trợ người dùng như công cụ phân tích thị trường, công cụ tìm kiếm nâng cao, và các tùy chọn lọc NFT theo nhiều tiêu chí khác nhau.
- Blur có phí giao dịch thấp hơn đa số các sàn NFT hiện nay
- Có token riêng của nền tảng là BLUR và chiến dịch Airdrop cho các member trung thành bằng token này
- Blur rất chú trọng đến việc hỗ trợ cộng đồng nghệ sĩ, cung cấp các công cụ và tính năng giúp nghệ sĩ dễ dàng tiếp cận với người mua và quảng bá tác phẩm NFT.
- Nhược điểm:
- Chỉ hỗ trợ giao dịch NFT trên blockchain Ethereum
- Giao diện có thể khó tiếp cận với người dùng mới
#3 Magic Eden
Magic Eden là nền tảng mua và bán NFT phi tập trung hàng đầu trên blockchain Solana. Nền tảng này cho phép người dùng mua, bán tài sản kỹ thuật số một cách dễ dàng, với chi phí giao dịch thấp, tính thanh khoản cao và trải nghiệm người dùng trực quan.
Magic Eden đã phát triển trở thành một trong những NFT marketplace lớn nhất trên Solana theo khối lượng giao dịch, có lúc vượt 2 đối thủ lớn nhất là Blur và OpenSea. Tính đến thời điểm hiện tại, Magic Eden thu hút 800 nghìn người dùng với hơn 160 nghìn bộ sưu tập NFT trên đây.
Nền tảng cung cấp giao dịch NFT trên các chain phổ biến như Bitcoin, Ethereum, Solana, Polygon hay Base.
- Ưu điểm:
- Magic Eden hoạt động trên Solana, blockchain nổi tiếng với phí giao dịch thấp và tốc độ xử lý nhanh.
- Giao diện của Magic Eden được thiết kế đơn giản và dễ sử dụng, ngay cả đối với người mới.
- Magic Eden có lượng người dùng lớn và hoạt động giao dịch sôi nổi, giúp tăng cường tính thanh khoản của nền tảng này.
- Tính năng đổi mới: nền tảng cung cấp các tính năng như Launchpad, hoặc Game khi mà người dùng có thể khám phá game, xem trailer và mua NFT trong tính năng Games của Magic Eden.
- Nhược điểm:
- Tính đa dạng về số lượng NFT trên nền tảng còn thấp hơn so với các nền tảng khác như OpenSea.
- Vì hoạt động chủ yếu trên Solana, người dùng phụ thuộc vào hiệu suất và độ ổn định của Solana.
#4 Rarible
Rarible là nền tảng giao dịch NFT được thành lập vào năm 2020. Đến hiện tại, Rarible đã thu hút hơn 1.5 triệu người dùng đăng ký, trở thành một trong những sàn giao dịch NFT phổ biến nhất trên thị trường.
Rarible hỗ trợ đa dạng các blockchain khác nhau như Ethereum, Polygon, Flow, Tezos, Solana, Celo, zkSync Era,… giúp người dùng dễ dàng tạo, mua, và bán NFT trên các blockchain mà họ ưa thích. Ngoài ra, nền tảng còn cho phép người dùng tùy chỉnh phí bản quyền và tham gia vào các quyết định quản trị thông qua token RARI.
- Ưu điểm:
- Đa dạng các loại hình nghệ thuật trên đa dạng các chain
- Giao diện dễ sử dụng cho người mới tham gia vào thị trường NFT
- Quản trị phi tập trung: Rarible đã phát hành token RARI, cho phép người dùng tham gia vào các quyết định quản trị và chính sách của nền tảng
- Nhược điểm:
- Rarible vẫn tính phí giao dịch 1% từ cả người mua và người bán, tổng cộng là 2% cho mỗi giao dịch, cao hơn so với một số nền tảng khác như Blur.
- Rarible có số lượng người dùng và giao dịch nhỏ hơn các ông lớn nêu trên, điều này có thể làm giảm tính thanh khoản cho NFT.
Đọc thêm: Tensor là gì? Sàn NFT hàng đầu hệ Solana
6. Lợi ích và rủi ro khi tham gia vào thị trường NFT
6.1 Lợi ích
- Khả năng sinh lời cao: Nhiều người bị hấp dẫn bởi khả năng sinh lời cao từ thị trường NFT. Thực tế đã có nhiều NFT kinh điển như Crypto Punk, BAYC,… được bán với giá hàng triệu đô la. Hay tác phẩm “Everydays: The First 5000 Days” của nghệ sĩ Beeple đã được bán với giá 69 triệu đô la.
- Quyền sở hữu, minh bạch và doanh thu cho nghệ sĩ
- Quyền sở hữu: NFT cho phép xác nhận quyền sở hữu duy nhất và không thể sao chép. Điều này giúp bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ và người sáng tạo nội dung, đảm bảo rằng họ nhận được công bằng cho tác phẩm của mình.
- Minh bạch: Mọi giao dịch liên quan đến NFT đều được ghi lại trên blockchain. Điều này giúp người mua dễ dàng xác minh nguồn gốc của NFT.
- Doanh thu cho nghệ sĩ: NFT mở ra một nguồn thu nhập mới cho các nghệ sĩ và người sáng tạo nội dung. Họ có thể bán trực tiếp tác phẩm của mình cho người mua mà không cần thông qua các bên trung gian, giữ lại phần lớn lợi nhuận.
- Đa dạng chi phí đầu tư:
- Giá trị của NFT được phân cấp đa dạng từ một vài đô la đến hàng trăm nghìn đô la cho từng bộ sưu tập NFT khác nhau. Nhà đầu tư có thể lựa chọn khoản đầu cơ phù hợp với điều kiện cá nhân.
- Không chỉ vậy, bạn cũng có thể sở hữu NFT chỉ với số vốn 0 đồng thông qua các chương trình phát hành NFT miễn phí (freemint), airdrop,… Đây là những cơ hội đầu cơ với rủi ro gần như bằng 0 mang đến lợi ích lớn cho nhà đầu tư NFT và đòi hỏi người dùng phải theo dõi kỹ dự án, tích cực tham gia các hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ.
6.2 Rủi ro
- Độ biến động cao: Bản thân thị trường Crypto đã chịu ảnh hưởng nhiều vì quy mô còn nhỏ, chưa nói tới NFT là thị trường mới nổi nên mức độ biến động cao là khó tránh khỏi.
- Lừa đảo: Với mỗi bộ sưu tập NFT nổi tiếng như Cryptopunk, BAYC,… và có giá trị hàng chục nghìn USD cho 1 NFT thì sẽ xuất hiện rất nhiều bản sao giả mạo và được bán với số tiền thấp hơn. Nếu người mua không biết cách chọn và giao dịch NFT trên những nơi giao dịch uy tín thì rất dễ mua phải những bộ NFT lừa đảo này. Ngoài ra, có những đối tượng xấu đã tạo ra các dự án NFT với ý định duy nhất là “lấy tiền và bỏ chạy” (rug pull) mà không thực hiện bất kỳ hứa hẹn nào được đề ra trong lộ trình khiến cho nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tài sản.
- Pháp lý: NFT vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, và các quy định pháp lý liên quan đến NFT còn chưa hoàn thiện. Điều này có thể gây ra rủi ro cho người mua và người bán, đặc biệt là khi xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu hoặc vi phạm pháp luật.
- Bản quyền: Mặc dù NFT có thể giúp xác nhận quyền sở hữu, nhưng không phải lúc nào nó cũng bảo đảm rằng bản quyền tác phẩm không bị xâm phạm. Vấn đề vi phạm bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ vẫn có thể xảy ra, đặc biệt khi không có quy định rõ ràng và biện pháp bảo vệ mạnh mẽ.
NFT mang lại nhiều lợi ích tiềm năng, nhưng cũng đi kèm với những thách thức và rủi ro cần được xem xét kỹ lưỡng. Việc hiểu rõ về cả hai mặt của NFT sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn hơn trong quá trình đầu cơ!
7. Những lưu ý dành cho người tham gia vào thị trường NFT
Nghiên cứu kỹ lưỡng về thị trường NFT:
- Không chỉ riêng thị trường NFT mà bất kể thị trường nào trước khi tham gia giao dịch và xuống tiền thì nhà đầu tư cần phải hiểu về cách hoạt động, quy trình tạo, mua và bán.
- Tìm hiểu về các sàn giao dịch NFT uy tín và nghiên cứu thật kỹ các dự án.
- Đồng thời, bạn cần tìm hiểu về chính sách gas fee và phí giao dịch khi minting và mua NFT, vì chúng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của bạn. Từ đó, bạn có thể tối ưu hóa chi phí giúp đảm bảo khoản đầu tư của bạn không bị ảnh hưởng quá mức.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư: đối với NFT nhà đầu tư nên phân chia một cách chi tiết các phân khúc và giá cả, lợi nhuận và đánh giá dự án để gia tăng lợi nhuận cho mình.
Quản lý rủi ro: Chỉ đầu tư số tiền mà bạn có thể chấp nhận mất. Thị trường NFT rất biến động và có thể gây ra rủi ro tài chính lớn. Hãy luôn đa dạng hóa danh mục đầu tư và tuyệt đối không đặt tất cả tài sản vào một dự án duy nhất.
Thành thạo các kỹ năng bảo mật ví và lưu trữ NFT: Bạn cần nắm được thông tin những loại ví nào hỗ trợ NFT bạn sở hữu và đưa ra lựa chọn cho phù hợp. Sau khi chọn được ví lưu trữ thì hãy tìm hiểu cách giữ an toàn và nâng cao bảo mật ví tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra như bị hack, lộ private key,…Về nguyên tắc bảo mật ví, các bạn có tham khảo nguyên tắc bảo mật ví đã được 5Money hướng dẫn kỹ càng rồi nhé!
8. Tổng kết
NFT đang ngày càng thịnh hành và được biết đến nhiều hơn, tạo ra một danh mục đầu tư mới cho người dùng tham gia vào thế giới Web3. Trên đây là tất cả những thông tin về NFT là gì? Hi vọng bài viết này sẽ giúp cho các bạn có cái nhìn đầy đủ, chính xác nhất về thị trường NFT đầy tiềm năng này nhé!
Đọc thêm: Sharky Finance là gì? Nền tảng NFT Lending hàng đầu hệ Solana
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!