1. Morpho Protocol là gì?
Morpho Protocol là giao thức vay và cho vay (Lending & Borrowing) được xây dựng và phát triển trên Ethereum. Dự án ra đời sau Aave, Compound nhưng có các sản phẩm, mô hình cho vay cải tiến hơn.
Với định hướng trở thành trung tâm thị trường tiền tệ Crypto với các sản phẩm mới bổ trợ cho nhau thì Morpho đang là cái tên được kỳ vọng có thể cạnh tranh và chấm dứt kỷ nguyên thống trị của Aave, Compound.
Các điểm nổi bật của dự án:
- Bộ 3 sản phẩm Morpho Optimizer, Morpho Blue, MetaMorpho bổ trợ cho nhau tạo nên thị trường Lending tối ưu hóa và linh hoạt nhất, ở thời điểm hiện tại.
- Gọi được hơn 19 triệu USD đối với một dự án Lending là tương đối lớn, chưa kể dự án còn được đầu tư bởi một số cái tên chất lượng như A16z, Coinbase, Pantera, Variant.
- Sau hơn 2 năm hoạt động, Morpho đã đạt mốc 1.5 tỷ USD TVL, trở thành giao thức Lending lớn thứ 4 trên Ethereum. Đặc biệt là sản phẩm Morpho Blue mới ra mắt vào giữa tháng 01 năm 2024 nhưng tới nay đã có hơn 1.1 tỷ USD cho vay trên giao thức.
2. Đội ngũ Morpho Protocol
- Paul Frambot (Co-founder & CEO): Có chuyên môn kỹ thuật Blockchain cao vì đã được đào tạo ở TelecomParis và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành công nghệ Blockchain tại Institut Polytechnique de Paris.
- Mathis Gontier Delaunay (Co-Founder & Head of Protocol): Tốt nghiệp Kỹ sư tại Télécom SudParis, Thạc sĩ về Hệ thống song song và phân tán tại Institut Polytechnique de Paris.
- Merlin Egalite (Co-founder): Tốt nghiệp kỹ sư chuyên ngành Công nghệ thông tin, tham gia khóa đào tạo để trở thành nhà phát triển Blockchain và Solidity ở Udemy. Có kinh nghiệm làm Hacker mũ trắng (tìm hỗ hỏng hợp đồng thông minh trên Ethereum) và Kỹ sư phần mềm tại The Commons Stack.
- Julien Thomas (Co-Founder & Lead dev): Tốt nghiệp Kỹ sư dữ liệu và kỹ thuật số tại EURECOM, sau đó ông tiếp tục hoàn thành chương trình Thạc sĩ tại Polytechnique Montréal.
Morpho Protocol là dự án được thành lập khi đội ngũ chỉ vừa tốt nghiệp và đang là sinh viên của các trường học. Hầu hết các thành viên là người Pháp và có chuyên môn Blockchain cao khi được đào tạo ở Télécom SudParis Polytechnique với trình độ Thạc Sĩ từ nhà sáng lập cho đến nhà phát triển như Paul Frambot, Mathis Gontier Delaunay, Merlin Egalite, Julien Thomas, Oumar Fall, Evelyne Raby,…
Vì hầu hết các thành viên chủ chốt đều mới tốt nghiệp nên chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc cho các công ty lớn ngoại trừ Evelyne Raby (Head of Operations) có khoảng thời gian làm Program Manager cho Amazon.
3. Nhà đầu tư của Morpho Protocol
Dự án gọi được số vốn lên đến hơn 69 triệu USD qua 3 vòng như sau:
- 22/10/2021: Vòng Seed huy động thành công 1.35 triệu USD được dẫn đầu bởi Nascent và Semantic Ventures, cùng sự tham gia của các quỹ như Faculty Group, AngelDAO, Stake Capital Group, Cherry Ventures.
- 12/07/2022: Vòng Seed mở rộng huy động được 18 triệu USD dẫn đầu bởi A16z và Variant, cùng sự tham gia của các quỹ như Coinbase Ventures, Nascent, Mechanism Capital, GSR, Semantic Ventures, Cherry Ventures, Stake Capital,…
- 28/02/2024: Nhận được sự đầu tư từ quỹ Pantera Capital nhưng không được tiết lộ thông tin chi tiết.
- 01/08/2024: Vòng chiến lược huy động thành công 50 triệu USD được dẫn đầu bởi Rabbit Capital, cùng sự tham gia của các quỹ lớn khác như: A16z, Coinbase, Variant, Pantera, IOSG,…
Morpho là dự án Lending duy nhất sau DeFi Summer năm 2020 huy động được gần 70 triệu USD và trở thành giao thức Lending gọi được số vốn lớn nhất thị trường. Đặc biệt là các quỹ như A16z, Pantera, Coinbase đã tham gia vào cả 2 vòng gọi vốn gần nhất của dự án. Đây cũng là các quỹ đã từng đầu tư vào các dự án DeFi hàng đầu thị trường như Uniswap, Compound, DyDx, MakerDAO, 1inch, Injective, Ondo,…
4. Sản phẩm của Morpho Protocol là gì?
4.1 Morpho Optimizer
Morpho Optimizer là sản phẩm đầu tiên của Morpho Protocol nhằm mang lại giải pháp tối ưu nhất cho thị trường Lending bằng cách kết hợp mô hình Peer-to-Pool và Peer-to-Peer:
- Peer-to-Pool: Là mô hình Lending sử dụng Pool để chứa tài sản và người dùng sẽ tương tác với Pool thanh khoản đó. Hạn chế của mô hình này là thanh khoản không được sử dụng tối đa, có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất vay và cho vay. Ví dụ như Aave, Compound, Silo,…
- Peer-to-Peer: Là mô hình Lending mà người cho vay và người vay sẽ tương tác trực tiếp với nhau. Hạn chế của mô hình này là khó tìm thấy thanh khoản để khớp giữa các người dùng. Ví dụ: ETH Lend, Term Finance,…
Bản chất Morpho Optimizer là một lớp cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer) được xây dựng dựa trên giao thức Aave, Compound để tận dụng thanh khoản từ lớp cơ sở. Do đó, khi người dùng sử dụng sản phẩm, họ được ưu tiên tìm thấy nhau để khớp lệnh vay và cho vay Peer-to-Peer. Nếu không có thanh khoản để khớp hoặc lệnh chỉ được khớp một phần thì thanh khoản thừa ra sẽ được chuyển đến giao thức Aave hoặc Compound. Và Morpho sẽ rút thanh khoản từ Aave hoặc Compound để khớp với lệnh mới được đặt Morpho Optimizer nếu phù hợp.
Với mô hình trên, người vay và người cho vay dễ dàng tìm thấy nhau để khớp Peer-to-Peer và hưởng được mức lãi suất tốt nhất cho cả 2. Và phần thanh khoản không thể khớp sẽ được chuyển đến Aave hoặc Compound để thực hiện như bình thường.
Hạn chế lớn nhất của mô hình này chính là phí cao do phải thực hiện nhiều hành động và phụ thuộc vào lớp thanh khoản bên dưới là Aave, Compound. Ngoài ra, Morpho Optimizer cũng gặp rào cản lớn trong việc mở rộng sản phẩm này sang các chuỗi khác do quá phức tạp.
4.2 Morpho Blue
Morpho Blue là sản phẩm ra mắt vào đầu năm 2024 với tầm nhìn tạo ra sự linh hoạt cho thị trường Lending. Sản phẩm được xây dựng từ 600 dòng mã code với bản gốc được phát triển trên Ethereum, sắp tới dự kiến hỗ trợ Layer 2 Base cũng như nhiều chuỗi EVM khác.
Phiên bản này là một thị trường Lending mở và linh hoạt nhất ở thời điểm hiện tại. Cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo Pool cho vay với khả năng tùy chỉnh các thông số tùy ý như: tài sản thế chấp, tài sản vay, tỉ lệ thế chấp, Oracle,…
Ví dụ về trường hợp sử dụng của Morpho Blue:
- Ban A sở hữu rất nhiều sUSDe, bạn ấy có thể tạo Pool cho vay sUSDe với tài sản thế chấp là DAI và sau đó bạn A gửi sUSDe của mình vào Pool nhờ đó người khác có thể thế chấp DAI để vay sUSDe từ Pool hoặc cho vay sUSDe.
- Bạn B đang có nhiều stETH và tạo Pool cho vay stETH với tài sản thế chấp là USDT, USDC. Sau đó bạn B gửi stETH của mình vào Pool để cho vay, nhờ đó người dùng cũng có thể thế chấp USDT hoặc USDC để vay stETH hay cho vay stETH.
Với sản phẩm trên, người dùng có thể tự do tạo Pool cho vay với các thông số tùy chỉnh rất linh hoạt, phù hợp với từng khẩu vị khác nhau của người dùng. Qua đó, các dự án cũng dễ dàng thực hiện các chiến lược liên quan đến định hướng của dự án, điển hình như Spark (dự án con của MakerDAO) đã tạo Pool cho vay 300 triệu DAI với tài sản thế chấp là USDe và sUSDe để tăng khả năng tiếp cận DAI cho những người nắm giữ Stablecoin của dự án Ethena.
Tuy nhiên, Morpho Blue gay ra nhiều phức tạp cho người dùng cuối và phân mảnh thanh khoản do có quá nhiều thị trường nhỏ lẻ được tạo ra với các nhu cầu riêng. Nhưng nó sẽ được giải quyết bởi sản phẩm MetaMorpho được mô tả dưới đây.
4.3 MetaMorpho
MetaMorpho là sản phẩm ra đời để hỗ trợ và khắc phục những hạn chế của Morpho Blue. Cụ thể là tạo ra Vault với một tài sản vay và nhiều tài sản thế chấp được quản lý bởi các nhà phân tích rủi ro. Các Vault này sẽ được tạo và hoạt động dựa trên các Pool Lending của Morpho Blue.
Do đó, MetaMorpho giúp đơn giản hóa các thao tác cho người dùng cuối và thanh khoản được phân bổ đến các Pool thích hợp nhất nhờ các nhà quản lý phân tích rủi ro.
Cả 3 sản phẩm trên đều đang hoạt động rất tốt và chúng được quản lý bởi hiệp hội Morpho. Sắp tới, khi dự án chuyển sang phi tập trung hóa hoàn toàn thì DAO sẽ trực tiếp quản lý mọi hoạt động của Morpho Protocol. Với Morpho Optimizer sẽ hoạt động riêng biệt và không mở rộng, còn Morpho Blue và MetaMorpho sẽ được tập trung phát triển cũng như mở rộng trên nhiều chuỗi khác.
5. Tokenomics
Morpho Protocol ra mắt mainnet vào tháng 8 năm 2022 và đã phát hành mã thông báo quản trị là MORPHO. Tuy nhiên, bạn chỉ có thể kiếm được MORPHO khi vay hoặc cho vay trên giao thức. Và người nắm giữ Token MORPHO chỉ có thể tham gia quản trị, ngoài ra chưa thể di chuyển Token cũng như mua bán trên thị trường.
6. Lộ trình phát triển
Morpho không có lộ trình phát triển cụ thể mà dự án tự nghiên cứu thị trường và xây dựng rồi thông báo cho cộng đồng. Tuy nhiên cho đến hiện tại thường dường như dự án đã có đầy các sản phẩm và độ linh hoạt để phục vụ người dùng.
Trong thời gian tới họ sẽ tập trung vào việc phân quyền hoàn toàn dự án, tức là cho niêm yết mã thông báo MORPHO trên các sàn giao dịch. Bên cạnh đó, đội tiếp tục mở rộng thị trường trên nhiều chuỗi, quan hệ đối tác và hỗ trợ các dự án liên kết với sản phẩm của Morpho.
7. Tiềm năng và rủi ro của Morpho Protocol là gì?
7.1 Tiềm năng
Bộ 3 sản phẩm của Morpho Protocol mang lại thị trường cho vay linh hoạt và tối ưu nhất. Nó còn được định vị để trở thành lớp thanh khoản để các dự án khác xây dựng phía trên như AMM, Lending, Perp DEX,…
Với những điểm nổi bật này Morpho đang thuộc top 4 giao thức Lending lớn nhất trên Ethereum và có thể cạnh tranh với mô hình Lending có từ lâu đời của Aave và Compound.
7.2 Rủi ro
Hầu hết 3 sản phẩm của Morpho Protocol sẽ không được nâng cấp trong tương lai. Nó gây ra một rủi ro là khó bắt kịp các công nghệ và xu hướng mới trong tương lai.
8. Kênh thông tin của Morpho Protocol
9. Tổng kết
Morpho Protocol là một giao thức sinh sau đẻ muộn nhưng liên tục cải tiến các sản phẩm mang lại sự tối ưu và linh hoạt trong thị trường Lending. Nó có khả năng cạnh tranh trực tiếp với giao thức hàng đầu như Aave, Compound vốn đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, Morpho gặp hạn chế khi không thể nâng cấp trong tương lai và chưa tiếp cận được nhiều khách hàng.
Đọc thêm: Pendle là gì? Thị trường giao dịch lợi nhuận hàng đầu Crypto
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!