1. Tổng quan về TOP 4 Layer 2 Ethereum

“Tứ Trụ Layer 2” hay TOP 4 Layer 2 Ethereum là tên gọi ám chỉ 4 blockchain cạnh tranh trực tiếp với nhau trong lĩnh vực Layer 2 giúp mở rộng mạng lưới Ethereum gồm Arbitrum, Optimism, ZKsync và StarkNet. Cuộc chiến này chính thức nổ ra vào năm 2021, là thời điểm mà các dự án ra mắt chuỗi Mainnet (ngoại trừ StarkNet). Cho đến hiện tại thì cả 4 dự án đã hoàn thiện sản phẩm cũng như ra mắt token, chính thức bước vào giai đoạn gay cấn nhất của cuộc chiến. 

Có rất nhiều dự án xây dựng Layer 2 Ethereum như Base, Taiko, Scroll, Linea, MegaETH,… nhưng chúng vẫn có nhiều điểm chưa thỏa mãn tiêu chí so sánh nên 5Money chưa nhắc đến trong bài viết này nhé!

Ngoài ra, tiềm lực của Polygon có thể so sánh hay thậm chí là vượt trội hơn “Tứ Trụ Layer 2” được đề cập ở trên. Nhưng dự án đang phát triển cả Layer 1 Polygon PoS và Layer 2 Polygon zkEVM nên sẽ không được đề cập trong bài viết này do không hoàn toàn tập trung vào giải pháp mở rộng trên Ethereum. 

2. So sánh các Layer 2 Ethereum

2.1 Công nghệ 

Tất cả 4 dự án đều là Layer 2 sử dụng giải pháp mở rộng Rollup, tức là gộp nhiều giao dịch lại thành một khối và gửi nó đến Ethereum để xác thực. Bạn có thể hiểu quá trình này như việc gói nhiều đơn hàng nhỏ thành một đơn hàng lớn, sau đó gửi chúng đi một lần để tiết kiệm chi phí.

Công nghệ mở rộng Rollup được chia thành 2 loại gồm Optimistic và Zero-Knowledge. Mỗi loại sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau, phù hợp với mục đích và tầm nhìn riêng của dự án.  

Arbitrum và Optimism chọn phát triển Layer 2 sử dụng công nghệ Optimistic, nghĩa là mọi giao dịch từ Layer 2 gửi đến Ethereum sẽ được xem là hợp lệ trừ khi có ai đó chứng minh được chúng sai trong khoảng thời gian chờ xác định. Còn StarkNet và ZKsync sử dụng công nghệ Zero-Knowledge, nôm na nó sử dụng thuật toán để tạo bằng chứng xác minh cho các giao dịch từ Layer 2 gửi đến Ethereum. 

Việc sử dụng công nghệ Optimistic giúp Arbitrum hay Optimism mang lại mức phí giao dịch rẻ, công nghệ dễ xây dựng tuy nhiên mất nhiều thời gian để rút tiền ra khỏi chuỗi và bảo mật không cao so với công nghệ Zero-Knowledge. Còn Layer 2 như ZKsync hay StarkNet sử dụng Zero-Knowledge thì sẽ mang lại khả năng rút tiền ra khỏi chuỗi nhanh chóng với độ bảo mật cao, tuy nhiên phí giao dịch sẽ cao hơn và mất nhiều thời gian xây dựng hơn so với Optimistic. 

Đánh giá bảo mật của các chuỗi dựa vào L2beat: 

Đánh giá độ bảo mật của các Layer 2 Ethereum
Đánh giá độ bảo mật của các Layer 2 Ethereum
  • StarkNet: Có độ bảo mật cao nhất với công nghệ zk và cho phép rút tiền tức ngay lập tức. 
  • ZKsync: Có độ bảo mật xếp thứ 2 do sử dụng công nghệ ZK nhưng còn bị kiểm soát bởi MultiSig, trì hoãn việc rút tiền trong 21h. 
  • Optimism: Có độ bảo mật xếp thứ 3, sử dụng công nghệ với việc rút tiền mất khoảng 3 ngày nhanh hơn Arbitrum nhờ có hệ thống chứng minh được giám sát bởi một nhóm kỹ sư bảo mật độc lập do chính dự án xây dựng. 
  • Arbitrum: Xếp cuối cùng về độ bảo mật trong bộ Tứ, tuy hệ thống chứng minh Fraud Proof đã hoàn thiện nhưng còn phải mất hơn 6 ngày để rút tiền, đồng nghĩa với việc mất quá lâu để xác thực giao dịch. 

Tổng kết: 

Về công nghệ thì Zero-Knowledge (ZK) của StarkNet và ZKsync sử dụng được đánh giá cao hơn so với Fraud Proof mà Arbitrum và Optimism sử dụng. Nhờ vào khả năng chứng minh giao dịch với độ bảo mật cao ngay lập tức của công nghệ ZK.

Nhìn chung các dự án vẫn cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện công nghệ. Tuy hiện tại các Layer 2 đã giúp giảm đáng kể phí giao dịch so với Ethereum nhưng tốc độ giao dịch cũng chỉ xấp xỉ Ethereum là từ 10 đến 20 giao dịch mỗi giây, chưa đạt vài nghìn giao dịch như tầm nhìn đặt ra từ trước.

2.2 Hệ sinh thái 

Thống kê giá trị tài sản trên các chuỗi Layer 2 
Thống kê giá trị tài sản trên các Layer 2 Ethreum

Arbitrum 

Arbitrum là hệ sinh thái lớn nhất trong các Layer 2 Ethereum với lượng tài sản trị giá hơn 17 tỷ USD tồn tại trên chuỗi, trong đó TVL mảng DeFi đạt gần 2.9 tỷ USD, cùng hơn 33 triệu địa chỉ ví được tạo trên chuỗi với khoảng 780 nghìn địa chỉ hoạt động mỗi ngày. 

Thống kê về TVL, dApp trong DeFi và số địa chỉ active trên chuỗi Arbitrum
Thống kê về TVL, dApp trong DeFi và số địa chỉ active trên chuỗi Arbitrum

Về TVL thì Arbitrum có 2 đợt tăng trưởng mạnh vào giai đoạn nửa cuối năm 2021 (hưởng ứng uptrend) và giai đoạn cuối năm 2022 cho đến nay. Lúc đạt đỉnh cao nhất là vào tháng 3 năm 2024, chạm mốc 3.2 tỷ USD. Sự tăng trưởng của TVL hệ sinh thái Arbitrum bị ảnh hưởng lớn bởi thị trường chung. 

TVL Arbitrum
TVL Arbitrum

Bên cạnh đó, hệ sinh thái Arbitrum có hơn 1 nghìn dApps xây dựng và phát triển. Nổi bật nhất là các dự án DeFi với khoảng 650 dApps hoạt động trong các ngách như DEX, Lending, CDP, Stablecoin, Derivatives, Farming, Yield, Liquidity Manager,… 

Một trong những điểm khiến Arbitrum trở thành điểm đến của rất nhiều dự án là vì hệ sinh thái này không yêu cầu các nhà phát triển phải xác minh danh tính, bất kỳ ai cũng có thể đến và xây dựng dự án mà không cần KYC.

Hiện tại, Arbitrum đã trở thành một thế lực lớn trong thị trường với mũi nhọn là hệ sinh thái DeFi. Nơi góp mặt của các dự án đa chuỗi đình đám như Uniswap, Aave, Pendle, Renzo, Curve, Beefy, Balancer, Compound,… Ngoài ra, một số dự án ban đầu được xây dựng trên Arbitrum sau đó thành công và mở rộng sang chuỗi khác như GMX, Camelot, Vertex, Silo, Radiant, Mux Protocol,… 

Optimism 

Optimism hay OP Mainnet là hệ sinh thái đang xếp vị trí thứ 2 trong “Tứ Trụ Layer 2” với lượng tài sản trị giá gần 6.5 tỷ USD trên chuỗi. TVL đạt gần 700 triệu USD, với gần 148 triệu địa chỉ ví được tạo trên chuỗi nhưng chỉ có khoảng 130 nghìn địa chỉ hoạt động mỗi ngày. 

Thống kê về TVL, dApp trong DeFi và số địa chỉ active trên chuỗi Optimism
Thống kê về TVL, dApp trong DeFi và số địa chỉ active trên chuỗi Optimism

Về TVL thì Optimism có sự tăng trưởng đột phá vào nửa cuối năm 2022, đỉnh điểm đạt được mốc 1.1 tỷ USD. Có được sự tăng trưởng lớn này là nhờ việc ra mắt Token OP và các chương trình Incentives của hệ sinh thái để thu hút người dùng. Kể từ đợt tăng trưởng năm 2022 ấy cho đến nay thì TVL vẫn duy trì trong vùng 500 triệu đến 1 tỷ USD cho dù thị trường có biến động hay ổn định. Điều này cho thấy TVL của Optimism ít phụ thuộc vào thị trường chung hơn Arbitrum. 

TVL Optimism 
TVL Optimism 

Có hơn 300 dự án đang xây dựng và phát triển trên chuỗi Optimism thuộc các mảng như DeFi, NFT, Bridge, Wallet, On-Ramp, Infras, DAO,… Tuy DeFi cũng là mảnh ghép phát triển nhất trên Layer 2 này nhưng nó không quá nổi bật so với thị trường chung.

Riêng DeFi đã có hơn 240 dApps phần lớn là các dự án đa chuỗi như Aave, Uniswap, Stargate, Beefy, Aura,… Trong đó, có một số dự án chú trọng vào chuỗi Optimism và có được vị thế nhất định trên hệ sinh thái như Synthetix, Velodrome và Extra Finance. 

ZKsync 

ZKsync xây dựng hai chuỗi Layer 2 gồm zkLite và ZKsync Era, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại zkLite gần như không còn hoạt động nên chúng ta chỉ đề cập đến hệ sinh thái ZKsync Era. 

ZKsync Era là hệ sinh thái xếp thứ 3 trong 4 dự án được đề cập trong bài viết này, với 9.5 triệu địa chỉ ví được tạo và có lượng tài sản trị giá 1.3 tỷ USD tồn tài trên chuỗi nhưng chỉ có khoảng 124 triệu USD được đổ vào các dApp DeFi. 

Thống kê về TVL, dApp trong DeFi trên chuỗi ZKsync Era
Thống kê về TVL, dApp trong DeFi trên chuỗi ZKsync Era

Về TVL, kể từ khi ra mắt vào tháng 03/2023 cho đến nay thì ZKsync Era chỉ có một đợt tăng trưởng trong 4 tháng đầu tiên ra mắt và đỉnh điểm cũng chỉ đạt được mốc gần 200 triệu USD. Sau đợt tăng trưởng này thì TVL của Layer 2 chỉ biến động quanh mức thấp từ 100 triệu đến 200 triệu USD. Điều này cho thấy hệ sinh thái ZKsync Era rất kém sức hút và không sôi động như Arbitrum hay Optimism. 

TVL ZKsync Era 
TVL ZKsync Era 

Hệ sinh thái ZKsync Era có hơn 400 dự án đang xây dựng và phát triển, trong đó có 114 dApps thuộc mảng DeFi. Tuy nhiên, DeFi trên chuỗi này cũng không được đánh giá cao vì TVL thấp và phân hóa không đồng đều khi chỉ riêng mảng DEX chiếm gần 80% thị phần với các dự án như SyncSwap, Koi Finance, zkSwap Finance, Uniswap, Pancakeswap, Maverick Protocol,… 

StarkNet 

StarkNet là hệ sinh thái xếp cuối trong “Tứ Trụ Layer 2” với hơn 750 triệu USD giá trị tài sản trên chuỗi, trong đó có khoảng 226 triệu USD được đổ vào các dApp DeFi. Bên cạnh còn có hơn 4.6 triệu địa chỉ ví được tạo trên chuỗi StarkNet với khoảng 15 nghìn địa chỉ hoạt động mỗi ngày. 

Thống kê về TVL, dApp trong DeFi trên chuỗi StarkNet 
Thống kê về TVL, dApp trong DeFi trên chuỗi StarkNet 

Về TVL, StarkNet có đợt tăng trưởng mạnh vào khoảng đầu năm 2024 nhờ thực hiện bản nâng cấp v0.13 giúp mạng lưới hoạt động hiệu suất hơn và đặc biệt là thời điểm trình làng Token STRK. Sau khi ra mắt Token, TVL DeFi của StarkNet đã đạt đỉnh vào tháng 4 năm 2024 với mốc 335 triệu USD và dao động trong vùng từ 200 triệu đến 300 triệu USD cho đến nay. 

Hệ sinh thái StarkNet có hơn 170 dự án phát triển trong các lĩnh vực như DeFi, Bridge, DAO, GameFi, Infras, NFT, Payment, Wallet, Tool, Mobile,… Trong đó có khoản 26 dự án đã mainnet thuộc mảng DeFi, con số rất khiêm tốn. Sự kém phát triển của DeFi trên Layer 2 này là do chuỗi không tương thích EVM nên chỉ có các dự án native được code bằng ngôn ngữ Cairo hoạt động.  

Tổng kết: Trong “Tứ Trụ Layer 2” thì Arbitrum là hệ sinh thái sôi động nhất với hàng nghìn dự án hoạt động và hơn 17 tỷ USD giá trị tài sản trên chuỗi. Xếp sau đó là Optimism với hệ sinh thái cũng tương đối tốt với khoảng 300 dự án và lượng tài sản trị giá gần 6.5 tỷ USD trên chuỗi. Còn Zksync và StarkNet là 2 hệ sinh thái còn yếu kém do phần lớn nguồn lực trước đây dành để phát triển công nghệ cốt lõi.  

2.3 Đội ngũ phát triển và nhà đầu tư 

Arbitrum 

Arbitrum là nền tảng Layer 2 được phát triển bởi Offchain Labs và Arbitrum Foundation. Đội ngũ sáng lập có trình độ cao với hầu hết là Tiến sĩ Khoa học máy tính nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, khi chỉ làm thực tập sinh tại một số công ty lớn như Google, Apple, Microsoft. Riêng có Ed Felten là người dày dặn kinh nghiệm nhất, từng làm việc tại FTC (Ủy Ban Thương Mại Liên Bang Mỹ) với vai trò Kỹ sư trưởng và Phó giám đốc công nghệ.

Core Team Arbitrum
Core Team Arbitrum

Đội ngũ ngũ nhân viên rất hùng hậu, phần lớn đều tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ với các chuyên ngành Kinh tế, Kỹ thuật và Luật. Họ có kinh nghiệm làm việc trong nhiều công ty lớn như Binance, Adobe, Circle, Logo JPMorgan Chase, Messari,… Nổi bật nhất là Aditya Asgaonkar đã có khoảng 5 năm làm Blockchain Researcher cho Ethereum Foundation và James He là Ethereum Core Dev thuộc nhóm Prysmatic Labs được mua lại bởi Offchain Labs. 

Về phía nhà đầu tư thì Arbitrum đã huy động được 123.7 triệu USD qua 3 vòng gọi vốn với sự tham gia của các quỹ Polychain Capital, Mark Cuban, Lightspeed Venture, Pantera Capital, eGirl Capital, Manifold Trading,… Trong đó Lightspeed Venture dẫn đầu tới 2 vòng Series A và Series B và Pantera Capital dẫn đầu vòng Seed. 

Optimism 

Đội ngũ sáng lập Optimism gồm các thành viên đều tốt nghiệp Cử nhân với chuyên môn Khoa học máy tính, Vật lý và Toán học, Khoa học thần kinh. Trong đó, Mark Tyneway từng làm Phó giám đốc kỹ thuật cho London Trust Media, Benjamin Jones và Jing Wang từng sáng lập cũng như điều hành Plasma Group trước khi cùng nhau tạo nên Optimism. Bên cạnh đó, dự án còn có Karl Floersch là Giám đốc điều hành có nhiều năm làm kỹ sư tại ConsenSys và Research tại Ethereum Foundation. 

Core Team Optimism
Core Team Optimism

Nguồn lực phát triển Optimism rất hùng hậu với hàng trăm nhân viên đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đều là những người có bằng Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ tại nhiều ngôi trường danh giá như Harvard University, University of California, Stanford University,… Bên cạnh đó, Optimism có đủ nhân sự có kinh nghiệm trong các lĩnh vực kỹ thuật, luật, kinh tế nhờ làm việc tại một số công ty truyền thống như Meta, Cloudflare, Amazon, Google, Twitter,… và công ty trong Crypto như Polygon, Mina, a16z, OpenSea, Coinbase,… 

Ngoài ra, Optimism còn huy động được 178.5 triệu USD qua 3 vòng Seed, Series A và Series B từ Paradigm, A16z và IDEO Colab. Sau khi ra mắt Token, dự án tiếp tục bán 2 vòng OTC thu được hơn 250 triệu USD. 

ZKsync 

Core Team zkSync
Core Team zkSync

ZKsync được xây dựng và phát triển bởi đội ngũ Matter Labs, gồm 2 thành viên sáng lập là Alex Gluchowski – Thạc sĩ Khoa học máy tính từng khởi nghiệp một số công ty ở Châu Âu và nghiên cứu về Ethereum, Alexandr Vlasov là Tiến sĩ chuyên ngành kỹ thuật điện từng làm nhà nghiên cứu tại BANKEX Foundation. Bên cạnh đó, ban điều hành dự án còn có Anthony Rose là Tiến sĩ Vật lý, Nana Murugesan và Zoé Gadsden là Thạc sĩ Kinh tế. Họ từng làm việc cho Uber, SpaceX, Samsung, Coinbase, UBS Investment Bank,…

Ngoài ra, ZKsync còn huy động được 458 triệu USD qua 4 vòng gọi vốn. Trong đó, có 258 triệu USD tài trợ từ các quỹ như DragonFly Capital, Blockchain Capital, A16z, Lightspeed Venture, Variant, 1kx, Consensys,… Và 200 triệu USD còn lại là từ BitDAO đầu tư vào việc phát triển hệ sinh thái ZKsync. 

StarkNet 

StarkNet được xây dựng và phát triển bởi StarkWare và StarkNet Foundation. Các nhà sáng lập gồm Eli Ben-Sasson, Uri Kolodny, Michael Riabzev, Alessandro Chiesa đều tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học máy tính ngoại trừ Uri Kolodny vẫn là Cử nhân. Riêng Alessandro Chiesa đã lên Phó giáo sư và Eli Ben-Sasson là Giáo sư đồng thời là nhà sáng lập Zcash. 

Core Team StarkNet (nguồn: CoinEx)
Core Team StarkNet (nguồn: CoinEx)

Bên cạnh đó, Uri Kolodny có kinh nghiệm khởi nghiệp các công ty như OmniGuide, Timna, Mondria Technologies. Và Michael Riabzev có kinh nghiệm nhiều năm làm Kỹ sư cho cơ quan tình báo Israel, Intel Corporation, IBM cũng như tham gia nghiên cứu công nghệ Blockchain tại Viện Công nghệ Israel. 

Ngoài ra, StarkNet còn huy động được hơn 280 triệu USD qua 6 vòng gọi vốn từ các nhà đầu tư như Paradigm, Vitalik Buterin, Polychain Capital, Pantera Capital, ConsenSys, Sequoia Capital, Coinbase Ventures, Multicoin Capital, IOSG Ventures,… Đặc biệt là dự án nhận được khoản tài trợ 12 triệu USD từ Ethereum Foundation để thực hiện việc nghiên cứu và phát triển công nghệ zk. 

Tổng kết: 

Các dự án đều được phát triển bởi đội ngũ đông đảo gồm những người có năng lực và kinh nghiệm làm việc với chuyên môn cao. Trong đó, đội phát triển StarkNet có chuyên môn phát triển công nghệ tốt nhất so với đội Arbitrum và zkSync, còn đội Optimism thì tỏ ra có phần yếu hơn đôi chút về năng lực phát triển công nghệ tuy nhiên họ lại có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh hơn khi từng làm việc ở thị trường truyền thống như Amazon, Google, Twitter,… 

Về huy động vốn thì ZKsync và Optimism nổi bật hơn khi gọi được trên 400 triệu USD dành để phát triển công nghệ cũng như hệ sinh thái. Còn StarkNet thì gọi được 280 triệu USD, lớn hơn so với 124 triệu USD của Arbitrum.

2.4 Chính sách thu hút developer

Trong hai cái tên ra đời trước là Arbitrum và Optimism, thì Arbitrum đang làm tốt hơn về việc thu hút nhà phát triển khi không bắt buộc đội ngũ các dự án thực hiện KYC (xác minh danh tính). Điều này phù hợp với nhu cầu ẩn danh của các nhà phát triển, nhờ đó mà rất nhiều dev xây dựng DeFi trên Ethereum đã chuyển sang Arbitrum như đội của GMX, Dopex, JonesDAO, Plutus,… Ngược lại, Optimism buộc các dev phải KYC để xây dựng dApp trên hệ sinh thái nên có ít dev tham gia nhưng dự án lại chất và ít scam hơn. 

Còn 2 dự án là ZKsync và StarkNet đang tỏ ra kém thu hút developer vì hệ sinh thái hiện tại vẫn khá nghèo nàn, ít dòng tiền và người dùng nên không phải là điểm đến lý tưởng của các nhà phát triển. Đặc biệt là StarkNet khi phải phải mất rất nhiều thời gian để phổ cập ngôn ngữ lập trình Cairo đến cộng đồng developers.

2.5 Tầm nhìn về khả năng mở rộng trên Ethereum

Arbitrum 

Ban đầu Arbitrum cung cấp bộ công cụ Orbit Stack để xây dựng các chuỗi Layer 3 dựa trên Layer 2 Arbitrum được gọi là Orbit Chain. Nhưng do nhu cầu của thị trường nên đội ngũ Arbitrum đã nâng cấp bộ công cụ này lên để hỗ trợ xây dựng cả Layer 2, Layer 3 trên bất kỳ Blockchain nào. 

Với Orbit Stack thì nhà phát triển có thể tạo chuỗi Orbit chỉ bằng vài cú Click chuột mà không cần trình độ về code. Bên cạnh đó nhà phát triển có quyền tinh chỉnh quyền riêng tư, Token trả phí gas, lớp DA, lớp Sequencer,… tùy vào nhu cầu.

Cũng nhờ độ thân thiện của bộ công cụ này mà đang có 22 chuỗi DeFi, 17 chuỗi Gaming, 5 chuỗi NFT sử dụng Orbit Stack. 

Orbit Chain Ecosystem
Orbit Chain Ecosystem
  • DeFi Chains: Degen, Deri, Dodo, Injective inEVM, Kinto, Syndr, Parallel Network, Kartel,… 
  • Gaming Chains: Ape, Xai, Treasure, Hytopia, Pmon, Avive World, Fiefdom, Orb3Tech,…  
  • NFT Chains: AlienX, AnimeChain, Rari, Song Protocol, Hook,… 

Optimism 

Optimism với tầm nhìn Superchain cung cấp bộ công cụ OP Stack giúp các dự án xây dựng các Layer 2, Layer 3 được gọi là OP Chain trên bất kỳ một Blockchain nào khác. Nhà phát triển cũng có thể tùy ý sử các kỳ công nghệ mở rộng như Optimistic Rollup, ZK Rollup,… để áp dụng cho chuỗi của mình.

Các đối tác sử dụng OP Stack đều là các tên tuổi lớn trên thị trường như Base, Blast, Mode Network, Fraxtal, Zora Network, Cyper, Kroma, Redstone, Ancient 8, World Chain, Aevo, Lyra, opBNB, BoB (Build On Bitcoin), DeBank Chain, Zircuit,… 

Superchain Ecosystem
Superchain Ecosystem

ZKsync 

ZKsync cung cấp bộ công cụ ZK Stack được dùng để xây dựng các Layer 2, Layer 3 được gọi là Hyperchain hay ZK Chain. Các chuỗi chỉ có thể sử dụng công nghệ của Zksync Era và không thể tách khỏi Ethereum (tức là Layer 2 chỉ được xây trên Ethereum và Layer 3 xây trên Hyperchain khác). 

Các chuỗi này có thể thay đổi vị trí, cụ thể một Layer 2 có thể chuyển thành Layer 3 và ngược lại. Chúng được kết nối với nhau qua Hyperbridge giúp việc giao tiếp và chuyển tài sản giữa các Hyperchain trở nên liền mạch. 

Một số dự án sử dụng bộ công cụ ZK Stack như GRTV (Derivatives), Sophon (Modular Blockchain được phát triển bởi đội ngũ ZKsync huy động thành công 70 triệu USD), Tevaera (Gaming),… 

StarkNet 

StarkNet Stack là bộ công cụ được phát triển để hỗ trợ xây dựng các Appchains, ban đầu chúng là Layer 2 nhưng trong tương lai sẽ cùng các Layer 2 sử dụng StarkEx như Immutable, Rhino, Apex, Myria, TanX, Sorare,… chuyển thành Layer 3 chạy trên StarkNet. 

StarkEx Ecosystem
StarkEx Ecosystem

Các Appchains sử dụng StarkNet Stack sẽ thừa hưởng công nghệ của StarkNet và được code bằng ngôn ngữ lập trình Cairo. Bên cạnh đó, nhà phát triển có thể tùy chọn chuỗi tương thích với EVM hoặc không. 

Sử dụng StarkNet Stack gồm dự án Paradex và Rabbithole là sàn giao dịch hợp đồng tương lai vĩnh cửu phi tập trung (perp DEX) dựa trên orderbook. 

Tổng kết: 

Trong các bộ công cụ giúp tăng tính mở rộng cho Ethereum thì OP Stack của Optimism là toàn diện nhất khi cho phép xây dựng chuỗi Rollup trên bất kỳ Blockchain nào. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về độ thân thiện thì Arbitrum lại đứng đầu, nhà phát triển chỉ cần vài thao tác đơn giản là có thể tạo chuỗi Orbit.

Cũng dễ hiểu khi Superchain và Orbit Chain đang là 2 hệ sinh thái sôi động nhất với khoảng 50 chuỗi đang phát triển. Riêng Superchain của Optimism được cộng đồng đặc biệt chú ý khi là điểm đến của nhiều cái tên lớn như Base, Mode, Zora, Fraxtal, World, Aevo, Blast,… 

Còn hệ sinh thái Hyperchain của ZKsync và Appchain của Starknet thì kém phát triển, chỉ vài dự án đang được xây dựng. Nhưng trong tương lai hệ sinh thái Appchains của StarkNet sẽ trở nên nhộn nhịp hơn khi các Layer 2 trên StarkEx thực hiện việc chuyển đổi thành Layer 3 với những các cái tên đáng chú ý như ImmutableX, Rhino, Apex,… 

2.6 Định giá dự án 

ArbitrumOptimism ZKsync StarkNet 
Marketcap $2.67B$2B$590M$930M
FDV$8.28B$7.7B$3.36B$7.15B
Bảng thống kê được lấy số liệu vào ngày 27 tháng 06 năm 2024

Dựa theo bảng thống kê trên, chúng ta thấy được định giá của Arbitrum là cao nhất trong “Tứ Trụ Layer 2”, xứng đáng với vị thế Layer 2 có TVL lớn nhất thị trường. Bên cạnh đó, Optimism và StarkNet cũng có mức định giá cao với hơn 7 tỷ USD, không thua kém Arbitrum nhiều. Tuy nhiên hệ sinh thái StarkNet đang rất kém phát triển, có lẽ định giá này là sự kỳ vọng vào công nghệ cốt lõi của dự án đang phát triển sẽ được áp dụng rộng rãi trong tương lai. Còn lại, ZKsync có mức định giá 3.36 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với Arbitrum, Optimsm và StarkNet. Điều này có lẽ do sự kém hấp dẫn của hệ sinh thái ZKsync và cộng đồng mất niềm tin vào dự án với những ồn ào về Airdrop cũng như bản quyền tên mã Token. 

3. Dự phóng về TOP 4 Layer 2 Ethereum trong tương lai

Tóm gọn lại về TOP 4 Layer 2 Ethereum chúng ta có thể thấy: 

  • Về hệ sinh thái: Arbitrum là Layer 2 đang có hệ sinh thái phát triển nhất, đặc biệt là mảng DeFi. Do đó, hệ sinh thái đã thu hút lượng lớn các dApps dịch chuyển sang để tiếp cận nguồn thanh khoản dồi dào lên đến 17 tỷ USD cũng như lượng người dùng sẵn có trên Arbitrum. Tuy nhiên, gần đây DeFi trên Arbitrum cũng đang có dấu hiệu chững lại và không có nhiều dự án mới hấp dẫn người dùng.
  • Về công nghệ: StarkNet và ZKsync được đánh giá cao về công nghệ vì đang sử dụng Zero-Knowledge giúp Ethereum xác thực các lô giao dịch nhanh chóng với độ bảo mật cao. Tuy nhiên về lâu dài, cả Arbitrum và Optimism cũng sẽ áp dụng công nghệ ZK vào chuỗi để tăng cường bảo mật.
  • Về đội ngũ: StarkNet có đội ngũ mạnh nhất về việc phát triển công nghệ cốt lõi với các giáo sư và phó giáo sư có nhiều năm thực hiện nghiên cứu Blockchain. Optimism có đội ngũ không quá nổi bật về kỹ thuật nhưng lại đứng đầu về phát triển kinh doanh. Còn đội ngũ của ZKsync và Arbitrum thì khá toàn diện, tuy Arbitrum được sáng lập nên bởi các tiến sĩ có chuyên môn công nghệ rất cao nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Crypto.
  • Về tầm nhìn: Optimism là dự án có bộ công cụ mang lại khả năng mở rộng tốt nhất để xây dựng các chuỗi Layer 2, Layer 3 trên Ethereum. Và hệ sinh thái Superchain của Optimism cũng đang lớn nhất với các cái tên thuộc top thị trường như Base, Blast,… Bên cạnh đó thì bộ công cụ Orbit Stack của Arbitrum lại nổi bật vì sự thân thiện với nhà phát triển, bất kỳ ai kể cả người không giỏi code cũng có thể tạo chuỗi dựa trên những công cụ sẵn có. 

Và trong tương lai, các chuỗi sẽ tiếp tục phát triển, cạnh tranh với nhau theo các hướng riêng: 

  • Arbitrum: Dự án sẽ tiếp tục là nên đáng để các dApp DeFi phát triển với vị thế và tiềm lực sẵn có, giúp phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái DeFi trên chuỗi này. Bên cạnh đó thì Arbitrum đang giành nhiều nguồn lực để xây dựng hệ sinh thái Orbit Chain, quân bài quyết định đến vị thế của dự án trong các chu kỳ tới. 
  • Optimism: Hệ sinh thái của Optimism gần đây không có sự phát triển rõ ràng nhưng Superchain thì cho thấy một bộ mặt khác, không ngừng tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng của các chuỗi tham gia. Superchain đang là hệ sinh thái mở rộng lớn nhất trên Ethereum, được Optimism chú trọng phát triển vì nó quyết định đến quy mô của dự án sau này. 
  • ZKsync: Dự án đang có vị thế rất thấp do hệ sinh thái không triển và chưa có gì nổi bật ngoài hứa hẹn về công nghệ tương lai. Tuy nhiên, ZKsync cũng gấp rút chuẩn bị cho ra mắt zkPorter để tăng khả năng mở rộng cho hệ sinh thái Hyperchain, chưa kể đội ngũ ZKsync còn phát triển chuỗi Sophon là một Mudular Blockchain để tăng cường sức mạnh cho hệ sinh thái Hyperchain. 
  • StarkNet: Dự án sẽ tiếp tục phát triển công nghệ cốt lõi để mang lại độ bảo cao nhất với khả năng mở rộng vô hạn nhằm hướng đến thị trường mass adoption. Bên cạnh đó, tương lai thì hệ sinh thái Appchains của StarkNet sẽ sáng sủa hơn khi dự án thực hiện được việc đưa các Layer 2 trên StarkEx thành Appchains Layer 3 trên StarkNet. 

Qua đó, mỗi dự án sẽ tiếp tục phát triển để giành lấy ngôi vương trên Ethereum, đặc biệt là chú trọng vào tầm nhìn mở rộng và nâng cấp công nghệ cốt lõi để phù hợp với xu hướng cũng như nhu cầu thị trường. 

Việc phát triển của tứ trụ này cũng theo đó mà thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm khác, ví dụ như Omni Network được thiết kế để kết nối các rollup của Ethereum hay AltLayer, một dự án thuộc mảng RaaS (Rollup-as-a-Service) cung cấp cơ sở hạ tầng để xây dựng các chuỗi Rollup,..

Mỗi dự án đều có một thế mạnh riêng nên việc lựa chọn đầu tư cũng tùy vào khẩu vị và nhận định cá nhân của mỗi người. Nếu muốn an toàn thì chọn dự án có vị thế vững chắc như Arbitrum hay Optimism. Còn muốn rủi ro hơn thì StarkNet và ZKsync là lựa chọn tương đối phù hợp. 

4. Tổng kết 

Dù vẫn còn nhiều khía cạnh để cải thiện, cuộc đua “Tứ Trụ Layer 2” hứa hẹn sẽ tiếp tục nóng bỏng và đầy thú vị trong tương lai. Qua bài viết 5Money hy vọng bạn có thể hiểu hết về 4 thế lực xây dựng giải pháp Layer 2 Ethereum. Đặc biệt là nhận ra đâu là dự án phù hợp với khẩu vị của mình để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý nhé!

Đọc thêm: Metis là gì? Tìm hiểu chi tiết về METIS token