1. Layer 1 là gì?
Layer 1 là nền tảng cơ bản và quan trọng nhất của một blockchain, giống như nền móng của một tòa nhà. Đây là nơi mà tất cả các giao dịch được xử lý và xác nhận, cũng là nơi các nhà phát triển có thể xây dựng các ứng dụng và dịch vụ trực tiếp trên đó.
Có 2 dạng Layer 1 nổi bật nhất hiện tại là:
- Không hỗ trợ smart contract: là các blockchain sinh ra chỉ với một mục đích duy nhất ví dụ như là cổng thanh toán, hiện tại thì dạng blockchain này không được phát triển rộng rãi nữa mà thay vào đó là các blockchain có tính ứng dụng nhiều hơn. Các dự án điển hình cho loại blockchain này là Bitcoin, Dogecoin, Litecoin,…
- Hỗ trợ smart contract: là blockchain cho phép xây dựng các dApps. Các dự án điểm hình như Ethereum, Cardano, Solana.
Layer 1 là gì?
Mời bạn đọc thêm: ‘Blockchain Layer là gì? Cách phân biệt Layer 0, 1, 2, 3’
Thông thường các Layer 1 sẽ sử dụng tài sản gốc để trả thưởng cho các validator, đồng thời cũng được sử dụng làm phí giao dịch trên mạng lưới. Ví dụ như Bitcoin trả thưởng BTC cho các thợ đào (miner), Ethereum sẽ dùng ETH để trả thưởng cho các validator tham gia vận hành mạng lưới.
2. Các thành phần của Layer 1
Một số thành phần chính của blockchain Layer 1 bao gồm:
- Cơ chế đồng thuận: Là thành phần cốt lõi của Layer 1, các node sẽ đồng thuận với nhau về trạng thái của mạng lưới. Mỗi một blockchain sẽ hoạt động theo một cơ chế đồng thuận riêng phục vụ theo từng mục đích, một vài cơ chế đồng thuận nổi bật như PoS, PoW, PoA,…
- Block (Khối): Đây là nơi chứa các giao dịch trong mạng lưới, mỗi block sẽ chứa số lượng giao dịch nhất định và kèm theo thông tin của block trước đó. Được liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một chuỗi liên tục.
- Miner/Validator: Là những người tham gia vận hành mạng lưới, đảm nhận vai trò xác thực và đề xuất các khối mới trên blockchain, đảm bảo các giao dịch là hợp lệ và mạng lưới được hoạt động an toàn.
- Tài sản gốc (Native Token): Đây là loại tài sản được chính blockchain đó (Bitcoin sẽ là BTC, Ethereum là ETH) phát hành, được sử dụng chủ yếu cho việc làm phần thường cho miner/validator và làm đơn vị để thanh toán phí phí giao dịch.
- Smart Contract (Hợp đồng thông minh): Là một chương trình được chạy tự động trên blockchain, tự động thực hiện các yêu cầu nếu hai hoặc nhiều bên tham gia đáp ứng được các tiêu chí của hợp đồng.
3. Cơ chế đồng thuận
Cơ chế đồng thuận là một quy trình trong hệ thống blockchain, cho phép các node đạt được sự đồng nhất về trạng thái của mạng lưới bằng cách xác thực và truyền tải các thông tin đồng bộ qua lại lẫn nhau.
Không giống như các công ty truyền thống là tất cả các thông tin đều được lưu trữ tại một nơi tập trung, với blockchain thì thông tin sẽ được các node sẽ đều nắm giữ một bản sao của thông tin, thế nên không thể bị đánh cắp hay xoá dữ liệu.
Cơ chế đồng thuận
Hiện nay, có nhiều blockchain sử dụng các cơ chế đồng thuận khác nhau, mỗi cơ chế có ưu và nhược điểm riêng. Một số cơ chế phổ biến gồm Proof of Stake (PoS), Proof of Work (PoW), Proof of Authority (PoA), Practical Byzantine Fault Tolerance,.. và nhiều cơ chế khác:
3.1 Proof of Work
Proof of Work là một trong những cơ chế đồng thuận đầu tiên, các thợ đào (miner) sẽ cạnh tranh nhau để giải quyết các bài toán phức tạp để có cơ hội thêm block mới vào blockchain, từ đó sẽ nhận lại phần thưởng.
Bitcoin là blockchain đầu tiên áp dụng PoW vào năm 2009 và trong vài năm sau đó thì cũng có những blockchain khác cũng áp dụng cơ chế này như Dogecoin, Litecoin.
3.2 Proof of Stake
Proof of Stake là cơ chế đồng thuận mà trong đó các node phải khoá một lượng tài sản gốc của blockchain đó để tham gia vận hành mạng lưới. Thay vì giải bài toán phức tạp như trong Proof of Work, PoS dựa vào số lượng tiền mà mỗi máy tính sở hữu và sẵn sàng “đặt cược” để quyết định ai sẽ xác minh các giao dịch.
Về cơ bản, PoS là cải tiến của Proof of Work trước đây bằng việc giảm tải tiêu tốn tài nguyên môi trường và các trang thiết chuyên dụng kỹ thuật cao. Điển hình như Ethereum vào năm 2022 cũng đã từ bỏ PoW để chuyển sang PoS để tiết kiệm năng lượng cho những người vận hành mạng lưới.
3.3 Proof of Authority
Proof of Authority là một biến thể của cơ chế đồng thuận PoS, chỉ khác ở chỗ là không phải ai cũng có thể tham gia trở thành validator mà phải được blockchain đó kiểm duyệt mức độ đáng tin cậy của người đó, điều đó sẽ giúp sẽ dàng cho việc quản lý validator nếu có bất kỳ hành vi gian lận nào.
3.4 Delegated Proof of Stake
Bằng chứng uỷ quyền hay còn gọi là Delegated Proof of Stake là một cơ chế đồng thuận được phát triển dựa trên PoS và PoA. Trong đó, người nắm giữ tài sản gốc của blockchain đó sẽ khoá lại để bầu cho một node có danh tiếng để vận hành trực tiếp mạng lưới, đổi lại họ sẽ nhận lại phần thưởng trong quá trình duy trì mạng lưới.
Chính vì có một phần kết hợp của PoS nên bất kỳ ai cũng có thể tham gia và PoA thì sẽ bị giới hạn bởi số lượng validator có danh tiếng.
4. Một số hạn chế của Blockchain Layer 1
Mục tiêu của bất kỳ blockchain nào là sự phi tập trung, bảo mật và tốc độ cao nhưng việc cân bằng cả ba yếu tố này cực kỳ khó vì nó đối lập với nhau, chính vì thế đã xuất hiện một khái niệm là ‘Blockchain Trilemma’.
Chính vì vậy, các Layer 1 nào cũng phải đánh đổi 1 trong 3 yếu tố trên để tối ưu 2 yếu tố còn lại. Ví dụ như Ethereum tập trung vào bảo mật và phi tập trung thì sẽ dẫn đến khả năng mở rộng kém, điều đã dẫn đến nhiều giải pháp mở rộng được sinh ra nhằm giải quyết vấn đề khả năng mở rộng của Ethereum.
Một số hạn chế mà các Layer 1 ở thời điểm hiện tại đang gặp phải:
- Khả năng mở rộng: Cấu trúc của một blockchain đã được quyết định ngay từ đầu nên việc thay đổi sẽ cực kỳ khó khăn mà thay vào đó phải thực hiện những nâng cấp nhỏ lẻ để tăng hiệu suất hoặc phải cần thêm các giải pháp mở rộng bên ngoài
- Tương tác: Các Layer 1 được phát triển dựa trên nhiều ngôn ngữ và cấu trúc khác nhau nên việc tích hợp và tương tác với nhau vẫn là một rào cản lớn.
5. Các layer 1 nổi bật
Theo dữ liệu từ Rootdata, tính tới thời điểm hiện tại đang có hơn 500 dự án làm về Layer 1 khác nhau, Dưới đây là một vài Layer 1 nổi bật nhất trên thị trường:
5.1 Bitcoin
Bitcoin là blockchain Layer 1 đầu tiên trên thế giới được thành lập bởi một (hoặc một nhóm) lập trình viên ẩn danh dưới tên Satoshi Nakamoto vào năm 2009. Bitcoin được sinh ra nhằm mục đích tạo ra một cổng thanh toán được thực hiện giữa những người dùng với nhau (P2P) mà không thông qua bất kỳ bên trung gian nào khác.
Bitcoin
Hoạt động với cơ chế đồng thuận Proof of Work, Bitcoin được giới hạn 21 triệu BTC và sẽ không thể nào được tạo ra thêm, khiến nó trở thành một tài sản khan hiếm. Ngoài ra, Bitcoin được coi là “vàng kỹ thuật số” do tính bảo mật cao và khả năng lưu trữ giá trị lâu dài.
5.2 Ethereum
Ethereum được xem là Layer 1 thành công nhất tính đến thời điểm hiện tại, được thành lập bởi Vitalik Buterin vào những năm 2013-2014. Là một giải pháp được sinh ra nhằm giải quyết vấn đề của Bitcoin là không hỗ trợ smart contract, Ethereum đã trở thành một hiện tượng trong khoảng thời gian mới được ra mắt và giữ vững vị thế dẫn đầu các Layer 1 cho đến nay
Ethereum
Theo dữ liệu từ DefiLlama, Ethereum hiện đang là blockchain có TVL lớn nhất với $52,33 tỷ USD chiếm hơn một nửa của thị trường và cùng với số lượng 2480 dự án lớn nhỏ khác nhau, gấp đôi số lượng dự án so với hệ sinh thái đứng thứ hai là Polygon.
Một trong những lý do mà Ethereum luôn là Layer 1 dẫn đầu:
– Cộng đồng lớn: Ethereum đã xây dựng một cộng đồng các nhà phát triển mạnh mẽ thông qua các cuộc thi Hackathon, đây là cũng một chất xúc tác để thu hút được lượng lớn người dùng đến hệ sinh thái.
– Cải tiến liên tục: Mặc dù bản chất của Ethereum khó có thể mở rộng mạng lưới nhưng đội ngũ và cộng đồng luôn đề xuất các cải tiến để nâng cấp nhằm tăng hiệu suất mạng lưới định kỳ.
– Uy tín và độ tin cậy: Mặc dù Ethereum đối đầu với rất nhiều các Layer 1 mới với sứ mệnh ‘Ethereum Killer’ nhưng vẫn đứng vững vì đã xây dựng được lòng tin từ người dùng và nhà phát triển thông qua khả năng bảo mật, tính minh bạch và khả năng mở rộng dần dần thông qua các bản nâng cấp như Ethereum 2.0.
5.3 BNB Chain
BNB Chain (trước đây Binance Smart Chain) là một blockchain Layer 1 được phát triển bởi sàn giao dịch lớn nhất thị trường là Binance. Về cốt lõi thì BNB Chain giống với Ethereum, đều hỗ trợ smart contract nhưng sẽ tối ưu hơn với khả năng mở rộng cao, phí giao dịch thấp và tốc độ xử lý nhanh.
BNB Chain
Sau khi đổi tên từ Binance Smart Chain thì BNB Chain đã được chia thành ba chain chính là BNB Smart Chain (BSC), opBNB và BNB Greenfield:
- BNB Smart Chain (BSC): là một nền tảng blockchain có hiệu suất cao được thiết kể dành cho việc phát triển các dApp.
- opBNB: là một giải pháp mở rộng Layer-2 cho BNB Smart Chain, giúp tăng tốc độ giao dịch và giảm phí giao dịch bằng cách tận dụng công nghệ Optimistic Rollups.
- BNB Greenfield: là cơ sở hạ tầng lưu trữ phi tập trung, cung cấp nền tảng bảo mật và mở rộng cho việc lưu trữ và quản lý dữ liệu trên blockchain, cho phép quyền sở hữu và kiểm soát dữ liệu.
5.4 Solana
Solana là một blockchain được thành lập bởi Anatoly Yakovenko, cựu nhân viên của Qualcomm vào năm 2017. Được thiết kế để trở thành một nền tảng hỗ trợ smart contract giống với Ethereum nhưng sẽ hướng tới việc cân bằng giữa tính phí tập trung, tốc độ giao dịch nhanh và phí giao dịch thấp.
Solana
Để đạt được hiệu suất lên đến 65,000 TPS, Solana kết hợp giữa Proof of Stake và Proof of History để cân bằng các yếu tố của ‘blockchain trilemma’. PoH giúp tăng tốc độ xử lý giao dịch bằng cách cung cấp một cách thức xác định và có thể kiểm chứng để đặt thứ tự các giao dịch mà không cần phải liên tục giao tiếp giữa các node trong khi PoS sẽ đóng vai trò cho phép validator xác thực giao dịch dựa trên số lượng SOL đã stake.
Vào thời điểm mới ra mắt, Solana nhận được sự đón nhận lớn từ cộng đồng, được xem là blockchain web-scale đầu tiên trên thế giới hướng đến mass-apdoption (áp dụng hàng loạt) cho rất nhiều mảng khác nhau Gaming, NFT, DeFi, Payment,…nhưng vẫn giữ được các yếu tố cốt lõi của một blockchain.
6. Tổng kết
Blockchain Layer 1 là bước đột phá trong không gian blockchain, nó cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các dApp. Càng ngày thị trường càng phát triển mạnh, nhiều blockchain Layer 1 mới được ra đời với nhiều mục đích khác nhau thế nên việc sử dụng hay đầu tư cần phải tìm hiểu kỹ càng trước khi ra quyết định. Hy vọng qua bài viết này, 5Money đã mang lại những thông tin hữu ích về Layer 1 cho bạn khi tham gia thị trường.
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!