1. Tổng quan về DeFi
DeFi (viết tắt của Decentralized Finance) là lĩnh vực tài chính phi tập trung, nơi người dùng thực hiện các giao dịch như mua bán, vay và cho vay trực tiếp,… với nhau qua blockchain. Thay vì cần đến ngân hàng hay trung gian, DeFi sử dụng hợp đồng thông minh để tự động hóa, giúp giảm chi phí, tăng tính minh bạch và cho phép người dùng kiểm soát tài sản của mình.
Hệ sinh thái DeFi được ví như một hệ thống tài chính toàn cầu, nơi bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu, đều có thể tham gia và tìm kiếm lợi nhuận. Thị trường này mang đến sự minh bạch, tự do và cơ hội lợi nhuận cao, nhưng cũng đi kèm với không ít rủi ro.
Ở thời điểm hiện tại thì DeFi có TVL khoảng 80 tỷ USD, lúc cao nhất đạt đỉnh 180 tỷ USD vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, so với các thị trường như cổ phiếu, trái phiếu ở truyền thống trị giá hơn 100 nghìn tỷ USD thì DeFi chỉ như “hạt cát giữa biển”.
JPMorgan Chase và Goldman Sachs đều cho rằng DeFi có thể thay đổi ngành tài chính truyền thống, miễn là có khung pháp lý rõ ràng và giải quyết được các vấn đề về bảo mật, thanh khoản, lòng tin của người dùng. Messari thậm chí còn lạc quan hơn, dự đoán rằng TVL của DeFi có thể đạt hàng nghìn tỷ USD trong vài năm tới khi thị trường này đang phát triển nhanh chóng.
2. Các mảng chính trong hệ sinh thái DeFi
Trong DeFi, có rất nhiều mảng khác nhau và khó có thể liệt kê đầy đủ. Do đó, bài viết này chỉ liệt kê các mảng lớn và quan trọng nhất để bạn theo dõi.
- DEX (Decentralize Exchange): Là các sàn giao dịch phi tập trung, cung cấp nền tảng để người dùng giao dịch tài sản Crypto. Một số dự án nổi bật như Uniswap, Pancakeswap, Raydium, 1inch,…
- Lending & Borrow: Nền tảng để người cho vay cung cấp tài sản nhàn rỗi nhằm kiếm lãi suất (lợi nhuận) và người đi vay thế chấp tài sản để vay cũng như trả lãi. Một số dự án nổi bật như Aave, Compound Finance, Morpho Protocol,…
- CDP (Collateralized Debt Position): Các giao thức cho phép thế chấp tài sản để vay ra một loại tài sản khác do chính dự án phát hành, thường là Stablecoin. Một vài dự án điển hình như MakerDAO, Liquity,…
- Derivatives: là các công cụ tài chính cho phép người dùng giao dịch dựa trên giá trị của một tài sản cơ bản nhưng không trực tiếp sở hữu tài sản đó. Vài dự án mảng này như dYdX, GMX, Synthetix,…
- Stablecoin: Là loại tiền mã hóa được gắn với một tài sản ổn định như đô la Mỹ hoặc một loại tiền tệ khác, để tránh biến động giá. Ví dụ như USDT, USDC, DAI, USDe,…
- Yield: Là các giao thức giúp người dùng kiếm lợi nhuận với các chiến lược như cung cấp thanh khoản, cho vay,… hoặc nhận trước lợi nhuận từ tài sản cơ bản. Các dự án như Yearn Finance, Beefy Finance, Pendle,…
- RWA: Là mảng mã hóa tài sản thực đưa lên blockchain hoặc đưa người dùng tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ ở thế giới thực. Các dự án điển hình như Ondo Finance, BackedFi,…
- Liquid Staking & Restaking: Các giao thức ra đời nhằm đơn giản hóa quá trình stake hoặc restake, và cho người dùng nhận lại tài sản (LST/LRT) đại thanh khoản mà họ sở hữu trên giao thức. Các dự án nổi bật như Lido Finance, EigenLayer, EtherFi, Puffer Finance, Renzo, Solayer,…
- Prediction Markets: là các nền tảng cho phép người dùng dự đoán kết quả của các sự kiện trong tương lai như bầu cử, thể thao hoặc giá tài sản. Người dùng đặt cược vào kết quả và nếu dự đoán chính xác, họ sẽ nhận được phần thưởng. Ví dụ: Polymarket, Azuro, Lumi Finance,…
- Index: Tương tự như các quỹ chỉ số (index funds) trong tài chính truyền thống. Đó là một rổ các tài sản tiền mã hóa đại diện cho một phần của thị trường. Các token chỉ số cho phép người dùng đầu tư vào nhiều loại tài sản cùng lúc thông qua một token duy nhất, chẳng hạn như các chỉ số theo dõi top 10 tài sản DeFi lớn nhất. Các dự án như Reserve Protocol, Index Coop, Set Protocol,…
Ngoài những mảng chính được nêu tên ở trên thì DeFi còn các mảng như Payment, Insurance, Asset Management,… vẫn còn rất non trẻ và cần nhiều thời gian để phát triển.
3. Nhận định về hệ sinh thái DeFi
Huyết mạch của DeFi là các mảng DEX, Lending, CDP, Derivatives, Liquid Staking & Restaking và Stablecoin. Trong đó:
- Mảng DEX là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất với nhu cầu giao dịch rất lớn trong thị trường. Vì lý do này, nhiều dự án DEX đã ra đời trên các hệ sinh thái khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số cái tên đạt được vị thế vững chắc như Raydium và Orca trên Solana, Trader Joe trên Avalanche, và Pancakeswap trên BNB Chain.
Đặc biệt, Uniswap, dự án tiên phong về AMM DEX, họ không ngừng cải tiến để dẫn đầu và thống trị các chuỗi DeFi lớn như Ethereum, Arbitrum, Polygon. Do sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Uniswap cùng một số DEX hàng đầu với độ uy tín và thanh khoản cao, nên các dự án mới dù có mô hình tốt, vẫn gặp khó khăn trong việc thu hút thanh khoản và lòng tin của người dùng. Vì vậy, có thể nói mảng này gần như đã bão hòa.
- Lending là lĩnh vực quan trọng trong DeFi, với Aave dẫn đầu trên các chuỗi EVM như Ethereum, Polygon, Avalanche, Arbitrum, Optimism, Base và Scroll.
Trên BNB Chain, Venus là dự án nổi bật, còn Solana thì có Kimano. Nhờ lịch sử phát triển lâu dài, độ bảo mật cao, thanh khoản lớn và lượng người dùng đông đảo, Aave đã xây dựng được uy tín vững chắc trên các chuỗi EVM. Vì vậy, lĩnh vực này gần như đã bão hòa, và các dự án mới chỉ có thể cạnh tranh nếu đưa ra những giải pháp đột phá, như Morpho với cách tiếp cận sáng tạo về thị trường tiền tệ tự do.
- CDP (Collateralized Debt Position) là một lĩnh vực trong DeFi gần như đã bão hòa, với MakerDAO (nay đổi tên thành Sky Protocol) chiếm ưu thế. CDP cho phép người dùng thế chấp tài sản để vay Stablecoin do giao thức phát hành, với ưu điểm là dễ xây dựng và linh hoạt hơn so với mô hình Lending & Borrow. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng là phải giữ ổn định tỷ giá của Stablecoin.
Nhờ độ bảo mật cao, uy tín và thanh khoản lớn, MakerDAO đã xây dựng vị thế vững chắc. Họ còn chuyển một phần tài sản thành trái phiếu, giúp mang lại lợi nhuận 8% cho người stake DAI (USDS). Với lộ trình Endgame, dự án càng khẳng định vị trí hàng đầu, làm giảm cơ hội cho các dự án mới. Tuy nhiên, các dự án mới vẫn có thể cạnh tranh bằng cách tập trung vào các tài sản có lợi nhuận cao hoặc rủi ro lớn mà MakerDAO chưa hỗ trợ.
- Liquid Staking là lĩnh vực có TVL lớn nhất trong DeFi, với Lido Finance chiếm 60% thị phần nhưng chỉ hỗ trợ duy nhất chuỗi Ethereum. Gần đây, Solana đã trở thành một trong số ít chuỗi ngoài Ethereum phát triển mạnh mảng Liquid Staking, với Jito đứng đầu.
Giống như mảng CDP, các dự án Liquid Staking cần đảm bảo tính bảo mật, uy tín, và đặc biệt là sự ổn định và thanh khoản của LST trên thị trường. Vì Lido và Jito đã quá lớn, việc các dự án mới chen chân vào thị trường này trên Ethereum và Solana là rất khó. Tuy nhiên, Liquid Staking trên Bitcoin mới đang dần phát triển, với Babylon dẫn đầu và Lombard Finance là cái tên được kỳ vọng nhờ sự hỗ trợ từ Babylon.
- Liquid Restaking là một lĩnh vực mới nổi trong năm qua, nhưng đã thu hút hàng chục tỷ USD TVL. Hiện nay, cuộc cạnh tranh trong mảng Liquid Restaking diễn ra chủ yếu trên Ethereum với các dự án như EtherFi, Puffer, Renzo, Mellow, và trên Solana với Jito, Solayer, cùng sự tham gia của các sàn CEX như Binance, Bybit,…
Do các dự án có khoảng cách không quá lớn và sự gia nhập của các CEX gần đây, mảng này được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
- Trong lĩnh vực Derivatives, Perpetual là mảng sôi động nhất, còn Option mặc dù phổ biến trong tài chính truyền thống nhưng chưa được phát triển mạnh trong DeFi. Perpetual mang lại doanh thu lớn cho các giao thức, bất kể thị trường lên hay xuống. Thị trường này đã chứng kiến sự chuyển đổi vị trí dẫn đầu từ dYdX sang GMX và hiện tại là Hyperliquid, cùng với các dự án khác như Vertex và SynFutures.
Do tiềm năng lớn và sự phổ biến của việc sử dụng bot để tăng khối lượng giao dịch, rất khó xác định chính xác dự án nào có lượng người dùng thực sự lớn nhất. Thêm vào đó, Perpetual còn được chia thành nhiều phân khúc như Pre-market, giao dịch tài sản vốn hóa lớn, các mức độ rủi ro và yêu cầu thế chấp đa dạng. Vì vậy, mảng này vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
- Stablecoin là một mảng lớn trong DeFi, tương tự như vị thế của tiền pháp định trong tài chính truyền thống. Tether và Circle hiện đang thống trị Stablecoin dùng để lưu thông và định giá giao dịch.
Ngoài ra, các Stablecoin mang lại lợi nhuận cũng rất được ưa chuộng, với Ethena đứng đầu phân khúc này. Mặc dù Stablecoin sinh lợi hấp dẫn nhiều người dùng, chúng cũng đi kèm rủi ro cao. Do đó, vẫn còn nhiều cơ hội cho các dự án mới, và dự án nào làm tốt có thể nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần.
4. Vậy mảng nào tiềm năng để đầu tư trong thời gian tới?
RWA
Các loại tài sản thực ở thị trường tài chính truyền thống như bất động sản (300 nghìn tỷ USD), trái phiếu (130 nghìn tỷ USD), và cổ phiếu (110 nghìn tỷ USD). Vậy liệu có thể đưa khối tài sản khổng lồ này vào DeFi? Câu trả lời là RWA (Real World Assets) sẽ giải quyết vấn đề trên, kỳ vọng mang hàng nghìn tỷ USD từ tài chính truyền thống vào DeFi.
RWA đơn giản là cầu nối giúp người dùng DeFi tiếp cận với thị trường truyền thống và ngược lại, nhà đầu tư truyền thống dễ dàng sử dụng DeFi. Mục đích cuối cùng của việc này là nâng cao lợi nhuận và mang lại sự đa dạng sản phẩm đầu tư cho khách hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại thì chỉ có sản phẩm mã hóa trái phiếu và chứng khoán là khả thi nhất. Vì nó dễ thực hiện cũng như không bị rào cảng nhiều bởi pháp lý. Và các tổ chức lớn ở truyền thống như BlackRock, Franklin,… sẽ thúc đẩy mảng này phát triển nhờ vị thế, tiềm lực của họ. Do đó, rất ít cơ hội cho các dự án thuần DeFi trong mảng RWA cạnh tranh.
Nhưng nhìn vào mặt tích cực thì việc các tổ chức trên có thể làm quy mô thị trường DeFi tăng trưởng hàng chục lần cũng sẽ giúp thị trường vốn đã bão hòa này hồi sinh trở lại. Đồng nghĩa với việc RWA lúc bấy giờ sẽ nổi lên thành trend và các dự án DeFi có thể thuận theo đà tăng trưởng.
Liquid Restaking
Restaking ra đời đã đưa hàng nghìn tỷ USD tài sản trên chuỗi vào bảo mật cho Validator, giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt Validator khi nhu cầu tạo chuỗi tăng cao. Và Liquid Restaking xuất hiện để bổ trợ cho Restaking, mới ra mắt đã thu hút được hàng chục tỷ USD TVL kéo theo nhiều dự án ra mắt như Renzo, Puffer, Solayer,… và lan khắp các hệ sinh thái như Solana, Bitcoin,…
Nhưng đây chỉ là sự khởi đầu và câu chuyện phía sau còn hấp dẫn hơn khi EigenLayer đã bắt đầu trả thưởng cho Restaker. Việc Restaking nhận về lợi nhuận thực gấp đôi Staking chính là động lực để thúc đẩy sự phát triển cả Restaking và Liquid Restaking lâu dài.
Liquid Staking Bitcoin
Babylon là giao thức đầu tiên giới thiệu Staking cho Bitcoin, với ý tưởng sử dụng hàng nghìn tỷ USD giá trị BTC để bảo mật cho các chuỗi PoS. Điều này đáp ứng nhu cầu bảo mật của các chuỗi PoS, đặc biệt là những chuỗi mới hoặc có ít Validator, làm cho mảng này không kém cạnh Restaking trên Ethereum hay Solana.
Liquid Staking Bitcoin sẽ phát triển cùng Babylon, giúp đơn giản hóa việc staking và cho phép người dùng nhận LRT để tiếp tục sử dụng. Trong đó, Lombard Finance là cái tên được kỳ vọng nhất trong mảng cực kỳ “hot” này.
Hiện tại, những lĩnh vực đã bão hòa ít tạo cơ hội cho các dự án mới tỏa sáng. Đầu tư vào những dự án này thường không mang lại sự tăng trưởng mạnh do thiếu sức hút và câu chuyện đã quá quen thuộc.
Tuy nhiên, các lĩnh vực mới nổi vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là những mảng hợp xu hướng như RWA, Liquid Staking Bitcoin và Liquid Restaking. Đầu tư vào các dự án theo xu hướng này có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng bạn phải luôn cẩn trọng với các rủi ro kèm theo nhé!
4. Tổng kết
Bài viết đã cung cấp góc nhìn tổng quan về DeFi theo cách đơn giản và dễ hiểu. Hy vọng giúp bạn thấy được đâu là mảng và dự án tiềm năng để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn trong tương lai!
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.