1. FED là gì?
FED, viết tắt của Federal Reserve (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ), là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ chính của FED là điều hành chính sách tiền tệ để duy trì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Cụ thể, FED kiểm soát cung tiền và lãi suất để điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, và đảm bảo việc làm ổn định.
Một trong những công cụ chủ đạo của FED là chính sách lãi suất. Khi nền kinh tế có dấu hiệu phát triển quá nhanh, FED sẽ tăng lãi suất nhằm hạn chế vay vốn, giảm chi tiêu và đầu tư, qua đó kiềm chế lạm phát. Ngược lại, khi kinh tế suy thoái, FED sẽ hạ lãi suất để khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân vay vốn, từ đó thúc đẩy chi tiêu và đầu tư, giúp nền kinh tế hồi phục.
Với quyền lực đặc biệt trong việc quản lý cung tiền và các chính sách tài chính, FED có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ và thị trường tài chính toàn cầu.
2. Lịch sử hình thành
Trước khi FED ra đời, Hoa Kỳ không có một ngân hàng trung ương thống nhất nào, dẫn đến nhiều vấn đề về ổn định tài chính, bao gồm các cuộc khủng hoảng ngân hàng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt là cuộc khủng hoảng tài chính năm 1907, còn được gọi là “Hoảng loạn Knickerbocker,” khi hàng loạt ngân hàng đột ngột sụp đổ, tạo ra làn sóng hoảng loạn trên khắp nước Mỹ. Sự kiện này như một hồi chuông cảnh báo về sự thiếu hụt của một cơ quan điều phối tài chính đủ mạnh để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương tự. Chính vì thế, nó đã trở thành động lực lớn thúc đẩy việc thành lập một ngân hàng trung ương để bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia trong tương lai.
Quá trình hình thành FED bắt đầu từ năm 1910 khi các nhà tài phiệt, lãnh đạo ngân hàng và quan chức chính phủ bí mật gặp gỡ tại Jekyll Island để thảo luận về việc lập ra một ngân hàng trung ương. Kết quả của cuộc họp này là “Kế hoạch Aldrich”, nhưng kế hoạch này vấp phải sự phản đối vì bị cho là ưu ái lợi ích cho giới ngân hàng.
Sau nhiều lần chỉnh sửa để đảm bảo tính minh bạch và không bị chi phối bởi nhóm lợi ích, Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua Đạo luật Dự trữ Liên bang vào ngày 23 tháng 12 năm 1913. Đạo luật này tạo ra FED với cấu trúc gồm một Hội đồng Thống đốc và 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực, trải khắp nước Mỹ.
1.2. Mối quan hệ giữa FED và Chính phủ Hoa Kỳ
FED được thiết kế để hoạt động như một tổ chức độc lập, mặc dù vẫn nằm trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Độc lập ở đây có nghĩa là FED có thể đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ mà không bị ảnh hưởng trực tiếp từ Tổng thống hoặc Quốc hội Hoa Kỳ.
Các quyết định của FED, chẳng hạn như điều chỉnh lãi suất, quản lý cung tiền, được thực hiện với mục tiêu ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không phải tuân theo các chỉ thị trực tiếp từ các cơ quan chính phủ.
Tuy nhiên, FED không hoàn toàn tách rời khỏi chính phủ. Các thành viên trong Hội đồng Thống đốc của FED, bao gồm cả Chủ tịch, đều được Tổng thống bổ nhiệm và phải được Thượng viện phê chuẩn. Ngoài ra, FED cũng phải báo cáo và giải trình trước Quốc hội về các hoạt động và quyết định của mình.
2. Cấu Trúc Và Chức Năng Của FED
2.1. Cấu Trúc Tổ Chức
Cơ cấu tổ chức của FED bao gồm:
- Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Board of Governors): Gồm 7 thành viên bao gồm chủ tịch, phó chủ tịch và 5 thành viên được bổ nhiệm bởi Tổng thống Hoa Kỳ và được Thượng viện phê chuẩn. Họ có trách nhiệm giám sát và quản lý hệ thống ngân hàng trung ương.
- 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Banks): Gồm 12 ngân hàng thành viên của FED đặt tại 12 tiểu bang trên nước Mỹ, mỗi ngân hàng sẽ sở hữu một lượng cổ phần trong FED, có chủ tịch riêng, phục vụ các khu vực cụ thể và hoạt động như một cầu nối giữa các ngân hàng thương mại và FED.
- Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC): gồm 12 thành viên: 7 thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang, 1 Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (thành viên cố định), và 4 Chủ tịch của các Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực được luân phiên hàng năm.
Đây là một trong những thành phần quan trọng nhất của FED. FOMC chịu trách nhiệm giám sát và thực hiện các chính sách thị trường mở, đây là công cụ chính mà FED sử dụng để điều tiết nền kinh tế,
2.2. Các nhiệm vụ chính của FED
Mặc dù là một tổ chức tư nhân nhưng những nhiệm vụ chính mà FED thực hiện luôn hướng tới việc đảm bảo sự ổn định và hiệu quả của hệ thống tài chính Hoa Kỳ. Các nhiệm vụ chính của FED bao gồm:
- Thực hiện chính sách tiền tệ của quốc gia: FED sẽ chịu trách nhiệm điều chỉnh lãi suất và cung tiền để kiểm soát lạm phát, tạo việc làm, và ổn định giá cả. Thông qua việc điều chỉnh các công cụ tiền tệ như lãi suất liên bang, nghiệp vụ thị trường mở và tỷ lệ dự trữ bắt buộc
- Guy trì và giám sát sự ổn định của hệ thống tài chính: FED sẽ theo dõi, giám sát và ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra đến hệ thống tài chính. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế, FED có thể can thiệp bằng cách bơm thanh khoản hoặc thiết lập các chính sách nhằm giữ cho thị trường hoạt động một cách ổn định.
- Quản lý ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng: Là cơ quan quản lý ngân hàng, FED giám sát các ngân hàng thương mại, bảo đảm tuân thủ các quy định pháp lý, bảo vệ tiền gửi và ban hành các quy định bảo vệ cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế ở khu vực thu nhập thấp.
3. Các công cụ điều tiết nền kinh tế của FED
Để điều tiết nền kinh tế Mỹ, FED sử dụng 3 công cụ chính sau:
3.1. Hoạt động thị trường mở (Open Market Operations – OMO)
Đây là công cụ chính và phổ biến nhất mà FED hay sử dụng. OMO là hoạt động liên quan đến việc mua hoặc bán trái phiếu chính phủ trên thị trường mở.
Cách thức hoạt động:
- Mua trái phiếu: Khi FED mua trái phiếu, có nghĩa là đang cung cấp tiền cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác, làm tăng lượng tiền trong hệ thống ngân hàng. Điều này thường được sử dụng trong các giai đoạn kinh tế suy thoái hoặc có dấu hiệu tăng trưởng chậm, nhằm thúc đẩy chi tiêu và đầu tư, từ đó hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế.
- Bán trái phiếu: Khi FED bán trái phiếu, điều này làm giảm cung tiền, tăng lãi suất và hạn chế lượng tiền các ngân hàng có thể cho vay, giúp kiểm soát lạm phát và ngăn chặn nền kinh tế phát triển quá nóng.
Mục tiêu của công cụ này nhằm quản lý lượng tiền cung ứng và điều chỉnh lãi suất ngắn hạn để ổn định nền kinh tế.
3.2. Lãi suất chiết khấu (Discount Rate)
Lãi suất chiết khấu (Discount Rate) là lãi suất mà các ngân hàng thương mại phải trả khi vay trực tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Có 3 loại lãi suất chiết khấu mà FED áp dụng:
- Lãi suất chiết khấu cơ bản (Primary Credit Rate): Dành cho các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh. Đây là lãi suất thường được công bố rộng rãi và hay được điều chỉnh.
- Lãi suất chiết khấu phụ (Secondary Credit Rate): Dành cho các ngân hàng không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về sức mạnh tài chính như những ngân hàng ở mức lãi suất chiết khấu cơ bản.
- Lãi suất chiết khấu theo mùa (Seasonal Credit Rate): Dành cho các ngân hàng phục vụ khách hàng có hoạt động theo mùa, như các doanh nghiệp nông nghiệp.
Trong đó, lãi suất chiết khấu cơ bản (Primary Credit Rate) là quan trọng nhất vì nó có tác động rộng rãi và là dấu hiệu chính về định hướng chính sách tiền tệ của FED. Lãi suất này thường được công bố trong các cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).
Cách thức hoạt động:
- Giảm lãi suất chiết khấu: FED sẽ giảm chi phí cho các ngân hàng vay, điều này khuyến khích các ngân hàng vay nhiều hơn, từ đó tăng cung tiền và có thể dẫn đến giảm lãi suất thị trường.
- Tăng lãi suất chiết khấu: FED tăng chi phí cho vay, khiến các ngân hàng có xu hướng vay ít hơn, giảm cung tiền, từ đó tăng lãi suất thị trường.
Mục tiêu chính của công cụ này nhằm điều chỉnh chi phí vay của các ngân hàng thương mại, qua đó tác động đến lãi suất và tín dụng trong nền kinh tế.
3.3. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve Requirements)
Đây là tỷ lệ phần trăm của tổng tiền gửi, mà các ngân hàng thương mại phải giữ lại dưới dạng dự trữ tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang hoặc trong két của chính mình, thay vì cho vay ra ngoài.
Cách thức hoạt động:
- Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Cho phép các ngân hàng giữ ít dự trữ hơn, do đó họ có thể cho vay nhiều hơn, tăng cung tiền trong nền kinh tế.
- Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Yêu cầu các ngân hàng giữ lại nhiều dự trữ hơn, giảm lượng tiền có sẵn để cho vay, từ đó giảm cung tiền và giúp kiểm soát lạm phát.
Mục tiêu chính của công cụ nhằm kiểm soát khả năng cho vay của các ngân hàng và do đó ảnh hưởng trực tiếp đến cung tiền trong nền kinh tế.
4. Ảnh hưởng của FED lên thị trường Crypto
Bằng việc tác động đến nguồn cung – cầu về tiền trên thị trường, những chính sách nới lỏng hay thắt chặt tiền tệ của FED đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền đổ vào thị trường Crypto.
Biểu đồ dưới đây cho thấy mối tương quan giữa giá Bitcoin (BTC) và tốc độ tăng trưởng nguồn cung tiền M2. Trong 10 năm qua, chúng ta có thể thấy rõ xu hướng: mỗi khi nguồn cung M2 toàn cầu giảm tốc và chạm đáy, giá Bitcoin cũng thường tạo đáy trước đó vài tháng. Ngược lại, khi thanh khoản toàn cầu tăng trở lại, giá Bitcoin cũng thường phục hồi và tăng theo. Điều này cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa thanh khoản thị trường và diễn biến giá BTC, với Bitcoin dường như phản ứng nhanh hơn trước các biến động của nguồn cung tiền M2.
*Cung tiền M2 là một thước đo tổng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, bao gồm tiền mặt (M1), tiền gửi tiết kiệm, và các khoản tiền gửi có kỳ hạn ngắn tại ngân hàng.
Một số ảnh hưởng chính của FED đến thị trường crypto bao gồm:
- Lãi suất và thanh khoản: Khi FED tăng lãi suất, việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, và điều này có thể làm giảm thanh khoản trên thị trường. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư thường chuyển sang các kênh đầu tư an toàn hơn như trái phiếu, làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cao như Crypto. Ngược lại, khi FED cắt giảm lãi suất, thanh khoản tăng lên, khuyến khích đầu tư vào các tài sản có lợi nhuận cao hơn như crypto.
- Tâm lý thị trường: Thông báo của FED về chính sách lãi suất, đặc biệt khi có các biện pháp thắt chặt mạnh, có thể tác động lớn đến tâm lý đầu tư crypto. Những biến động mạnh thường xảy ra ngay sau các cuộc họp của FED hoặc khi có phát biểu từ các lãnh đạo quan trọng.
- Sự tương quan với thị trường truyền thống: Khi FED thắt chặt tiền tệ, các thị trường tài chính truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu thường giảm giá. Do crypto đang ngày càng có sự tương quan với các thị trường này, nên biến động trong thị trường chứng khoán hoặc trái phiếu do FED gây ra cũng sẽ ảnh hưởng đến giá crypto.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mức độ tác động và xu hướng biến động của Crypto không phải lúc nào cũng theo quy luật trên, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỳ vọng của thị trường, tình hình kinh tế toàn cầu và các điều kiện thanh khoản sẵn có.
5. Kết Luận
FED là cơ quan rất quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, và bất kỳ quyết định nào từ FED cũng có thể gây ra những biến động lớn trên thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường crypto. Do đó, bạn cần theo dõi sát sao thông tin từ FED để đưa ra quyết định đầu tư đúng thời điểm.
Thông qua bài viết, 5Money hy vọng các bạn đã hiểu thêm FED là gì và tầm ảnh hưởng của FED đối với thị trường Crypto. Đừng quên đăng ký email để cập nhật thông tin và các bài viết mới nhất của 5Money nhé!