1. Tổng quan về ZKsync & Elastic Chain
1.1. ZKsync là gì?
ZKsync là giải pháp mở rộng Layer 2 thuộc nhóm zkRollup trên Ethereum, do Matter Labs phát triển từ năm 2020. Với vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ ZK một cách rộng rãi, ZKsync ra đời để giải quyết các vấn đề nhức nhối của Ethereum như phí giao dịch cao và khả năng mở rộng hạn chế, mang đến trải nghiệm mượt mà hơn cho người dùng và nhà phát triển.
2. Elastic Chain là gì?
Elastic Chain là hệ thống gồm nhiều ZK Chains liên kết với nhau, tạo ra một mạng lưới có khả năng mở rộng không giới hạn, bảo mật cao và tương tác liền mạch. Điều này cho phép hệ thống hoạt động mà không gây ảnh hưởng đến hiệu suất của Ethereum và ZKsync.
Elastic Chain là trọng tâm của ZKsync giai đoạn 3.0. Trong hai giai đoạn trước đó, ZKsync đã tập trung vào các mục tiêu sau:
- ZKsync 1.0: Được ra mắt vào năm 2020 và ban đầu mang tên ZKsync 1.0, sau đó đổi thành ZKsync Lite vào năm 2023. Phiên bản này chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ thanh toán trên Ethereum bằng công nghệ zkRollup, giúp giảm chi phí giao dịch và tăng tốc độ xử lý mà vẫn đảm bảo tính bảo mật của mạng lưới.
- ZKsync 2.0: Còn gọi là zkSync Era, ra mắt mainnet ngày 24/03/2023, zkSync 2.0 là Layer 2 zkEVM đầu tiên tương thích hoàn toàn với EVM. Khác với ZKSync Lite chỉ hỗ trợ thanh toán, zkSync Era hỗ trợ cả smart contract, khắc phục hạn chế của các zkRollup cũ vốn khó phát triển hợp đồng thông minh. Nhờ tương thích EVM, zkSync Era cho phép các nhà phát triển dễ dàng chuyển ứng dụng từ Ethereum sang mà không cần nhiều chỉnh sửa.
Elastic Chain có những ưu điểm như sau:
- Dễ sử dụng: Tích hợp sẵn Account Abstraction nên người dùng có thể sử dụng một tài khoản duy nhất cho nhiều chain khác nhau và phí giao dịch có thể được thanh toán bằng bất kỳ token nào hoặc cũng có thể là miễn phí.
- Phí giao dịch thấp: Vì dùng cầu nối được phát triển sẵn các giao dịch xuyên chuỗi không bị độn phí lên quá cao, đặc biệt khi số lượng giao dịch tăng lên cũng không ảnh hưởng lên phí gas.
- Được bảo mật mạnh mẽ: Tất cả các giao dịch đều được Ethereum xác minh và thực thi. Trong tương lai, mọi giao dịch có thể được xác minh thông qua điện thoại.
3. Cấu trúc của Elastic Chain
Cấu trúc của Elastic Chain gồm ba thành phần chính:
- ZK Router: Là thành phần cốt lõi của một Elastic Chain, được triển khai một loạt các smart contract trên các ZK Chain và Ethereum, cập nhật trạng thái giao dịch và đồng bộ hóa thông tin giữa các chuỗi, đồng thời ghi lại mọi hành động trên toàn mạng lưới.
- ZK Gateway: Là một cầu nối giúp các ZK Chain trong mạng lưới ZK tương tác dễ dàng và liền mạch. Điều này đảm bảo dữ liệu và giá trị có thể chuyển giao giữa các ZK Chain mà không gặp rào cản, đặc biệt là trong các giao dịch xuyên chuỗi với độ trễ thấp.
- ZK Chain: Các chuỗi này được xây dựng dựa trên ZK Stack, có thể tùy biến thành rollups, validiums, hoặc volitions, phù hợp với định hướng phát triển của từng dự án. Mặc dù hoạt động độc lập, chúng vẫn kết nối chặt chẽ với nhau thông qua ZK Gateway và các hợp đồng thông minh trên Layer 1.
4. Hệ sinh thái Elastic Chain
Theo thông tin từ ZKSync, đã có một số nhóm, công ty, chính phủ và tổ chức lớn tham gia vào hệ sinh thái bằng cách xây dựng chuỗi riêng của mình. Hiện tại, Elastic Chain đã thu hút được 12 dự án tham gia, và dự kiến con số này sẽ tăng lên 20 vào cuối năm 2024.
Một số dự án nổi bật trong hệ sinh thái Elastic Chain bao gồm:
Lens Protocol: Là giao thức mạng xã hội phi tập trung Web3, cho phép người dùng tự quản lý thông tin cá nhân và nội dung của mình, tạo nên một mạng xã hội do chính người dùng sở hữu. Ban đầu được phát triển trên Polygon, Lens Protocol đã chuyển thành một chain riêng dựa trên ZK Stack vào tháng 5, dưới sự dẫn dắt của Avara, công ty phát triển nền tảng cho vay Aave.
Sophon: Blockchain mô-đun sáng lập bởi cựu thành viên ZKSync vào tháng 4, tập trung vào GameFi và AI với khả năng xử lý cao. Xây dựng trên ZK Stack, Sophon đã hợp tác với các hệ sinh thái như ZKSync, Beam, Zentry, và Aethir. Dự án đã gọi vốn thành công 10 triệu USD từ các quỹ lớn như Paper Ventures, Maven 11, Matter Labs, và OKX Ventures.
Zero Network: Mạng lưới blockchain đầu tiên do ví Zerion phát triển, không tính phí giao dịch cho người dùng. Thay vào đó, Zerion sẽ tài trợ phí và dự kiến hợp tác với các dapp để chia sẻ chi phí. Zero Network dự kiến triển khai mainnet vào quý 3 năm 2024.
GRVT: Sàn giao dịch phái sinh kết hợp giữa CEX và DEX, xây dựng trên ZK Stack và tập trung vào một ứng dụng duy nhất để tối ưu hóa cho sản phẩm. GRVT vừa huy động 2,2 triệu USD, nâng tổng số vốn lên 9,3 triệu USD với định giá 39 triệu USD, có sự tham gia của các quỹ như Delphi Digital và CMS Holdings.
5. Các đối thủ cạnh tranh
Elastic Chain hướng đến mục tiêu dài hạn là Chain Abstraction. Đây là một xu hướng tiềm năng nhưng cũng đi kèm với rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Trong lĩnh vực Layer 2, chỉ có 3 cái tên đáng chú ý là đối thủ trực tiếp: Arbitrum Orbit, Optimism Superchain và Polygon AggLayer.
Arbitrum Orbit là một sản phẩm của Arbitrum, cho phép các nhà phát triển tạo ra Layer 2 hoặc Layer 3 tùy chỉnh theo nhu cầu của dự án, từ hệ sinh thái lớn đến các ứng dụng đơn lẻ như Lending hay DEX. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho Ethereum, giúp mở rộng và tối ưu hóa mạng lưới.
Theo dữ liệu từ L2Beat, hiện tại có tổng cộng 52 dự án đang được xây dựng trên Arbitrum Orbit (không bao gồm Arbitrum One và Arbitrum Nova), bao gồm cả Layer 2 và Layer 3. Một số dự án nổi bật có thể kể đến như:
- Layer 2: re.al, Reya, Kinto, SX Network, Parallel,…
- Layer 3: Sanko, XAI, Rarichain, Proof of Play,…
- Sắp ra mắt: Frame, Injective, ApeChain, Gravity,…
Optimism Superchain: Đây là mạng lưới gồm các Layer 2 được xây dựng trên nền tảng OP Stack do Optimism phát triển, và các Layer 2 này được gọi chung là OP Chain. Cấu trúc của Superchain cho phép các dự án tương tác liền mạch với nhau, hướng tới mục tiêu mở rộng quy mô tương tự như Internet, mang lại trải nghiệm thống nhất và mượt mà hơn cho người dùng.
Tính đến thời điểm hiện tại, có tổng cộng 45 dự án được xây dựng trên OP Stack (không bao gồm Optimism), trong đó phần lớn là các Layer 2 định hướng phát triển thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, chiếm tới 30 dự án. Một vài cái tên nổi bật có thể kể đến như:
- Layer 2: Base, opBNB, Manta, Blast,…
- Layer 3: Ham, Frame Chain, Stack.
- Sắp ra mắt: Celo, Debank Chain, World Chain, Axonum,…
Polygon AggLayer: Là sản phẩm cốt lõi của Polygon 2.0, cung cấp giải pháp thống nhất cho phép tất cả các blockchain tương tác với nhau một cách liền mạch với hiệu suất cao.
Về cơ bản, AggLayer hoạt động như một bộ khung chuẩn hóa, cung cấp giao diện để các blockchain và giải pháp mở rộng có thể tương tác dễ dàng mà không cần sử dụng cầu nối từ bên thứ ba.
Theo dữ liệu từ L2Beat, hiện tại có 13 dự án (không tính 3 dự án của chính Polygon) đang sử dụng CDK của Polygon, chủ yếu là các Layer 2, nhưng chưa có dự án Layer 3 nào. Một số dự án nổi bật bao gồm:
- Layer 2: ZKFair, Astar zkEVM, GPT Protocol,…
- Sắp ra mắt: Canto, Swell, Palm,…
6. Lợi thế cạnh tranh và thách thức của Elastic Chain
6.1. Lợi thế cạnh tranh
- Account Abstraction: ZKsync là dự án đầu tiên tích hợp Account Abstraction, cho phép người dùng có thể linh hoạt trong việc quản lý tài sản, dùng bất cứ token nào để trả phí gas và sử dụng một tài khoản trên nhiều chain.
- Công nghệ tương lai: Mặc dù hiện tại zkRollup khó có thể cạnh tranh với các dự án khác về số lượng người dùng và nhà phát triển do độ phức tạp, nhưng về lâu dài, công nghệ ZK sẽ trở thành yếu tố cần thiết cho nhiều dự án nhờ khả năng bảo mật và hiệu suất cao mà nó mang lại.
- Khả năng tương tác: So với các đối thủ, Elastic Chain vượt trội nhờ khả năng tương tác mạnh mẽ với Ethereum và các chuỗi ZK, cùng với thời gian hoàn thành giao dịch nhanh chóng. AggLayer có tốc độ xử lý còn nhanh hơn, trong khi Superchain và Orbit hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển.
6.2. Thách thức
- Chuỗi chính: Tiền thân của ZKSync là một giải pháp thuộc nhóm zkRollup, sử dụng công nghệ rất phức tạp. Mặc dù đã tương thích với EVM, nhưng việc triển khai các dự án lên ZKsync vẫn gặp không ít khó khăn do tính phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao của công nghệ zkRollup.
- Xuất phát điểm: Elastic Chain đang có tốc độ phát triển chậm hơn so với Optimism và Arbitrum. Trong khi các đối thủ đã xây dựng hệ sinh thái vững chắc và đạt được nhiều cột mốc quan trọng. Các chuỗi ZK hiện tại của Elastic Chain vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm (testnet) và chưa có dự án nào hoạt động chính thức trên mainnet.
- Ngôn ngữ lập trình: Vì ZKSync phát triển theo hướng ZK nên chỉ hỗ trợ ngôn ngữ chuyên biệt Zinc, gây cản trở cho các nhà phát triển. Ngược lại, Arbitrum đã triển khai Stylus, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình phổ biến hơn, giúp thu hút các nhà phát triển dễ dàng hơn.
7. Tổng kết
Dù ra mắt muộn hơn so với các đối thủ, ZKSync vẫn có những lợi thế riêng. Đây là một cuộc đua đường dài và các dự án chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu, nên cần thêm thời gian để đánh giá chính xác tiềm năng. Hy vọng bài viết này của 5Money đã mang đến cho bạn thông tin hữu ích để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt.