1. DeFi là gì?
DeFi, viết tắt của Decentralized Finance (Tài chính phi tập trung) là hệ thống tài chính mà trong đó các tổ chức cung cấp dịch vụ một cách tự do, không bị kiểm soát thông qua blockchain, loại bỏ nhu cầu về bên trung gian thứ ba hoặc các tổ chức tập trung khỏi các giao dịch.
Trong DeFi, người tham gia sử dụng tiền mã hoá để cung cấp hầu hết các dịch vụ tương tự như các ngân hàng truyền thống như cho vay, vay, gửi tiết kiệm, giao dịch tài sản, mua/bán bảo hiểm, v.v.
2. Sự khác biệt giữa CeFi và DeFi là gì?
CeFi hay TradFi (Traditional Finance), tức tài chính truyền thống. Trong đó các thành phần như tổ chức, thị trường, công cụ tài chính đều được quản lý bởi một bên trung gian thứ ba (ngân hàng, sàn giao dịch…) và được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan chính phủ, nhà nước.
Trong khi đó, DeFi tận dụng tính minh bạch và phi tập trung của blockchain để loại bỏ các trung gian này. Với DeFi, bạn chỉ cần mạng Internet để truy cập tài sản của mình thông qua ví kỹ thuật số (thường là ví nóng) và tương tác với các nền tảng (DApps) để thực hiện giao dịch.
Sự khác biệt giữa DeFi và tài chính truyền thống
Việc sử dụng DeFi mang lại những lợi thế so với CeFi, bao gồm:
- Khả năng truy cập: Bất kỳ ai có kết nối internet đều có thể truy cập nền tảng DeFi và các giao dịch diễn ra mà không bị giới hạn về mặt địa lý.
- Phí thấp và lãi suất cao: DeFi cho phép bất kỳ hai bên nào đàm phán lãi suất trực tiếp và cho vay tiền mã hoá hoặc tiền thông qua mạng DeFi.
- Bảo mật và minh bạch: Các giao dịch thực hiện trên blockchain sẽ được lưu trữ hoàn toàn minh bạch trên sổ cái để ai cũng có thể xem xét được, ngoài ra Blockchain là bất biến, vì vậy các giao dịch này cũng không thể thay đổi được.
- Quyền tự chủ: Nền tảng DeFi không dựa vào các tổ chức tài chính tập trung. Bản chất phi tập trung của các giao thức DeFi giúp giảm thiểu nhu cầu và chi phí quản lý các dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, DeFi vẫn tồn tại những hạn chế so với tài chính truyền thống như tính pháp lý, quy định bảo hộ, rủi ro tài sản,… Chúng ta sẽ đề cập chi tiết hơn trong những phần tiếp theo.
3. Các thành phần của DeFi
Ứng dụng phi tập trung trong DeFi (hay còn gọi là dApp) thuộc nhiều mảng và cung cấp dịch vụ khác nhau cho người dùng:
3.1. Sàn giao dịch phi tập trung (DEX – Decentralized Exchange)
Sản giao dịch phi tập trung hay còn được gọi tắt là DEX, là một thành phần quan trọng trên blockchain, cho phép giao dịch ngang hàng mà không cần lưu ký tài sản.
DEX cho phép người dùng mua bán, swap, cung cấp thanh khoản,… đối với các tài sản tiền mã hoá. Mô hình hoạt động của DEX đa dạng, tạo ra một môi trường linh hoạt cho người dùng tham gia thị trường.
3.2. Hoạt động vay, cho vay và kiếm lãi suất (Lending/Yield Farming)
Đây là hoạt động cho phép người dùng khóa tiền của họ trong một bể thanh khoản (pool) và cho người khác vay để kiếm lợi nhuận từ lãi vay, hình thức này trong DeFi được gọi là yield farming.
Ví dụ: AAVE là một nền tảng Lending, cho phép người vay và người cho vay (cung cấp thanh khoản) tham gia vào nền tảng thông qua pool. Người vay có thể vay từ pool tài sản mà họ mong muốn và chấp nhận trả một khoản phí cùng một khoản lãi suất nhất định cho người cho vay, phần lãi suất này chính là lợi nhuận mà người cho vay kiếm được.
Hiện nay, thị trường còn xuất hiện hình thức giao dịch lợi nhuận, được giới thiệu bởi Pendle, giao thức cho phép người dùng khoá những token có thể sinh lời và nhận về YT-token, đại diện cho khoảng tiền gửi và lợi nhuận tương lai mà người dùng sẽ nhận được.
Một số dự án Lending & Borrowing
3.3. Stablecoin
Stablecoin là một loại tiền mã hóa được thiết kế để giữ giá trị ổn định bằng cách neo vào một tài sản khác, chẳng hạn như đô la Mỹ, euro, hoặc một rổ tài sản (Vàng, bạc,…).
Stablecoin phổ biến trên thị trường thường là những đồng được neo giá cố định với 1 loại tiền pháp định (fiat), điển hình như đồng USDT được neo giá 1:1 với đô la Mỹ, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng chuyển đổi từ đô la Mỹ sang USDT và ngược lại mà không bị ảnh hưởng bởi sự biến động mạnh từ thị trường.
Vai trò chính của stablecoin trong DeFi:
- Giảm rủi ro biến động giá: Stablecoin giúp người dùng tránh được sự biến động giá cao của các loại Crypto khác, làm cho việc giao dịch và lưu trữ tài sản trở nên an toàn hơn.
- Tăng tính thanh khoản: Stablecoin cung cấp thanh khoản cho các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) và các ứng dụng DeFi khác, giúp người dùng dễ dàng chuyển đổi giữa các tài sản khác nhau.
- Cung cấp cơ chế thế chấp và vay mượn: Trong nhiều giao thức DeFi, người dùng có thể sử dụng stablecoin làm tài sản thế chấp để vay mượn hoặc để tạo ra các sản phẩm tài chính phức tạp hơn.
3.4. Ví (Wallet)
Ví blockchain là nơi cho phép lưu trữ, chuyển, nhận, theo dõi số dư… các đồng coin/token hoặc NFT. Mỗi ví sẽ đi kèm với một public key (địa chỉ ví) và private key, người dùng có toàn quyền quyền truy cập và kiểm soát tài sản bên trong ví.
Ví dụ: Các loại ví nóng như ví MetaMask giúp bạn giữ và quản lý các loại tiền như ETH, BNB, ARB… cùng với nhiều loại coin, token khác hay cả những bộ sưu tập NFT.
3.5. Tổ chức tự trị phi tập trung (DAO – Decentralized Autonomous Organization)
DAO là các tổ chức dựa trên blockchain hoạt động tự chủ thông qua một bộ quy tắc được mã hóa trên blockchain. Mục đích chính của DAO nhằm:
- Quản lý phi tập trung: DAO cho phép các dự án DeFi được quản lý một cách phi tập trung, không cần dựa vào một thực thể duy nhất. Quyền lực và lợi ích được phân phối đồng đều hơn giữa các thành viên, thay vì tập trung vào một nhóm nhỏ.
- Minh bạch mọi quyết định: Mọi quyết định và giao dịch trong DAO đều được ghi lại trên blockchain, tạo ra một hồ sơ công khai và minh bạch.
- Quản lý tài sản và quỹ cộng đồng: DAO có thể quản lý và phân bổ các quỹ cộng đồng một cách hiệu quả và minh bạch. Các quyết định về chi tiêu và đầu tư đều được cộng đồng thông qua.
- Thúc đẩy sự tham gia và cộng đồng: DAO khuyến khích sự tham gia của cộng đồng thông qua việc cho phép mọi người đóng góp ý kiến và bỏ phiếu cho các quyết định quan trọng.
4. Các ngách đầu tư trong lĩnh vực DeFi
Tương tự như lĩnh vực tài chính truyền thống (CeFi), cũng có các ngách đầu tư thuộc nhiều mảng trong hệ sinh thái DeFi với đa dạng thành phần và mảnh ghép khác nhau như . Dưới đây là một số ngách đầu tư phổ biến trong DeFi:
- Liquidity Providing (Cung Cấp Thanh Khoản): Ngách này cho phép người dùng cung cấp thanh khoản cho các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) bằng cách gửi tiền vào các cặp giao dịch và kiếm lợi nhuận từ phí giao dịch. Điều này thường được thực hiện thông qua các giao thức như Uniswap, Pancakeswap, hoặc Curve.
- Yield Farming (Kiếm Lợi Nhuận): Người dùng tham gia vào các giao thức DeFi để kiếm lãi suất cao hoặc token thưởng. Người dùng thường phải khóa (stake) một số loại token nhất định để nhận được lợi nhuận. Các giao thức yield farming phổ biến bao gồm Compound, Aave, hay Yearn.Finance.
- Liquid Staking: Liquid Staking cho phép người dùng khóa tài sản tiền điện tử để staking mà vẫn giữ được khả năng thanh khoản. Điều này có nghĩa là người dùng nhận được một tài sản đại diện cho tài sản đã staking, và tài sản này có thể được giao dịch, cho vay, hoặc sử dụng trong các ứng dụng DeFi khác. Đây là mảng chiến lược trong thị trường DeFi, TLV đạt mức 52 tỷ đô tính đến tháng 7/2024 (Theo số liệu từ DefiLlama).
- Restaking và Liquid Restaking: Khái niệm Restaking được giới thiệu bởi EigenLayer, dự án cho phép tái đặt cược tokens từ giao thức Liquid Staking vào EigenLayer để kiếm thêm lợi nhuận. Liquid Restaking là trung gian giúp bạn tái đặt cược tài sản vào EigenLayer và cho nhận lại token đại diện cho thanh khoản của bạn trên EigenLayer.
- Lending & Borrowing (Vay và Cho Vay phi Tập Trung): Người dùng có thể vay và cho vay tài sản Crypto mà không cần phải qua một tổ chức trung gian. Họ có thể đặt cọc tài sản kỹ thuật số như Ethereum và mượn một loại tiền kỹ thuật số khác trong quá trình này. Các giao thức vay và cho vay phổ biến bao gồm Compound, MakerDAO, và Aave. Coin lending là mảng đầu tư đầy triển vọng trong Defi.
- Giao Dịch Ký Quỹ (Margin Trading): Người dùng có thể thực hiện giao dịch bằng cách đặt cọc một số tiền hoặc tài sản kỹ thuật số nhất định để mở vị thế giao dịch lớn hơn. Điều này có thể tăng cơ hội lợi nhuận nhờ đòn bẩy, đồng thời rủi ro cũng rất cao. Các nền tảng như dYdX cung cấp các dịch vụ giao dịch ký quỹ trong DeFi.
- Đầu tư IDO và Launchpad: Một số dự án DeFi cung cấp các cơ hội đầu tư thông qua việc phát hành token mới thông qua các các nền tảng mở bán Launchpad hoặc ICO (Initial DEX Offerings). Nhà đầu tư có thể mua token từ rất sớm với hi vọng rằng giá của chúng sẽ tăng sau này.
Đọc thêm: Top 5 dự án Share Revenue Defi tiềm năng hấp dẫn và ổn định
5. Tiềm năng và thách thức của DeFi là gì?
5.1. Tiềm năng của lĩnh vực DeFi
- Tăng cường Tiếp cận Tài Chính: DeFi loại bỏ rào cản địa lý và tài chính, cho phép bất kỳ ai với kết nối internet tiếp cận các dịch vụ tài chính. Điều này có ý nghĩa lớn đối với những người ở các quốc gia phát triển hoặc những người không có tài khoản ngân hàng.
- Tăng cường sự Minh Bạch: Công nghệ blockchain giúp ghi chép các giao dịch một cách minh bạch, không thể sửa đổi, giúp người dùng kiểm tra và xác minh giao dịch.
- Cải thiện hiệu suất: DeFi có thể cải thiện hiệu suất của các dịch vụ tài chính bằng cách giảm bớt thời gian và chi phí cần thiết cho các giao dịch. Các giao dịch thông qua các giao thức DeFi thường nhanh chóng và có chi phí thấp hơn so với các giao dịch truyền thống.
- Tạo nền tảng cho sự Đổi Mới: DeFi là một môi trường mà các nhà phát triển có thể thử nghiệm và triển khai các dự án mới mà không cần sự chấp thuận của bất kỳ tổ chức tập trung nào. Điều này tạo điều kiện cho sự đổi mới và sự phát triển nhanh chóng trong ngành.
5.2. Thách thức của lĩnh vực DeFi
Ngành tài chính phi tập trung (DeFi) đang phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều lợi ích tiềm năng, nhưng cũng đối mặt với một số thách thức lớn:
- Bảo mật và rủi ro Hacker: Các hợp đồng thông minh (smart contracts) thường là mục tiêu của hacker. Lỗ hổng trong các giao thức có thể dẫn đến mất mát tài sản lớn.
- Quy định và pháp lý: Thiếu rõ ràng về quy định pháp lý đối với DeFi ở nhiều quốc gia. Chính phủ có thể áp đặt các quy định nghiêm ngặt hoặc cấm hoạt động DeFi.
- Thanh khoản và độ ổn định: So với CeFi, tính thanh khoản của DeFi là rất thấp. Bởi CeFi được đảm bảo thanh khoản bởi các bên trung gian thứ ba, trong khi đó, DeFi vận hành gần như hoàn toàn bởi cộng đồng. Điều này khiến các dự án DeFi mới ở giai đoạn đầu sẽ đối mặt với vấn đề thanh khoản thấp.
- Trải nghiệm người dùng (UX): Các nền tảng DeFi hiện tại thường phức tạp và khó sử dụng đối với người mới.
6. Tổng kết
Thông qua bài viết trên, hy vọng giúp bạn trang bị kiến thức DeFi là gì và có kế hoạch đầu tư hiệu quả.
Nếu bạn mong muốn 5Money có thêm những bài viết về bất cứ chủ đề nào, đừng quên để lại bình luận và đăng ký nhận email từ 5Money để cập nhật kiến thức và tin tức về thị trường mỗi ngày!
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!