1. Data Availability (DA) là gì ?
Để hiểu rõ hơn thì chúng ta đi vào cấu trúc lớp (Layer) của một Blockchain. Điển hình như Blockchain Ethereum có 4 lớp cơ bản gồm: Execution, Settlement, Consensus và Data Availability. 4 lớp (Layer) của Ethereum tạo thành một khối thống nhất và không thể tách rời được gọi là cấu trúc Monolithic. Còn với Modular thì các dự án có thể được thay thế hay nâng cấp từng lớp vì nó là các phần tách rời nhau.
DA hay còn gọi là Data Availability Layer, là “lớp khả dụng dữ liệu” được dùng để lưu trữ các thông tin và dữ liệu trên Blockchain. Trong quá trình hoạt động thì 3 lớp Execution, Settlement, Consensus đều cần có DA.
Hiện tại, các dự án chuyên về DA thường được Layer 2 Rollup sử dụng nhiều nhất. Nhưng DA cũng có thể cho các Layer 1, Layer 3 hay chuỗi Modular bất kỳ.
2. Top các dự án Data Availability nổi bật
2.1 Celestia
Celestia là Modular Blockchain Layer 1 được phát triển bằng bộ công cụ Cosmos SDK. Dự án giới thiệu mô hình: lớp Execution tách biệt với lớp Settlement, Consensus và Data Availability. Dựa vào thiết kế này, Celestia cho phép bất kỳ dự án nào có thể sử dụng một hay nhiều lớp của nền tảng để xây dựng chuỗi hoặc dApp.
Trên Celestia, các Light Node có thể tham gia quá trình đồng thuận và xác minh dữ liệu mà không cần tải toàn bộ dữ liệu của khối. Điều này giúp mạng lưới Celestia rất dễ mở rộng, càng nhiều Node thì mạng lưới hoạt động càng nhanh và bảo mật cao.
Celestia chọn cách phân vùng dữ liệu khối thành nhiều không gian tên, mỗi dự án sẽ được hoạt động trên một vùng và mỗi vùng đều có mã riêng. Do đó, mọi ứng dụng dễ dàng tải xuống dữ liệu của chính nó và có thể bỏ qua dữ liệu của các ứng dụng khác.
Celestia cung cấp các lớp Execution, Settlement, Consensus và DA cho các dự án Modular, nhưng lớp DA được sử dụng nhiều hơn do nhu cầu cao từ thị trường Layer 2 đang tăng trưởng mạnh, cùng lợi thế về tốc độ và chi phí thấp. Bên cạnh đó, Celestia ra mắt DA trên mạng Mainnet khá sớm nên có nhiều khách hàng.
Một số cái tên sử dụng dịch vụ của Celestia như Aevo, Initia, Mode Network, Eclipse, Manta Network,… Và các dự án RaaS được kết nối như AltLayer, Astria, Caldera, Conduit, Vistara,… Cùng một số Framework hỗ trợ như Arbitrum Orbit, OP Stack, Dymension, Polygon CDK, Rollkit, Sovereign SDK.
Dự án huy động được 56.5 triệu USD từ các quỹ đầu tư như: Binance Labs, Bain Capital Crypto, Polychain Capital, Jump Crypto, Coinbase Ventures, Blockchain Capital,…
Token của Celestia là TIA, đã niêm yết trên các sàn Binance, Coinbase, OKX, Bybit, Kucoin,…
2.2 Avail
Ban đầu Avail được phát triển như một nhánh DA của Polygon nhưng sau lại tách ra và phát triển Avail thành một dự án riêng biệt. Do đó, không quá bất ngờ khi hầu hết đội ngũ của Avail đều đến từ Polygon.
Avail sử dụng công nghệ có đôi nét giống với Celestia khi tạo điều kiện thuận lợi cho các Light Node tham gia xác thực dữ liệu mà không cần tải toàn bộ dữ liệu khối. Quá trình này giúp tăng tốc độ mạng lưới và có nhiều Node tham gia vào mạng lưới.
Avail phát triển 3 sản phẩm chính gồm:
- Avail DA: Là lớp DA với khả năng mở rộng cao cho các chuỗi khối mô-đun.
- Avail Nexus: Là nền tảng zkRollup được phát triển trên lớp DA của Avail.
- Avail Fusion: Là lớp bảo mật tăng cường cho lớp cơ sở DA bằng cách cho phép dùng các tài sản như BTC, ETH và Token quản trị của các chuỗi sử dụng Avail DA làm cổ phần cho mạng lưới.
Avail DA sẽ là sản phẩm được Launch đầu tiên, dự kiến vào quý 2 năm 2024. Dự án cũng vừa huy động 27 triệu USD ở vòng Seed, chứng tỏ tiềm lực và hướng phát triển của dự án được đánh giá rất cao bởi các quỹ đầu tư tên tuổi như : Founders Fund, DragonFly Capital, SevenX Ventures,…
Lớp DA của Avail hỗ trợ các chuỗi có môi trường thực thi khác nhau như EVM, WASM. Ngoài ra, Avail DA cũng được liên kết để trở thành lớp DA của một số Appchains trên StarkNet.
Vì dự án chưa Mainnet cũng như ra mắt Token nên các bạn có thể tham gia trải nghiệm sớm hoặc vận hành node để có cơ hội nhận airdrop nhé!
2.3 EigenLayer
EigenLayer là dự án đầu tiên giới thiệu khái niệm Restaking đến thị trường Crypto. Cung cấp dịch vụ cho thuê AVS với độ bảo mật cao nhờ tận dụng ETH và tài sản phái sinh của ETH.
Nhận biết nhu cầu rất lớn từ thị trường DA nên EigenLayer đã phát triển riêng một lớp DA có tên là EigenDA. Sản phẩm này được thị trường đánh giá cao nhờ sức hút đến từ EigenLayer, dự án đang được quan tâm nhất ở thời điểm hiện tại với TVL đạt khoảng 9 tỷ USD.
EigenLayer huy động được gần 165 triệu USD từ các quỹ lớn như Blockchain Capital, Polychain Capital, Coinbase Ventures,… Đặc biệt với vòng gần nhất, A16z đã đầu tư 100 triệu USD vào dự án.
Một số dự án đang sử dụng EigenDA như Mantle, Celo,… Và EigenDA cũng được liên kết với Arbitrum Orbit, AltLayer,…
3. So sánh ưu và nhược điểm
Dự Án | Celestia | Avail | EigenDA |
Ưu Điểm | Khả năng mở rộng cao. Phát triển theo hướng chuyên cho lớp DA. Mainnet sớm nên chiếm được thị trường lớn. | Khả năng mở rộng cao. Phát triển theo hướng lớp DA có độ bảo mật cao và kết nối các chuỗi phía trên. | Khả năng bảo mật cao. Phát triển EigenDA chuyên hỗ trợ lớp DA cho các Layer 2, Layer 3. |
Nhược Điểm | Rủi ro bảo mật khi chỉ có khoảng 200 Validator trên mạng lưới. | Ra mắt chậm so với xu hướng. Bảo mật thấp khi chưa phát triển Avail Fusion. | Phí cao và tốc độ chậm hơn so với Celestia hay Avail. |
Qua bảng trên, chúng ta thấy được mỗi dự án đều có ưu hay nhược điểm riêng. Tùy vào nhu cầu của mỗi dự án mà có sự lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, Celestia đang là lớp DA được nhiều sự quan tâm, và hữu dụng nhất do tính mở rộng và ra mắt token rất sớm so với phần còn lại.
4. Tổng kết
Sự phát triển mạnh mẽ của Layer 2 ở giai đoạn này đang sinh ra nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng cho DA. Các dự án cũng tranh nhau đánh chiếm vùng đất màu mỡ này.
Celestia, Avail và EigenDA là 3 dự án cung cấp dịch vụ DA tốt nhất cũng như được nhiều dự án tin dùng nhất trên thị trường. Mỗi cái tên kể trên đều có ưu và nhược điểm riêng, đặc biệt là định hướng phát triển khác nhau để đáp ứng nhu cầu rất lớn về lớp DA cho các Layer 2 đang phát triển rất nhanh.