1. DAO là gì?
DAO (Decentralized Autonomous Organization) là hình thức tổ chức tự trị phi tập trung hoạt động dựa trên các hợp đồng thông minh (smart contracts) trên blockchain và là một thành phần của DeFi. DAO không có một thực thể trung tâm quản lý mà được điều hành bởi cộng đồng các thành viên thông qua các quy trình biểu quyết minh bạch.
Hiểu đơn giản DAO giống một cộng đồng tự quản lý, nơi mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên sự đồng thuận. Ở đây mỗi thành viên đều có quyền bỏ phiếu và để xuất, kết quả cuối được thông qua dựa trên biểu quyết.
2. Thành phần và cơ chế hoạt động của DAO
2.1. Các thành phần của DAO
Mỗi DAO sẽ có cơ chế và cách hoạt động khác nhau. Dưới đây là thành phần của một DAO cơ bản:
- DAO: được tạo lập bởi một nhóm sáng lập hoặc cộng đồng thông qua việc viết và triển khai các hợp đồng thông minh trên blockchain (ví dụ như Ethereum).
- Hợp đồng thông minh (Smart Contracts): Đây là các đoạn mã lập trình tự động chạy khi có các điều kiện được đáp ứng. Smart Contract sẽ thi hành các quy tắc hoạt động của DAO và phương thức phân phối token quản trị.
- Token quản trị (Governance Tokens): Các token này được phân phối cho các thành viên của DAO và thường được sử dụng để bỏ phiếu về các quyết định quan trọng của dự án.
- Thành viên (Members): Các thành viên mua hoặc nhận token quản trị thông qua các đợt phát hành token (ICO/IDO) hoặc bằng cách đóng góp vào DAO. Khi nắm giữ token bạn có thể đề xuất và bỏ phiếu về các thay đổi, dự án, và quyết định tài chính của tổ chức. Mỗi phiếu bầu thường được đếm dựa trên số lượng token mà bạn đang nắm giữ, thể hiện quyền lực quản trị tương ứng.
- Đề xuất (Proposals): Tại đây các bạn sẽ đưa ra các đề xuất thay đổi của mình, đó có thể là thay đổi cách dự án phân phối đợt airdrop hoặc thay đổi lãi suất, phần thưởng của một sản phẩm nào đó hay việc cấp vốn cho dự án mới.
- Bỏ phiếu (Voting): Sau khi các đề xuất được đưa ra, sẽ được chuyển đến phần bỏ phiếu. Tại đây những ai sở hữu token quản trị sẽ có quyền được bỏ phiếu các đề xuất mà mình muốn. Đề xuất nào đủ số phiếu bầu sẽ được thông qua.
- Thực hiện (Execution): Khi một đề xuất nhận được đủ phiếu bầu, hợp đồng thông minh tự động thực hiện quyết định đó mà không cần sự can thiệp của con người. Tất cả các quyết định, giao dịch, và thay đổi quy tắc được ghi lại trên blockchain, sẽ giúp đảm bảo tính minh bạch và bảo mật cao.
Để làm rõ hơn, trong phần này mình sẽ lấy ví dụ cho các bạn về một cuộc bỏ phiếu phê duyệt đề xuất gần đây của dự án Viction.
– Theo kế hoạch thì đầu tháng 05/2024, Viction Foundation đưa ra đề xuất nâng cấp mạng lưới: Saigon Network Upgrade Proposal, gồm các nội dung chính sau:
- Tăng supply của VIC lên 210 triệu token trong vòng 16 năm
- Thiết lập cơ chế Halving mới 4 năm/1 lần, kéo Yearly Inflation trở lại 4 triệu VIC mỗi năm trước halving đầu tiên
- Phân bổ 80 triệu VIC cho Viction Ecosystem Development Pool trong vòng 4 năm
Để thành công, đề xuất này phải đạt được số lượng bỏ phiếu lên đến 10 triệu VIC và trong số đó phải có hơn 50% phiếu bầu ủng hộ.
– Vì việc tăng supply sẽ làm cho giá trị token bị pha loãng gây ảnh hưởng đến các holder đang nắm giữ VIC, và đề xuất đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng thời điểm đó.
– Chính vì vậy, đề xuất này đã gián tiếp khiến giá Token VIC sụt giảm nghiêm trọng, kể từ khi đề xuất được đưa ra cho đến khi kết thúc thời gian bỏ phiếu, token VIC đã bốc hơi hơn 40% giá trị từ mốc $0.7/VIC xuống chỉ còn $0.41/VIC.
– Cuối cùng thì đến ngày 13/05/2024 mặc dù số lượng bỏ phiếu đồng ý đã lên đến 95% nhưng đề xuất này lại chỉ đạt được số phiếu bầu là 3.3 triệu VIC. Do đó, đề xuất đã bị từ chối và sau nay đến tận tháng 7 say khi điều chỉnh lại các nội dung thì 1 đề xuất mới của dự án được thông qua.
2.2. Cách thức hoạt động của DAO
Dưới đây là 5 bước cơ bản trong quy trình hoạt động của một DAO:
Bước 1 – Tạo đề xuất: Bất kỳ thành viên nào trong DAO cũng có thể đề xuất các ý tưởng hoặc hành động cho dự án. Điều này có thể bao gồm mọi quyết định liên quan đến dự án như phân bổ quỹ, nâng cấp công nghệ hay thậm chí là thay đổi cấu trúc tổ chức.
Bước 2- Thông báo đề xuất: Sau khi được tạo, đề xuất sẽ được thông báo đến tất cả các thành viên DAO, đặc biệt là những người có quyền bỏ phiếu. Điều này đảm bảo tính minh bạch và giúp các thành viên nắm được nội dung cụ thể của đề xuất.
Bước 3 – Bỏ phiếu: Các thành viên có quyền bỏ phiếu sẽ tham gia bỏ phiếu cho đề xuất. Quyền bỏ phiếu thường dựa trên số lượng token mà mỗi thành viên nắm giữ – người nắm giữ càng nhiều token, quyền lực bỏ phiếu càng lớn.
Bước 4 – Tổng hợp và kiểm tra kết quả: Smart contract sẽ tự động tổng hợp kết quả bỏ phiếu. Dựa trên các quy tắc đã được lập trình, smart contract sẽ xác định xem đề xuất có đạt đủ số phiếu cần thiết để được thông qua hay không.
Bước 5 – Thực thi: Nếu đề xuất được thông qua, smart contract sẽ tự động thực thi hành động liên quan. Ví dụ, nếu đề xuất liên quan đến việc chuyển token từ quỹ của DAO cho một dự án cụ thể, thì smart contract sẽ tự động thực hiện chuyển token mà không cần sự can thiệp của con người.
3. Các loại hình DAO
3.1 Token-Based DAO
Token-Based DAO là mô hình phổ biến nhất, trong đó quyền biểu quyết và tham gia quyết định của thành viên được xác định bởi số lượng token mà họ sở hữu. Mỗi token đại diện cho một phần quyền biểu quyết trong DAO. Bạn sở hữu càng nhiều token thì quyền biểu quyết càng lớn.
Ưu Điểm:
- Phù hợp cho các dự án có quy mô lớn: Token-Based DAO thường phù hợp với các tổ chức lớn, với nhu cầu về thanh khoản và tính phân quyền cao.
- Tính phân quyền cao: Bất kỳ ai sở hữu token đều có quyền tham gia vào quá trình biểu quyết, ra quyết định, đảm bảo tính dân chủ và phân quyền trong hoạt động của DAO. Ngoài ra, bạn còn có thể hưởng lợi trực tiếp từ sự phát triển của dự án.
- Thanh khoản: do các nhà đầu tư phải sở hữu token của dự án, nên đây cũng là một cách để các dự án DAO tạo thêm thanh khoản cho token dự án của mình.
Nhược Điểm:
- Tập trung quyền lực: Những cá mập nắm giữ nhiều token có thể có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của những dự án Token-Based DAO, dẫn đến việc quyền lực bị tập trung vào một nhóm nhỏ mà không phản ánh hết mong muốn của các nhà đầu tư.
- Rủi ro thị trường: Giá trị của token của dự án có thể bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường, làm giảm động lực tham gia của các nhà đầu tư.
Ví dụ:
- MakerDAO: Một trong những DAO lớn nhất đang quản lý đồng stablecoin DAI. Quyết định trong MakerDAO được thực hiện bởi những người nắm giữ token MKR. Hiện theo thông tin mới nhất thì dự án đã được đổi tên thành Sky với Token quản trị là SKY và stablecoin là USDS.
- Uniswap DAO: Đây là DAO quản lý sàn giao dịch phi tập trung Uniswap. Quyền biểu quyết và quản lý được thực hiện bởi người nắm giữ token UNI.
3.2. Share-Based DAO
Share-Based DAO có cách hoạt động giống như các công ty truyền thống, nơi quyền biểu quyết được phân bổ dựa trên số cổ phần (shares) mà mỗi thành viên sở hữu. Cổ phần có thể được phát hành và giao dịch, và mỗi cổ phần tương ứng với một quyền biểu quyết trong các quyết định của DAO.
Ưu Điểm:
- Phù hợp cho các dự án DAO có quy mô nhỏ và vừa: Share-Based DAO thích hợp cho các tổ chức nhỏ, nơi sự đóng góp và quyền lực của các cá nhân nhỏ lẻ có tác động nhiều hơn.
- Khuyến khích đóng góp thực tế: Cổ phần thường được cấp dựa trên những đóng góp cụ thể của các thành viên trong DAO nên để có thể sở hữu thì bạn phải tham gia tích cực vào các hoạt động của dự án.
- Ít tập trung quyền lực: Vì shares không thể dễ dàng mua bán như token, nên quyền lực trong Share-Based DAO thường được phân bổ đều hơn giữa các thành viên.
Nhược Điểm:
- Thiếu tính thanh khoản: Shares không thể được giao dịch tự do như token, làm giảm tính thanh khoản và cơ hội thu lợi nhuận cho các thành viên.
- Khó khăn trong việc mở rộng: Share-Based DAO có thể gặp khó khăn khi cần mở rộng quy mô, vì việc cấp shares yêu cầu sự phê duyệt của các thành viên hiện tại trong DAO.
- Cần quản lý phức tạp hơn: Việc quản lý cổ phần trong các dự án có thể phức tạp hơn, đặc biệt là khi DAO phát triển và số lượng thành viên tăng lên.
Ví dụ:
- The LAO: Một DAO chuyên về đầu tư mạo hiểm phi tập trung, nơi các thành viên đóng góp vốn và nhận lại cổ phần để tham gia vào việc quản lý quỹ đầu tư.
- MolochDAO: DAO tập trung vào việc tài trợ và phát triển các dự án cơ sở hạ tầng Ethereum, với quyền biểu quyết dựa trên cổ phần của thành viên.
4. Cơ hội và rủi ro khi đầu tư vào DAO
4.1. Cơ hội Đầu tư vào DAO
Khi tham gia vào các dự án DAO sẽ mở ra nhiều cơ hội tiềm năng cho bạn, một vài cơ hội rõ ràng có thể kể đến như:
- Lợi nhuận từ token: Đầu tư vào DAO thông qua việc mua token có thể mang lại lợi nhuận cao khi dự án phát triển tốt và token tăng giá trị. Token các dự án DAO thường tăng giá trị khi dự án chuẩn bị voting hoặc đạt được các mục tiêu và thu hút thêm nhiều thành viên tham gia.
- Tiếp cận sớm cơ hội đầu tư và phát triển mạng lưới quan hệ: Việc tham gia DAO cho phép bạn tiếp cận các vòng đầu tư sớm và các dự án nội bộ, mang lại cơ hội sinh lời. Đồng thời, bạn có thể mở rộng mạng lưới quan hệ với chuyên gia, lập trình viên trong dự án.
- Cung cấp dịch vụ tiếp thị cho dự án: Giống như bất kỳ dự án nào khác, DAO cần phải xây dựng thương hiệu và tiếp cận cộng đồng. Nếu bạn đang quản lý cộng đồng, hoặc có thể hợp tác với các cộng đồng để quảng bá cho dự án thì bạn có thể kiếm lợi từ việc hợp tác với các DAO.
Ngoài ra, một vài đề xuất khi được thông qua có thể sẽ được dự án phân phối phần thưởng khi bạn tham gia bỏ phiếu hoặc bạn chỉ đơn giản là đưa ra các đề xuất mới lạ, sáng tạo, là cũng có thể nhận được phần thưởng trong quỹ của DAO.
4.2. Rủi ro khi Đầu tư vào DAO
Rủi ro Kỹ thuật: Mặc dù hợp đồng thông minh mang lại nhiều lợi ích, nhưng chúng cũng có thể chứa lỗi hoặc bị tấn công. Một lỗi nhỏ trong hợp đồng thông minh có thể dẫn đến việc bị các hacker khai thác lỗ hổng và chiếm đoạt tài sản hoặc thay đổi các quyết định quan trọng trong hoạt động của DAO.
Quản lý Cộng đồng: Với số lượng thành viên đông và có nhiều ý kiến khác nhau, sự bất đồng quan điểm có thể làm chậm quá trình ra quyết định và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của DAO. Có thể có những quyết định quan trọng sẽ không được thông qua khi không đủ số lượng tối thiểu.
Biến động Thị trường: Cũng như các dự án khác, giá trị của token DAO có thể biến động mạnh do ảnh hưởng của thị trường. Hoặc biến động khi các đề xuất có lợi cho số đông không được thông qua. Vậy nên khi đầu tư các bạn cũng cần phải tìm kiếm và phân tích để tìm kiếm cho mình một thời điểm đầu tư thích hợp.
5. Kết luận
Với khả năng tự động hóa các quy trình và tăng cường tính minh bạch, DAO không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn mở ra cơ hội đầu tư và tham gia của mọi người trong cộng đồng, mang lại sự công bằng và minh bạch hơn trong các quyết định quản lý.
Hy vọng rằng thông qua bài viết này, các bạn đã có cái nhìn rõ hơn về cách thức hoạt động và lợi ích của DAO. Đừng quên theo dõi 5Money để cập nhật những thông tin mới nhất và các bài viết hữu ích về công nghệ và tài chính nhé!
Đọc thêm: Lista DAO là gì? Dự án được ươm mầm bởi Binance Labs