1. Tầm nhìn và vấn đề hiện tại của Web3
Web3 hướng tới một tương lai Internet phi tập trung và mã nguồn mở, nơi người dùng hoàn toàn kiểm soát dữ liệu của mình mà không bị can thiệp hay khai thác bởi các tổ chức trung gian. Điều này nhằm giải quyết những vấn đề về sự tập trung và vi phạm quyền riêng tư đang tồn tại trong thế giới Web2.
Mặc dù hứa hẹn nhiều tiềm năng, hiện tại Web3 vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu hút người dùng do trải nghiệm còn quá phức tạp. Để Web3 thành công, việc giải quyết những rào cản này là rất quan trọng. Nếu Web3 có thể đơn giản hóa cách người dùng tương tác với công nghệ mà không cần phải hiểu sâu về nó, thì sự chuyển mình từ Web2 sang Web3 sẽ trở nên dễ dàng và hấp dẫn hơn nhiều.
2. Chain Abstraction là gì?
Chain Abstraction là quá trình loại bỏ rào cản kỹ thuật, mang lại trải nghiệm người dùng đơn giản như Web2 nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi của Web3.
Trước đây, Account Abstraction (EIP-4337) đã đơn giản hóa việc quản lý tài khoản và thông tin giao dịch, là bước đầu khiến blockchain thân thiện hơn với người dùng. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để giải quyết hoàn toàn khó khăn của người dùng Web2.
Thông qua Chain Abstraction, những thao tác phức tạp về công nghệ sẽ không được đưa lên chính giao diện của người dùng mà thay vào đó là tính năng rất cơ bản không khác gì với các ứng dụng Web2 như đăng nhập, đăng ký, tạo tài khoản,… Đặc biệt là quá trình tương tác với sản phẩm sẽ được rút ngắn lại, thay vì ký xác nhận qua rất nhiều bước thì giờ đây chỉ cần một cú nhấp chuột.
Ví dụ như các thao tác như swap, lend & borrow, stake, quản lý tài sản, tương tác on-chain, thanh toán,…tất cả những bước này sẽ được tích hợp ở phía dưới UX, mang lại cho người dùng trải nghiệm Web3 không khác gì Web2.
3. Chain Abstraction giải quyết những rào cản như thế nào?
3.1 Tương tác với sản phẩm
Vấn đề: Các sản phẩm Web2 chỉ cần đăng nhập là sử dụng được ngay, nhưng với Web3, người dùng bắt buộc phải có ví kết nối với dự án. Mỗi thao tác đều phải thông qua giai đoạn ký xác nhận, gây ra trải nghiệm không liền mạch và phiền phức. Hãy tưởng tượng bạn nghe nhạc trên Spotify, khi chuyển bài phải ký xác nhận thì sẽ rất khó chịu.
Giải pháp: Cải tiến giao diện người dùng và quy trình xác thực để giảm thiểu số lần ký xác nhận. Tăng tốc độ và tối ưu hóa trải nghiệm người dùng để việc sử dụng Web3 trở nên dễ dàng và liền mạch hơn, tương tự như Web2.
3.2 Quy định và bảo mật
Vấn đề: Mặc dù đặc tính phân cấp và chống kiểm duyệt của Web3 mang lại quyền riêng tư cho người dùng, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cao cho các vụ tấn công và mất mát tài sản. Khi xảy ra tấn công, người dùng không được bảo vệ hoặc đền bù, khiến họ không dám mạo hiểm sử dụng các sản phẩm Web3.
Giải pháp: Áp dụng các quy định về sản phẩm dịch vụ mà vẫn giữ được quyền riêng tư và chống kiểm soát của Web3. Tăng cường bảo mật và thực hiện kiểm toán thường xuyên để tránh tấn công, bảo vệ tài sản người dùng một cách hiệu quả hơn.
3.3 Phân mảnh thanh khoản và tài khoản
Vấn đề: Thị trường ngày càng phát triển với nhiều blockchain mới, nhưng việc chuyển tài sản giữa các chain gặp nhiều khó khăn. Một số blockchain mới có thể không hỗ trợ tài sản từ các chain khác, gây rắc rối cho người dùng.
Giải pháp: Chain Abstraction cho phép người dùng sử dụng tài sản ở bất kỳ chain nào mà không cần chuyển đổi. Tài sản sẽ được chuẩn hóa, giúp người dùng dễ dàng kết nối và sử dụng các sản phẩm trên nhiều chain khác nhau mà không cần thay đổi tài khoản.
3.4 Biến động mạnh và phí gas
Vấn đề: Phí gas là vấn đề nhức nhối gây khó khăn cho người mới khi tiếp cận Web3 hiện tại. Ngoài ra, tính biến động của thị trường cũng dễ ảnh hưởng đến giá các loại coin làm phí, khiến người dùng không thể thực thi các tác vụ, phải chuyển thêm coin vào ví, làm trải nghiệm không liền mạch.
Giải pháp: Sử dụng stablecoin để thanh toán phí giao dịch, giúp người dùng tránh được tình trạng biến động giá. Điều này đảm bảo người dùng luôn có đủ tài sản để trả phí và duy trì trải nghiệm liền mạch.
3.5 Thiếu hỗ trợ trên các thiết bị
Vấn đề: Hầu hết các giao thức Web3 tập trung trên máy tính, thiếu hỗ trợ trên thiết bị di động, trong khi hàng triệu người dùng hiện nay đang sử dụng thiết bị di động. Sự tương tác giữa máy tính và điện thoại không trơn tru cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.
Giải pháp: Phát triển phiên bản di động cho các sản phẩm Web3, đảm bảo sự tương tác liền mạch giữa các thiết bị. Điều này sẽ giúp tiếp cận được lượng lớn người dùng hơn và nâng cao trải nghiệm người dùng trên mọi nền tảng.
4. Chain Abstraction hoạt động như thế nào?
Chain Abstraction sử dụng các giao thức và API tiêu chuẩn để kết nối nhiều blockchain khác nhau. Điều này giúp nhà phát triển có thể tạo ra một giao thức hoạt động trên nhiều blockchain, và người dùng có thể tương tác một cách mượt mà, không gặp trở ngại.
Chain Abstraction thường sẽ được đi theo hướng Middleware, Cross-chain,…Trong đó các Middleware đóng vai trò quan trọng nhất khi nó hoạt động như một lớp trung gian kết nối giữa người dùng và các blockchain. Middleware quản lý sự phức tạp khi các blockchain tương tác với nhau trong khi Cross-chain đảm bảo việc chuyển giao tài sản, dữ liệu giữa các sản phẩm trên nhiều chain khác nhau được diễn ra một cách liền mạch, tránh xảy ra xung đột.
5. TOP các dự án Chain Abstraction hiện tại
Ở thời điểm hiện đã có rất nhiều blockchain đang hướng tới áp dụng Chain Abstraction. Mỗi dự án đều có lối đi riêng nhưng tất cả đều hướng về một mục tiêu, tạo ra mộ hệ sinh thái hoàn chỉnh và thống nhất ngay từ đầu thay vì đi từng bước phát triển nhỏ.
Có 5 dự án nổi bật đang hướng đến Chain Abstraction là Xion, Near, AggLayer của Polygon, Superchain của Optimism và Particle. Mỗi dự án đều có chiến lược khác nhau:
– Xion: Đây là blockchain Layer1 được xây dựng nhằm đơn giản hóa những phức tạp của công nghệ Web3. Được phát triển với Chain Abstraction là cốt lõi, với mọi yếu tố của cơ sở hạ tầng được thiết kế để giải quyết các rào cản chức năng và và kỹ thuật của Web3.
Cấu trúc các lớp của XION
– Near: Là dự án dẫn đầu về Chain Abstraction, tập trung vào Account Aggregation, nghĩa là người dùng có thể thực hiện giao dịch trên bất kỳ chain nào thông qua một tài khoản và giao diện duy nhất. Giải pháp của của Near giúp cho người dùng Web2 hoặc cả những người dùng bên Web3 mới về mặt khó khăn khi sử dụng giao thức và di chuyển qua lại giữa các chain.
Cách tài khoản tương tác với blockchain của Near
– AggLayer của Polygon và Superchain của Optimism: Mục tiêu của Polygon và Optimism là xây dựng mạng lưới thống nhất giữa các blockchain được xây dựng trên toolkit của họ là CDK và OP Stack. Cụ thể là hai dự án này muốn thống nhất tính thanh khoản và có thể di chuyển qua lại giữa các blockchain được xây dựng trên đó một cách dễ dàng, giải quyết vấn đề thiếu tài sản và thanh khoản.
Mô phỏng ý tưởng của Polygon và Optimism
– Particle Network: Về ý tưởng gần giống với Near, khi Particle là một lớp đứng ở giữa người dùng và các blockchain, người dùng có thể sử dụng một tài khoản duy nhất, lượng tài sản có thể sử dụng được ở bất kỳ chain nào và có thể sử dụng bất kỳ token nào để thanh toán phí giao dịch
Cách người dùng tương tác thông qua Particle
Với mục tiêu khác nhau nên sẽ có những cách tiếp cận khác nhau, đối với Polygon và Optimism thì muốn việc thống nhất và di chuyển thanh khoản giữa chuỗi bằng cách xây dựng trên công cụ phát triển của họ, mục tiêu của Polygon và Optimism chỉ được giới hạn trong khuôn khổ duy nhất, không có ảnh hưởng đến toàn bộ các chain khác. Còn đối với Near và Particle lại có tiếp cận rộng hơn, có sức ảnh hưởng đến toàn bộ không gian blockchain.
Ngoài ra, hiện đang có 5 dự án nổi bật tập trung vào một mục đích duy nhất là Cross-chain là LayerZero, HyperLane, Axelar và Zetachain:
– ZetaChain là blockchain Layer 1 với cơ chế đồng thuận Proof of Stake được xây dựng trên Layer 0 Cosmos và có khả năng kết nối với đa dạng các blockchain khác như Ethereum, Solana, BNB Chain, Arbitrum, Optimism, zkSync,…. ZetaChain hướng tới hệ sinh thái ‘multi-chain’, nơi mà người dùng và nhà phát triển có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các blockchain khác nhau.
– LayerZero: Một giao thức tương tác đa chuỗi, cung cấp cơ sở hạ tầng cho các dApp có thể tương tác xuyên chuỗi. LayerZero trao quyền cho các nhà phát triển có thể biến dApp của mình thành các ứng dụng đa chuỗi, giúp đơn giản quá trình chia sẻ thông tin giữa các blockchain mà vẫn giữa nguyên tính bảo mật cho người dùng và cả dApp.
– Hyperlane: Về mặt ý tưởng khá tương đồng với Layer Zero, là một giao thức cung cấp dịch vụ cho phép các blockchain có thể tương tác với nhau một cách liền mạch. Ngoài ra Hyperlane cung cấp SDK dành cho các nhà phát triển có thể xây dựng các dApps có tích hợp tương tác đa chuỗi.
– Axelar: Một một dự án được xây dựng trên Cosmos SDK, sử dụng cơ chế đồng thuận Proof of Stake. Vì có cơ chế đồng thuận riêng nên được coi là một blockchain, mục tiêu chính của Axelar là cung cấp một giải pháp tương tác giữa các blockchain một cách thống nhất. Các nhà phát triển có thể sử dụng Axelar để xây dựng dApp tương tác với bất kỳ chuỗi nào chỉ bằng một cú nhấp chuột.
– Wormhole: Là một trong những giải pháp Cross-chain đầu tiên trên thị trường được sáng lập bởi quỹ đầu tư Jump Trading. Mục tiêu của Wormhole là hướng đến việc tương tác giữa các blockchain trở nên dễ dàng. Nhờ vào công nghệ chuyển tiếp thông tin và bộ công cụ phát triển của Wormhole cung cấp, các dApp được xây dựng có thể dễ dàng giao tiếp giữa các blockchain.
6. Tổng kết
Hiện tại, Chain Abstraction chỉ mới bắt đầu và chúng ta vẫn còn rất nhiều công việc phải thực hiện. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ có nhiều dự án mới tham gia vào cuộc đua này, với mục tiêu mở rộng khả năng tiếp cận đến hàng tỷ người dùng Web2. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của Web3 mà còn làm cho công nghệ trở nên dễ tiếp cận và hữu ích hơn đối với đại đa số người dùng.
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.
Tham gia Cộng đồng 5 Phút Crypto để thảo luận về kiến thức và kinh nghiệm đầu tư nhé!