1. BlackRock là gì?
BlackRock là tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất thế giới, được thành lập vào năm 1988 tại New York, Mỹ. Ban đầu, BlackRock tập trung vào việc cung cấp dịch vụ quản lý rủi ro và tài sản cho các tổ chức tài chính và đang dần có những bước tiến đáng chú ý trong việc tham gia vào thị trường crypto.
Tính đến quý 2/2024, BlackRock đang quản lý tổng tài sản trị giá khoảng 10.6 nghìn tỷ USD, với hoạt động đầu tư trải rộng trên nhiều loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và cả thị trường Crypto.
Tập đoàn nổi tiếng với dòng sản phẩm quỹ ETF iShares, được nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới sử dụng. Với tầm ảnh hưởng của mình BlackRock đóng vai trò quan trọng trong thị trường tài chính toàn cầu, cung cấp các giải pháp tài chính tiên tiến và dịch vụ tư vấn đầu tư cho các khách hàng cá nhân và tổ chức.
2. Đội ngũ và lịch sử phát triển của BlackRock
2.1 Đội ngũ phát triển của BlackRock
Đội ngũ phát triển của BlackRock do CEO và Chủ tịch Larry Fink dẫn đầu và một số thành viên quan trọng trong ban lãnh đạo:
- Larry Fink – CEO và Chủ tịch, chịu trách nhiệm về lãnh đạo tổng thể và định hướng chiến lược của công ty.
- Rob Kapito – Chủ tịch, người giám sát các chiến lược đầu tư của BlackRock trên toàn cầu.
- Martin Small – Giám đốc Tài chính (CFO), phụ trách hoạt động tài chính và chiến lược của công ty.
- Samara Cohen – Đứng đầu bộ phận iShares và Đầu tư theo chỉ số của BlackRock, dẫn dắt mảng kinh doanh ETF.
- Susan Chan – Đứng đầu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APAC) của BlackRock, định hướng chiến lược và tăng trưởng của công ty tại khu vực này.
2.2 Lịch sử phát triển của BlackRock
Được thành lập từ năm 1988, BlackRock đã phải trải qua rất nhiều thời kỳ thăng trầm của thị trường tài chính để trở thành một thế lực như ngày hôm nay. Chúng ta cùng điểm qua các dấu mốc chính của tập đoàn:
1988: BlackRock được thành lập bởi Larry Fink và một nhóm cộng sự. Nhà quản trị sinh năm 1951 đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các quỹ ETF, giúp chúng trở thành công cụ đầu tư phổ biến trên toàn cầu. Ở thời kỳ đầu BlackRock tập trung chủ yếu vào việc cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản và rủi ro.
1996: iShares, dòng sản phẩm ETF của BGI, chính thức ra mắt, trở thành một trong những sản phẩm ETF đầu tiên trên thế giới. Thông qua các quỹ này, các nhà đầu tư có thêm cơ hội tiếp cận thị trường tài chính với một cách linh hoạt hơn và chi phí thấp hơn.
2002: iShares mở rộng danh mục sản phẩm của mình với việc ra mắt 4 quỹ ETF trái phiếu đầu tiên là: LQD, SHY, IEF, TLT với chi phí thấp quản lý thấp và tính thanh khoản cao.
2009: BlackRock mua lại Barclays Global Investors (BGI) với giá 13.5 tỷ USD từ Barclays – tập đoàn tài chính và ngân hàng đa quốc gia lâu đời nhất thế giới. Thương vụ này đã mang lại cho công ty quyền sở hữu dòng sản phẩm ETF iShares của BGI, biến BlackRock trở thành công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới.
2012-2017: Tập đoàn tiếp tục mở rộng thêm các dòng sản phẩm ETF chuyên biệt, bao gồm các quỹ theo dõi các ngành cụ thể, các khu vực địa lý, và các loại tài sản như trái phiếu và hàng hóa. Ngoài ra, BlackRock cũng tập trung vào các sản phẩm ETF với chi phí thấp cho nhà đầu tư dài hạn. Trong năm tài chính 2017, BlackRock đã báo cáo lợi nhuận 4,970 tỷ USD, với doanh thu hàng năm là 12,491 tỷ USD, tăng 12% so với chu kỳ tài chính trước đó.
2018: BlackRock đạt cột mốc 2 nghìn tỷ USD tài sản quản lý trong các quỹ ETF iShares, xếp thứ 237 trong danh sách Fortune 500 của các tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ theo doanh thu, củng cố vị trí số một trên thị trường ETF toàn cầu. Cổ phiếu của BlackRock trong năm 2018 cũng được giao dịch ở mức hơn 414 USD mỗi cổ phiếu, nâng mức vốn hóa thị trường của tập đoàn lên hơn 61,7 tỷ đô la Mỹ.
2021-2023: BlackRock bắt đầu khám phá và tham gia vào thị trường crypto thông qua việc cung cấp các sản phẩm như: quỹ đầu tư vào Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác. Tháng 6/2023, BlackRock nộp đơn xin cấp phép cho quỹ Bitcoin ETF đầu tiên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của tập đoàn trong việc mở rộng sang thị trường Crypto.
3. Các sản phẩm quỹ Crypto
3.1. Sản phẩm iShares Bitcoin Trust (IBIT)
Tháng 06/2023, BlackRock đã nộp hồ sơ Quỹ tín thác Bitcoin iShares (IBIT) lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Đến 01/2024 cùng với 10 quỹ Bitcoin ETF giao ngay khác thì IBIT của BlackRock đã chính thức được chấp thuận. Đây là cột mốc quan trọng đối với công ty nói riêng và ngành Crypto nói chung. Việc chấp thuận này cho thấy, sự công nhận rộng rãi ngày càng tăng của các tổ chức tài chính truyền thống đối với tài sản kỹ thuật số.
Thông tin quỹ IBIT:
- Phí quản lý hàng năm: 0.25%. Tuy nhiên, trong năm đầu tiên hoặc cho đến khi quỹ đạt 5 tỷ USD tài sản quản lý thì phí này sẽ được BlackRock hỗ trợ chỉ còn 0.12% để thu hút các nhà đầu tư mới.
- Quy mô: Chỉ sau hơn 3 tháng ra mắt, IBIT đã trở thành quỹ Bitcoin lớn nhất thế giới với hơn 21 tỷ USD tài sản quản lý và 288,670 Bitcoin vượt qua Quỹ tín thác Bitcoin Grayscale (GBTC). Sự phát triển thần tốc của IBIT cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức về cơ hội đầu tư vào thị trường Crypto và tầm ảnh hưởng cùng năng lực đáp ứng của BlackRock.
3.2. Sản phẩm iShares Ethereum Trust (ETHA)
Tiếp nối thành công của IBIT, vào tháng 07/2024 quỹ EThereum ETF (ETHA) của BlackRock cùng 8 quỹ Ethereum ETF giao ngay khác đã chính thức được SEC chấp thuận.
- Phí quản lý hàng năm: 0.25%. Trong năm đầu tiên hoặc cho đến khi quỹ đạt 2.5 tỷ USD tài sản quản lý, thì phí này cũng sẽ được BlackRock hỗ trợ chỉ còn 0.12%.
- Quy mô: Mới hoạt động chưa đến 1 tháng nhưng quỹ ETHA đã quản lý số tài sản hơn 742 triệu USD.
3.3. Quỹ BUIDL (BlackRock USD Institutional Digital Liquidity Fund)
Vào tháng 3/2023, BlackRock đã ra mắt quỹ BlackRock USD Institutional Digital Liquidity (Gọi tắt là BUIDL) để phục vụ nhu cầu đầu tư các sản phẩm RWA.
BlackRock sẽ huy động vốn từ các nhà đầu tư và phân bổ số tiền đó vào tiền mặt, trái phiếu chính phủ Mỹ, hợp đồng thoả thuận mua lại, chứng chỉ tiền gửi,… để thu về lợi nhuận. Sau đó, công ty phát hành token BUIDL trên blockchain Ethereum và phân phối lại token này cho các nhà đầu tư, đại diện cho tài sản mà họ gửi vào quỹ.
Dù chỉ mới ra mắt nhưng BUIDL đã trở thành quỹ kho bạc được mã hóa trên blockchain lớn nhất với 514 triệu USD tài sản, xếp sau là quỹ BENJI của Franklin Templeton.
4. Tầm ảnh hưởng của BlackRock đến thị trường crypto
Việc một tập đoàn lớn như BlackRock tham gia vào thị trường Crypto tạo ra nhiều tác động tích cực:
Dễ tiếp cận các nguồn quỹ lớn: Các quỹ như IBIT và ETHA giúp nhà đầu tư và tổ chức dễ dàng tham gia vào thị trường Crypto, mang đến nguồn vốn lớn, tăng thanh khoản và tạo sự ổn định hơn cho thị trường.
Tăng tính hợp pháp và chấp nhận rộng rãi: Với uy tín của BlackRock, sự tham gia của họ cho thấy tiền mã hóa đang được công nhận nhiều hơn trong tài chính truyền thống, giúp tăng niềm tin và sự phổ biến của Crypto.
Quản lý chuyên nghiệp và uy tín: Các quỹ của BlackRock được quản lý bởi các chuyên gia tài chính hàng đầu, đảm bảo đầu tư hiệu quả, minh bạch và an toàn, giảm thiểu rủi ro gian lận và thao túng—điều mà nhiều sàn giao dịch Crypto khó làm được.
Tăng tính thanh khoản và dễ tiếp cận: Giao dịch quỹ trên sàn chứng khoán truyền thống giúp các “Cá voi” dễ dàng mua bán mà không ảnh hưởng lớn đến thị trường, giảm thiểu sự phức tạp và chi phí so với các sàn Crypto.
5. Kết luận
BlackRock là công ty quản lý quỹ ETF lớn nhất thế giới, không chỉ về quy mô tài sản mà còn về số lượng và đa dạng của các sản phẩm ETF của mình. Do đó, việc một tập đoàn lớn như BlackRock tham gia đầu tư vào tài sản số là một cột mốc quan trọng cho thị trường.
Với IBIT và ETHA, BlackRock đã mang Crypto tiếp cận với hàng nghìn tỷ USD nguồn vốn truyền thống gần hơn bao giờ hết. Thông qua bài viết này, 5Money hy vọng các bạn đã có thêm thông tin BlackRock là gì và tầm ảnh hưởng cũng như lợi ích của tập đoàn mang tới cho thị trường Crypto. Đừng quên đăng ký email để cập nhật thông tin và các bài viết mới nhất của 5Money nhé!
Đọc thêm: Grayscale là gì? Cá mập quản lý tài sản số lớn nhất thế giới