1. Arbitrum là gì?
Arbitrum là Blockchain Layer 2 nhằm mở rộng mạng lưới Ethereum. Với hai chuỗi là Arbitrum One và Arbitrum Nova, giúp người dùng tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ giao dịch một cách đáng kể so với giao dịch trực tiếp trên Ethereum.
Arbitrum là một chuỗi tương thích với EVM, cho phép các nhà phát triển xây dựng các dApp bằng ngôn ngữ Solidity. Các dApp trên các chuỗi EVM khác cũng có thể dễ dàng chuyển sang Arbitrum. Đặc biệt, với bản nâng cấp Stylus, nền tảng sẽ hỗ trợ thêm các ngôn ngữ như Rust, C, và C++ giúp tiếp cận hàng triệu nhà phát triển trong web2.
Arbitrum hiện đang dẫn đầu trong các dự án Layer 2 với tổng tài sản trên chuỗi lên đến 17 tỷ USD cùng hệ sinh thái gần 1 nghìn dApp. Và là cái tên nổi bật nhất trong “Tứ Trụ Layer 2 Ethereum“, gồm 4 dự án Optimism, Arbitrum, zkSync & StarkNet.
2. Đội ngũ phát triển
- Steven Goldfeder (Co-Founder & CEO): Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học máy tính tại Princeton University và đang thực hiện các nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Cornell Tech.
- Harry Kalodner (Co-Founder & CTO): Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học máy tính tại Princeton University. Chưa có kinh nghiệm làm việc trong các công ty lớn trước khi tham gia thành lập Offchain Labs.
- Ed Felten (Co-Founder & Chief Scientist): Ông từng tốt nghiệp Tiến sĩ tại University of Washington và hiện đang là Giáo sư ở Princeton University. Ông từng làm Kỹ sư trưởng tại FTC (Ủy Ban Thương Mại Liên Bang Mỹ) và Phó giám đốc công nghệ cho Chính phủ Hoa kỳ.
Đội ngũ sáng lập Arbitrum gồm những người có trình độ học vấn cao, nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, chỉ từng làm thực tập sinh tại các công ty lớn như Google, Apple và Microsoft. Đáng chú ý, có Ed Felten là thành viên dày dặn kinh nghiệm, từng giữ vị trí Kỹ sư trưởng tại Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Phó Giám đốc Công nghệ cho Chính phủ Hoa Kỳ.
3. Quỹ đầu tư
- 03/04/2019: Vòng Seed huy động 3.7 triệu USD được dẫn đầu bởi Pentera Capital và sự tham gia của Compound VC.
- 31/08/2021: Vòng Series B huy động thành công 120 triệu USD với sự dẫn đầu của Lightspeed Venture, cùng các quỹ như Pantera Capital, Polychain Capital, Ribbit Capital, Redpoint, Mark Cuban, eGirl Capital, Manifold Trading,…
Arbitrum huy động được tổng là 123.7 triệu USD qua 2 vòng với Pantera Capital và Lightspeed dẫn đầu mỗi vòng. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như Polychain Capital, Mark Cuban, eGirl Capital, Manifold Trading,…
4. Sản phẩm của Arbitrum là gì?
4.1 Arbitrum One
Arbitrum One là chuỗi Layer 2 sử dụng công nghệ Optimistic Rollup, cung cấp nền tảng xây dựng mọi dApp với phí giao dịch rẻ và tốc nhanh hơn so với Ethereum. Mục tiêu của Arbitrum One là phục vụ các dự án DeFi khi hi sinh một phần tốc độ để đổi lấy độ bảo mật cao cho mạng lưới.
Optimistic Rollup là công nghệ giúp Layer 2 tăng tốc độ và giảm chi phí giao dịch. Nó tập hợp nhiều giao dịch thành một gói và gửi lên blockchain chính (Ethereum). Hệ thống tin tưởng các giao dịch này là hợp lệ nhưng có cơ chế kiểm tra gian lận khi cần. Điều này giảm tải cho blockchain chính mà vẫn đảm bảo an toàn.
Sử dụng Optimistic Rollup thì mạng lưới Arbitrum One sẽ có 1 số ưu và nhược điểm sau:
Ưu điểm
- Phí giao dịch thấp vì không cần tạo bằng chứng cho từng giao dịch, chỉ những giao dịch bị tố cáo gian lận mới yêu cầu bằng chứng.
- Mạng lưới được bảo mật ngay cả khi chỉ có ít nhất một người trung thực tham gia, mặc dù điều này không có nghĩa là bảo mật cao nhất.
- Ít tốn nguồn lực để xây dựng nhờ công nghệ dễ phát triển và chuỗi không cần phải có đủ 4 lớp: Execution, Settlement, Consensus, DA như Layer 1.
- Tăng thông lượng nhờ gộp nhiều giao dịch Layer 2 lại để xử lý như một giao dịch trên Layer 1.
- Bảo mật dựa trên Ethereum với việc xác thực giao dịch và lưu trữ dữ liệu.
Nhược điểm
- Việc rút tiền chậm, thường mất 7 ngày do thời gian chờ để giao dịch được xác nhận trên Ethereum.
- Bảo mật chuỗi Arbitrum thấp hơn so với các Layer 2 sử dụng công nghệ ZK Rollup như ZKsync, StarkNet do không tạo bằng chứng và xác thực từng giao dịch.
- Khó mở rộng quy mô do hạn chế của công nghệ Optimistic Rollup. Để các nhà bảo mật tìm các giao dịch sai trong khối chứa hàng chục hoặc hàng trăm giao dịch là không đơn giản, làm cho việc mở rộng lên hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn giao dịch mỗi khối trở nên khó khăn.
4.2 Arbitrum Nova
Arbitrum Nova là chuỗi Layer 2 sử dụng công nghệ AnyTrust do chính đội ngũ Offchain Labs phát triển nhằm mang lại khả năng mở rộng cao hơn cho mạng lưới Ethereum.
Về công nghệ, AnyTrust sẽ lưu trữ dữ liệu Offchain thay vì Onchain trên Ethereum như Optimistic Rollup. Nhờ đó, Arbitrum Nova có tốc độ nhanh và phí rẻ hơn nhiều so với Arbitrum One. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc độ bảo mật trên Arbitrum Nova rất thấp. Do đó, mục tiêu của nền tảng này là phục vụ các dApps cần tốc độ như SocialFi, Game hay NFT.
4.3 Arbitrum Orbit
Arbitrum Orbit là sản phẩm mới nhất của Arbitrum nhằm thúc đẩy sự phát triển của các giải pháp Layer 2, Layer 3 trên Ethereum. Đây là quân bài chiến lược của Arbitrum để mở rộng hệ sinh thái cạnh tranh với Superchain của Optimism.
Các nhà phát triển có thể sử dụng bộ công cụ Orbit Stack để xây dựng chuỗi Layer 2 hoặc Layer 3:
- Layer 2 là chuỗi Optimistic Rollup (tương tự Arbitrum One) hoặc chuỗi AnyTrust (tương tự Arbitrum Nova) trên Ethereum.
- Layer 3 là chuỗi khởi chạy trên Arbitrum Nova hoặc Arbitrum One hoặc bất kỳ chuỗi Orbit khác. Các Layer 3 sử dụng chuỗi Arbitrum Nova làm lớp cơ sở sẽ được tốc độ và phí rẻ phù hợp để phát triển sản phẩm về Game, Social, AI còn Layer 3 sử dụng lớp cơ sở là Arbitrum One thì được độ bảo mật cao phù hợp cho sản phẩm về DeFi, Oracle.
Với Orbit Stack, các nhà phát triển có thể tạo chuỗi một cách nhanh chóng chỉ qua vài bước nhấp chuột, cho phép tùy chỉnh mã thông báo gas, phí giao dịch, tốc độ, và bảo mật theo nhu cầu. Vì vây, sản phẩm này rất phù hợp cho các dApps muốn xây dựng chuỗi riêng.
4.4 Tổng quan hệ sinh thái Arbitrum
Hệ sinh thái Arbitrum rất sôi động với gần 1 nghìn dự án đang hoạt động. Trong đó, lĩnh vực DeFi là mũi nhọn của hệ sinh thái này với 354 dự án, chỉ xếp sau Ethereum. Có khoảng 20 tỷ USD giá trị tài sản tồn tại trên chuỗi Arbitrum và khoảng 15% trong số đó, tương đương 3 tỷ USD chảy vào các dự án DeFi.
Lending là mảng lớn nhất trên Arbitrum, chiếm hơn 30% thị phần trên hệ sinh thái. Các mảng DEX, Derivative, Yield & Liquid Staking tuy xếp sau nhưng không có cách biệt quá lớn so với Lending. Cho thấy thanh khoản được phân bố đều và có nhiều mảng cùng phát triển trong DeFi trên Arbitrum. Tuy nhiên, hệ sinh thái Arbitrum cũng còn một số mảng còn kém phát triển như Option, CDP và RWA.
GMX là cái tên dẫn đầu hệ sinh thái Arbitrum cũng như mũi nhọn DeFi, khởi nguồn cho phong trào Real Yield. Nhưng kể từ tháng 3 năm 2024, với sự đổ độ của các giao thức Multichain thì danh hiệu này đã bị cướp đi bởi Aave.
Một số dự án nổi bật trên hệ sinh thái Arbitrum:
- DEX: Uniswap, Camelot, Trader Joe, Ramses Exchange,…
- Lending: Aave, Compound, Radiant, Silo Finance,…
- Derivatives: GMX, Vertex, Orderly, IPOR, Aevo,…
- Yield: Pendle, Magpie, Beefy, Gearbox,…
- Cross-chain: Stargate Finance, Synapse, Hop Protocol,…
5. Tokenomics
5.1 Thông tin Token
Tên Token | ARB |
Blockchain | Arbitrum |
Contract | 0x912ce59144191c1204e64559fe8253a0e49e6548 |
Chuẩn Token | ERC 20 |
Mảng | Layer 2 |
Tổng cung | 10 tỷ |
Sàn niêm yết | Binance, OKX, Kucoin, Kraken, Bybit |
5.2 Token Allocation và Token Vesting
- DAO Treasury – 35.28%: Quỹ dự trữ cho DAO sẽ được phân bổ dựa trên đề xuất cộng đồng.
- Team & Advisors – 26.94%: Phân bổ cho đội ngũ phát triển và cố vấn, sẽ bị khóa trong năm đầu tiên sau đó trả dần hàng tháng trong 3 năm tiếp theo.
- Investors – 17.53%: Phân bổ dành cho các quỹ đầu tư với thời gian khóa 1 năm và trả dần hàng tháng trong 3 năm tiếp theo.
- Airdrop – 11.62%: Phân bổ dành cho Airdrop cho người người dùng sớm.
- Arbitrum Foundation – 7.50%: Quỹ dành cho các chương trình, sự kiện để phát triển hệ sinh thái Arbitrum.
- DAOs in Arbitrum Ecosystem – 1.13%: Phân bổ để dùng làm incentive cho hệ sinh thái ban đầu, đã unlock 100%.
Phân bổ đồng ARB hợp lý khi chưa đến 45% dành cho đội ngũ phát triển và nhà đầu tư. Trong khi có đến khoảng 44% dùng để phát triển dự án và hệ sinh thái với 1.13% cho chương trình incentive lúc vừa ra mắt đồng ARB. Đặc biệt là đợt airdrop rất hiệu quả với 11.62% tổng cung phân bổ hơn 600 nghìn địa chỉ ví, mỗi ví cũng nhận được hàng nghìn USD.
Tính đến thời điểm hiện tại có khoảng 33% trong phân bổ 44.5% của team và investors đã mở khóa, tiếp tục sẽ có 92.63 triệu ARB (tương đương với 0.93% tổng cung) được mở khóa mỗi tháng cho đến tháng 03/2027.
5.3 Token Use Case
Đồng ARB hiện chỉ được dùng để tham gia quản trị trong Arbitrum DAO thông qua voting.
6. Lộ trình phát triển
Sắp tới Arbitum sẽ có những điều đáng chú ý sau:
- Cập nhật Stylus trên chuỗi chính để hỗ trợ nhiều ngôn ngữ hơn như Rust, Solidity, C+, C++,…
- Sử dụng 200 triệu ARB tài trợ và đầu tư vào các dự án Game nhằm thúc đẩy sự phát triển của mảng này.
- Xây dựng hệ sinh thái Orbit với các chuỗi Layer 2, Layer 3 nhằm tăng khả năng mở rộng cho Ethereum và xây dựng một hệ sinh thái đa chuỗi xung quanh Arbitrum.
7. Tiềm năng và thách thức
7.1 Tiềm năng
- Arbitrum đã có được vị thế nhất định trong thị trường, cụ thể là top 5 chuỗi và top 1 Layer 2 có TVL cao nhất, cùng hệ sinh thái rộng lớn với hơn 1000 dApps.
- Bộ công cụ Orbit Stack giúp xây dựng các Layer 2, Layer 3 nhanh chóng chỉ với vài cú click chuột rất thân thiện với nhà phát triển.
- Sử dụng công nghệ Optimistic Rollup giúp Arbitrum mang lại phí rẻ và tốc độ giao dịch nhanh hơn Ethereum.
7.2 Thách thức
- Lo lắng về bảo mật của nền tảng do không tạo bằng chứng cho mỗi giao dịch được gửi đến Ethereum.
- Mất 7 ngày để xác thực giao dịch Arbitrum trên Ethereum, độ trễ lớn và tạo rào cản với người dùng khi mất nhiều thời gian để rút tiền.
- Khó mở rộng quy mô hơn do hạn chế của công nghệ chứng minh từ Optimistic Rollup.
- Arbitrum đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong mảng Layer 2 với các cái tên như Base, Optimism, Blast, Linea hay một số dự án mới như MegaETH, Eclipse, Movement Labs,…
8. Kênh thông tin của Arbitrum
9. Tổng kết
Arbitrum đang chiếm ưu thế lớn khi dẫn đầu xu hướng Layer-2 hiện tại. Tuy nhiên, cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt, đòi hỏi dự án phải liên tục đổi mới và đưa ra các chương trình nhằm thu hút người dùng đến hệ sinh thái.
Qua bài viết này, hy vọng 5Money đã cung cấp cái nhìn tổng quan về Arbitrum là gì cũng như tiềm năng và thách thức của dự án để đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn nhất nhé!
Đọc thêm: Ethena là gì? Nguồn gốc của Stablecoin có APR hơn 30%